Thứ năm, 18/04/2024

Chỉ mục bài viết


Hồ Chủ tịch, hình ảnh của dân tộc*

BÌNH SINH

Bình sinh Hồ Chủ tịch là người rất giản dị, lão thực. Vĩ nhân, thật vĩ nhân bao giờ cũng giản dị, lão thực. Đã cầu kỳ là thiếu bản lĩnh, cố làm trò để đánh lừa thiên hạ và hậu thế. Vua Nghiêu, vua Thuấn, chúa Giêsu là những người giản dị, lão thực. Ông Lênin, ông Tôn Văn, thánh Găngđi cũng là những người giản dị, lão thực. Bậc đại khoa học, đại văn hào cũng vậy. Trái lại, Hítle là một kẻ gian hùng. Còn bên cạnh Hítle, Mútxôlini chỉ là một thằng hề.

Xem một đôi bức ảnh Hồ Chủ tịch, có người nói mắt Người có hai con ngươi, và tin rằng vì chỗ đó, Người là một ông thánh. Làm gì có chuyện hoang đường như thế. Mắt Hồ Chủ tịch cũng như mắt mọi người, sáng hơn mắt mọi người nhiều lắm đã đành, nhưng sáng hơn vì Người biết nhìn, nên nhìn thấy những cái mọi người không nhìn thấy: Hiện tại, tương lai, cái nhỏ, cái to.

Hồ Chủ tịch là người Việt Nam, Việt Nam hơn người Việt Nam nào hết. Ngót ba mươi năm bôn tẩu bốn phương trời, Người vẫn giữ thuần tuý phong độ, ngôn ngữ, tính tình của một người Việt Nam. Ngôn ngữ của Người phong phú, ý vị như ngôn ngữ người dân quê Việt Nam; Người khéo dùng tục ngữ, hay nói ví, thường có lối châm biếm kín đáo và thú vị. Làm thơ, Người thích lối ca dao, vì ca dao là Việt Nam cũng như núi Trường Sơn, hồ Hoàn Kiếm hay Đồng Tháp Mười vậy. Mấy mươi năm xa cách quê hương, Người không quên mùi vị những thức ăn đặc biệt Việt Nam như cà muối, dưa chua, tương ớt, và ngày thường bây giờ, Người vẫn ưa thích những thứ ấy. Ngay sau khi về nước, gặp Tết, Người không quên mừng tuổi đồng bào hàng xóm và quà bánh cho trẻ em, tuy chỉ có mấy đồng xu, nhưng cũng bọc giấy hồng đơn cẩn thận, tươm tất. Bình sinh như thế, đứng địa vị Chủ tịch Chính phủ kháng chiến kêu gọi quốc dân, Người dùng những lời nói thống thiết đi sâu vào tâm hồn Việt Nam:

“Nhiễu điều phủ lấy giá gương,

Người trong một nước phải thương nhau cùng”1

Lối ăn ở của Hồ Chủ tịch giản dị như thế nào, chúng ta đã từng biết. Lúc ở chiến khu, Người sống chung với anh em trong một cơ quan, làm việc, học tập, ăn ở sinh hoạt nhất nhất như anh em. Có những lúc vì gạo thiếu hay khí hậu nặng, cần ăn ít một chút, Người cũng vui vẻ chịu đựng cùng anh em. Kể ra, Người có chỗ được biệt đãi: Đó là bát nước cơm mà anh Lộc, đồng chí cấp dưỡng lành nghề và thân mến của chúng tôi lúc ấy, bao giờ  cũng để dành riêng cho người, từ biên giới Cao Bằng cho đến Tân Trào, trước khi về Hà Nội. Ở Hà Nội, Chủ tịch Chính phủ có phòng làm việc, phòng tiếp khách, nhiều khi chủ tọa những bữa tiệc long trọng, nhưng bình thường ngày hai bữa Chủ tịch Chính phủ cùng nhân viên đều ăn chung. Nhiều lần, vì đến quá trễ, thức ăn không còn gì, Hồ Chủ tịch vẫn vui cười ăn đủ mấy bát cơm thường lệ.

Người vẫn thích đi bộ, tắm sông, hút thuốc lá và thỉnh thoảng uống một ly rượu thuốc trong bữa cơm. Trước đây, Người đi bộ một ngày 50 cây số là thường và có thể đi như thể ngày nọ qua ngày kia. Lúc ở Côn Minh, sáng nào Người cũng đi bộ một vòng quanh thành phố. Ở Liễu Châu, mùa đông, một hôm tướng Trương Phát Khuê đi ngựa dạo buổi sớm gặp Người tắm trên sông, Trương tướng quân lấy làm lạ một người ở phương Nam Châu Á chịu rét giỏi đến thế. Ở Cao Bằng, có lúc cơ quan đóng tại một cái suối lớn vừa ở trong hang đá chảy ra, nước trong xanh biếc dưới bóng mát của rừng cây; Hồ Chủ tịch suốt ngày làm việc ở đó với cái máy chữ "Hétmét” luôn luôn đi theo Người từ năm 1938 đến khi về Hà Nội.

Ở rừng, Hồ Chủ tịch chủ trương tránh ăn no, không ngủ trưa và hoạt động thân thể, buổi sáng thể dục, buổi chiều làm vườn, lúc cần đi vác củi cho đồng bào. Suốt trong thời gian ở thượng du Bắc Bộ, trước cuộc khởi nghĩa, nhiều ngày Người luôn tay nắm một hòn đá tròn bầu dục, cất để luyện gân tay và hoạt động cơ thể. Người ít ưa dùng thuốc, chỉ lúc nào sức cơ thể chống không nổi bệnh thì mới dùng. Ở Hà Nội, bác sĩ Tùng, bác sĩ Cẩn chuyên lo sức khoẻ của Người, nhưng không mấy khi Người phiền đến. Ở Pháp, anh em buộc bác sĩ Cưu ở bên cạnh Người, nhưng rồi bác sĩ làm việc văn phòng nhiều hơn việc thầy thuốc. Sinh hoạt chiến khu thường cực lắm. Có lần suốt mấy tháng mùa mưa, Hồ Chủ tịch ở trong một cái hang chật hẹp, ẩm thấp, ban đêm sâu bọ ở ngoài tràn vào. Lúc ấy vì cơ sở quần chúng kém, nên phải ẩn nấp trong hang cùng, và cũng vì cơ sở quần chúng kém, nên dẫu ẩn núp trong hang cùng và cũng không yên, thường vẫn phải chạy “cảnh báo”. Hễ có "cảnh báo” là phải mang hết đồ đạc chạy lánh đến một chỗ an toàn hơn. Lúc ấy Hồ Chủ tịch yếu, nhưng bất kỳ đêm ngày, hễ có tin địch là mấy phút sau Người đã sẵn sàng trước anh em, tay xách máy chữ.

Lúc đến Pháp, ngay hôm gặp đầu tiên, lối ăn ở giản dị của Hồ Chủ tịch làm cho kiều bào rất cảm động. Hôm ấy, tại Biarít, đại biểu kiều bào đến thăm Người, hồi hộp và sung sướng. Khách đông, phòng khách không đủ ghế ngồi, giản dị Hồ Chủ tịch ngồi xuống sàn và mời mọi người ngồi thế nói chuyện. Đây không phải vị Chủ tịch Chính phủ, đây là Cha già của dân tộc ân cần và thân mật hỏi thăm đàn con bao năm lưu lạc ở quê người.

Hồ Chủ tịch, người giản dị ấy, cũng là người lịch sự một cách thanh tao cao quý và mọi người ngoại quốc có dịp tiếp chuyện Người đều ca ngợi cái phong độ thanh tao cao quý mà họ cho là đặc sắc của người phương Đông. Ở chiến khu, trong cơ quan, Hồ Chủ tịch thường mặc một bộ đồ xanh, chân đi đất; về Hà Nội, Người mặc một bộ đồ khía, chân đi giầy vải nhưng sang Pháp thì Người mang giầy da và mặc một bộ đồ nỉ, cổ đứng. Ở Pari, có ngày Hồ Chủ tịch tiếp luôn ba bữa cơm khách, bữa sáng với bạn thân, bữa trưa với khách thường, bữa tối với khách đặc biệt, mỗi bữa có khi kéo dài ba tiếng đồng hồ, nhưng Hồ Chủ tịch thuỷ chung vẫn ân cần niềm nở.

Hồ Chủ tịch rất vui tính, vì vốn có cái tính lạc quan của những người quyết chiến quyết thắng ngày nay và quyết xây đắp đời sống tốt đẹp cho dân tộc ngày mai. Trong những bữa cơm, tiệc trà thân mật giữa nhân viên cao cấp Chính Phủ, Hồ Chủ tịch vui thú, nói chuyện, làm thơ, khôi hài. Một đôi khi Người thoạt đến những buổi dạ hội tưng bừng ở Nhà hát Lớn Hà Nội, các cháu thiếu nhi quây quần lại, nhưng một lát sau, Người nhẹ bước biến đi đâu mất. Người thích hoa và có kể câu chuyện ở Nga cũng như ở các nước Âu, Mỹ, người ta dùng máy bay chở các thứ hoa ở xa về để trang điểm đời sống hằng ngày ở các đô thị lớn. Nhưng trong vườn hoa Chủ tịch phủ, hoa ngày càng nhường chỗ cho khoai, bắp. Gần  Côn Minh, có núi Tây Sơn, một thắng cảnh có tiếng; một hôm anh em muốn đi xem, Hồ Chủ tịch bảo: “Nếu tiện lắm sẽ hay; chúng ta là người cách mạng chứ không phải kẻ du lịch".

Đời sống của Hồ Chủ tịch là một đời sống khắc khổ, cần lao và tranh đấu. Người lãnh tụ của một dân tộc mất nước không thể có một đời sống khác. Phải khắc khổ, cần lao và tranh đấu để mưu cầu hạnh phúc ngày mai. Có người e đời sống nghiêm khắc ấy không còn chỗ cho tình cảm. Nhưng chính Hồ Chủ tịch thường nói: Người cách mạng là người rất giàu tình cảm, và vì giàu tình cảm nên làm cách mạng. Người mà cả dân tộc tôn làm vị Cha già của mình phải có lòng thương mênh mông xúc động đến tâm can của mọi người. Trong thời kỳ bí mật, phút mặc niệm chiến sĩ cách mạng là lúc Hồ Chủ tịch rơi nước mắt. Tại Quốc hội, Hồ Chủ tịch vừa khóc vừa ôm hôn anh Nguyễn Văn Tạo sau khi anh đọc một bài diễn văn thống thiết về Nam Bộ.

Người xưa nói: Có việc phải lo, lo trước thiên hạ, có việc đáng vui, vui sau thiên hạ. Hồ Chủ tịch nói một cách giản dị và thống thiết hơn: Một ngày "đồng bào còn chịu khổ, là một ngày tôi ăn không ngon, ngủ không yên"2.

Câu nói đó đã bộc lộ tâm trạng Người, mối tình cảm ruột thịt bao bọc trăm họ của đại gia đình Việt Nam.

Đối với người giản dị và lão thực ấy, một câu nói là một việc làm và có làm thì mới nói. Giản dị và lão thực trong sự ăn ở, tính tình trong lời nói, viết, Người cũng giản dị và lão thực trong chủ trương chính trị nữa. Dân tộc Việt Nam bây giờ muốn gì? Muốn thống nhất, độc lập, muốn no ấm, muốn biết chữ, muốn đời sống bớt tối tăm. Cho nên Hồ Chủ tịch chủ trương: Đoàn kết kháng chiến, tăng gia sản xuất, bình dân học vụ, đời sống mới. Dân tộc Việt Nam quyết tâm và mỗi ngày tiến mạnh trên con đường sống còn sau lưng Hồ Chủ tịch.

Hồ Chủ tịch thật là hiện thân của dân tộc Việt Nam và mọi người Việt Nam đều thấy mình trong Hồ Chủ tịch.

Sức mạnh của Hồ Chủ tịch và sức mạnh của dân tộc Việt Nam là ở chỗ đoàn kết thống nhất ấy.

HÌNH ẢNH CỦA DÂN TỘC

Sự nghiệp vĩ đại của Hồ Chủ tịch trong 35 năm vừa qua là dìu dắt dân tộc Việt Nam đến chỗ đoàn kết nhất trí, quyết tâm chiến đấu chống kẻ thù không đội trời chung của dân tộc.

Cuộc kháng chiến thần thánh ngày nay phát huy và biểu dương tới cực độ tinh thần đoàn kết và chiến đấu ấy.

Thực hiện được sự đoàn kết toàn dân là sự nghiệp to lớn trên con đường tranh thủ độc lập của dân tộc Việt Nam. Đó là một yếu tố quyết định sự thắng lợi của cuộc kháng chiến ngày nay, sự thành công của cuộc kiến quốc ngày mai. Nhìn ngược lại lịch sử 80 năm mất nước, chúng ta thấy ngay sau khi quân Pháp xâm lược bờ cõi ta, dân tộc ta đã đứng lên chống giặc, nhưng lúc dân đương đánh thì vua quỳ gối đầu hàng. Vua đầu hàng, vua làm tay sai cho giặc, dân vẫn chống và dùng mọi phương pháp để chống, nhưng chỉ biết mạnh ai nấy chống, mạnh đâu đấy chống, toàn quốc, toàn dân không đồng tâm nhất trí đã đành, tại nơi chống, trong hàng ngũ người chống cũng thiếu đồng tâm nhất trí nữa. Đó là tình trạng của thời kỳ Cần Vương, trước cuộc Chiến tranh đế quốc (1914-1918)3. Từ lúc Hồ Chủ tịch đứng ra hoạt động và lãnh đạo phong trào cách mạng Việt Nam, Hồ Chủ tịch chăm lo việc đoàn kết, tổ chức lực lượng nhân dân để chiến đấu, rồi Hồ Chủ tịch tiến dần đến việc đoàn kết toàn dân, tổ chức lực lượng toàn dân để chiến thắng.

Hồ Chủ tịch thành công trong sự nghiệp to lớn này vì Hồ Chủ tịch tiêu biểu cho nước Việt Nam, cho dân Việt Nam. Nguyện vọng tối cao của nước, nguyện vọng thiết tha nhất của dân là nguyện vọng của Người, là lẽ sống, đời hoạt động của Người. Chính sách, chủ trương chính trị của Người là để thực hiện nguyện vọng ấy: Tranh thủ độc lập cho nước, tự do, hạnh phúc cho dân. Nhìn vào chính sách và chủ trương ấy, quốc dân hoàn toàn tín nhiệm và tin tưởng. Uy tín của Hồ Chủ tịch căn bản là ở chỗ đó. Nhưng giữa Hồ Chủ tịch và dân tộc Việt Nam, mối quan hệ còn mật thiết nồng nàn hơn: Đó là mối quan hệ tình cảm, lòng tương thân tương ái của Hồ Chủ tịch đối với dân tộc Việt Nam và của dân tộc Việt Nam đối với Hồ Chủ tịch.

Nước Việt Nam, cũng như các nước trên thế giới có người giàu, kẻ nghèo, có đảng phái, tôn giáo, dân tộc khác nhau, nhưng nước Việt Nam ngày nay, nước Việt Nam kháng chiến của Hồ Chủ tịch không có hiện tượng đảng phái đấu tranh, tôn giáo xung đột, dân tộc cừu thị, không có hiện tượng nội bộ mâu thuẫn để quân thù lợi dụng chia rẽ, nồi da xáo thịt, huynh đệ tương tàn. Được thế không phải chỉ vì chính sách, chủ trương của Hồ Chủ tịch thích hợp với ý nguyện của dân tộc, không phải chỉ vì con đường Hồ Chủ tịch là con đường sống duy nhất của dân tộc trước nguy cơ diệt vong ngày nay, được thế cũng là vì lòng Hồ Chủ tịch rộng như biển cả, bao dung, cảm hoá tất cả mọi người, dìu dắt mọi người đoàn kết chiến đấu.

Quảng đại quần chúng Việt Nam, già trẻ, trai gái, đều kính yêu Hồ Chủ tịch. Người trí thức, nhà tư sản dân tộc, các bậc nhân sĩ, giáo sĩ rất tin tưởng nơi Người. Người là bạn chí thân của cụ Huỳnh, là Bác Hồ của các cháu thiếu nhi. Đồng bào Nam Bộ, bộ phận giàu tình cảm nhất của dân tộc gọi Chủ tịch là Cha già, đó là lời tận trong đáy lòng kính mến thốt ra. Anh em thượng du miền Nam Trung Bộ đối với Hồ Chủ tịch cảm thấy quen lắm, gần lắm, dường như Hồ Chủ tịch ở đâu bên cạnh, đêm ngày phù hộ.

Đối với kẻ lầm đường lạc lối, lòng Hồ Chủ tịch còn rộng hơn biển cả. Người dạy phải khoan hồng, vui mừng đến rước những đứa con vì cảnh ngộ mà lạc bầy. Chúa Giêsu nói "Gặp một người có tội lỗi mà hối cải thì trên trời vui mừng hơn gặp chín mươi chín vị tu hành". Hồ Chủ tịch tin rằng người Việt Nam nào cũng yêu nước, muốn nước thống nhất, độc lập, ta khéo nhen chút than hồng ấy, nó sẽ cháy lên thành ngọn lửa.

Hồ Chủ tịch không chỉ chủ trương kêu gọi đoàn kết, mà ngày đêm thực hiện sự đoàn kết ấy. Hơn nữa Hồ Chủ tịch tiêu biểu cho sự đoàn kết, chính Hồ Chủ tịch là sự đoàn kết ấy.

*         *

*

Đoàn kết là để chiến đấu, Hồ Chủ tịch đoàn kết toàn thể dân tộc Việt Nam để phát huy tất cả sức chiến đấu của dân tộc Việt Nam. Không có sức chiến đấu ấy thì không giành được độc lập.

Dân tộc Việt Nam vốn có tinh thần chiến đấu. Lịch sử 80 năm nô lệ là lịch sử 80 năm chiến đấu. Lịch sử 80 năm chiến đấu ấy là một khúc ca hùng tráng mãi mãi lưu truyền trong ký ức người Việt Nam. Nhưng chiến đấu cao siêu, anh dũng bao nhiêu thì càng bộc lộ sự thiếu sót đau đớn bấy nhiêu, thiếu chính trị thích hợp, thiếu tổ chức, phương pháp. Sau cuộc Chiến tranh đế quốc (1914 -1918), dưới sự lãnh đạo của Hồ Chủ tịch, cuộc chiến đấu của dân tộc một mặt tiến dần đến chỗ nhằm đúng mục tiêu, có tổ chức, có phương pháp, một mặt lan dần khắp toàn quốc, toàn dân, cho đến cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám, cho đến cuộc trường kỳ kháng chiến ngày nay.

Dân tộc Việt Nam đã kháng chiến một nghìn ngày rồi và sẽ kháng chiến lâu dài nữa. Đối với ta, kháng chiến là cơm bữa, nên không thấy cái lạ lùng của nó. Một dân tộc nhỏ yếu, lạc hậu về kinh tế và văn hoá, 80 năm ở trong tay người, đứng lên đánh lại một đế quốc bao phen xưng hùng bá trên thế giới, mà lại càng đánh càng mạnh, càng tiến bộ, càng gần thắng lợi.

Vậy bí quyết của cuộc kháng chiến Việt Nam là cái gì?

Bí quyết là tinh thần chiến đấu của dân tộc do Hồ Chủ tịch phát huy, rèn luyện và hướng dẫn.

Cuộc kháng chiến thần thánh của Việt Nam ngày nay biểu dương tinh thần chiến đấu của toàn thể dân tộc đến cực độ. Nhân vật trung tâm là người công nhân, người vác trên hai vai gánh nặng của cuộc kháng chiến. Bên cạnh người công nhân là người nông dân, và các tầng lớp nhân dân địa vị xã hội khác nhau, tính tình tư tưởng khác nhau nhưng cùng nhau hy sinh phấn đấu, một lòng tin tưởng Tổ quốc Chính phủ và Hồ Chủ tịch.

Hồ Chủ tịch thường dạy: Trong cuộc kháng chiến này dân ta phải lấy tinh thần chiến thắng vật chất, nghĩa là phải lấy tinh thần khắc phục bao nhiêu năm khổ cực, khó khăn, trở ngại. Nghĩa là dùng tầm vông đánh xe tăng, ăn đói mặc rách mà trường kỳ kháng chiến.

Đó là bí quyết của cuộc chiến tranh kỳ diệu này.

Cuộc kháng chiến thần thánh này chứng minh thiên tài lãnh đạo của Hồ Chủ tịch và trí thông minh, trình độ già dặn của dân Việt Nam, khéo tiến, khéo thối, lúc mềm, lúc cứng, lấy sức nhỏ đánh sức to, lấy sức yếu địch sức mạnh, dần dần chuyển sức nhỏ ra sức to, sức yếu ra sức mạnh, quyết tâm và tin tưởng tiến đến thắng lợi cuối cùng.

Cuộc kháng chiến này là trận chung kết của cuộc vật lộn không ngớt giữa ta và thực dân Pháp ngót một thế kỷ nay. Nó động viên tất cả sức lực và tinh thần chiến đấu của dân tộc. Nó là kỳ công của Hồ Chủ tịch và dân tộc Việt Nam.

Hồ Chủ tịch phát huy được tất cả khả năng chiến đấu của dân tộc trong cuộc kháng chiến này vì Hồ Chủ tịch là người thừa kế di sản của công cuộc giải phóng từ trước đến nay. Hồ Chủ tịch tiêu biểu cho nước Việt Nam, cho dân Việt Nam bị áp bức và quật cường. Chính sách, chủ trương, con đường chính trị của Hồ Chủ tịch là sông lớn, nơi hội tụ của nhiều suối nhỏ, sông con phát nguyên bất cứ ở nơi nào, vào lúc nào. Suối chảy thành sông, nhưng phải gặp sông thì suối mới khỏi khô cạn. Gặp sông, suối biến trong sông, cùng theo một hướng cùng chung một dòng, cùng nhuộm một màu với trời đất. Cả công cuộc dân tộc giải phóng Việt Nam, từ lúc vua Tự Đức bán nước cho thực dân Pháp, tuần tự tiến tới con đường tranh thủ độc lập cho nước, tự do, hạnh phúc cho dân, dưới sự lãnh đạo của Hồ Chủ tịch.

Trên cuộc tiến triển tuần tự này, một chặng đường, một bước đi đều có ý nghĩa của nó, đều là một yếu tố tạo nên sự thành tựu ngày nay. Có người chê Cần Vương đã chủ trương quân chủ. Cần Vương dạy trung với vua, nhưng ở Việt Nam lúc bấy giờ vua là nước. Từ đó đến nay, ngai vàng đã trôi theo dòng nước của thời cuộc. Bây giờ hết thời vua rồi, Hồ Chủ tịch chủ trương trung với nước; Hồ Chủ tịch giữ chữ trung, cũng như người hiểu rộng chữ hiếu, và trau dồi những mỹ đức cổ truyền của Việt Nam: Cần, kiệm, liêm, chính... Hồ Chủ tịch khuyên chúng ta học mỹ đức ấy cũng như Người khuyến khích chúng ta học tinh thần anh dũng bất diệt của biết bao anh hùng Cần Vương: Nguyễn Thiện Thuật, Phan Đình Phùng.

Sức mạnh của Hồ Chủ tịch vững chắc lắm vì nguồn gốc nó ăn sâu trong lịch sử cách mạng của dân tộc ngót một thế kỷ nay.

Sức mạnh của Hồ Chủ tịch còn ăn sâu hơn nữa trong cả dĩ vãng của dân tộc.

... Sức mạnh của dân tộc Việt Nam, sức mạnh của Hồ Chủ tịch ngày nay là sức mạnh của đà tiến triển từ muôn thuở: Ta lắng nghe sức mạnh ấy rạo rực trong người ta, thúc giục ta chiến đấu. Ta lắng nghe tiếng gọi của ông cha trong tiếng gọi của Hồ Chủ tịch: Lê Lợi chiến đấu mười năm, Trần Hưng Đạo chiến đấu năm năm...

Hồ Chủ tịch lãnh đạo công cuộc kháng chiến kiến quốc ngày nay thuận theo chiều tiến hoá của Việt Nam, đồng thời cũng thuận theo chiều tiến hoá của thế giới.

Nước Việt Nam là một bộ phận của thế giới. Thế giới ấy trong khoảng 200 năm trở lại đây đã trải qua mấy cuộc cách mạng khổng lồ lay chuyển cả nền móng quốc gia, xã hội, làm nguồn gốc cho trào lưu dân chủ đương bành trướng khắp năm châu. Trào lưu dân chủ ấy là lực lượng không ai chiến thắng được. Thuận với nó thì sống còn, nghịch với nó thì diệt vong. Phong trào cách mạng Việt Nam sau cuộc Đại chiến thế giới lần thứ nhất đã hoà hợp nhịp tiến của mình với trào lưu dân chủ ấy. Cuộc kháng chiến Việt Nam hiện nay mỗi ngày mỗi biểu lộ sự quan hệ mật thiết giữa phong trào dân chủ Việt Nam và phong trào dân chủ thế giới vô cùng mạnh mẽ sau cuộc Đại chiến thế giới lần thứ hai.

Hồ Chủ tịch thường nói: Cuộc kháng chiến của chúng ta sẽ thắng lợi vì đó là một cuộc chiến tranh chính nghĩa được nhân dân thế giới đồng tình và ủng hộ.

Cuộc cách mạng dân tộc giải phóng của ta, chế độ dân chủ cộng hoà của ta sẽ thành công căn bản là vì con đường đi của dân tộc Việt Nam, con đường chính trị của Hồ Chủ tịch thuận với chiều tiến hoá của nhân loại.

Lãnh đạo nước Việt Nam thuận với chiều tiến hoá ấy là sự nghiệp của Hồ Chủ tịch.

Tóm lại, Hồ Chủ tịch đã vận dụng tất cả sức lực và tài năng của dân tộc Việt Nam, áp dụng lý luận tiến bộ của thế giới văn minh để đoàn kết toàn dân theo đuổi trường kỳ kháng chiến, tranh thủ thống nhất và độc lập, thực hiện chế độ dân chủ, cộng hoà. Đó là sự nghiệp ngày nay và ngày mai của Hồ Chủ tịch và đó cũng là sự nghiệp ngày nay, ngày mai của dân tộc Việt Nam, của mọi người Việt Nam.

*          *

*

Thực dân phản động Pháp tuyên truyền nói Hồ Chủ tịch là cộng sản, là độc tài. Chủ nghĩa cộng sản là tương lai tươi sáng của loài người. Nhưng ở nước Việt Nam lúc này, chỉ người mất trí khôn mới chủ trương thực hiện ngay chủ nghĩa cộng sản, đi ngược với điều kiện kinh tế, xã hội Việt Nam, làm trái với ý nguyện toàn dân Việt Nam. Còn nói Hồ Chủ tịch độc tài thì thật là trái ngược đến thành ngu xuẩn. Trong một bức thư gửi cho thanh niên Việt Nam, Người viết: Sau đây là "mấy ý kiến để giúp các bạn thảo luận"4. Hồ Chủ tịch là dân chủ. Người bênh vực quyền lợi của mọi người Việt Nam, nhân quyền, dân quyền và tài quyền của mọi người Việt Nam, của người lương và người giáo, của người trung châu và người thượng du.

Hồ Chủ tịch là dân chủ vì cuộc kháng chiến và kiến quốc của Việt Nam cần sức lực của mọi người Việt Nam mới hoàn thành được. Dân chủ để cởi cái ách thực dân, cái ách phong kiến, cái ách luật lệ lễ giáo cũ kỹ đời trước, cái ách giặc đói, cái ách giặc dốt, cái ách tam tòng tứ đức trói buộc người đàn bà. Dân chủ để hoá mọi người Việt Nam thành người giác ngộ, thông minh, tài giỏi, xứng đáng làm chủ vận mệnh của nước, của mình, đem tài năng của mình phụng sự Tổ quốc và làm việc cho mình. Chúng ta hãy đọc kỹ lời hiệu triệu của Hồ Chủ tịch: Hồ Chủ tịch nhớ tới tất cả mọi người, sĩ, nông, công, thương, binh, người già, người trẻ, đàn ông, đàn bà, người trung châu, người thượng du, người có đạo, người không có đạo, chiến sĩ ở mặt trận, đồng bào ở hậu phương. Lúc kiểm điểm thành tích vẻ vang đã thu được, Hồ Chủ tịch không quên công đức của một ai; lúc hô hào tiến tới thực hiện nhiệm vụ mới, Hồ Chủ tịch phân công rành mạch cho mọi người.

Đối với Hồ Chủ tịch, dân chủ không phải là một lý thuyết khô khan. Đó là cái nhựa sống nó biến đổi người Việt Nam, cả dân tộc Việt Nam, nước Việt Nam. Chúng ta hãy đọc lại bức thư của họa sĩ Diệp Minh Châu gửi cho Cha già:

“Kính Cha,

Từ hai năm này, tin Cha, tuân theo tiếng gọi của Cha, con đã hăng hái đem nghệ thuật của con nhảy vào Vệ quốc đoàn Khu VII. Cách mạng Tháng Tám mà Cha lãnh đạo đã giải phóng cho nghệ thuật của con. Hôm nay, trong cảnh tưng bừng, vĩ đại của ngày độc lập ở Nam Bộ, sau khi nghe lời Tuyên ngôn Độc lập của Cha, lời kêu gọi thống thiết hùng mạnh của Cha, lời ca “Hồ Chí Minh môn năm”của đoàn thiếu nhi Nam Bộ, con đã cảm xúc vô cùng và vừa khóc vừa cắt lấy dòng máu trong cánh tay niên thiếu của con để vẽ hình Cha và hình ba em Trung - Nam - Bắc đang chụm đầu lại dưới chòm râu Cha trên nền lụa mà quân đội ta đánh tan  quân địch chiếm lấy được trong trận Cây Giồng hồi tháng 7-1947. Thấy máu con chảy, mọi người hoảng hốt băng bó, lo ngại cho con. Con trả lời: Máu con là máu Cha truyền cho, máu con là máu của dân tộc, con có dám hoang phí máu của con đâu, tất cả thân con đã là của Cha rồi.

Con trân trọng gửi bức họa bằng máu của con đây lên Cha già để tỏ lòng biết ơn Cha đã giải phóng cho nghệ thuật của con, để tỏ rõ cho thể xác và linh hồn cái thắng lợi, chí tranh đấu của cách mạng dân tộc".

Ở nước Việt Nam ngày nay, ai biết có bao nhiêu Diệp Minh Châu trong các ngành hoạt động?

Nhân lễ một ngàn ngày kháng chiến, Khu bộ Khu V có tuyên dương công trạng của liệt sĩ Ngô Mây:

“Anh Ngô Mây, 27 tuổi, đội viên đội Quyết tử trung đoàn 120, trong kế hoạch đánh đồn Thượng An đã tình nguyện ôm bom phá cửa đồn. Sau có lệnh không đánh, anh tỏ ý tiếc; ngày ngày 1au chùi quả bom chờ cơ hội khác. Đêm ngày 11 tháng Chạp năm 1947 trong trận Suối Vối, anh tình nguyện ôm bom phá xe tăng địch. Khi xe đến ta giật mìn nổ, địch nhảy xuống cùng ta hỗn chiến. Anh Ngô Mây chờ lúc địch tập trung đông tại một chỗ ôm bom nhảy ra, rút chốt bom. Quân địch chung quanh chết hết và xác anh chỉ còn hai cái chân. Trong thư anh viết cho bà mẹ, có câu "Con sẽ chết một cái chết sướng nhất đời, xin má đừng ân hận gì cả”.

Trong hàng ngũ Vệ quốc đoàn và dân quân Việt Nam, ai biết có bao nhiêu Ngô Mây?

Những người ở Hà Nội trước ngày 19 tháng Chạp năm 1946 đều nghe những chuyện thông minh kỳ lạ của các em thiếu nhi. Trong cuộc kháng chiến này, các em thiếu nhi ấy đều có lập những chiến công to lớn. Đó là những thế hệ xây đắp nước Việt Nam ngày mai.

Hồ Chủ tịch thường nói: Chúng ta không sợ thiếu nhân tài; hễ biết yêu nước, hy sinh tận tụy với nước thì sẽ làm  được việc lớn. Không làm được việc lớn thì làm được việc nhỏ, miễn là mọi người cố gắng hết sức trong công việc của mình, là đối với Tổ quốc, đối với Hồ Chủ tịch công đức mọi người đều ngang nhau.

Phong trào thi đua ái quốc do Hồ Chủ tịch đề xướng ra đầu năm 1948 này là phương pháp đầy đủ nhất, thần diệu nhất để động viên tất cả sức lực và tài năng của dân tộc cống hiến cuộc kháng chiến và kiến quốc.

Một nhà báo ngoại quốc có lần hỏi Hồ Chủ tịch thuộc đảng phái nào. Hồ Chủ tịch đáp: Đảng của tôi là Đảng Việt Nam.

Đảng Việt Nam ấy là Đảng của chúng ta tất cả. Ai là người Việt Nam phụng sự nước Việt Nam, dân Việt Nam đều thuộc vào Đảng ấy. Chỉ có kẻ nào tự mình khai  trừ mình ra khỏi đại gia đình Việt Nam, cam tâm làm tay sai cho giặc, phá hoại sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc của Chính phủ, của dân tộc, thì mới không thuộc vào Đảng ấy. Mà không thuộc vào Đảng Việt Nam ấy thì không mong sống còn ở nước Việt Nam ngày nay.

HỌC HỒ CHỦ TỊCH

Hồ Chủ tịch là hình ảnh của dân tộc Việt Nam ngày nay, trong đó có hình ảnh của dân tộc Việt Nam hôm qua và ngày mai.

Hồ Chủ tịch thu góp tất cả tinh hoa của dân tộc Việt Nam. Người cũng thu góp tinh hoa của thế giới văn minh, của nhân loại tiến bộ ngày nay. Hồ Chủ tịch có ở Nga, có nghiên cứu cuộc Cách mạng Tháng Mười và chủ nghĩa Mác. Lâu nhất trong đời hoạt động hải ngoại của Người, Hồ Chủ tịch ở Trung Hoa, có cảm tình nồng nàn với ông Tôn Văn, với cách mạng và nhân dân Trung Quốc. Người hiểu biết nước Mỹ, thường khen ngợi cuộc cách mạng dân tộc giải phóng Mỹ. Người là bạn cố tri và hữu tình của nước Pháp, dân Pháp, cuộc đại cách mạng Pháp năm 1789. Nhưng kinh qua Hồ Chủ tịch, tinh hoa của thế giới đã Việt Nam hoá rồi, đã mượn hình dáng, bộ điệu, ngôn ngữ Việt Nam, cho đến tinh thần Việt Nam nữa.

Hồ Chủ tịch thu góp tinh hoa của Việt Nam và của thế giới để lãnh đạo cuộc cách mạng Tháng Tám và sáng lập chế độ dân chủ cộng hoà, xoá bỏ mấy nghìn năm quân chủ chuyên chế. Hiện nay, sau lưng Người, dân tộc Việt Nam đang kháng chiến và kiến quốc. Nước Việt Nam mới, người Việt Nam mới dần dần xuất hiện trong khói lửa của cuộc chiến đấu.

Ngày xưa, ở phương Đông cũng như ở phương Tây, có những bậc hiền triết dạy người đời: “Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ". Những bậc hiền triết ấy không chỉ sáng lập một triều vua, một chính thể, họ đã sáng tạo chế độ mới, mở kỷ nguyên mới cho nền tư tưởng, luân lý, ảnh hưởng sâu xa đến tiến hoá của loài người. Hồ Chủ tịch nhắc chúng ta nhớ đến những bậc hiền triết ngày xưa. Nhưng sự nghiệp “tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ” mà ngày xưa chỉ thực hiện được một phần vì điều kiện lịch sử hạn chế, ngày nay sẽ đủ điều kiện thuận tiện để hoàn thành.

Cho nên ngày nay dân tộc Việt Nam ta học Hồ Chủ tịch.

Học Hồ Chủ tịch, chúng ta học gì?

HỌC TRUNG VỚI NƯỚC, HIẾU VỚI DÂN

Suốt đời Hồ Chủ tịch dạy chúng ta câu ấy và còn dạy mãi chúng ta câu ấy, không biết bao giờ xong. Về phần chúng ta, lâu nay chúng ta đã học câu ấy, từ nay về sau còn học mãi câu ấy không biết bao giờ xong. Bởi vì ngày nào nước Việt Nam còn, dân Việt Nam còn, thì chúng ta còn học tận trung với nước, chí hiếu với dân.

Trung với nước, hiếu với dân là cái gốc của cả đời hoạt động của chúng ta. Gốc vững thì thân cây vững, cành lá tươi tốt, hoa quả xinh đẹp.

Học trung với nước, hiếu với dân là học làm cho nước độc lập và phú cường, dân tự do và hạnh phúc. Làm cho nước độc lập và phú cường cốt để làm cho dân tự do và hạnh phúc. Và dân có tự do và hạnh phúc thì nước mới thật độc lập và phú cường. Ngày nay nước là dân, dân là nước, Hồ Chủ tịch đã dày công phu dạy chúng ta câu ấy, cho nên quyết không có sức mạnh nào và mánh khoé gì có thể làm chúng ta sai đường, lạc lối được.

Học trung với nước, hiếu với dân là học kháng chiến, kiến quốc, học huy động lực lượng toàn quốc, toàn dân để kháng chiến, kiến quốc, học bồi dưỡng và trau dồi chế độ dân chủ cộng hoà, cái thành trì  chống ngoại xâm và nội phản, học làm  tròn phận sự người công dân Việt Nam  dù ở nơi nào, lúc nào, cảnh ngộ nào.

Học trung với nước, hiếu với dân là học hy sinh tận tuỵ với nước, với dân như trọn đời Hồ Chủ tịch đã làm. Hồ Chủ tịch không có cái gì riêng. Cái gì của nước, của dân là của Người. Quyền lợi tối cao của nước, lợi ích hằng ngày của dân là sự lo lắng đêm ngày của Người. Gia đình của Người là đại gia đình Việt Nam. Tuy không có gì riêng, Người giàu lắm vì giàu cả tiền đồ và quang vinh của nước, của dân. Sống với tâm hồn của dân tộc ngày nay chia cơm sẻ áo với dân tộc, ngày mai cùng dân tộc ca khúc khải hoàn, Hồ Chủ tịch sung sướng lắm, và muốn chúng ta tận trung với nước, chí hiếu với dân để  cùng dân tộc vui sướng.

HỌC ĐOÀN KẾT TOÀN DÂN

Đây là câu mà Hồ Chủ tịch ngày ngày nhắc nhở chúng ta, vì đây là điều quyết định sự tồn vong của dân tộc trong cuộc chiến tranh này. Câu này chúng ta đã học nhưng chưa thuộc. Điều này chúng ta đã làm nhưng chưa đủ.

Hôm nay hơn lúc nào hết, chúng ta ôn lại lời dạy nghiêm khắc của Cha già:  "Đoàn kết thì sống, chia rẽ thì chết", vì hôm nay quân thù chỉ còn mong đợi chia rẽ chúng ta để hãm hại chúng ta. Hôm nay chúng ta ôn lại bài học toàn dân đoàn kết với tất cả tấm lòng trung thực với nước, với dân, với Hồ Chủ tịch, thành tâm, thành ý sửa chữa sai lầm, bổ khuyết thiếu sót.

Học toàn dân đoàn kết là học hòa hợp quyền lợi riêng rẽ của mình trong quyền lợi chung của dân tộc, đồng tâm nhất trí với toàn thể nhân dân, mưu cầu lợi ích chung của dân tộc. Hy sinh cái nhỏ để giành cái to. Hy sinh một lúc để giành vĩnh cửu. Vì nước, chung quy là vì mình. Nước mất thì nhà tan.

Học toàn dân đoàn kết là tẩy cho sạch đầu óc cô độc, hẹp hòi, cố chấp, thành kiến, tự cao tự đại, tự ái tự phụ, nghi kỵ vô căn cứ, xung đột vô nguyên tắc. Chúng ta có thể khác nhau lắm về tư tưởng, chính kiến, tính tình, cũng như chúng ta có thể khác nhau lắm về địa vị xã hội. Nhưng chúng ta đều yêu nước tất cả. Hiểu nhau để dung nhau, thương nhau là đoàn kết.

Học toàn dân đoàn kết là đánh đổ cá nhân chủ nghĩa, bản vị chủ nghĩa, chủ nghĩa "cái gì của tôi là trên tất cả”. Cái ghế ngồi của tôi, địa phương của tôi công việc của tôi, ngành hoạt động của tôi, cái gì tốt thì kéo về cho tôi, cái gì xấu thì đẩy cho người, gây xung đột, đụng chạm, bất hoà giữa quân dân chính, thậm chí giữa quân với quân như giữa Vệ quốc đoàn và dân quân, giữa chính với chính như giữa hành chính và chuyên môn, giữa dân với dân như giữa Việt Minh và Liên Việt. Như thế là chia rẽ: là chết. Nước Việt Nam là một, cuộc kháng chiến của Việt Nam là một; bộ phận, bất kỳ là ai, phải phục tùng toàn cục.

Học toàn dân đoàn kết là gột rửa tất cả cái gì có thể chia rẽ chúng ta, trau dồi tất cả cái gì thắt chặt chúng ta, nhưng vẫn giữ gìn tất cả cái gì là đặc sắc của của chúng ta, vì đó là của quý của dân tộc. Hồ Chủ tịch, người đoàn kết toàn dân Việt Nam vẫn là Hồ Chủ tịch, người thiên tài xuất chúng. Ngôi chùa dưới bóng cây cổ thụ với tháp chuông nhà thờ trên đồi càng thêm vẻ đẹp cho đất nước. Hai mươi triệu người, hai mươi triệu bộ óc, nhưng chỉ một chí.

Chúng ta hãy nhớ: học Hồ Chủ tịch trước hết và cốt nhất là học toàn dân đoàn kết.

HỌC PHẤN ĐẤU

Đời Hồ Chủ tịch là một cuộc phấn đấu quyết liệt, kỳ cùng chống đế quốc xâm lược, chống tất cả lực lượng ngăn cản con đường tiến triển của dân tộc Việt Nam.

Hồ Chủ tịch nói: "... Thà chết chứ không làm nô lệ"5. Hồ Chủ tịch cũng nói: Dân tộc Việt Nam “sẽ kháng chiến đến cùng, kháng chiến đến thắng lợi"6.

Hồ Chủ tịch dạy chúng ta luôn luôn có một tinh thần vững chắc, một bộ óc sáng suốt, một cơ thể khoẻ mạnh để chiến đấu. Hồ Chủ tịch lại dạy chúng ta tẩy sạch cái lối lúc lạc quan, lúc bi quan, cẩu thả, cầu an, gặp sao hay vậy. Học Hồ Chủ tịch là học tinh thần chiến đấu dũng cảm, mạnh mẽ, gan dạ, dẻo dai, thắng không kiêu, bại không nản, chiến đấu đến thắng lợi cuối cùng. Hồ Chủ tịch nói: “Nước Việt Nam sẽ thống nhất và độc lập".

Học Hồ Chủ tịch là học phấn đấu chống giặc ngoại xâm, đồng thời cũng học phấn đấu chống giặc đói, chống giặc dốt, chống giặc yếu, phấn đấu để kháng chiến, phấn đấu để kiến quốc. Phấn đấu chống bao nhiêu trở lực do quân thù đế quốc và phong kiến gây nên. Còn phấn đấu chống con người cũ của chúng ta nữa: Chống sai lầm, thiếu sót mà mọi người đều phạm. Phấn đấu không ngừng để xây dựng nước Việt Nam mới, người Việt Nam mới.

Hồ Chủ tịch thường nói: Không có cái gì dễ mà cũng không có cái gì khó. Nghĩa là có dễ đi nữa thì cũng phải phấn đấu mới thành công, còn khó đến mấy mà quyết tâm phấn đấu, phấn đấu có phương pháp, có kế hoạch thì cũng thắng lợi.

Đây là bài học tinh thần, tinh thần chiến đấu quyết liệt, tinh thần cách mạng cao siêu của kẻ bị áp bức, bài học nghị lực, can đảm, quyết tâm trong mọi việc, mọi cảnh, bài học bền chí, nhẫn nại, khắc khổ trong sinh hoạt gian lao hằng ngày. Đây cũng là bài học tin tưởng vào sức mạnh vô cùng của dân tộc Việt Nam và nhân dân thế giới, vào sự thắng lợi chắc chắn ngày mai, vào vinh quang của sự nghiệp. Cho nên đây là bài học lạc quan chủ nghĩa của kẻ chiến đấu và chiến thắng.

HỌC LÝ THUYẾT, PHƯƠNG PHÁP KHOA HỌC

 Đời hoạt động cách mạng của Hồ Chủ tịch giáo huấn chúng ta một điều rất quý báu: Cách mạng là một khoa học, chính trị là một khoa học. Nghĩa là làm cách mạng, làm chính trị phải có một lý thuyết khoa học, một phương pháp khoa học thì mới thành công. Lý thuyết và phương pháp khoa học ấy giúp Hồ Chủ tịch đi sát thực tế, nắm đúng thời cơ để chủ trương đúng và thực hiện chủ trương đúng ấy.

Thiên tài của Hồ Chủ tịch, sự lãnh đạo sáng suốt của Hồ Chủ tịch là ở đó.

Học lý thuyết khoa học của Hồ Chủ tịch trước hết là tin tưởng vào lẽ phải, vào đạo lý, vào tất cả cái gì tốt đẹp, tin tưởng vào sức lực của trào lưu dân chủ đang tiến tới để thực hiện lẽ phải, đạo lý, tất cả cái gì tốt đẹp ấy. Do đó chúng ta sẽ chiến thắng đế quốc thực dân vì chúng ta là dân chủ, đế quốc thực dân là phản động, chúng ta là chính nghĩa, chúng là phi chính nghĩa, chúng ta là chính, chúng là tà, chúng ta là tốt, chúng là xấu.

Học phương pháp khoa học của Hồ Chủ tịch là học làm việc có chương trình, có kế hoạch, có tổ chức, việc lớn, việc nhỏ, việc nhất thời, việc trường cửu đều phải thế. Chúng ta hãy nhớ rằng: Lúc Hồ Chủ tịch giao công việc cho một người, người ấy phải thảo kế hoạch tiến hành rồi bàn với Hồ Chủ tịch trước khi thi hành. Kế hoạch ấy, Hồ Chủ tịch thường dạy, phải sát thực tế, phải vừa sức mình. "Việc gì cũng cần phải thiết thực, nói được, làm được. Việc gì cũng phải từ nhỏ dần dần đến to, từ dễ dần dần đến khó, từ thấp dần dần đến cao”7.

Lý thuyết và phương pháp khoa học của Hồ Chủ tịch, tóm lại, là kháng chiến giành độc lập, thực hiện nền dân chủ cộng hoà, xây dựng nước Việt Nam độc lập, tự do, hạnh phúc. Lý thuyết và phương pháp khoa học ấy cũng là khéo đánh du kích chiến, cố đánh vận động chiến, tăng gia sản xuất để tự túc, bình dân học vụ, đời sống mới...

Phong trào thi đua ái quốc đương lôi cuốn toàn dân trên con đường cố gắng và tiến bộ cũng là phong trào thi đua học tập lý thuyết và phương pháp khoa học của Hồ Chủ tịch, vì ai nắm vững lý thuyết và phương pháp ấy, người đó sẽ thắng.

HỌC CẦN, KIỆM, LIÊM, CHÍNH

Bốn chữ này bao gồm những mỹ đức cần thiết cho mọi người Việt Nam trong việc tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ, tiêu biểu lòng chí công vô tư đối với của công, việc công.

Học cần, kiệm, liêm, chính là phận sự của nhân viên Chính phủ. Đó là phận sự của mọi người hoạt động trong các tổ chức nhân dân. Đó cũng là phận sự của mọi người công dân Việt Nam.

Chữ cần, chữ kiệm của Hồ Chủ tịch, dân ta phải học vì nước ta nghèo, lại đương kháng chiến. Mỗi một người chúng ta phải đem mồ hôi đổi lấy bát cơm, làm ra bát cơm đầy, song chỉ ăn bát cơm lưng.

Chữ liêm, chữ chính của Hồ Chủ tịch, dân ta phải học vì đó là hai công đức làm nền tảng cho đời sống công cộng của chúng ta. Liêm và chính trong cử chỉ và hành động, đối với đồng tiền, đối với công việc. Liêm và chính đối với láng giềng, đối với làng xóm, đối với quốc dân.

Cần, kiệm, liêm, chính là đặc điểm của một xã hội hưng thịnh. Những điều trái lại là đặc điểm của một xã hội suy vong. Trong nước Việt Nam, hiện tượng không cần, không kiệm, không liêm, không chính là những điều trái ngược không có quyền tồn tại, quốc dân Việt Nam không thể dung thứ được. Thế mà những hiện tượng trái ngược ấy chúng ta vẫn còn thấy trong một số người ở một số ngành hoạt động, tại một số đô thị. Cho nên học cần, kiệm, liêm, chính là bài trừ xa xỉ, hối lộ, biển thủ, cờ bạc, đầu cơ, tích trữ, chợ đen, buôn lậu, bài trừ tất cả cái gì xấu xa, mục nát, đồng thời là tôn trọng, giữ gìn, vun xới cái gì có ích, có lợi cho đồng bào, cho quốc dân, cho Chính phủ.

Học Hồ Chủ tịch là học trung với nước hiếu với dân, học đoàn kết, học phấn đấu, học lý thuyết và phương pháp khoa học, học cần, kiệm, liêm, chính... nhưng học Hồ Chủ tịch cần học nhiều bài học khác nữa. Ấy là học con đường chính trị, sự lãnh đạo cuộc cách mạng dân tộc giải phóng Việt Nam của Hồ Chủ tịch ngót 30 năm nay. Ấy là học luyện con mắt cho tinh,

thấy rõ tình hình mỗi lúc, thấy bề mặt và bề trái, thấy cây và rừng, biết mình, biết người, không cận thị, không chủ quan, như thế để nắm vững thời cơ và chủ trương cho đúng. Ấy là học lối viết, lối nói của Hồ Chủ tịch, chữ ít ý nhiều, câu văn giản cư, gọn gàng, nhưng nội dung đầy đủ, phong phú, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ làm theo... Những bức thư, bài phỏng vấn, lời hiệu triệu của Hồ Chủ tịch là cái kho giáo huấn mà chúng ta phải thường lục ra để học tập. Học Hồ Chủ tịch cũng là học lối đối xử với người, với việc của Hồ Chủ tịch, lấy lẽ phải mà thuyết phục, lấy lòng nhân mà cảm hoá, lấy việc làm của mình làm phép tắc. Học Hồ Chủ tịch... Học sao cho hết! Cho nên cuối cùng chúng ta học phương pháp học tập do Hồ Chủ tịch chủ trương: Vừa làm vừa học, làm để học, học để làm, học sách vở đi đôi với học thực tế, học kinh nghiệm, nhất là học quần chúng, ông thầy của tất cả chúng ta.

Học Hồ Chủ tịch kể ra không khó. Người Việt Nam nào cũng hiểu Hồ Chủ tịch là người thế nào, thường nói gì, suốt đời làm gì. Người bình dân mộc mạc lại là còn hiểu Hồ Chủ tịch dễ hơn người khác. Như thế, mọi người Việt Nam đều học được Hồ Chủ tịch. Vả chăng Hồ Chủ tịch cũng có những bài học riêng cho mỗi hạng người, người già, người trẻ, người giàu, người nghèo, tướng sĩ trên mặt trận, đồng bào ở hậu phương, nhân viên công sở, văn sĩ, nghệ sĩ, đồng bào tản cư, đồng bào vùng bị chiếm, kiều bào hải ngoại.

Học Hồ Chủ tịch thực ra dễ lắm, vì những điều Hồ Chủ tịch dạy chúng ta, chúng ta đã sẵn có trong tâm hồn, trong trí óc. Chúng ta hãy phản tỉnh lại thì thấy trong đáy lòng, trong ký ức, câu trung với nước hiếu với dân, đoàn kết phấn đấu, cần, kiệm, liêm, chính, chúng ta đã học từ thuở cha ông. Chúng ta hãy hồi tỉnh lại, chúng ta sẽ thấy hiểu Hồ Chủ tịch hơn nhiều và làm những điều Hồ Chủ tịch dạy sẽ không khó nữa.

Hồ Chủ tịch, hình ảnh của dân tộc Việt Nam là cái tầm của dân tộc. Người hạ mình cho vừa tầm mọi người Việt Nam để nâng đỡ mọi người Việt Nam lên đến tầm Người.

Đây, Hồ Chủ tịch đương đưa tay đỡ chúng ta, chúng ta hãy nâng mình lên!

Ghi chú:

* Bài viết của đồng chí Phạm Văn Đồng tặng đồng bào và chiến sĩ miền Nam Việt Nam, tháng 8-1948, in trong sách Phạm Văn Đồng:Hồ Chủ tịch, hình ảnh của dân tộc, tinh hoa của thời đại, Nxb.Sự thật, Hà Nội, 1974, tr.7-31.

1.     Hồ Chí Minh:Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 2011, t.5, tr.98

2.     Hồ Chí Minh:Toàn tập, Sđd, t.4, tr.470.

3.     Chiến tranh đế quốc: Chiến tranh thế giới thứ nhất (BT).

4.     Hồ Chí Minh:Toàn tập, Sđd, t.5, tr.216.

5.     Hồ Chí Minh:Toàn tập, Sđd, t.5, tr.38, 10.

6.     Hồ Chí Minh:Toàn tập, Sđd, t.5, tr.38, 10.

7.     Hồ Chí Minh:Toàn tập, Sđd, t.5, tr.217

Còn nữa

Theo Cuốn sách Học Chủ tịch Hồ Chí Minh - Chúng ta học gìxuất bản lần thứ sáu của Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật.

Huyền Trang (st)

Bài viết khác: