Thứ sáu, 19/04/2024

57. Tiết Nguyệt Lâm. 1930

Cũng trong thư gửi văn phòng đại diện Đảng Cộng sản Đức về việc xin giấy chứng nhận là phóng viên báo Thế giới, Nguyễn Ái Quốc ghi địa chỉ để gửi giấy chứng nhận cho Người là: Ông Tiết Nguyệt Lâm, hoa phong công ty, số nhà 136, đường Wanchai, Hồng Công. (Nguyên văn: Mr.Sit-yet-lum, Wah-jon C, 136 Wanchai R, Hongkong). Có 2 thư Người ghi địa chỉ liên lạc như trên.

58. Pôn (Paul). 1930

Ngày 27-2-1930 Nguyễn Ái Quốc viết thư  gửi đồng chí Sôta, liên đoàn chống đế quốc-Béclin, thông báo về việc Đảng Cộng sản Việt Nam đã được thành lập. Thư ký tên Pôn (Paul). Người còn ký tên Pôn trong một số thư khác.

59. T.V.Wang. 1930

Ngày 2-3-1930, Nguyễn Ái Quốc viết Thư gửi Ban Phương Đông, Quốc tế Cộng sản báo cáo về tình hình Mã Lai, Đông Dương và về việc gửi 3 học sinh đi học, cuối thư Người đề nghị “Có thể mua hối phiếu của Công ty xe lửa tốc hành Mỹ đề tên T.V.Wang và gửi bưu điện cho tôi”.

60. Công Nhân. 1930

Nguyễn Ái Quốc dùng bút danh Công Nhân năm 1930. Người viết bài “Tranh thủ quần chúng như thế nào?”, đăng trên báo Vô sản, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Việt Nam, số 1, ngày 31-8-1930.

61. Vícto. 1930

Nguyễn Ái Quốc ký bí danh Vícto trong bức Thư đề ngày 29-9-1930 gửi Ban Chấp hành Quốc tế Cộng sản báo cáo về cuộc đấu tranh từ ngày 11 đến 17-9-1930 của nông dân Thanh Chương, Hưng Nguyên, Nghệ An; các huyện Can Lộc. Cẩm Xuyên, Kỳ Anh. Hà Tĩnh; Gia Định, Chợ Lớn và Tân An ở Nam Kỳ và đề nghị Quốc tế Cộng sản giúp đỡ các nạn nhân của cuộc đàn áp đẫm máu.

Có 5 thư và bài ký bí danh Vícto, trong đó có 4 bài thư sau đây lần đầu tiên được in trong Hồ Chí Minh toàn tập:

Bài: Phong trào cách mạng ở Đông Dương, viết ngày 24-1-1931.

Thư gửi Ban Phương Đông, ngày 12-2-1931.

Thư gửi Ban Phương Đông, ngày 14-2-1931.

Thư gửi Quốc tế Cộng sản, năm 1931.

Các bài và thư trên đều viết về tình hình cách mạng Việt Nam đầu năm 1931. Trong đó có những bức thư báo cáo, trao đổi tình hình dưới dạng mật mã, chúng ta cần phải nghiên cứu thêm.

62. V. 1931

Bí danh của Nguyễn Ái Quốc viết Báo cáo gửi Ban Phương Đông, ngày 8-2-1931. Trong báo cáo có, Người cho biết những tin tức về cuộc đấu tranh ở Việt Nam, những chỉ thị về việc tổ chức Đảng Cộng sản Đông Dương.

Ngày 19-2-1931, với bí danh V, Nguyễn Ái Quốc viết bài “Nghệ Tĩnh đỏ” và bài “khủng bố trắng ở Đông Dương”. Hai bài viết về phong trào cách mạng của nhân dân Nghệ Tĩnh cuối năm 1930 đầu năm 1931 và sự khủng bố của thực dân Pháp đối với những người tham gia cách mạng.

62. K1. 1931

Nguyễn Ái Quốc viết Thư gửi Ban Phương Đông, thư đề ngày 21-2-1931 ký tên K. Trong thư Người báo tin Lý Tự Trọng bắn chết tên mật thám Lơ Grăng và đã bị bắt. Người đề nghị Ban Phương Đông liên lạc với Đảng Cộng sản Pháp tổ chức biểu tình đòi thả Lý Tự Trọng.

Người còn đề nghị Quốc tế Cộng sản, Quốc tế Công hội đỏ lên tiếng đoàn kết với cuộc đấu tranh của nhân dân Đông Dương.

64. Đông Dương. 1931

Nguyễn Ái Quốc ký bút danh Đông Dương dưới bài viết: “Kỷ niệm một năm khởi nghĩa Yên Bái”, đăng trên tạp chí Thư tín Quốc tế, số 12, năm 1931.

65. Quac.E.Wen. 1931

Ngày 5-3-1931, với bút danh Quac.E.Wen, Nguyễn Ái Quốc viết bài: “Uy quyền của đế quốc Pháp ở Đông Dương” gửi Quốc tế Cộng sản. Người tố cáo sự khủng bố dã man của đế quốc Pháp đối với nhân dân Đông Dương, ca ngợi tinh thần đấu tranh của nhân dân và khẳng định tinh thần đấu tranh của nhân dân và khẳng định tinh thần đó sẽ đưa cách mạng đến thành công.

66. K.V. 1931

Nguyễn Ái Quốc dùng bí danh K.V từ năm 1931. Bí danh này được nhắc đến trong Thư gửi Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương. Đầu thư đề ngày 23-4 cuối thư đề ngày 24-4).

Trong thư, Người thông báo những cán bộ được cử về nước theo đường dây liên lạc, nhắc nhở công tác bảo vệ Đảng, giữ gìn bí mật, duy trì chế độ báo cáo giữa Đảng cộng sản Đông Dương với Quốc tế Cộng sản và đề nghị Trung ương ghi nhận nhiệm vụ của mình đã được Ban Phương Đông xác định.

Năm 1959, Người ký bút danh K.V trong bài: “Người cháu nuôi Bác”1, đăng Báo Nhân dân, ngày 27-12-1959.

67. Tống Văn Sơ. 1931

Tống Văn Sơ là tên ghi trong thẻ căn cước của Nguyễn Ái Quốc khi Người bị bắt ở số 186, phố Tam Lung (Cửu Long), Hồng Công ngày 6-6-1931. Đây là kế hoạch phối hợp giữa bọn mật thám Anh - Pháp lùng bắt những người cách mạng Việt Nam và cán bộ Quốc tế Cộng sản. Một chiến dịch điên cuồng tìm diệt Cộng sản được chúng phát động trên quy mô lớn khắp vùng Đông Nam Châu Á.

68. New Man. 1933

Bí danh của Nguyễn Ái Quốc ký dưới thư gửi luật sư Lôdơbi.

Luật sư Lôdobi, người đã có công cứu giúp Tống Văn Sơ ra khỏi nhà tù của đế quốc Anh ở Hương Cảng kể lại: “Sau khi Tống Văn Sơ đi Hạ Môn tôi không được tin tức gì nữa. Mãi đến sau này tôi mới nhận được hai bức thư của Tống Văn Sơ, ký tên là New Man gửi cho tôi và nói tôi viết thư trả lời. Nhưng tôi sợ bọn cầm quyền lại tìm được địa chỉ của Tống Văn Sơ nên tôi không viết thư trả lời”. Sự cẩn thận của luật sư Lôdơbi lại một lần nữa giúp Tống Văn Sơ tránh nguy hiểm, phải khó khăn lắm Tống Văn Sơ mới thoát khỏi sự săn đuổi của mật thám Anh, Pháp.

69. Li Nốp. 1934

Lin là tên khai trong giấy tờ học ở trường Quốc tế Lênin Liên Xô. Trong nhóm học sinh Việt Nam ở Viện nghiên cứu các vấn đề dân tộc và thuộc địa, năm học 1934-1935, mọi người thường gọi Nguyễn Ái Quốc là Ni Nốp.

70. Teng Man Huon1. 1935

Tháng 8-1935 Nguyễn Ái Quốc tham dự  Đại hội lần thứ VII Quốc tế Cộng sản. Trong bản khai để tham dự Đại hội, ngày 16-8-1935 Người ghi:

Họ tên, bí danh trong Đảng hiện nay: Teng Man Huon

Họ tên bí danh trong Đại hội: Lin

Ban tổ chức Đại hội trao cho Người tấm thẻ đại biểu tư vấn của Đại hội lần thứ VII Quốc tế Cộng sản. Tấm thẻ mang số 154, ghi tên:

“Lin, thuộc Đảng Cộng sản Đông Dương”.

71. Hồ Quang. 1938

Bí danh của Nguyễn Ái Quốc khi Người hoạt động ở Trung Quốc từ cuối năm 1938.

Nhờ mối liên hệ giữa Đảng Cộng sản Liên Xô và Đảng Cộng sản Trung Quốc, mùa thu 1938, từ Mátxcơva Người đi Trung Quốc. Tại Lan Châu thủ phủ tỉnh Cam Túc (Tây bắc Trung Quốc), văn phòng giải phóng quân đã chuẩn bị cho Người quân phục, phù hiệu Bát lộ quân, quân hàm thiếu tá và giấy tờ mang tên Hồ Quang.

72. P.C.Lin (P.c Line). 1938

Cuối năm 1938 và trong năm 1939, từ Trung Quốc Nguyễn Ái Quốc viết hàng chục bài báo gửi về nước, đăng trên tuần báo Notre voix (tiếng nói của chúng ta)1, xuất bản tại Hà Nội trong thời kỳ Mặt trận dân chủ.

Trong các bài báo ấy Người thường ghi “Thư từ Trung Quốc” và ký tên P.C.Lin, P.C.Line, Line (đều là của đồng chí Lin).

Bài báo đầu tiên Người ký bút danh P.C.Lin là bài “Người Nhật Bản muốn khai hóa Trung Quốc như thế nào” (viết tháng 12-1938) đăng báo Notre voix, ngày 12-2- và 5-3 năm 1939. Dưới danh nghĩa một nhà báo Trung Quốc, Người đã phân tích khoa học tình hình đang diễn ra ở Trung Quốc, tố cáo tội ác của Phát xít Nhật, nêu cao tinh thần cách mạng của nhân dân Trung Quốc đang chiến đấu cho độc lập dân tộc và dự báo về những gì phát xít Nhật làm ở Trung Quốc rất có thể chúng sẽ tiến hành làm ở các nước khác. Kinh nghiệm của nhân dân Trung Quốc sẽ giúp nhân dân Việt Nam nâng cao cảnh giác đấu tranh chống chủ nghĩa phát xít, bảo vệ hòa bình.

73. D.C.Lin. 1939

Là bút danh Chủ tịch Hồ Chí Minh ký dưới bài báo: “Những sự hung tàn của đế quốc Nhật”1, đăng trên báo Dân chúng2, cơ quan trung ương của Đảng cộng sản Đông Dương xuất bản ở Sài Gòn. Báo đăng liền ba số: Số 46 (ngày 21-1-1939), 47 (ngày 24-1-1939); tố cáo tội ác dã man của đế quốc Nhật đã làm ở Trung Quốc, chúng sẽ tiến hành tại các nước Châu Á, nếu chúng thắng được nhân dân Trung Quốc.

74. Lâm Tam Xuyên. 1939

Từ Quế Lâm (Trung Quốc) Nguyễn Ái Quốc viết Thư (bằng tiếng Pháp) gửi một đồng chí ở Ban Phương Đông Quốc tế Cộng sản, thư đề ngày 20-4-1939.

Cuối thư, sau dòng địa chỉ bằng tiếng Pháp là dòng chữ Hán viết tay:

Quảng Tây, Quế Lâm, Quế Tây lộ tam thập ngũ hiệu Tân Hoa nhật báo chuyển giao Lâm Tam Xuyên tiên sinh.

(Tân Hoa nhật báo, số nhà 35, đường Quế Lâm, Quế Tây, Quảng Tây, chuyển cho ông Lâm Tam Xuyên).

75. Ông Trần. 1940

Cuối tháng 2 năm 1940, Nguyễn Ái Quốc với bí danh Ông Trần đến hiệu dần cù là Vĩnh An Đường ở Côn Minh, Vân Nam, Trung Quốc, bắt liên lạc với tổ chức của Đảng ta ở Vân Nam để từ đó tìm đường trở về nước.

76. Bình Sơn. 1940

Trong thời gian từ 15 tháng 11 đến 18 tháng 12 năm 1940, với bút danh Bình Sơn, Nguyễn Ái Quốc viết mười bài đăng trên Cứu Vong nhật báo1, Trung Quốc. Bài đầu tiên là “Ông-trôi-co-mat”, đăng ngày 15-11-1940. Các bài viết đều tập trung lên án chiến tranh của đế quốc Pháp, Nhật, Đức, Italia, vạch trần âm mưu, thủ đoạn đế quốc nhằm gây chia rẽ các nước, mưu toan ly gián tình cảm hai nước Trung Việt, kêu gọi sự đoàn kết giữa nhân dân hai nước Việt Nam và Trung Quốc bày tỏ sự đồng tình, giúp đỡ các dân tộc nhỏ yếu giành độc lập.

77. Đi Đông (Dic-donc)

Là tên một số người bạn nước ngoài gọi Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Tên gọi này được Người kể trong bài báo: “Đồng chí “Đi đông””, đăng báo Cứu quốc, ngày 3-10-1951: “Năm xưa Hồ Chủ tịch hoạt động  ở Trung Quốc, quen  biết nhiều người cách mạng Trung Hoa học ở Pháp về. Họ không phải như các cô chiêu cậu tú, mang tiền sang Pháp du học. Họ vừa làm công, vừa học. Trong đó có những người như bà Thái Xương, nay là Chủ tịch Hội phụ nữ Trung Quốc, Thủ tướng Chu Ân Lai, ông Nhiếp Vinh Trăn, Tổng tham mưu trưởng Quân Giải phóng v. v.. Mỗi khi nói chuyện tiếng Pháp với Cụ, các bạn ấy thường gọi “Đi đông!”, nghĩa là “Này đồng chí!” (Dic-donc!).

Những bạn khác không biết tiếng Pháp, tưởng “Đi đông” là bí danh của Cụ, cho nên họ gọi Cụ là đồng chí “Đi Đông”.

78. Cúng Sáu Sán. 1941

Ngày 28 tháng 1 năm 1941, Nguyễn Ái Quốc về nước hoạt động ở vùng Pác Bó, Cao Bằng. Đồng bào địa phương không biết rõ về Người, nên một số dân bản thường gọi Người là Cúng Sáu Sán, có nghĩa là ông già ở rừng.

79. Già Thu. 1941

Trong thời gian hoạt động ở Pác Bó, Cao Bằng các cán bộ địa phương thường gọi Nguyễn Ái Quốc là Già Thu.

80. Kim Oanh. 1941

Bút danh của Nguyễn Ái Quốc ký dưới bài thơ “Phụ nữ” đăng trên báo Việt Nam Độc lập1, số 104, ngày 1-9-1941. Sau khi nêu những tấm gương anh hùng của phụ nữ Việt Nam từ Bà Trưng, Bà Triệu đến Nguyễn Minh Khai, Người kêu gọi chị em phụ nữ Việt Nam cần đoàn kết lại để đấu tranh.

(Còn nữa)

Theo “Những tên gọi, bí danh, bút danh của Chủ tịch Hồ Chí Minh,”

Bảo tàng Hồ chí Minh, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, năm 2001

 

Theo http://bachovoihue.com

Huyền Trang (st)

 

 

Bài viết khác: