Thứ sáu, 19/04/2024

Ra đời vào tháng 10/1947, trong bối cảnh toàn quốc kháng chiến, từ đó đến nay, tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” luôn là văn kiện quan trọng về xây dựng Đảng, còn nguyên giá trị và tính thời sự. Bởi mục đích của tác phẩm là nâng cao trình độ lý luận, nâng cao tư tưởng và tình cảm cách mạng, nâng cao phẩm chất đạo đức, tác phong công tác của người cán bộ cách mạng, nâng cao năng lực lãnh đạo nhằm đáp ứng các yêu cầu mới của sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc.

Tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh gồm 6 phần chính: Phê bình và sửa chữa; Mấy điều kinh nghiệm; Tư cách và đạo đức cách mạng; Vấn đề cán bộ; Cách lãnh đạo và Chống thói ba hoa. Nội dung tác phẩm bao quát những vấn đề rộng lớn trong toàn bộ các mối quan hệ và các nguyên tắc, phương pháp, lề lối, cách thức làm việc của Đảng, Nhà nước và của cán bộ, đảng viên. Toàn bộ nội dung tác phẩm toát lên tư tưởng rèn luyện tính Đảng, nâng cao tính đảng cho cán bộ, đảng viên.

tu tuong ren luyen tinh dang

Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Mỗi cán bộ, mỗi đảng viên, cần phải có tính đảng mới làm được việc. Kém tính Đảng, thì việc gì cũng không làm nên”(1). Vai trò của tính Đảng rất quan trọng. Nhờ có tính Đảng, cán bộ, đảng viên mới hoàn thành nhiệm vụ được giao, ngược lại, kém tính Đảng thì cán bộ, đảng viên không hoàn thành được chức trách, nhiệm vụ. Muốn có tính Đảng, trước hết cán bộ, đảng viên phải nắm rõ nội dung, biểu hiện tính Đảng và có phương pháp, cách thức phù hợp để rèn luyện tính Đảng. Hơn nữa, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đòi hỏi tổ chức đảng phải có chủ trương, biện pháp để rèn luyện tính Đảng cho cán bộ, đảng viên.

Về nội dung tính Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ nội hàm tính Đảng, chỉ rõ các biểu hiện tính Đảng đồng thời nhận diện các biểu hiện kém tính Đảng. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, các biểu hiện của tính Đảng như: Đặt lợi ích của Đảng, của dân tộc lên trên hết; điều tra, báo cáo rõ ràng tình hình; gắn lý luận và thực hành. Các biểu hiện của kém tính Đảng là mắc các căn bệnh tệ hại.

Một là, đặt lợi ích của Đảng, của dân tộc lên trên hết.

Chủ tịch Hồ Chí Minh lý giải rõ ràng về yêu cầu phải trọng lợi ích của Đảng hơn hết. Lợi ích của Đảng là vì lợi ích của dân tộc, của Tổ quốc, ngoài lợi ích đó, Đảng không có lợi ích nào khác. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Phải đặt lợi ích của Đảng lên hết, lên trước hết. Vì lợi ích của Đảng tức là lợi ích của dân tộc, của Tổ quốc”(2) và nhấn mạnh: “Vô luận lúc nào, vô luận việc gì, đảng viên và cán bộ phải đặt lợi ích của Đảng ra trước, lợi ích của cá nhân lại sau. Đó là nguyên tắc cao nhất của Đảng. Đó là “tính Đảng”(3).

Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu: Lợi ích của cá nhân nhất định phải phục tùng lợi ích của Đảng. Lợi ích của mỗi bộ phận phải phục tùng lợi ích của toàn thể. Lợi ích tạm thời nhất định phải phục tùng lợi ích lâu dài. Lợi ích của Đảng và lợi ích của cá nhân đảng viên thống nhất, phù hợp khi đảng viên ham học tập để nâng cao trình độ, thực hành cần, kiệm, liêm, chính để dân tin, dân phục, dân yêu… Lợi ích của cá nhân đảng viên mâu thuẫn với lợi ích của Đảng khi đảng viên ham muốn địa vị, tìm cách phát tài, ra mặt anh hùng, tự cao, tự đại… Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, để trọng lợi ích của Đảng hơn hết thì về nguyên tắc, khi lợi ích chung của Đảng mâu thuẫn với lợi ích riêng của cá nhân thì phải kiên quyết hy sinh lợi ích cá nhân cho lợi ích của Đảng.

Hai là, điều tra, báo cáo rõ ràng tình hình.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đề cao vai trò của tính đảng trong hoạt động thực tế của cán bộ, đảng viên. Tính Đảng của cán bộ, đảng viên thể hiện trong hành động, trong thực hiện nhiệm vụ được giao: Việc gì cũng phải điều tra rõ ràng, cẩn thận và phải làm đến nơi đến chốn. Cán bộ, đảng viên phải điều tra và báo cáo rõ ràng tình hình vì trên cơ sở đó, Đảng hiểu rõ tình hình để đặt chính sách cho đúng.

Ba là, gắn lý luận và thực hành.

Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định vai trò của lý luận đối với thực tiễn: “Lý luận như cái kim chỉ nam, nó chỉ phương hướng cho chúng ta trong công việc thực tế”(4). Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, lý luận phải gắn với thực tế vì: “Lý luận cốt để áp dụng vào công việc thực tế. Lý luận mà không áp dụng vào thực tế là lý luận suông”; “Lý luận phải đem ra thực hành, thực hành phải nhằm theo lý luận”.

Bốn là, kém tính Đảng làm nảy sinh các căn bệnh nguy hiểm, gây hại cho Đảng.

Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ kém “tính Đảng” là nguyên nhân của những căn bệnh như: Ba hoa, địa phương, ham danh vị, thiếu kỷ luật, cẩu thả, xa quần chúng, chủ quan, hình thức, ích kỷ, hủ hóa, thiếu ngăn nắp, lười biếng… Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh mắc phải một trong các căn bệnh nguy hiểm sẽ làm hỏng việc, gây hại cho Đảng.

Về phương pháp, cách thức rèn luyện tính Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ dẫn như sau:

Một là, học tập, trau dồi lý luận.

Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn mỗi cán bộ, đảng viên phải không ngừng học tập, trau dồi lý luận. Tổ chức việc học tập lý luận và sửa đổi lối làm việc, để cho Đảng ta thành một lực lượng rất mạnh, đưa dân tộc đến bước thành công. Người chỉ rõ: “… Có học tập lý luận Mác - Lê-nin mới củng cố được đạo đức cách mạng, giữ vững lập trường, nâng cao sự hiểu biết và trình độ chính trị, mới làm được tốt công tác Đảng giao phó cho mình...”(5). Học tập, trau dồi lý luận để kiên định lập trường tư tưởng, trung thành với lý tưởng cách mạng của Đảng.

Hai là, tự phê bình và phê bình nghiêm túc.

Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh vai trò của tự phê bình và phê bình, thực hiện tự phê bình và phê bình để chữa các bệnh, các biểu hiện kém tính đảng. Phê bình là nêu ưu điểm, vạch khuyết điểm của đồng chí mình. Tự phê bình là nêu ưu điểm và vạch khuyết điểm của mình. Mục đích của tự phê bình và phê bình là “cho mọi người học lẫn ưu điểm của nhau và giúp nhau sửa chữa những khuyết điểm”. Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt ra yêu cầu: “Phê bình thì phải rõ ràng, thiết thực, ngay thẳng, thành thật - mục đích cốt là sửa chữa, chứ không phải để công kích, cốt để giúp nhau tiến bộ, chứ không phải làm cho đồng chí khó chịu, nản lòng”(6). Bên cạnh đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng nhắc nhở, các cán bộ, đảng viên cần chống các bệnh tự mãn tự túc, tự tư tự lợi, kiêu ngạo, ba hoa và thực hành đạo đức cách mạng, chí công vô tư, cần, kiệm, liêm, chính.

Ba là, nghiêm ngặt kiểm tra, kiên quyết thực hành kỷ luật.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, một trong các biện pháp quan trọng để nâng cao tính Đảng là phải “nghiêm ngặt kiểm tra”, “kiên quyết chống lại thói nghị quyết một đường, thi hành một nẻo”(7). Mục đích của kiểm tra, kiểm soát để: “… Biết các nghị quyết có được thi hành không, thi hành có đúng không; muốn biết ai ra sức làm, ai làm cho qua chuyện…”. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, “kiểm soát khéo, bao nhiêu khuyết điểm cũng lòi ra hết, hơn nữa, kiểm tra khéo về sau khuyết điểm nhất định bớt đi”(8). Và, để kiểm soát tốt cần hai điều kiện: Việc kiểm soát phải có hệ thống, phải thường làm và người đi kiểm soát phải là những người rất có uy tín.

Bên cạnh đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh thực hành kỷ luật đảng, coi đây là một con đường để rèn luyện tính đảng cho cán bộ, đảng viên. Theo đó, cá nhân phải tuyệt đối phục tùng tổ chức, số ít phải phục tùng số nhiều, cấp dưới phải phục tùng cấp trên, địa phương phải phục tùng Trung ương.

Tư tưởng rèn luyện tính Đảng là sợi chỉ đỏ xuyên suốt tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”. Nội dung tư tưởng rèn luyện tính Đảng có giá trị bền vững, trường tồn, đang tiếp tục soi sáng công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”,“tự chuyển hóa” trong nội bộ, để Đảng ta thật sự là đạo đức, là văn minh, luôn vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức.

Tính Đảng là phẩm chất tiêu biểu, tạo nên nhân cách của cán bộ, đảng viên, biểu hiện tập trung ở các phương diện như: Tuyệt đối trung thành với nền tảng tư tưởng, lý tưởng cách mạng của Đảng; tiền phong, gương mẫu về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống và tổ chức; gắn bó mật thiết với nhân dân. Rèn luyện tính Đảng là nhiệm vụ thường xuyên của cán bộ, đảng viên và của tổ chức đảng, trong đó cần đề cao sự tự rèn luyện tính Đảng của cán bộ, đảng viên. Nhờ rèn luyện tính Đảng mà cán bộ, đảng viên hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ; tích cực tham gia đấu tranh phòng, chống các nguy cơ đối với đảng cầm quyền, góp phần củng cố địa vị cầm quyền và nâng cao năng lực cầm quyền của Đảng. Trong công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay cần vận dụng sáng tạo tư tưởng rèn luyện tính Đảng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhằm ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự chuyển biến”, “tự chuyển hóa” trong Đảng. Muốn vậy, tổ chức đảng và đội ngũ đảng viên phải thực hiện tốt các nội dung và phương thức rèn luyện tính Đảng./.

TS. Lê Thị Minh Hà, ThS. Nguyễn Thị Mai Anh 
Viện Xây dựng Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
Theo Tạp chí Cộng sản
Huyền Trang (st)

----------------------------

Tài liệu tham khảo:

  1. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 5, tr.307
  2. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, tập 5, tr.290
  3. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, tập 5, tr.290
  4. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, tập 5, tr.274
  5. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, tập 11, tr.611
  6. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, tập 5, tr.308
  7. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, tập 5, tr.308
  8. Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, tập 5, tr.327

Bài viết khác: