Thứ ba, 19/03/2024

TTHCM ve cong bang

Bác Hồ với các cháu thiếu nhi. Ảnh: Internet

Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của việc thực hiện công bằng xã hội trong chủ nghĩa xã hội, do đó, ở mọi hoàn cảnh, Người luôn nhất quán coi công bằng xã hội là mục tiêu, đồng thời, là động lực của quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội. 

Để thực hiện được công bằng xã hội, trách nhiệm rất lớn thuộc về Nhà nước, sự quản lý đồng bộ và có trách nhiệm của Nhà nước qua hệ thống pháp luật, hệ thống chính sách xã hội, an sinh xã hội, hệ thống thuế và phân phối phúc lợi sẽ giữ vai trò quyết định trong việc điều hòa các lợi ích trong xã hội theo hướng công bằng.

Lựa chọn con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, Hồ Chí Minh sớm vạch ra bản chất nhân văn, ưu việt của chế độ này. Đặc biệt, tính ưu việt của chủ nghĩa xã hội thể hiện rõ nét nhất ở mục tiêu hướng tới xây dựng một xã hội công bằng, bình đẳng, xóa bỏ áp bức bất công, mưu cầu hạnh phúc cho mọi người, mọi gia đình và toàn xã hội. Trong mọi hoàn cảnh, Hồ Chí Minh luôn nhất quán coi công bằng xã hội là mục tiêu, đồng thời, là động lực của quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Sinh thời, chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”. Người đặt ra mục tiêu giải phóng con người một cách triệt để, coi cái đích cuối cùng của công cuộc giải phóng là con người, phải làm sao để mang lại cuộc sống tốt đẹp cho con người. Hồ Chí Minh vạch ra đích đến cho chủ nghĩa xã hội: “Thay đổi cả xã hội, thay đổi cả thiên nhiên, làm cho xã hội không còn người bóc lột người, không còn đói rét, mọi người đều được ấm no, hạnh phúc”. Qua đó có thể thấy rằng, xóa bỏ tình trạng áp bức, bóc lột, thực hiện công bằng xã hội chính là một mục tiêu phấn đấu của chủ nghĩa xã hội.

Hồ Chí Minh nhận định tăng trưởng kinh tế là nền tảng cho chủ nghĩa xã hội phát triển, là mục đích của chủ nghĩa xã hội: “Mục đích của chủ nghĩa xã hội là không ngừng nâng cao mức sống của nhân dân”. Nhưng bên cạnh đó, Người cũng không quên nhấn mạnh: “Nói một cách tóm tắt, mộc mạc, chủ nghĩa xã hội trước hết nhằm làm cho nhân dân lao động thoát nạn bần cùng, làm cho mọi người có công ăn việc làm, được ấm no và sống một đời hạnh phúc”. Đặt mục tiêu phát triển kinh tế bên cạnh mục tiêu thực hiện công bằng xã hội trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội thể hiện rõ lập trường của Hồ Chí Minh. Người không vì sự phát triển kinh tế mà chấp nhận những bất công trong xã hội. Mà trong điều kiện chúng ta xây dựng chủ nghĩa xã hội khó khăn trăm bề Người vẫn nhấn mạnh: “Không sợ thiếu, chỉ sợ không công bằng; Không sợ nghèo, chỉ sợ lòng dân không yên”.

Như vậy, Hồ Chí Minh  nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của thực hiện công bằng xã hội trong chủ nghĩa xã hội: “Muốn tiến lên chủ nghĩa xã hội thì phải cải tạo xã hội cũ thành một xã hội mới, một xã hội không có chế độ người bóc lột người, một xã hội bình đẳng nghĩa là ai cũng phải lao động và có quyền lao động”. Thực hiện công bằng xã hội nhằm mang lại một xã hội tốt đẹp cho tất thảy mọi người là mục tiêu hàng đầu trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội. Điều này được Hồ Chí Minh vạch ra, đồng thời, đây cũng chính là khát vọng của nhân dân ta trong quá trình phấn đấu vì sự nghiệp dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

Từ rất sớm Hồ Chí Minh đã chỉ ra động lực quan trọng nhất trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội là con người. Con người là lực lượng quyết định sự thành bại của chủ nghĩa xã hội: “Công việc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của dân. Sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc là công việc của dân” ; “Chủ nghĩa xã hội  là nhằm nâng cao đời sống vật chất và văn hóa của nhân dân và do nhân dân tự xây dựng lấy”. Xây dựng chủ nghĩa xã hội là sự nghiệp của quần chúng nhân dân, gắn với lợi ích thiết thực của nhân dân. Khi nhân dân nhận thức được những điều tốt đẹp của chế độ xã hội mới, coi đó là nghĩa vụ gắn chặt chẽ với quyền lợi của mình trong xã hội mới thì sẽ ra sức cống hiến cho đất nước. Do đó, Người nhấn mạnh vai trò của công bằng xã hội trong phát huy sức mạnh của con người, coi công bằng xã hội là một động lực của quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội. Chúng ta có xây dựng thành công xã hội mới hay không phụ thuộc rất lớn vào việc công bằng xã hội được nhận thức và thực hiện như thế nào.

Thực hiện công bằng xã hội trong lĩnh vực kinh tế, Hồ Chí Minh sớm thừa nhận sự tồn tại của nhiều loại hình sở hữu và các thành phần kinh tế: “Trong chế độ dân chủ mới, có năm loại kinh tế khác nhau: kinh tế quốc doanh, các hợp tác xã, kinh tế của cá nhân, nông dân và thủ công nghệ, tư bản của tư nhân, tư bản của Nhà nước”. Hồ Chí Minh khẳng định các thành phần kinh tế được song song tồn tại, được tôn trọng và bình đẳng trước pháp luật. Điều này giúp huy động mọi nguồn lực trong xã hội, con người ở mọi lĩnh vực hoạt động kinh tế khác nhau đều có thể phát huy khả năng của mình: “Muốn cho chủ nghĩa cộng sản thực hiện được, cần phải có kỹ nghệ, nông nghiệp và tất cả mọi người đều được phát triển hết khả năng của mình”.

Đặc biệt, nguyên tắc phân phối công bằng: “Chủ nghĩa xã hội là công bằng hợp lý: làm nhiều hưởng nhiều, làm ít hưởng ít, không làm thì không được hưởng. Những người già yếu hoặc tàn tật sẽ được Nhà nước giúp đỡ, chăm nom” khiến cho nhân dân hăng hái tham gia hoạt động kinh tế, đóng góp vào sự phát triển đất nước. Mỗi người đều có tính cách riêng, sở trường riêng, nhờ nguyên tắc công bằng được thiết lập mà con người có động lực để phát huy cao độ khả năng của bản thân: “Ai cũng đưa hết tài năng của mình ra cống hiến cho xã hội”. Công bằng xã hội tạo điều kiện cho mọi thành viên trong xã hội không ngừng nâng cao mức sống và tự khẳng định mình. Mọi người hăng hái đầu tư vào nền kinh tế, mang lại sự giàu có cho bản thân, gia đình và toàn thể xã hội. Điều này có tính quyết định tới hiệu quả của sự phát triển kinh tế, xã hội. Đây là nguyện vọng chính đáng của nhân dân mà Nhà nước cần tạo mọi điều kiện để khuyến khích và phát huy. Đó là động lực cho sự phát triển kinh tế trong chủ nghĩa xã hội “phát động được lực lượng và tài năng của nhân dân, của thanh niên và biến họ thành con người mới xây dựng một xã hội mới”.

Công bằng xã hội còn là cơ sở để duy trì trạng thái ổn định cho sự phát triển xã hội. Hồ Chí Minh với tầm nhìn xa trông rộng, tất cả vì con người luôn căn dặn Đảng và Nhà nước phải thường xuyên quan tâm đến vấn đề dân sinh. Người cho rằng cần hơn cả là con người, là sự phấn khởi của quần chúng. Khi con người được đối xử công bằng sẽ khiến các quan hệ xã hội trở lên tốt đẹp hơn, tạo ra sự hài hòa, ổn định trong xã hội.

Trong chủ nghĩa xã hội, Hồ Chí Minh yêu cầu hệ thống chính sách phải mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân. Cơ hội tiếp cận với các lĩnh vực: y tế, giáo dục, văn hóa…phải công bằng. Đồng thời, Nhà nước xây dựng các chính sách đầu tư, phân bổ nguồn lực hỗ trợ phát triển nhằm rút ngắn mực độ chênh lệch giữa miền xuôi với miền núi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo…Điều này sẽ tạo ra các gốc rễ bền vững cho công bằng xã hội.

Hồ Chí Minh còn chỉ rõ, công bằng xã hội sẽ làm tăng niềm tin của nhân dân vào chủ nghĩa xã hôi, là động lực để chúng ta vượt qua khó khăn, tích cực lao động sản xuất, thực hiện những mục tiêu đặt ra. Một xã hội đầy rẫy bất công sẽ làm ly tán lòng dân, nhân dân bất mãn, khối đoàn kết bị chia rẽ, đây là một nguy cơ đe dọa đến sự tồn vong của chế độ xã hội. Trong điều kiện xây dựng chủ nghĩa xã hội còn vô cùng khó khăn hiện nay, đời sống nhân dân còn nhiều thiếu thốn người dân sẽ đặt niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, vào chủ nghĩa xã hội qua những biểu hiện của công bằng xã hội được thực hiện. Do đó, cần phải tích cực thực hiện công bằng xã hội để nhân dân thấy được những ưu việt của chế độ mới, tăng niềm tin của nhân dân, tạo ra động lực cho sự phát triển xã hội.

Như vậy, theo Hồ Chí Minh, công bằng xã hội gắn liền với chủ nghĩa xã hội, nó không những là mục tiêu mà còn là động lực của sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội. Chủ nghĩa xã hội ở nước ta là sự thống nhất và phát triển biện chứng giữa giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp và giải phóng con người, tiến đến xóa bỏ mọi áp bức bất công và mưu cầu hạnh phúc cho mọi người. Thực tế xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta cho thấy đây là một con đường đầy khó khăn, thử thách, nhiều khi phải chấp nhận những thất bại, sai lầm. Chúng ta còn cách rất xa tâm nguyện xóa bỏ mọi áp bức bất công, đem lại hạnh phúc cho mọi người của Hồ Chí Minh. Để thực hiện được công bằng xã hội, trách nhiệm rất lớn thuộc về Nhà nước, sự quản lý đồng bộ và có trách nhiệm của Nhà nước qua hệ thống pháp luật, hệ thống chính sách xã hội, an sinh xã hội, hệ thống thuế và phân phối phúc lợi sẽ giữ vai trò quyết định trong việc điều hòa các lợi ích trong xã hội theo hướng công bằng.

Do đó, Nhà nước phải từng bước hoàn thiện hệ thống pháp luật. Hệ thống pháp luật ở nước ta hiện nay nhìn chung còn nhiều bất cập, chưa theo kịp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Pháp luật chính là công cụ quan  trọng nhất để Nhà nước điều hành xã hội. Khi Nhà nước xây dựng được hệ thống pháp luật đồng bộ, hoàn chỉnh sẽ góp phần quan trọng giúp Nhà nước thực hiện công bằng xã hội. Bên cạnh đó, Nhà nước phải xây dựng hệ thống chính sách xã hội cho phù hợp với thực tiễn và đảm bảo việc thực hiện hiệu quả các chính sách đó. Chính sách xã hội là công cụ hiệu quả giúp Nhà nước giải  quyết các vấn đề xã hội, phản ánh bản chất của chế độ xã hội. Ngoài ra, hệ thống an sinh xã hội cũng là một trong những công cụ quản lý của Nhà nước thông qua hệ thống pháp luật, các chính sách xã hội…hướng tới mục tiêu giữ ổn định chính trị, xã hội của đất nước, sự an toàn cho đời sống của mọi công dân, đó chính là những tiền đề, điều kiện quan trọng để thực hiện công bằng xã hội. Hệ thống thuế của Nhà nước cũng cần được sử dụng một cách hữu hiệu để thu hẹp khoảng cách giàu nghèo trong xã hội.

Nhân dân Việt Nam đang xây dựng chủ nghĩa xã hội, đây là con đường đi đến ấm no, hạnh phúc và văn minh, từng bước tiến tới công bằng xã hội thực sự. Con đường đó đã được chủ tịch Hồ Chí Minh và nhân dân ta lựa chọn phù hợp với xu hướng phát triển của xã hội loài người. Để xây dựng thành công xã hội mới, trong mọi điều kiện hoàn cảnh đòi hỏi chúng ta phải nhận thức đúng đắn về công bằng xã hội và nhất quán coi công bằng xã hội là động lực và là mục tiêu của chủ nghĩa xã hội./.

Vũ Thị Minh Tâm, Học viện Kỹ thuật Quân sự 

Theo Tạp chí Tuyên giáo

Kim Chi (st)

Bài viết khác: