Thứ sáu, 29/03/2024

Chỉ mục bài viết

 

  1. Ngày 01/3: “Chúng ta phải nhớ rằng: Người đời ai cũng có chỗ hay chỗ dở. Ta phải dùng chỗ hay của người và giúp người chữa chỗ dở. Dùng người cũng như dùng gỗ. Người thợ khéo thì gỗ to, nhỏ, thẳng, cong, đều tùy chỗ mà dùng được”(1).

Lời nói trên được trích trong “Thư gửi các đồng chí Bắc bộ” của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi Người bận công việc chung không đến tham dự cùng các đồng chí Bắc bộ để phê bình, kiểm thảo và bàn bạc công việc đẩy mạnh kháng chiến. Trong điều kiện cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của dân tộc ta đang bước vào giai đoạn có tính chất quyết định, vấn đề đào tạo, xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp phục vụ cho sự nghiệp cách mạng, đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ kháng chiến đặt ra ngày càng cấp thiết. Người đã căn dặn, về việc xây dựng, sử dụng và bố trí đội ngũ cán bộ trên cơ sở phải đánh giá đúng cán bộ, với mục đích là “phải khéo dùng cán bộ”, phải biết rõ năng lực của cán bộ (tức điểm yếu, điểm mạnh, chỗ hay, chỗ dở), cất nhắc cán bộ cho đúng, bố trí sử dụng cán bộ phải hợp lý, hợp tình, đúng người, đúng việc, đúng sở trường, vì việc mà giao người, giúp cán bộ phải đi đôi với giữ gìn cán bộ. Đây là yêu cầu có tính nguyên tắc trong công tác cán bộ, bởi người đời ai cũng có chỗ hay chỗ dở, biết dùng chỗ hay thì sẽ phát huy được thế mạnh, đồng thời giúp sữa chữa, hạn chế được chỗ dở; dùng người cũng như dùng gỗ, người thợ khéo thì gỗ to, nhỏ, thẳng, cong đều tùy chỗ mà dùng được. Người nhắc nhở cần khắc phục, sửa chữa hạn chế “Thường chúng ta không biết tùy tài mà dùng người”.

Công tác cán bộ muốn đạt được kết quả tốt trước hết phải hiểu và đánh giá đúng cán bộ. Đây là một yêu cầu có tính nguyên tắc và là một quan điểm xuất phát để Đảng ta tiến hành các công việc khác của công tác cán bộ. Muốn hiểu đánh giá đúng cán bộ, trước hết phải có những tiêu chuẩn cán bộ từng loại phù hợp với từng thời kỳ, từng địa phương, từng lĩnh vực, đồng thời phải biết bố trí sử dụng cán bộ đúng với nhiệm vụ, công việc cụ thể. Bố trí sai người, sai việc tất dẫn đến không hoàn thành nhiệm vụ mà còn làm hại cán bộ, lãng phí “chất xám”. Thực hiện lời dạy của Bác, trong quá trình lãnh đạo cách mạng Đảng ta luôn quan tâm, chú trọng xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ.

Ngày nay, thực hiện đường lối đổi mới, việc xây dựng đội ngũ cán bộ luôn đóng vai trò quan trọng trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Đối với quân đội ta ở thời kỳ nào, giai đoạn nào cũng luôn chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ cả về chính trị, tư tưởng, tổ chức, trình độ năng lực chuyên môn, “vừa hồng, vừa chuyên” thực hiện quan điểm, lề lối tác phong công tác. Bởi lẽ, cán bộ là lực lượng nòng cốt xây dựng quân đội, đưa chủ trương, đường lối, chính sách, nghị quyết của Đảng vào quán triệt, chỉ đạo, tổ chức thực hiện trong hoạt động của quân đội; xây dựng, huấn luyện chiến đấu, sẵn sàng chiến đấu, biến đường lối chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, chỉ thị, mệnh lệnh cấp trên thành hiệu quả thiết thực trong đời sống chiến đấu, công tác, lao động sản xuất của quân đội; phải đánh giá đúng cán bộ, bố trí sắp xếp hợp lý, có chính sách đãi ngộ thích đáng để phát huy vai trò đội ngũ cán bộ, đồng thời mỗi cán bộ phải đề cao trách nhiệm, tích cực học tập, nâng cao trình độ toàn diện, phương pháp tác phong công tác, sẵn sàng nhận nhiệm vụ, dù khó khăn đến đâu, cũng quyết tâm, phấn đấu hoàn thành tốt.

  1. Ngày 02/3:“Cán bộ lãnh đạo phải thật sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”(2).

Ngày 02 tháng 3 năm 1962, Bác Hồ và đồng chí Dương Quốc Chính thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ về thăm đồng bào, bộ đội và cán bộ tỉnh Vĩnh Phúc. Tại buổi gặp mặt Bác khen ngợi xã viên các hợp tác xã, đồng bào miền núi, công nhân, bộ đội, cán bộ, các cụ phụ lão, các cháu học sinh đã ra sức sản xuất và chống hạn. Nói chuyện với cán bộ lãnh đạo tỉnh Bác căn dặn, muốn làm tốt mọi công việc thì từ Tỉnh ủy đến chi bộ phải lãnh đạo tốt: Thực hiện đầy đủ các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, biến quyết tâm và sức mạnh của Đảng thành quyết tâm và sức mạnh của nhân dân; phải đi đúng đường lối của Đảng về công tác quần chúng; đi sâu vào cơ sở, đi sát hợp tác xã, tổ chức tuyên truyền, giáo dục cho mọi người thấm nhuần ý thức trách nhiệm, tinh thần làm chủ tập thể, cần kiệm xây dựng hợp tác xã, xây dựng nước nhà; cán bộ lãnh đạo phải thật sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư:

Cần tức là lao động cần cù, siêng năng; lao động có kế hoạch, sáng tạo, có năng suất cao; lao động với tinh thần tự lực cánh sinh, không lười biếng, không ỷ lại, không dựa dẫm.

Kiệm tức là tiết kiệm sức lao động, tiết kiệm thì giờ, tiền của, tài sản công của dân, của nước, của bản thân mình; phải tiết kiệm từ cái to đến cái nhỏ, nhiều cái nhỏ cộng lại thành cái to; "không xa xỉ, không hoang phí, không bừa bãi", không phô trương hình thức, không liên hoan, chè chén lu bù.

Liêm tức là "luôn luôn tôn trọng giữ gìn của công và của dân", "không xâm phạm một đồng xu, hạt thóc của Nhà nước, của nhân dân". Phải "trong sạch, không tham lam". "Không tham địa vị, không tham tiền tài, không tham sung sướng, không ham người tâng bốc mình”.

Chính "nghĩa là không tà, thẳng thắn, đứng đắn". Không tự cao, tự đại, luôn chịu khó học tập cầu tiến bộ, luôn tự kiểm điểm phê bình để phát triển điều hay, sửa đổi điều dở của bản thân mình. Không nịnh hót người trên, không xem khinh người dưới, luôn giữ thái độ chân thành, khiêm tốn, đoàn kết thật thà, không dối trá, lừa lọc, để việc công lên trên, lên trước việc tư, việc nhà.

Chí công vô tư, khi làm bất cứ việc gì cũng đừng nghĩ đến mình trước, khi hưởng thụ thì mình nên đi sau, phải "lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ".

Tư tưởng của Người về cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư là sự kế thừa những giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc, đạo lý làm người của cha ông, là sự vận dụng sáng tạo tư tưởng đạo đức của Chủ nghĩa Mác - Lênin vào thực tiễn cách mạng ở nước ta. Người coi đó không phải chỉ là phẩm chất của cá nhân mà còn của cả tập thể, của cả dân tộc. Người yêu cầu mọi cán bộ đều phải rèn luyện, tu dưỡng theo các phẩm chất trên, đặc biệt là đội ngũ cán bộ, đảng viên có chức, có quyền. Trong công cuộc đổi mới nước ta hiện nay việc tìm hiểu, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh nói chung và xây dựng đạo đức cách mạng cho người cán bộ Đảng, Nhà nước nói riêng, đức tính "cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư" càng trở nên quan trọng và cần thiết hơn bao giờ hết, trong bối cảnh một bộ phận của xã hội, có cả cán bộ, đảng viên còn biểu hiện suy thoái đạo đức cách mạng, tham những, thoái hóa biến chất...

  1. Ngày 03/3: “Người cán bộ cách mạng phải có đạo đức cách mạng. Phải giữ vững đạo đức cách mạng mới là người cán bộ cách mạng chân chính. Đạo đức cách mạng có thể nói tóm tắt là: Nhận rõ phải, trái. Giữ vững lập trường. Tận trung với nước. Tận hiếu với dân. Mọi việc thành hay là bại, chủ chốt là do cán bộ có thấm nhuần đạo đức cách mạng, hay là không”(3).

Đây là tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức cách mạng của người cán bộ cách mạng. Người chỉ rõ những thắng lợi chúng ta đã giành được tuy rất to, nhưng mới chỉ là thắng lợi bước đầu trên đường đi lâu dài, gian khổ. Cho nên, chúng ta quyết không nên vì thắng mà kiêu, phải nhận thấy còn nhiều khó khăn để khắc phục, chứ không phải thấy khó khăn mà sợ hãi, nản chí. Người cán bộ cách mạng phải mạnh dạn, phải có quyết tâm, phải có chí khí tiến lên mãi, tiến lên không ngừng. Trong hoàn cảnh hòa bình, số đông cán bộ ta vẫn giữ vững truyền thống cách mạng tốt đẹp, cần cù chất phác, bền bỉ đấu tranh, làm tròn nhiệm vụ. Song, có một số cán bộ lầm tưởng hòa bình là thái bình, thờ ơ với đạo đức cách mạng, còn bởi tư tưởng cá nhân chủ nghĩa trước đây chi phối mà không nhận rõ phải, trái, không giữ vững lập trường, phạm những sai lầm khuyết điểm.

Đối với người cán bộ cách mạng, để không ngừng tiến bộ, thì cần phải học tập lý luận, trau dồi đạo đức; nhận rõ điều gì là phải thì cố gắng làm, điều gì là trái thì kiên quyết tránh. Phải hiểu rằng bổn phận của người cán bộ cách mạng là suốt đời hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Phải cố gắng thực hiện cho kỳ được: Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Phải gần gũi nhân dân, học tập nhân dân, vì gần gũi nhân dân sẽ cảm thông những khó khăn, gian khổ của nhân dân, thấy rõ những gương anh hùng của nhân dân, giúp ta củng cố lập trường, trau dồi tư tưởng. Cách sửa chữa tốt nhất và quý nhất là thật thà tự phê bình và phê bình. Mỗi người cán bộ bất kỳ làm công việc gì, ở địa vị nào quyết tâm sửa chữa khuyết điểm, phát triển ưu điểm, làm tròn nhiệm vụ Đảng và Chính phủ giao cho như thế mới là thiết thực góp phần vào công cuộc đấu tranh để củng cố hòa bình, thực hiện thống nhất, hoàn thành độc lập và dân chủ trong cả nước ta.

Quân đội nhân dân Việt Nam tập trung giáo dục, bồi dưỡng nâng cao bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức cách mạng; trình độ, năng lực, phương pháp tác phong công tác; nhiệt tình, say mê sáng tạo, gương mẫu tu dưỡng rèn luyện ý thức tổ chức kỷ luật, phấn đấu hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ; kiên quyết đấu chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa", góp phần xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

  1. Ngày 04/3:Xa xỉ thì nhiều bệnh, cần kiệm thì sống lâu”(4).

Trong bút danh C.B được Báo Nhân dân, số 367 đăng ngày 04 tháng 3 năm 1955, nói về vấn đề sức khỏe, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra mối liên hệ giữa đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên với sức khỏe của nhân dân. Người coi trong đó đạo đức, lối sống là nhân tố rất quan trọng, có ảnh hưởng đến sức khỏe con người và thắng lợi của sự nghiệp cách mạng, nhất là khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của dân tộc ta mới giành thắng lợi, miền Bắc bước vào giai đoạn khôi phục và công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội hết sức khó khăn, nền kinh tế lạc hậu, đội ngũ cán bộ chủ yếu chưa được đào tạo căn bản. Vì vậy, để đẩy mạnh xây dựng chủ nghĩa xã hội và thực hiện thống nhất nước nhà, bảo đảm cho nhân dân có sức khỏe tốt, có cuộc sống tốt đẹp, cần chú trọng trong công tác đào tạo và xây dựng phẩm chất đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên, quan tâm đến sức khỏe của nhân dân; cán bộ, đảng viên cần ra sức rèn luyện, phấn đấu, tránh những thói hư, tật xấu; nhân dân hăng say rèn luyện sức khỏe nâng cao tuổi thọ… Qua đó, cùng góp phần tích cực vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và sự nghiệp thống nhất nước nhà.

Để phòng chống căn bệnh “xa xỉ” thì phải chống lối sống vô độ, xa hoa lãng phí, ăn chơi trác táng, cục bộ, ích kỷ, vụ lợi, ham quyền lực, ham của cải làm giàu bất chính, sống hưởng thụ, không chăm chỉ làm việc. Đối với đồng chí, đồng đội, không được kèn cựa, địa vị, gây mất đoàn kết; đối với nhân dân thì không được quan liêu, sách nhiễu, xa rời hoặc dân chủ giả tạo; không mải lo lợi ích cá nhân, gia đình mà quên hết lợi ích của Đảng, của dân; cơ hội, thực dụng, vụ lợi, tham nhũng, nói không đi với làm, làm trái với chủ trương, chỉ thị, nghị quyết của Đảng, phai nhạt lý tưởng cách mạng, giảm sút ý chí chiến đấu, mơ hồ hoài nghi về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội… Đồng thời, phải “cần kiệm”, tức là phải cần cù, siêng năng với tinh thần tự lực; không xa hoa, lãng phí; xây dựng một lối sống chuẩn mực và đạo đức cách mạng trong sáng. Có như vậy mới tránh được những thói hư tật xấu, mới hoàn thành được nhiệm vụ cách mạng, để phục vụ nhân dân, phục vụ đất nước.

Trong Quân đội, quán triệt, triển khai thực hiện Kế hoạch số 696-KH/QU ngày 29/7/2017 của Thường vụ QUTƯ về thực hiện Kết luận số 10-KL/TƯ của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 3, Khóa X về tăng cường lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí; cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị xác định chỉ tiêu thực hành tiết kiệm cụ thể, tổ chức thực hiện đúng trọng tâm, trọng điểm, thường xuyên với quyết tâm cao, gắn với chương trình thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII; nâng cao nhận thức trách nhiệm của cán bộ, chiến sỹ toàn quân trong củng cố kỷ luật tài chính, quản lý, sử dụng tiết kiệm có hiệu quả ngân sách, tài sản của Nhà nước, quân đội. Đề cao tính gương mẫu của cấp trên, cán bộ chủ trì các cấp và cán bộ, đảng viên trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, điều tra, xử lý nghiêm các biểu hiện vi phạm.

  1. Ngày 05/3:“Nếu không kiên quyết chống bệnh quan liêu, mệnh lệnh, lãng phí, tham ô, thì nó sẽ cản trở, phá hoại ta tiến lên chủ nghĩa xã hội”(5).

Lời nói trên được Hồ Chí Minh nói tại Hội nghị cán bộ Thanh tra toàn quân ngày 05 tháng 3 năm 1960. Người nhắc nhở cán bộ ban thanh tra luôn phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, làm tốt chức trách, nhiệm vụ được giao, trong đó phải kiên quyết chống bệnh quan liêu, mệnh lệnh, lãng phí tham ô của cán bộ các cấp. Việc phát hiện ra lãng phí, tham ô, chẳng những cần báo cáo với Trung ương và Chính phủ giải quyết mà còn phải giúp các cấp lãnh đạo địa phương tìm ra được những biện pháp để chủ động, tích cực phòng chống. Nước ta đang trong quá trình tiến lên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội, muốn tiến lên chủ nghĩa xã hội, phải thi đua tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm; không xa rời thực tế, xa rời quần chúng nhân dân và cán bộ cấp dưới; ra sức học tập, rèn luyện để nâng cao phẩm chất, trình độ; kiên quyết tẩy trừ quan liêu vì nếu mắc phải sẽ sinh ra bệnh mệnh lệnh, thích ra các chỉ thị mệnh lệnh mang tính hách dịch, cửa quyền, sinh ra bệnh lãng phí, tham ô… Tất cả loại bệnh này nếu không được sớm phát hiện và kiên quyết loại bỏ thì kẻ thù phá hoại con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội của nhân dân.

Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong sự nghiệp đổi mới đất nước, Đảng ta ngày càng khẳng định rõ năng lực và bản lĩnh trí tuệ lãnh đạo đưa đất nước vượt qua những khó khăn, thách thức tiến nhanh trên con đường hội nhập khu vực và quốc tế. Tuy nhiên những biểu hiện của mặt trái nền kinh tế thị trường mở cửa đang trở thành vấn nạn xã hội nhức nhối, thậm chí đang là thách thức lớn đối với việc thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới đất nước. Chống quan liêu, mệnh lệnh, lãng phí, tham ô, tham nhũng không còn là vấn đề riêng của bất kì quốc gia nào, nó đang là cuộc chiến quyết liệt mang tính toàn cầu. Vì vậy, đấu tranh chống quan liêu, mệnh lệnh, lãng phí, tham ô và tiêu cực xã hội là nhiệm vụ hàng đầu đang được Đảng, Nhà nước thực hiện quyết liệt. Đấu tranh chống quan liêu, mệnh lệnh, lãng phí, tham ô phải đi đôi với việc triển khai sâu rộng cuộc vận động học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

        Mỗi cán bộ, đảng viên quân đội cần phải thường xuyên thực hiện tốt di huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về chống tham ô, lãng phí, chống bệnh quan liêu, mệnh lệnh; phải nâng cao đạo đức cách mạng, thật sự “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”. Đồng thời, các cơ quan, đơn vị phải có những biện pháp đồng bộ, tăng cường công tác giáo dục, kiểm tra, giám sát, thực hiện nghị quyết, chỉ thị của Đảng và Nhà nước về xây dựng đội ngũ cán bộ. Kiên quyết đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, chống bệnh quan liêu, mệnh lệnh, lãng phí, tham ô; nêu cao tính chiến đấu trong tự phê bình và phê bình, thực hiện nghiêm túc 19 điều quy định của đảng viên nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội.

  1. Ngày 06/3: “Nạn giấy tờ đã làm tốn của hao công của nhân dân, nó cũng làm hỏng tư tưởng và tác phong của cán bộ… là mẹ đẻ ra nạn tham ô, lãng phí(6).

Trong bài viết “Chống nạn giấy tờ” đăng tải trên Báo Nhân Dân số 170, ngày 06 tháng 3 năm 1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc nhở: Nạn giấy tờ đã làm tốn của hao công của nhân dân, nó cũng làm hỏng tư tưởng và tác phong của cán bộ… là mẹ đẻ ra nạn tham ô, lãng phí”. Trong bài viết Người đã chỉ ra những biểu hiện, nguyên nhân, biện pháp khắc phục của nạn giấy tờ. Ở các bộ từ Trung ương đến cơ quan các xã, đặc biệt như các Bộ Tài chính, Canh nông, Nội vụ…

Chính nạn giấy tờ đã làm hỏng tác phong, tư tưởng cán bộ, khiến cán bộ xa rời công tác thực tế, hiệu quả không thiết thực; làm hao công, tốn của của nhân dân; là hiện tượng tai hại của bệnh quan liêu, nguồn gốc của tham ô, lãng phí. Người yêu cầu cán bộ phải thi đua tiễu trừ triệt để bệnh giấy tờ, đó là cách để thực hiện cần, kiệm, liêm, chính, đạo đức của người cán bộ cách mạng.

Hiện nay, lời dạy ấy càng mang tính thời sự sâu sắc. Vận dụng tư tưởng của Người vào quá trình xây dựng và hoàn thiện Nhà nước Việt Nam pháp quyền XHCN của dân, do dân, vì dân, cả hệ thống chính trị và trong quân đội đang đẩy mạnh cải cách hành chính nhằm đẩy nhanh hiệu quả công việc, tranh quan liêu, hình thức.

Xuất phát từ yêu cầu cao của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, phải đẩy mạnh xây dựng quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, quân đội phải tích cực bài trừ bệnh giấy tờ, thủ tục hành chính rườm rà, quan liên mệnh lệnh, cán bộ chỉ huy gần gũi bộ đội, bộ đội gần gũi dân, tích cực làm việc thực tế, thiết thực, hăng hái thi đua xây dựng thành công và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN. Đây cũng là một trong những nội dung cải cách hành chính của quân đội.

  1. Ngày 07/3: “Phải đi đúng đường lối quần chúng, liên hệ mật thiết với quần chúng, dựa vào lực lượng quần chúng. Quần chúng thông suốt về phương châm, phương pháp của Đảng và Chính phủ thì nhất định sẽ làm được và làm tốt(7).

Ngày 07 tháng 3 năm 1960, phát biểu tại Hội nghị tổng kết công tác Thủy lợi năm 1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn “… phải đi đúng đường lối quần chúng, liên hệ mật thiết với quần chúng, dựa vào lực lượng quần chúng. Quần chúng thông suốt về phương châm, phương pháp của Đảng và Chính phủ thì nhất định sẽ làm được và làm tốt”.

Bài nói của Người được đăng tải trên Báo Nhân Dân, số 2182 ra ngày 09 tháng 3 năm 1960. Người đánh giá cao những kết quả về công tác thủy lợi mà cán bộ và nhân dân ta đạt được trong những năm đầu khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội sau chiến tranh. Người tin tưởng rằng nhân dân ta nếu có cố gắng sẽ nhất định cải tạo tự nhiên, “nhân định thắng thiên”; đồng thời căn dặn cán bộ phải đi đúng đường lối quần chúng, liên hệ mật thiết với quần chúng, dựa vào quần chúng để phát triển kinh tế. Lời của Bác tuy ngắn gọn nhưng mang giá trị tư tưởng cao, tính giáo dục lớn, không chỉ bó hẹp ở công tác thủy lợi mà trên mọi mặt công tác nói chung, phải biết lấy dân làm gốc, tin ở dân, gần gũi dân, biết dựa vào dân. Chính quần chúng nhân dân là lực lượng cách mạng đông đảo nhất, trực tiếp thực hiện đường lối cách mạng, biến đường lối cách mạng của Đảng thành hiện thực.

Vận dụng lời dạy của Bác trong quá trình đổi mới hiện nay, Đảng ta tiếp tục phát huy vai trò của quần chúng nhân dân, biết dựa vào nhân dân, phát huy sức mạnh của nhân dân để vượt qua khó khăn, đưa đất nước đi vào ổn định và phát triển. Những thành tựu đất nước đạt được qua 30 năm đổi mới là minh chứng rõ ràng của sức mạnh quần chúng nhân dân. Quá trình đổi mới đất nước do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, có nhân dân tham gia, nhân dân đồng tình hưởng ứng để tạo thành một sức mạnh tổng hợp của sự đoàn kết toàn Đảng, toàn dân vượt qua mọi khó khăn, trở ngại để xây dựng một nước Việt Nam giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội.

Trong quân đội, từ thực tiễn xây dựng, trưởng thành, chiến đấu và chiến thắng đã khẳng định đoàn kết quân dân là một trong những nguồn gốc quan trọng đối với việc củng cố, tăng cường sức mạnh của quân đội, không chỉ có ý nghĩa, giá trị trong lịch sử, mà còn được vận dụng trong củng cố, tăng cường sức mạnh chiến đấu của quân đội trong điều kiện mới. Đòi hỏi phải không ngừng củng cố, tăng cường nâng cao hiệu quả công tác vận động quần chúng, gắn bó với nhân dân. Mọi chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ huy phải xuất phát từ lợi ích của nhân dân, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cơ quan, đơn vị, nguyện vọng của quần chúng. Đẩy mạnh tuyên tuyền vận động quần chúng tích cực thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

  1. Ngày 08/3: “Non sông gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta, trẻ cùng già, ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ”(8).

Sinh thời Hồ Chủ tịch luôn quan tâm và đánh giá cao vị trí vai trò của phụ nữ trong quá trình phát triển của lịch sử dân tộc Việt Nam. Ngày 08 tháng 3 năm 1952, trong Thư gửi phụ nữ Việt Nam nhân dịp kỷ niệm Hai Bà Trưng và Ngày Quốc tế Phụ nữ, Người nhấn mạnh: “Non sông gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta, trẻ cùng già, ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ”. Bức thư ấy, được đăng tải toàn văn trên báo Nhân Dân, số 49, ngày 13-3-1952. Nội dung thư đã nêu bật vai trò to lớn của phụ nữ trong cuộc kháng chiến của toàn dân tộc, các bà, các mẹ, các chị đã xung phong đi dân công, giúp thương binh, hòa lòng yêu nước, yêu con, yêu chiến sỹ thành mối yêu thương không bờ bến. Người yêu cầu các cấp lãnh đạo đi sát hơn, thiết thực hơn với phong trào phụ nữ để phong trào ấy chắc hơn, rộng hơn, mạnh hơn. Đồng thời người giao nhiệm vụ cho phụ nữ trong hoàn cảnh đất nước lúc bấy giờ: Phải thắt chặt đoàn kết thi đua tăng gia sản xuất, tiết kiệm, tích cực tham gia chính quyền, giúp đỡ bộ đội, bảo vệ nhi đồng…

Khắc ghi lời dạy của Người, hiện nay, đội ngũ cán bộ nữ luôn được tạo điều kiện phát huy quyền làm chủ, đáp ứng ngày càng cao yêu cầu của sự nghiệp xây dựng đất nước. Phong trào phụ nữ đã có bước phát triển, các tầng lớp phụ nữ tỏ rõ có năng lực, phẩm chất, nêu cao tinh thần yêu nước, đoàn kết, phát huy tiềm năng, sức sáng tạo trong học tập, lao động sản xuất và công tác, đạt những thành tích xuất sắc. Đội ngũ cán bộ nữ đã có bước trưởng thành rõ rệt. Trong các cấp uỷ đảng và ở các vị trí lãnh đạo từ Trung ương đến cơ sở đều có cán bộ nữ tham gia.

Trong quân đội, phụ nữ luôn nhận thức được vai trò trách nhiệm của mình: Họ là những người chiến sỹ, “Bộ đội Cụ Hồ”, là người mẹ tảo tần, người vợ đảm đang, người vun vén dựng xây tổ ấm gia đình. Nhiều người trong số họ là những nhà khoa học, những vị lãnh đạo tài năng; đó là những người lính vững tay súng bảo vệ Tổ quốc. Ngày nay, trước yêu cầu nhiệm vụ của quân đội, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và cấp ủy, chỉ huy các cấp thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo; tạo điều kiện để chị em phụ nữ quân đội tự giác, tích cực học tập, rèn luyện, phấn đấu theo tiêu chí phẩm chất đạo đức Phụ nữ Việt Nam thời kỳ CNH, HĐH "Tự tin - Tự trọng - Trung hậu - Đảm đang", gắn với thực hiện Cuộc vận động "Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch"; tiếp tục tuyên truyền, nhân rộng và phát triển các phong trào, các mô hình, cách làm sáng tạo có hiệu quả, như Phong trào “Phụ nữ Quân đội tích cực học tập, lao động sáng tạo hoàn thành tốt nhiệm vụ, xây dựng gia đình hạnh phúc”; “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”; “5 nhất, 3 không”; “Luyện tay nghề, thi thợ giỏi"; “Ngày tiết kiệm vì phụ nữ khó khăn”… cổ vũ, động viên cán bộ, hội viên hăng say học tập, công tác, nghiên cứu khoa học, thi đua lập công trên các lĩnh vực, đóng góp vào sự nghiệp xây dựng quân đội, củng cố nền quốc phòng toàn dân, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

  1. Ngày 09/3: “Trên đống xương máu, trên đống tro tàn, thanh niên ta, con cháu ta, sẽ xây dựng một nước Việt Nam hoàn toàn độc lập(9).

Ngày 09 tháng 3 năm 1947, trong buổi tiếp và trả lời phỏng vấn phóng viên, khi bình luận về lời tuyên bố của Thủ tướng Pháp Ramađiê (Ramadier) (6-3-1947), Chủ tịch Hồ Chí Minh tỏ ý tiếc rằng Chính phủ Pháp đã lật lọng, một mặt thì nói “nước Pháp không phản đối nguyện vọng thống nhất của người Việt Nam”, nhưng mặt khác lại cố sức dùng vũ lực với đồng bào ta. Trước hành động đó, thay mặt quốc dân, đồng bào, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Nếu chiến tranh kéo dài, thì khối Liên hiệp Pháp cũng hỏng, lợi quyền Pháp ở Á Đông cũng mất, nước ta sẽ bị tàn phá tiêu điều. Nhưng dù tiêu điều đến đâu, non nước này vẫn là non nước Việt Nam. Trên đống xương máu, trên đống tro tàn, thanh niên ta, con cháu ta, sẽ xây dựng một nước Việt Nam hoàn toàn độc lập”.

Tuyên bố trên của Người đã thể hiện lòng tin vào thắng lợi của cuộc kháng chiến dù cuộc chiến đấu đó có đầy gian lao, thử thách, đầy hy sinh, mất mát, nhưng sau ngày chiến thắng sẽ xây dựng nước Việt Nam độc lập cường thịnh. Tuyên bố của Người cũng thể hiện ý chí sắt đã quyết tâm bảo vệ độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam. Lời của Người đã thể hiện sự tin tưởng tinh thần đấu tranh cách mạng của thế hệ trẻ nước nhà, thôi thúc lớp lớp các thế hệ người Việt Nam kiên quyết đứng lên đánh đuổi kẻ ngoại xâm, giành hoàn toàn độc lập, tự do cho dân tộc, tạo tiền đề đưa cả nước tiến lên chủ nghĩa xã hội.

Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay, lời dạy của Bác là nguồn động lực tinh thần to lớn để phát huy được sức mạnh tổng hợp toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ; giữ vững chủ quyền biển đảo, biên giới, vùng trời của Tổ quốc. Đảng, Nhà nước và nhân dân luôn nêu cao ý chí tự lực, tự cường, tinh thần độc lập, tự chủ, phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc; kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, sức mạnh bên trong với sức mạnh bên ngoài tạo nên sức mạnh tổng hợp to lớn vượt qua mọi thách thức, khắc phục mọi khó khăn, tận dụng cơ hội, tranh thủ thời cơ đưa đất nước tiếp tục tiến lên.

  1. Ngày 10/3: Chúng ta cần phải giữ gìn giọt máu của đồng bào để xây đắp tương lai của Tổ quốc. Sự kiến thiết, sự tranh đấu chưa kết thúc, tinh thần hăng hái của đồng bào sẽ không bao giờ phải e là không có cơ hội hành động nữa(10).

Ngày 10 tháng 3 năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết thư gửi đồng bào Nam Bộ, các chiến sỹ ở tiền tuyến và Ủy ban Hành chính Nam Bộ để thông báo về việc chính phủ đã ký Hiệp định Sơ bộ ngày 06 tháng 3, được đăng tải trên Báo Cứu quốc số 182, ra ngày 10 tháng 3 năm 1946. Trong thư, Người kính cẩn nghiêng mình trước anh linh của những người đã đấu tranh cho nước nhà và gửi lời chào thân ái đến đồng bào miền Nam; nhấn mạnh Hiệp định có được là nhờ sự đấu tranh anh dũng của tất cả đồng bào ở Nam Bộ, Nam Trung Bộ và chiến sỹ các mặt trận từ những ngày đầu Nam Bộ kháng chiến (9/1945 - 3/1946). Người căn dặn: “Chúng ta cần phải giữ gìn giọt máu của đồng bào để xây đắp tương lai của Tổ quốc. Sự kiến thiết, sự tranh đấu chưa kết thúc, tinh thần hăng hái của đồng bào sẽ không bao giờ phải e là không có cơ hội hành động nữa”.

Những lời dạy của Người có tác dụng khích lệ tinh thần to lớn với không chỉ với đồng bào miền Nam mà còn cả đồng bào, chiến sỹ cả nước. Và đây cũng là lời căn dặn cán bộ phải bảo vệ nhân dân, bồi dưỡng sức dân để tiến hành cuộc kháng chiến “toàn dân, toàn diện, trường kỳ”.

Ngày nay, đất nước đã hòa bình, đang trong quá trình đổi mới, phát triển kinh tế - xã hội, lời dạy của Người vẫn nguyên giá trị, Đảng, Nhà nước, quân đội và nhân dân nêu cao bồi dưỡng sức dân, phát huy nội lực để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Quân đội nhân dân Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện, là đội quân “từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu” luôn nêu cao Lời thề thứ chín, xây dựng mối quan hệ khăng khít với nhân dân, tạo nên sức mạnh để hoàn thành nhiệm vụ trong mọi giai đoạn cách mạng; là động lực tinh thần để xây dựng thành công Quân đội nhân dân Việt Nam chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, đáp ứng được yêu cầu của sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc ngày nay./.

(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 15, tr. 88.

(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 14, tr. 40.

(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 9, tr. 354.

(4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 9, tr. 364.

(5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 12, tr. 503.

(6) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb, Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 2011, tập 8, tr.425.

(7) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb, Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 2011, tập 12, tr.505.

(8) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia – Sự thật, 2011, tập 7, tr. 340.

(9) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia – Sự thật, 2011, tập 5, tr. 104.

(10) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb, Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 2011, tập 4, tr.228.

Theo Cục Tuyên huấn

Thanh Huống (st)

Bài viết khác: