Thứ năm, 28/03/2024

Hội Bảo Anh dùng để nuôi trẻ mồ côi, thời Pháp thuộc gọi là Cô nhi viện Bảo Anh, lúc này đã bỏ hoang, không có ai ở. Chúng tôi, một số thanh niên, sinh viên, giáo viên, y tá, cùng với các bà Tú Dục, gia đình ông Bùi Đình Chiểu, bà Thuận, bà Thi, nữ sĩ Vân Đài ở phố Nhà Thờ, bác sĩ Nguyễn Thúc Mậu đã cùng nhau từng làm việc cứu đói từ đầu năm 1945 - xin cụ Nguyễn Văn Tố cho phép nhận số cháu mất cha mẹ lang thang trên đường phố để tập trung về nuôi ở cơ sở này và vẫn gọi là Hội Bảo Anh, lúc bấy giờ ở phố Hàng Đẫy thuộc địa bàn liên khu III Đống Đa - quận V –  Hà Nội (nay là Nguyễn Thái Học).

Giữa những ngày đầu Cách mạng Tháng Tám, với trăm công nghìn việc bộn bề, Bác đã biết ở Hà Nội có nuôi dưỡng một số trẻ em mồ côi ở trại Bảo Anh và ngay Tết Trung thu năm đó, Bác đã đến thăm, cho bánh kẹo, rồi 4 tháng sau, Tết Nguyên đán Bính Tuất (30-1-1946), Bác lại đến cho bánh, mứt, kẹo, bánh chưng... Những người phụ trách trại Bảo Anh và các cháu mồ côi không thể nào quên những giờ phút bất ngờ đầy cảm động và thiêng liêng đó...

Khoảng 11 giờ, anh chị em phụ trách các lớp học, bệnh xá đã về cả, các cháu ăn cơm xong về phòng ngủ, chỉ còn mấy bà, mấy chị và tôi thường trực ở lại. Khi nghe có tiếng gọi, tôi chạy ra, thấy các cháu mở cổng rồi. Nhìn thấy Bác Hồ cùng mấy cán bộ đã vào đến sân, tôi mừng quýnh và bấn loạn cả lên, chào Bác và mấy anh, vội quay vào nhà trong gọi: "Hồ Chủ tịch đến, Hồ Chủ tịch đến", các bà, các chị chạy ào ra luống cuống tới gần chắp tay chào Bác... Thấy mọi người bối rối vì bất ngờ, Bác cười đôn hậu: Hôm nay là ngày Tết Trung thu của các cháu, đồng bào các nơi gửi quà đến biếu, Bác đến thăm và chia quà cho các cháu...

Tôi xin tập trung các cháu lại, Bác bảo thôi, để các cháu nghỉ, hãy đưa Bác đi thăm trại. Bác đến các phòng ngủ, các lớp học văn hóa, học nghề, bệnh xá, nhà ăn, nhà bếp. Bác hỏi các cháu có được ăn no không, thức ăn có những gì... Bác khen chúng tôi tổ chức cơ sở ngăn nắp, trật tự. Sân chơi, đường đi chỉ tôn bằng đất nện mà cao ráo, sạch sẽ. Cuối cùng, Bác dừng ở hiên nhà ăn nhìn ra vườn cỏ rộng hồi lâu rồi Bác bảo phải tổ chức trồng rau để cải thiện cho các cháu... Ôi! Thật là một điều đơn giản và cần thiết mà lâu nay chúng tôi không hề nghĩ tới... Chúng tôi rất xúc động và thưa với Bác: "Chúng cháu xin vâng lời Bác và sẽ làm rau ngay..."

Bốn tháng rưỡi sau Tết Nguyên đán Bính Tuất, Bác lại đến thăm và cho nhiều bánh, mứt, kẹo, bánh chưng, cam, bưởi... Lần này, Bác đến sớm hơn, trước giờ ăn. Chúng tôi đón Bác vào thăm cơ sở lúc bấy giờ đã gọn gàng, sạch sẽ hơn trước nhiều. Khi qua nhà ăn, Bác đã vào xem thức ăn, cơm canh của các cháu. Bãi cỏ trước hiên nhà bây giờ đã là một vườn rau to đẹp. Giữa vườn có ngôi nhà nhỏ hai gian lợp rơm để ông bà làm vườn ở và chứa đựng dụng cụ... Chúng tôi thưa với Bác rằng: Theo sự chỉ bảo của Bác hồi Tết Trung thu, chúng cháu đã dọn sạch cỏ, mời được hai ông bà làm vườn ngoài Mai Dịch, nhà nghèo chỉ đi làm thuê. Về đây, ông bà nhận lời làm rau chia đôi với trại. Buổi sáng thu hoạch xong bà cân một nửa gánh ra chợ bán, còn một nửa trả cho trại. Từ đấy, ông bà làm vườn có thêm tiền để dành, còn các cháu được ăn thêm thịt, cá... Bác hài lòng và khen ngợi chúng tôi nhiều. Lặng nhìn ngôi nhà nhỏ và mảnh vườn, Bác nói: "Tôi cũng chỉ mong khi về già có một ngôi nhà nhỏ và một mảnh vườn như thế này...".

Chị Anh Tân (sau này là bác sĩ quân y) mời Bác trở lại sân xem các cháu biểu diễn văn nghệ. Các cháu đã xếp hàng ngay ngắn như khi tập thể dục buổi sáng. Các cháu hô to chúc Bác sống lâu mạnh khỏe. Các cháu tập một bài thể dục và hát bài "Anh hùng xưa", "Lên đàng" do chị Anh Tân điều khiển. Bác khen và động viên các cháu cố gắng học tập, rèn luyện đạo đức tốt để trở thành người có ích cho xã hội.

... Bác thăm hỏi mọi người và nói: Các cô, các chú vừa đi làm việc kiếm sống, vừa dành thời gian đến đây làm việc thiện giúp các cháu thế là rất tốt. Hiện nay nước nhà mới được độc lập, đồng bào còn nhiều khó khăn, Bác mong các cô, các chú vận động thêm nhiều người bạn cùng tham gia công việc từ thiện như thế này...

Chúng tôi đưa sổ vàng của Hội xin Bác ghi kỷ niệm và chúng tôi nhớ mãi là Bác ký rất khiêm tốn trên góc trang giấy, bên ngoài góc cả khung kẻ để đại biểu ghi cảm tưởng như ý nhắc nhở tránh hình thức và lãng phí...

Việc Bác Hồ đến thăm Trại trẻ mồ côi Bảo Anh ngay từ những ngày đầu Cách mạng Tháng Tám là một ân đức có lẽ cả đời chúng tôi và các cháu mồ côi chẳng thể nào quên. Riêng tôi, niềm mong ước của Bác có ngôi nhà nhỏ với một mảnh vườn và việc Bác ký trên góc một trang sổ lớn năm ấy đã để lại trong tôi suốt đời như một lời giáo huấn...

Theo Thanh Xuân ghi (Theo lời kể của bác Nguyễn Khắc Kỳ, nguyên Giám đốc Nhà máy in Diên Hồng) Báo Hà Nội

http://www.baotanghochiminh.vn

Huyền Trang (st)

Bài viết khác: