Thứ sáu, 19/04/2024

 

Xuyên suốt tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ khi Người ra đi tìm đường cứu nước đến khi trút hơi thở cuối cùng là tư tưởng vì con người, nhất là thế hệ trẻ. Với bao trăn trở, Người đã tìm cho nước ta những nét tiến bộ của một nền giáo dục kiểu mới, đó là nền giáo dục Việt Nam xã hội chủ nghĩa mang tính nhân đạo, tính dân chủ cao cả.

dan- chu-trong-giao-duc
Học sinh Trường THPT Nguyễn Đức Cảnh trong giờ thực hành sinh học.

Trong di sản lý luận mà Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại cho chúng ta ngày hôm nay, Người không dành riêng một chuyên luận nào để bàn về dân chủ và thực hành dân chủ trong giáo dục. Song trong nhiều bài viết, chỉ thị, bài phát biểu, Người đã để lại cho chúng ta một tư tưởng vừa sâu sắc, vừa hiện đại về dân chủ với tư cách là "của quý báu nhất của nhân dân" và là "cái chìa khóa vạn năng" để giải quyết mọi khó khăn, mọi công việc lớn nhỏ của cách mạng. Tư tưởng Hồ Chí Minh về thực hiện dân chủ trong giáo dục được khởi xướng từ năm 1919. Trong nền giáo dục kiểu mới ấy, Hồ Chí Minh yêu cầu phải xem "giáo dục là sự nghiệp của quần chúng". Một trong những mục tiêu cao nhất của nền giáo dục mới, nền giáo dục cách mạng Việt Nam là đào tạo nên những người công dân hữu ích cho nước Việt Nam..., làm phát triển hoàn toàn những năng lực sẵn có, trang bị cho mỗi người dân kiến thức mới để biến một nước cực khổ thành một nước văn hóa cao và đời sống tươi vui, hạnh phúc. Vì thế, Người yêu cầu phải phát huy đầy đủ dân chủ xã hội chủ nghĩa trong giáo dục.

Để việc thực hiện dân chủ trong giáo dục phát huy hiệu quả, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, yếu tố cần thiết đầu tiên là phải đào tạo và xây dựng đội ngũ những người làm công tác giáo dục, đặc biệt là các thầy giáo, cô giáo - những người vẻ vang nhất, những anh hùng vô danh, những kỹ sư tâm hồn, vì theo Người, không có thầy giáo, cô giáo thì không có giáo dục. Muốn làm được điều đó, mỗi người thầy phải không ngừng học tập, trau dồi chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị và phẩm chất đạo đức cách mạng của nhà giáo, thực sự vừa "hồng" vừa "chuyên"; nhất là phải thực sự yêu nghề, yêu trường. Hơn nữa, mỗi người thầy phải không ngừng rèn luyện trong thực tiễn sinh động của xã hội, tiếp thu chất lượng sống ở đó mà truyền lại cho thế hệ trẻ. Những kiến thức thực tiễn đó mới thật là dòng sữa ngọt lành nuôi dưỡng thế hệ tương lai. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: Chế độ ta là chế độ dân chủ, tư tưởng phải được tự do. Tự do là thế nào? Đối với mọi vấn đề, mọi người được hoàn toàn tự do phát biểu ý kiến, dù đúng hoặc không đúng cũng vậy. Nói cách khác, trong nhà trường cần có dân chủ. Các em cần phải được tự do thể hiện tư tưởng của mình, tự do trao đổi, thảo luận để tìm ra chân lý. Tư tưởng đó của Người có ý nghĩa vô cùng to lớn trong giáo dục nước ta hiện nay. Khi mà tình trạng áp đặt, "nhồi sọ" kiến thức một cách quá tải vẫn đang là vấn đề nhức nhối đối với phụ huynh và học sinh. Học sinh vẫn chưa trở thành chủ thể thực sự trong quá trình học tập. Thậm chí, học không phải để lấy kiến thức mà lấy bằng cấp, chạy theo nhu cầu xã hội. Thực tế, đó chỉ là sự nô dịch trong giáo dục.

Mặc dù đề cao và yêu cầu phải dân chủ, phải nêu cao tác phong độc lập suy nghĩ, tự do tư tưởng nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng khẳng định không thể có dân chủ quá trớn hay tùy tiện, dân chủ phải gắn liền với pháp luật, tự do phải gắn liền với kỷ cương. Với tình trạng bạo lực học đường diễn ra ngày càng phổ biến, trầm trọng và dường như các em đã quên đi đạo lý "tôn sư trọng đạo" đối với các thầy cô giáo như hiện nay thì tư tưởng này càng có giá trị to lớn đối với việc giáo dục ý thức, đạo đức cho học sinh.

Hiện nay, mục tiêu của giáo dục là đào tạo ra những công dân có ích cho xã hội, người làm chủ vận mệnh đất nước. Nhưng muốn làm chủ được tốt, phải có năng lực làm chủ. Năng lực làm chủ đó chỉ có thể được tạo ra trước hết trong môi trường giáo dục thực sự dân chủ ở nhà trường.

Những tư tưởng về giáo dục trong nhà trường của Chủ tịch Hồ Chí Minh sẽ là cẩm nang soi sáng sự nghiệp giáo dục. Nó không chỉ là cơ sở cho việc xác định chiến lược đào tạo con người, việc hoạch định chủ trương, đường lối phát triển nền giáo dục của Đảng ta mà còn là những bài học kinh nghiệm quý báu, thiết thực đối với người làm công tác giáo dục nói riêng, ngành Giáo dục nói chung./.

Nguyễn Thị Huệ

(Trường Cao đẳng Sư phạm Thái Bình)

Theo baothaibinh.com.vn

Khúc Thị Lan Hương (st)

Bài viết khác: