Thứ bảy, 20/04/2024

 “Chủ tịch Hồ Chí Minh là người dạy ngành ngoại giao Việt Nam ngay từ đầu. Theo đúng nghĩa đen. Thí dụ có lần Bác đến nói chuyện với ngành ngoại giao, từ chuyện ăn, Bác dạy phải ăn như thế nào. Bác dạy rất đơn giản thôi. Các chú tốt nhất là ăn sau, chứ đừng ăn trước, để xem người ta ăn như thế nào, để mình theo, các chú đừng ‘xông lên’ ăn trước”.

phong-cach-ngoai-giao-a
Ông Vũ Khoan (thứ 2 bên phải) trong một lần làm phiên dịch cho
 Chủ tịch Hồ Chí Minh

Trên đây những lời tâm sự của ông Vũ Khoan, một nhà ngoại giao kỳ cựu khi ông nói về người thầy vĩ đại của ngành ngoại giao Việt Nam, vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam – Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Là người công tác trong ngành ngoại giao hơn bốn mươi năm, đã từng tham gia rất nhiều sự kiện ngoại giao lớn của đất nước, đảm nhận nhiều chức vụ quan trọng của ngành ngoại giao, được trực tiếp dịch cho Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều lần, ông Vũ Khoan đã thấm nhuần và suốt đời học tập phong cách ngoại giao của Bác.

phong-cach-ngoai-giao-b
Bác Hồ và các cháu thiếu nhi An-ba-ni, năm 1957

Tâm sự với nhóm phóng viên Báo Quân đội nhân dân trong một chiều giữa tháng Năm, khi chỉ còn vài ngày nữa là tới Ngày sinh nhật Bác, ông nói: Chuyện ăn, chuyện học ngoại ngữ, chuyện lễ tân…trong ngoại giao, chỉ là những chuyện nhỏ. Còn những chuyện lớn Bác dạy thì vĩ đại lắm. Cái mà chúng tôi học được ở Bác chính là phong cách ngoại giao con người.

“Ngoại giao của Việt Nam có nghi lễ, lễ tân khác với các nước khác, rất dân dã, bình dị. Còn một số nước khá cứng nhắc, nghiêm chỉnh quá. “Dân dã” của mình là ở đâu ra. Chính từ phong cách ngoại giao giản dị mà uyên thâm của Bác. Ứng xử ngoại giao theo cách Bác dạy là ứng xử ngoại giao con người”.

Ông Khoan cho biết, nhiều vị khách quốc tế, sau khi gặp Người bao giờ cũng giữ lại ấn tượng sâu sắc bởi vốn hiểu biết uyên bác, tài trí thông minh, sự giản dị, lạc quan cùng sự tự tin kết hợp với phong cách lịch thiệp, nho nhã.

phong-cach-ngoai-giao-c
Bác Hồ thân mật trò chuyện cùng các cháu thiếu nhi Tiệp Khắc và Việt Nam

Nói tới ngoại giao con người trong phong cách ngoại giao Hồ Chí Minh, ông Vũ Khoan kể: Ngày xưa, tôi đi phục vụ các đoàn ở Liên Xô, Đông Âu. Thường bạn qua một số nước rồi mới sang mình, tất cả các đoàn đều nói rằng: Sang Việt Nam rất sướng. Tôi hỏi: Tại sao các đồng chí lại thoải mái như thế? Họ trả lời: Là vì các đồng chí ứng xử với chúng tôi là con người chứ không phải chính khách. Chứ sang một số nước, họ đối với chúng tôi như chính khách, thành ra không thoải mái, rất gò bó. Về sau thành cán bộ lãnh đạo, tôi đi tôi mới cảm nhận thấy được. Khi tôi tới một số nước, hai bàn tay của tôi không dùng vào việc gì cả, mở cửa cũng có người mở sẵn. Ra khỏi khách sạn, vào ô tô…đều có người mở sẵn. Luôn luôn có người đi kèm. Ở Việt Nam thì khác. Các nhà ngoại giao luôn thoải mái. Ví dụ sinh động nhất là việc Thủ tướng Australia khi sang dự hội nghị APEC tại Việt Nam, có thể chạy bộ quanh Hồ Gươm vào sáng sớm.

“Học tác phong của Bác, khi tôi là cán bộ của Bộ Ngoại giao, tôi luôn chỉ đạo, tất cả các hoạt động ngoại giao phải bảo đảm tính con người. Đừng gò bó. Người ta muốn chạy bộ để cho người ta chạy”, ông Vũ Khoan chia sẻ.

phong-cach-ngoai-giao-d
Bác Hồ với các cháu thiếu nhi Tát-gi-ki-xtan, ngày 27-7-1959

Kể lại một kỷ niệm khác, ông Vũ Khoan cho biết: Khi còn công tác, tôi được chứng kiến, để đảm bảo an ninh cho một Hội nghị, có nước đã đưa dân của cả một khu phố lớn đi “sơ tán” hết. Chính phủ cho tiền để dân đi nghỉ cả tuần. Cả một khu phố lớn, trên quãng đường chúng tôi đi từ khách sạn tới khu Hội nghị không có bóng người dân. Chỉ có các quan chức, lễ tân và nhân viên an ninh.

Rút kinh nghiệm chuyện này, khi Việt Nam chuẩn bị tổ chức Hội nghị APEC, Ban tổ chức Hội nghị cũng bàn chuyện có hay không để dân nghỉ. Tôi đưa ra ý kiến, ta không nên cho dân nghỉ. Vì ở ta có hai nhân tố. Một là Hội nghị này không phải tổ chức trên dân. Đây là Hội nghị của cả nước, các đại biểu cũng cảm thấy thân thiện hơn với điều kiện thực tế của Việt Nam.

“Có điều đặc biệt ở dân mình, tâm lý bình thường có khi chen lấn nhau, nhưng khi có khách quốc tế thì rất trật tự và nhường nhịn. Đây là điều rất hay”, ông Khoan nói.

Tiếp tục câu chuyện ngoại giao con người theo phong cách ngoại giao Hồ Chí Minh, ông Vũ Khoan cho biết thêm: Sự giản dị của Bác, ai cũng có thể thấy rõ. Mỗi khi có khách quốc tế, các Nguyên thủ quốc gia tới thăm Việt Nam, Bác thường đưa ra nhà sàn, coi như những người bạn thân thiết. Nhiều nhà lãnh đạo trên thế giới đã được Bác tiếp ở Nhà sàn.

phong-cach-ngoai-giao-e
Các cháu thiếu nhi Pháp tặng hoa Bác. Ảnh TL

Khi Bác ra nước ngoài, quà của Bác thường là hoa quả trong vườn ở Phủ Chủ tịch. Không có nước nào làm như thế. Ở trong nước, khi các Đoàn ngoại giao và khách quốc tế tại Hà Nội đến Phủ Chủ tịch chúc Tết Bác, thường cuối bữa tiệc, Bác chia quà cho mọi người, theo đúng phong tục Việt Nam, gửi quà cho người ở nhà. Mọi người hết sức xúc động và cảm phục sự quan tâm của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Còn rất nhiều mẩu chuyện về phong cách ngoại giao của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhưng một điều có thể khẳng định: Ngoại giao Hồ Chí Minh, ngoại giao con người chính là sự kết hợp có chọn lọc giữa chủ nghĩa yêu nước, văn hóa dân tộc và truyền thống ngoại giao Việt Nam, mang lại bản sắc riêng cho nền ngoại giao Việt Nam.

“Những chuyện về ngoại giao con người của Chủ tịch Hồ Chí Minh thì nhiều. Ngoại giao con người theo phong cách Hồ Chí Minh là vậy đó. Tư tưởng đó, phong cách đó thấm nhuần vào các thế hệ ngoại giao Việt Nam. Tổ chức đón tiếp khách quốc tế phải luôn để bạn thoải mái, không bị gò bó. Làm cho người ta thoải mái thì vẫn tốt hơn”, ông Vũ Khoan chia sẻ.

phong-cach-ngoai-giao-f
Chủ tịch Hồ Chí Minh với bạn bè quốc tế. Ảnh TL

Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã từng nói: Sự ứng xử linh hoạt của Hồ Chí Minh trong giao tiếp ngoại giao đã trở thành những câu chuyện huyền thoại.

Ngoại giao con người theo phong cách Hồ Chí Minh chính là hiểu người khác, chia sẻ với người khác để họ hiểu mình. Văn hóa Việt Nam hiện hữu trong nền ngoại giao Việt Nam đó là tính hòa hiếu và nhân nghĩa, là bản chất hòa bình và khoan dung, là sự ứng xử tinh tế, linh hoạt và mềm dẻo nhưng kiên định theo nguyên tắc "dĩ bất biến, ứng vạn biến", tất cả vì lợi ích của dân tộc.  

 

Nguyễn Hòa
Theo Báo Quân đội nhân dân
Thanh Huyền (st)

Bài viết khác: