Thứ sáu, 19/04/2024

Tập truyện gồm 20 phần ghi lại những chặng đường thăng trầm của Bác Hồ và gia đình vào Huế sinh sống, học tập đến khi xa Huế vào Nam.

.1.

CHÚT MAY MẮN SAU NGÀY HỎNG THI

Dự khoa thi Hội năm Ất Dậu (1895) xong, anh cử Sắc­­­­­­­­­­­­­­(1) không được vui. Bài Kinh nghĩa hỏi về thời sự anh viết loanh quanh chưa hết một trang giấy. Một người bạn đồng song cùng quê rủ anh xuống đò xuôi Bến Ngự ra xem chợ Đông Ba, anh lắc đầu từ chối. Anh định bụng ngược ra An Hào kiếm nhà trọ ở lại chờ ngày truyền lô, nếu không có tên thì thẳng đường về quê Nghệ An luôn. Thi xong trong lòng anh nôn nao nhớ bà vợ và ba người con quá chừng. Nhớ nhất là cậu con nhỏ mới bốn năm tuổi mà thông minh đĩnh ngộ khác thường. Vợ con, làng xóm đang trông đợi tin anh đỗ đại khoa, nếu nhỡ không có tên trong bảng vàng, ôi buồn biết mấy! Nhưng làm sao anh có thể nói cho gia đình hiểu được học tài thi phận, nhất là vào cái buổi nhiễu nhương, mọi nề nếp đều đã bị xáo trộn này. Hàng ngàn người mà chỉ chọn lấy vài chục người đâu phải là chuyện dễ. Đầu óc thông minh, bụng dạ nhớ  nhiều Kinh sử chưa chắc khoa này đã đỗ được. Ngoài những thứ ấy ra còn phải biết nương chiều những cái lắt léo của thời sự nữa. Cái nhược của anh, một người học trò xuất thân trong gia đình nông dân ở xa đất Kinh kỳ, anh không thể hiểu được cái lắt léo ấy.

Anh Cử vừa ra đến cổng Chánh Tây thì nghe giọng một thư sinh len lỏi giữa đám sĩ tử lướt từ phái sau đến gọi:

- Sắc! Sắc! Tôi chờ anh mãi ở nhà Thập đạo mà không thấy. Về nhà thầy tôi ở lại mà đợi truyền lô chớ anh đi mô rứa?

Sắc quay lại thấy Cao Xuân Tiếu, con trai cụ Cao Xuân Dục - Tế tửu Quốc Sử Quán, một người tốt bụng đã giúp chút ít tiền bạc cho anh ăn đường vào Kinh vừa rồi. Sắc nén hết những lo âu xuống đáy lòng, anh đáp lời bạn với  cái giọng hồn nhiên:

- Xin lỗi huynh…tôi quên mất.

Tiếu dồn bước đến bá vai Sắc, anh vừa đẩy Sắc đi về phía cầu Đất vừa nói bên tai bạn:

- Anh cứ tự nhiên cho, thầy tôi vốn là bạn của cụ Tú ở Hoàng Trù. Những người Nghệ nhà nghèo, có chí hướng học hành, thầy tôi còn cho học điền, còn giúp phương tiện vào Kinh theo đòi nghiên bút, huống chi anh là rể cụ Tú.

Điều Tiếu nói, Sắc đã hiểu nên anh tin lời bạn. Anh đi theo Tiếu  về nhà cụ Tế Tửu ở góc Đông Bắc ngay bên ngoài Hoàng thành.

 

*****

Một tháng sau…Không cần ra Ngọ Môn nghe truyền lô, anh cử Sắc cũng biết được tin Cao Xuân Tiếu đậu Phó bảng, còn anh thì…bảng vàng chưa chịu ghi tên. Cụ Tế Tửu đã nhờ người dò biết kết quả như thế.

Buổi tối hôm ấy, cụ Tế Tửu gọi anh cử Sắc vào thư phòng hỏi:

- Cháu có biết vì sao cháu hỏng không?

- Dạ biết. Vì bài Kinh nghĩa hỏi về tình hình thế giới cháu viết không trôi!

- Thế bây giờ cháu có muốn vào Kinh học tiếp không? Ở đây có nhiều sách vở của các đại gia để cháu kịp mở mang kiến thức.

Anh Cử liếc mắt nhìn các kệ sách quây chung quanh, nhiều cuốn bìa mạ vành óng ánh dưới ánh đèn dầu phụng rất hấp dẫn, giọng anh đáp hơi run run:

- Cháu muốn lắm! Nhưng khổ nỗi là gia đình cháu nặng nề quá, làm sao cháu có thể giao một tay cho vợ mà vào đây học học hành?

Cụ Tế Tửu đưa mắt nhìn làn khói bay lơ lửng bay tan vào cái khung nhà tối om, giọng nghiêm nghị, chậm rãi bảo Sắc:

- Không sao. Bác sẽ xin cho cháu vào học trường Giám(2), hàng tháng có học bổng, đỡ một phần chi tiêu ăn học. Còn cái gia đình nặng nề của cháu, nếu cần, cháu đưa vào Kinh luôn. Ở đây, cô ấy sẽ lo việc nhà và nuôi dạy các con cho cháu. Còn cháu, với cái bằng cử nhân trong tay, ngoài giờ học ở Giám, các nhà quan, nhà cụ thiếu gì nơi để cháu cho chữ kiếm lộc cung cấp cho gia đình.

Anh Sắc nghe phải quá. Nỗi buồn phiền, lo lắng vì hỏng thi tưởng sẽ khô cứng lại trong anh, không ngờ, nhờ một lời nói của quý nhơn nó đã vơi bớt đi. Anh nghĩ thầm, trong sự rủi ro đôi khi cũng gặp được điều may mắn.

- Bẩm quan lớn, nếu được quan lớn giúp đỡ cho như thế, thì cháu xin làm theo lời chỉ dạy của quan lớn!

Cụ Tế Tửu ngồi thẳng người, nhấc cánh tay tựa trên án thư khoát khoát trước mặt anh:

- Chú là rể ông bạn bác, bác có làm quan với chú đâu mà thưa với bẩm. Hãy xem bác như cụ Tú. Cụ Tú mất rồi thì bác có trách nhiệm với chú. Thôi như thế là được rồi. Về quê đưa vợ con vào, có chi khó khăn, chú cứ nói với con trai bác, nó sẽ giúp đỡ. Về Hoàng Trù, chú cho bác gởi lời thăm bà nhạc!

Anh Cử Sắc chắp tay vái chào cụ Cao rồi lui về phòng của bạn. Đêm hôm đó anh chuẩn bị khăn gói để sáng mai xuống đò vượt phá Tam Giang về Nghệ An. 

------------------------

(1)     Cử Sắc: Cụ Nguyễn Sinh Sắc đậu Cử nhân trong kỳ thi Hương

(2)     Trường Giám : Trường Quốc Tử Giám ở Kinh đô Huế

          .2.

THUỞ ẤY …VÀO KINH

 

Ba tháng sau, anh Cử Sắc trở lại kinh đô Huế với gia đình gồm vợ và hai con trai. Người con gái lớn anh gửi lại quê nhà để sớm hôm với bà ngoại. Vào Huế, gia đình anh ở tạm trong nhà một người cùng quê, ngay trước Viện Đô sát. Viện này ở bên tường phía tây Quốc Sử quán – nơi cụ cao Xuân Dục làm việc. Viện Đô sát là một cơ quan có nhiệm vụ đàn hạch những người lầm lỗi trong bộ máy Nhà nước thời quân chủ. Vì thế, những ông Ngự sử phải là những người có tính cương trực, dám nói, dám làm, sẵn sàng đối đầu với những đòn trả thù độc ác của quyền thần và bạo chúa. Phần lớn những người làm Ngự sử đều xuất thân ở Nghệ Tĩnh. Một trong những người Ngự sử nổi tiếng dưới thời Nguyễn là cụ Phan Đình Phùng. Cụ Phan đã dám phê phán quyền thần Tôn Thất Thuyết về những việc Tôn quân muốn hãm hại vua Dục Đức. Hành động can đảm của cụ Phan đã làm cho cả Triều đình kính phục. Ngay cả Tôn Thất Thuyết cũng không dám xử sự với cụ Phan  như Tôn đã xử sự với Trần Tiễn Thành, với Tuy Lý Miên Trinh.

Nhờ cụ Cao Xuân Dục can thiệp, anh Cử Sắc được vào học trường Giám. Trường đặt ở xã An Ninh, huyện Hương Trà, cách kinh thành sáu cây số. Vào những ngày tọa giám, anh Cử phải rời Huế từ lúc rạng sáng. Việc gia đình nhờ vào một tay chị Hoàng Thị Loan. Vào những ngày đầu, việc đâu rồi cũng vào đó. Dần dần chị Loan cảm thấy khó ở: Phần vì  ở đậu nhà người ta chật chội, suốt ngày phải giữ từng lời ăn tiếng nói, từng cử chỉ để khỏi mất lòng người chủ tốt bụng, phần nhớ mẹ, nhớ con gái ở quê nhà. Có một điều chị không dám thổ lộ với chồng, nhưng lại là điều chị lo lắng nhất - ở nơi đất khách quê người gạo châu củi quế như thế này, một mình học bổng của chồng làm sao gia đình sống nổi. Hơn nữa, chị là người lao động suốt ngày làm việc luôn tay. Mặc dù không nghe vợ hé môi than thở, nhưng anh Cử Sắc cảm nhận được điều đó. Những ngày nghỉ học, anh thường hay đi lang thang tìm mướn một ngôi nhà để chuyển gia đình đến ở. Có an cư rồi mới lạc nghiệp được.

 

.3.

NGÔI NHÀ ĐƯỜNG ĐÔNG BA

 

Nghe nói bà cụ Ba là một người có họ hàng với Đoàn Trưng, Đoàn Trực(1) rất tốt bụng, hay thương người nghèo, anh Cử Sắc liền tìm đến. Nhà bà nép mình bên con đường đất dẫn từ đường Đông Ba vào khu tư dinh sầm uất của Thượng thư Lê Trinh. Ngay bên hông nhà bà là một công thự dành cho trung quân của triều đình, tòa công thự này nằm ở góc Đông Bắc ngã tư Anh Danh.

Thấy một anh thư sinh mặc bộ đồ đà rón rén ngoài cửa, bà cụ Ba đánh tiến hỏi:

- Anh đồ Nghệ đi mô đó.

Anh Cử Sắc bước nhanh chân đến bên cửa:

- Thưa bà, nghe anh Cử con cụ Thượng giới thiệu, bà muốn có một gia đình đến ở trong nhà cho vui, nên cháu đến xin bà…!

- Bà cụ Ba tuy đã lớn tuổi, nhưng người đầy đặn phúc hậu nên trông bà cũng còn khoẻ mạnh, bà nhanh nhẩu đáp lời anh Sắc:

- Cậu Cử Cảnh, con ông Thượng Trinh, học trường Giám ở sau ni nói phải không? Rứa thì đúng rồi, tui có nghe cậu nói về anh, định bụng sẽ nhắn anh tới, không ngờ anh lại tới trước cũng tốt thôi. Tôi nghe anh ham học, có chí khí nhưng nặng gia đình lắm, tui rất thương. Họ hàng bầy tui “tốt phước” quá nên đã đền ơn nước cả. Lâu ni tui chỉ còn tin được một hạng người Nghệ nữa mà thôi. Anh mà đến được đây cũng là may mắn cho bầy tui!

Anh Cử Sắc mừng đến nhẹ cả người. Tiếng đồn bà tốt bụng thật không ngoa. Anh xoa tay nói thật tình:

- Gia đình cháu cám ơn bà. Nhưng cũng xin bà cho phép hàng tháng vợ chồng cháu phải lo tiền trà thuốc cho bà.

Bà cụ Ba xua tay:

- Được rồi chuyện đó anh không lo. Đa thiểu là tuỳ anh. Tôi sẽ giao lại nhà cửa, đồ đạc cho vợ chồng anh giữ, còn tui sẽ về ở dưới quê An Truyền!

Anh Cử Sắc thầm nhủ trong lòng: Cha mẹ mình ăn ở phúc đức nên khi nào mình gặp khó khăn thì được quý nhơn phò trợ. Anh cảm động đáp:

- Được bà tin cẩn…không có gì sung sướng cho bằng.

Anh Cử Sắc vái chào bà cụ rồi rảo bước ra phía đường. Đồng bào có công việc đi bẩm quan ở Lục Bộ qua lại rất đông. Xe tay lít kít chạy chen bánh nhau. Phu xe không ngớt la hét, bảo khách bộ hành tránh đường cho xe các quan đi. Phượng tây trồng dọc đường Đông Ba mới có hoa vài mùa. Hôm nay trời sang Thu rồi, anh Cử vẫn thấy một vài cánh hoa muộn ở ngã tư Âm Hồn. Anh giương mắt nhìn cái cửa thành Đông Ba ở cuối đường. Bên ngoài cửa ấy là chợ Đông Ba, bên trong có chợ Xép. Tự nhiên, anh nhớ đến chị Loan đang trông anh ở nhà trọ. Anh gật đầu thầm nhủ: “Ở đây mẹ sắp nhỏ đi chợ gần. Nhưng…tiền đâu để đi chợ hàng ngày?” Câu hỏi đó xoay người anh lại, anh phóng tầm mắt nhìn ngôi nhà sẽ dọn đến ở ngày mai. Ngôi nhà ba gian nho nhỏ nằm nép trong một cái sân rộng, chung quanh trồng hoa dâm bụt xanh um. Trước sân, một gốc mai tứ quý. Nhìn kỹ ngôi nhà, anh Sắc ngúc ngắc đầu: “Ở đây mình sẽ mở trường cho chữ để kiếm lộc giúp sức với vợ nuôi con”. Ý nghĩ ấy thoáng qua, anh Cử Sắc nhanh chân bước về nhà để báo tin vui với vợ.

 

.4.

TÍN HIỆU ĐẦU TIÊN

 

Gia đình anh Cử dọn đến ở trong ngôi nhà được mấy hôm thì bà Ba chia tay anh về làng. Bà vừa nói vừa cười vui vẻ:

- Có anh ở giữ nhà cho bầy tui, bầy tui rất yên tâm. Chỉ sợ về dưới nớ tui nhớ cái thằng ni - bà vừa nói vừa ôm cậu bé Cung để tóc trái đào lên hôn. Mới tới mà hắn hỏi tui nhiều câu tưng tửng rất lạ đời.

Chị Loan thấy bà chủ nhà thương con mình, chị cũng vui lây:

- Thưa bà, cháu ni có cái thói là hay hỏi. Có chi thất thố xin bà tha thứ cho.

- Cháu nó hỏi chuyện vui thôi. Hắn mới năm tuổi đầu, con các quan, các cụ ở đây thì còn bồng trên tay đó. Lỗi phải chi với con nít!

Nói xong bà cụ Ba theo người giúp việc gánh đồ đạc ra bến Tượng để về quê.

Bà cụ Ba đi rồi, chị Loan ngồi xuống trước mặt cậu Cung, bắt cậu bé vòng tay lại và đứng thẳng người trước mặt mẹ. Chị hỏi:

- Côông, con hỏi mệ Ba câu chi, con nói cho mẹ nghe?

- Con có hỏi chi mô! - Cậu bé nói như không còn nhớ mình đã nói câu gì.

Anh của Cung là Khiêm  nhanh nhẩu chạy tới bên mẹ mách:

- Có. Côông có hỏi. Côông hỏi chồng bà đi mô? Vua Tự Đức giết hết họ Đoàn răng bà trốn được? Mộ ông Đoàn Trưng chôn ở mô?

Nghe con kể chuyện, chị Loan sợ xanh mặt. Chị đứng phắt dậy gọi chồng, giọng lo lắng:

- Thầy ơi, ai bày cho thằng Côông mà hắn hỏi bà cụ những chuyện đứt đầu như không. Tui lo liệu việc nhà, nhờ thầy chăm nom dạy dỗ nhắc nhủ con, chớ sống dưới bánh xe vua…thì chết thôi!

Anh Cử vừa đưa bà cụ ra cửa trở lại, nghe vợ nói thế anh chẳng ngạc nhiên chút nào. Bởi vì anh còn lạ gì tính khí của con anh, hắn đã hỏi anh những chuyện tày trời hơn kia. Nhưng dù sao kỷ cương lúc này nó cũng đã lỏng cả rồi. Chẳng có việc gì vua Thành Thái còn xem trọng nữa. Anh không lo lắng như vợ, nên nói:

- Chuyện đồng ấu ai trách gì mà sợ.

Chị nhìn chồng, giọng sửng sốt:

- Ơ kìa, lỡ tai vách mạch rừng người ta nghe được thì sao? Họ có cho là con nít nói hay lại bảo do cha mẹ chúng dạy thì có gông cùm không?

Để cho vợ yên lòng, anh Cử bảo:

- Thôi được, mẹ nó để tui lo.

                                                                                                (Còn nữa)

 

NGUYỄN ĐẮC XUÂN

Theo http://bachovoihue.com

Huyền Trang (st)

Bài viết khác: