Thứ ba, 19/03/2024

Chỉ mục bài viết

ĐI THĂM MẶT TRẬN

Chuyện này bắt đầu cách đây đã 40 năm về trước.  Chúng tôi được nghe kể lại cách đây hơn 10 năm. Tôi nhớ được thế nào xin thuật lại thế ấy.

Năm 1950, ta chuẩn bị đánh quét giặc Pháp ra khỏi đường số 4 là giải phóng biên giới Việt - Trung. Bác quyết định đi thăm mặt trận.

Để Bác đi đỡ mệt, chúng tôi làm một chiếc cáng. Gọi là “cáng” cho oai, chứ sự thật chỉ là một tấm vải thô, hai đầu cột chặt vào một đoạn tre, một người có thể nằm để hai người khiêng. Nhưng Bác bảo thôi không dùng đến.

Bác cùng chúng tôi đi bộ từ Phủ Chủ tịch ở Tuyên Quang đến mặt trận biên giới, rồi đi ngược đến tỉnh lỵ Cao Bằng, công việc xong lại trở về Tuyên Quang.

Xin thưa rằng, trong câu chuyện này nhiều danh từ chỉ có nghĩa thô sơ thôi. Như “Phủ Chủ tịch” chỉ là một túp nhà sàn, bốn bề không phên không vách làm ở trong rừng, xây dựng một ngày là xong; ở vài tháng rồi lại dời đi nơi khác.

Đối với chúng tôi, cuộc đi này thật vất vả, nhưng cũng thật thú vị.

Đi theo Bác có: Một tiểu đội bảo vệ, một thầy thuốc – bác sĩ Chân, đồng chí Thành và tôi, T. Lan. Muốn đi nhanh, Bác cho đội bảo vệ đi trước vài mươi phút, rồi Bác và ba anh em chúng tôi đi sau.

Để tránh máy bay địch, chúng tôi khi thì đi ban đêm, khi thì đi đường rừng. Sáng dậy đi thật sớm. Đến trưa, hễ gặp một ngọn suối trong, có cây cao bóng mát, có những tảng đá to, thì Bác bảo dừng lại. Giở cơm nắm ra ăn với thịt Việt Minh (một cân thịt vằm với một cân muối và một cân ớt). Ăn xong, mỗi người nằm nghỉ lưng trên một tảng đá, tha hồ mà “vui thú lâm tuyền”. Nghỉ một tiếng đồng hồ, rồi lạitiếp tục đi.

Phần thì để giữ bí mật, phần thì không muốn làm phiền đồng bào, mỗi tối, chúng tôi thường đóng quân ở một ngôi đình, ngôi chùa, hoặc một cái lán bỏ hoang. Mấy đống lá cây, phủ thêm mấy tấm vải bạt, ở giữa đốt bếp lửa, thế là  thành “hành doanh” của đội “phụ tử binh”chúngtôi.

Tôn còn nhớ một lần đi đêm, trời đã khuya, thì may gặp một cái quán làm bằng vài tấm tranh cột trên bốn cái cọc tre. Ban ngày, đồng bào miền núi thường đưa chuối, sắn, mía, khoai, v,v. treo vào đó. Khách qua đường ai muốn ăn thì cứ ăn, ăn hết bao nhiêu, khách tự tính giá cho phải chăng và tự bỏ tiền vào một cái ống nứa để sẵn ở đó. Tối đến, chủ quán ra thu dọn số hàng còn lại và lấy tiền về, không bao giờ thâm vào vốn. Trước quán có một cái “ghế dài” làm bằng một đoạn cây to và cong queo, gác trên hai chữ X bằng nứa để cho khách ngồi. Bác đặt ba lô xuống, ghé lưng vào ghế, hai chân hai tay giữ lấy ghế cho khỏi ngã... Một lát sau, Bác đã ngủ ngon!

Có đêm, đang đi giữa đường thì nghe máy bay địch ném bom phía trước và phía sau, như chúng muốn chặn đường mình. Nhưng kinh nghiệm cho biết rằng chúng chỉ ném lung tung để phá đường giao thông và doạ các đội vận tải của ta.

Hôm nào trời nắng ráo, thì vừa đi vừa “ngoạn thuỷ, du sơn” cũng thích. Nhưng hôm nào trời mưa to thì cũng khổ thật. Các toán vắt “lợi dụng thời cơ” mà tấn công chúng tôi; thêm vào đó là đường trơn, gió rét. Tình cảnh ấy khiến tôi nhớ lại câu đối mà cha tôi thường đọc:

“Đi đường đất thịt trơn như mỡ

Ngồi gốc cây da rét tận xương

Có những đoạn đường đất đỏ, bùn lút mắt cá, đi một bước, trượt hai bước. Bác bảo rút dép cao su ra, xắn quần quá đầu gối, tay thì chống gậy mà đi. Trong mấy anh em chúng tôi, bác sĩ Chân đi kém nhất, mà lại có nhiệm vụ phải đi theo kịp Bác. Nhiều khi đồng chí ấy muốn nghỉ chân, nhưng không dám nói. Một buổi sáng, mưa như đê trên trời bị vỡ, sau khi đi được vài tiếng đồng hồ, thì thấy mấy mái nhà nhấp nhô dưới rừng cây cổ thụ. Nỗi lòng không nín được nữa, bác sĩ ta bèn thốt ra một tiếng, chỉ một tiếng thôi: “Nhà!”.

Bác cười và bảo: “Đúng rồi! Đó là lán của các anh em vận tải đấy...”. Chúng tôi hiểu ý Bác, nhìn nhau cười thầm.

Đến đường số 4, đồng chí Tổng Tư lệnh đưa một chiếc xe díp ra đón. Chúng tôi đã mừng và khẽ bảo nhau: “Bây giờ khỏi cuốc bộ rồi!”. Không ngờ Bác bảo đồng chí cán bộ “đưa xe về cho bộ đội dùng chở tiếp tế. Bác đi bộ quen rồi, không cần đi xe”.

Trên đường đi, Bác thường ghé thăm một cách bất thình lình đồng bào các bản làng và các đơn vị bộ đội. Anh em chiến sĩ và cán bộ thấy Bác đến một cách đột ngột, đầu thì ngơ ngác, rồi thì mừng quýnh lên, reo hò, nhảy nhót, quây quần lấy Bác, có khi quên cả trật tự. Sau khi xem tận nơi bếp nấu, chỗ ở, công tác vệ sinh, Bác thân mật hỏi thăm sức khỏe mọi người, dặn dò, phê bình, khuyến khích mấy lời như cha nói với đàn con rồi lại tiếp tục đi.

Chúng tôi được biết rằng sau những cuộc đến thăm “du kích” của Bác, kết quả là về tinh thần thì bộ đội thêm phấn khởi hăng hái; về vật chất thì anh em càng thêm ngăn nắp và càng chú ý công tác vệ sinh.

Trong chiến dịch này, bộ đội ta tỏ ra rất anh dũng, điều đó ai cũng biết. Đây tôi chỉ muốn nói thêm rằng nhân dân ta cũng anh dũng vô cùng. Đồng bào các dân tộc đi dân công không quản dãi nắng dầm mưa, không quản trèo đèo lội suối, không quản máy bay địch uy hiếp suốt ngày, họ luôn luôn vui vẻ, làm tròn nhiệm vụ. Một hôm, trời vừa ửng sáng, Bác ghé thăm một xóm ở gần đường. Ngoài đồng ruộng thấy mấy trăm chị em dân công, Kinh có, Tày có, Nùng có, Mán có... Người thì vừa nhóm bếp nấu cơm, vừa chuyện trò vui vẻ. Người thì chụm năm chụm ba, đang ngồi dựa lưng vào nhau mà ngủ. Bác hỏi mấy chị đang nhóm lửa: “Các cô cả đêm ngồi ngủ ngoài trời như vậy sao?”,

Các chị trả lời: “Vâng ạ, nhà đồng bào chật, chỉ đủ chỗ để chứa lương thực của bộ đội cho khỏi ướt. Các cháu ngủ ngoài đồng thế này càng vui ..”.

Bác ôn tồn khen ngợi chị em, rồi bảo chúng tôi: “Bộ đội ta dũng cảm như vậy, nhân dân ta dũng cảm như vậy, ta nhất định thắng, địch nhất định thua”.

Lờinói của Bác đã thành sự thật. Trận ấy ta thắng to, tiêu diệt được nhiều địch, giải phóng được biên giới, bắt được ba tên quan năm.

Ta tạm giữ ba tên quan năm này trong những hang núi, Bác hoá trang làm một cán bộ mới bị thương, lấy vải băng che tóc, che râu, rồi đến hỏi chuyện chúng. Tên quan năm thầy thuốc tỏ vẻ hối hận và nói: “Thôi thôi! Tôi chán ngấy chiến tranh lắm rồi. Chính phủ Pháp đã tuyên truyền láo toét. Chúng nói Việt Minh chỉ là một nhóm phiến loạn, không có quần chúng ủng hộ... Bây giờ tôi thấy rõ rồi. Nếu được tha về, tôi sẽ nói hết sự thật cho nhân dân Pháp biết...”.

Tên quan năm Lơpadơ kéo quân từ phía Lạng Sơn lên hòng cứu toán quân địch từ Cao Bằng chạy xuống. Nhưng đến nửa đường thì đoàn quân của y bị đánh tan và y bị ta tóm cổ. Anh chàng này, nói phô, kín đáo. Nhìn ra những đội dân công của ta, hàng nghìn người kìn kịt gánh lương thực và đạn dược, liên tiếp nhau trên đường như những con rồng dài uốn khúc, y nói với một giọng buồn bã: “Tôi nhận đó là lực lượng đã làm cho các ông thắng lợi”. Bác nói: “Ông nói đúng. Đó chính là lực lượng đã làm cho các ông thất bại”.

Tên quan năm Sáctông, chỉ huy quân Pháp ở Cao Bằng, vừa bỏ tỉnh lỵ kéo cả tiểu đoàn định chạy về xuôi, đến nửa đường cũng bị ta đánh tan và bắt được cả. Y là một tên phát xít hạng nặng. Vừa gặp Bác, nó than phiền ngay: “Chà! ông nghĩ, mấy hôm liền, râu không được cạo, giày không được đánh bóng...”. Nó nói tiếp: “Nếu còn có thống chế Pêtanh cầm quyền ở Pháp, thì chắc không xảy ra cuộc chiến tranh này. Nếu có chiến tranh thì quân đội Pháp cũng không đến nỗi thất bại..”.

Bác không ngắt lời nó, mời nó hút thuốc và ôn tồn khơi cho nó nói. Cuối cùng nó cũng phải nhận rằng chiến tranh xâm lược là phi nghĩa, thực dân Pháp đã thua, quân đội ta thắng. Rồi nó nói thêm: “Như thái độ của ông, thì tôi có thể nói chuyện. Còn các cán bộ trẻ tuổi của ông muốn thuyết phục tôi, thì thuyết phục sao được...”.

Sau khi đã xem xét các vùng Đông Khê và Thất Khê, Bác lên thăm thị xã Cao Bằng mới được giải phóng, dặn cán bộ những công việc cần phải làm, rồi lại trở về Tuyên Quang.

Trong những ngày đi đường, Bác dạy chúng tôi học những đoạn Kim Vân Kiều và Chinh Phụ Ngâm, hoặc kể chuyện đời xưa, chuyện tiếu lâm. Vừa đi vừa ngâm nga nói cười như vậy làm cho mọi người khuây khoả, đi đường xa nhưng quên mệt mỏi. Cũng có khi Bác kể chuyện cho chúng tôi nghe. Sau đây là tóm tắt câu chuyện Bác đã kể:

CÂU CHUYỆN BẮT ĐẦU

 Hồi đó Bác trọ nhờ nhà luật sư Phan Văn Trường ở Pari. Buổi sáng thì đi làm nghề tô ảnh phóng đại để lấy tiền ăn. Buổi chiều thì hoạt động cách mạng. Chính phủ Pháp cho hai tên mật thám đêm ngày theo dõi Bác.

Chính phủ Pháp lúc đó do Poanhcarê cầm đầu. Y là một người cực kỳ phản động. Chính y đã chủ trương đánh Cách mạng Nga. Khi quân sự đã thất bại, y chủ trương tẩy chay kinh tế Nga. Trong một cuộc tổng tuyển cử hạ nghị viện Pháp, y đã cho dán khắp cả nước bức vẽ tuyên truyền chống cộng, dưới nhan đề là “Bônsơvích hai hàm răng ngậm dao”. Trong bức vẽ thì phía sau là những ngôi nhà đang cháy ngùn ngụt; phía trước là một người “Bônsơvích”, mặt mũi rất dữ tợn, miệng ngậm một cán dao đẫm máu, tay xách cái đầu của một người đàn bà... Vài năm sau, chính Poanhcarê đã chủ trương chiếm đóng khu hầm mỏ Rua của nước Đức.

Đảng Cộng sản Pháp đập lại Poanhcarê một vố cũng khá nặng. Số là Poanhcarê trong khi đến thăm một nghĩa địa có hàng nghìn mộ lính Pháp, thì Poanhcarê nhăn răng cười. Đảng Pháp lấy được bức ảnh đó, cho in ra hàng triệu tấm, dưới nhan đề “Poincaré qui rit” (nghĩa là Poanhcarê nó cười) và bán khắp nước Pháp. Bức ảnh đó đã gây nên một phong trào sôi nổi chống Poanhcarê.

Một buổi trưa đi làm về, bà già giữ nhà đưa cho Bác một bức thư. Quái! Xưa nay Bác chưa hề nhận thư gửi đến địa điểm này. Vì đề phòng mật thám, thư từ anh em cho tin tức hoặc bàn công việc đều gửi đến các nhà bạn quen của Bác. Mở thư xem, thì ra của quan thượng thư thuộc địa mời Bác đến gặp. Cách vài hôm sau, Bác đi gặp y.

Trong phòng khách của Bộ thuộc địa, một bầy người Pháp “tai to mặt lớn” đang chờ đến phiên mình được “quan thượng” gọi vào. Nhưng Bác không phải chờ, vừa đến thì liền có ông già mang xiềng bằng bạc (người truyền đạt ở các cơ quan cấp cao) mời vào ngay.

Một gian phòng rộng rãi và lộng lẫy, trưng bày đầy những đồ xưa vật quý mang từ các thuộc địa về. Quan thượng thư, đầu sói như quả bưởi, một mắt mang kính trắng “uy phong lẫm lẫm” ngồi chẫm choẹ bên một cái bàn rất rộng và chất đầy giấy tờ. Thấy Bác vào, ông ta đứng dậy bắt tay và mờingồi một cách lễ độ giả dối.

Hai người ngồi đối mặt nhau.

Một người thì đại biểu của chế độ đế quốc thực dân Pháp đang áp bức bóc lột Việt Nam.

Một người là tượng trưng của nhân dân Việt Nam đang bị Pháp đô hộ một cách tàn nhẫn.

Y thì nắm trong tay cả quyền bính kinh tế, chính trị, quân sự, cảnh sát, tòa án, trại giam … ở các thuộc địa Pháp.

Bác là một trong 50 triệu người thuộc địa đang bị bọn thực dân Pháp bắt làm nô lệ.

Y có quyền bắt giải Bác về Việt Nam, gán cho tội tuyên truyền cộng sản, rồi đưa lên máy chém (Triều đình Việt Nam đã vâng lệnh Pháp mà xử án Bác vắng mặt).

Bác thì chỉ dựa vào lực lượng của chính nghĩa và cảm tình của giai cấp công nhân Pháp, nhất là công nhân Paris.

Hai giai cấp, hai chế độ ngồi đối mặt nhau. Thế nhưng Bác cảm thấy ông ta sợ Bác, vì sợ cách mạng, và đoán biết rằng ông ta cũng cảm thấy Bác không sợ ông ta, vì cách mạng không sợ cái chế độ do ông ta đại biểu.

Thượng thư thuộc địa mắt thì nhìn Bác chằm chằm, tay thì vẽ trên bàn, miệng thì nói như phun ra lửa. Y nói đại ý như sau:

“Hiện nay có những kẻ ngông cuồng hoạt động ở Pháp. Họ liên lạc với bọn Bônsơvích ở Nga. Từ Nga họ liên lạc với Quảng Đông và từ Quảng Đông họ liên lạc với Việt Nam. Chính phủ Pháp biết rõ hết những dây liên lạc đó! Họ âm mưu phá rối trật tự trị an ở Đông Dương và chống đối lại Nhà nước bảo hộ. Nước mẹ Đại Pháp rất khoan hồng, nhưng sẽ không tha thứ những kẻ gây rối loạn... Nước mẹ Đại Pháp đủ sức để bẻ gãy họ, như thế này …”.

Nói đến đó, y vẻ mặt hầm hầm, hai tay nắm lại và làm như đang bẻ những vật gì rất cứng rắn - những người cách mạng Việt Nam.

Bác cứ giữ thái độ ung dung, cứ mỉm cười, để mặc y nói.

Cái mỉm cười trước những lời đe doạ làm cho thượng thư thuộc địa càng bực, càng sợ. Khi ông ta tạm dứt lời, Bác hỏi: “Ngài nói xong rồi chứ?”.

Là một nhà chính trị cáo già, ông ta đổi giọng và nói một cách ôn tồn:

“Tôi rất thích những thanh niên có chí khí như ông. Có chí khí là tốt, nhưng còn phải “thức thời” mới ngoan. Ồ này! khi nào ông có cần gì tôi luôn luôn sẵn sàng giúp đỡ ông. Từ nay, chúng ta đã quen biết nhau, ông không nên khách sáo...”.

Bác nói: “Cảm ơn ngài! Cái mà tôi cần nhất trên đời là: Đồng bào tôi được tự do, Tổ quốc tôi được độc lập... Kính ngài ở lại, tôi xin phép về”.

Trên đường về, ngồi trong xe điện dưới hầm (mêtơrô), Bác cười trong bụng: “Con cáo già thuộc địa đã đoán trúng ý định của mình!”.

(Còn nữa)

Theo cuốn sách Vừa đi đường vừa kể chuyệncủa tác giả T.Lan theo bản in năm 1976 của Nhà xuất bản Sự thật.

Tháng 4 năm 2008

Nhà xuất bản Chính trị quốc gia

Huyền Trang (st)

Bài viết khác: