Thứ sáu, 19/04/2024

Tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân là một hệ thống các quan điểm lý luận về bản chất, chức năng, cơ chế hoạt động, tổ chức bộ máy, xây dựng đội ngũ cán bộ công chức nhà nước; trong đó, quan niệm về nhà nước pháp quyền là một tư tưởng nhất quán, thể hiện tầm nhìn vượt thời đại và có giá trị lâu bền. Hồ Chí Minh luôn khẳng định: Pháp luật của ta là pháp luật dân chủ, phải nghiêm minh và phát huy hiệu lực thực tế. Nhà nước ta cũng sử dụng pháp luật để quản lý xã hội. Song pháp luật của ta đã có sự thay đổi về chất, mang bản chất của giai cấp công nhân, là một loại hình pháp luật kiểu mới, pháp luật thật sự dân chủ, vì nó bảo vệ quyền tự do, dân chủ rộng rãi cho nhân dân lao động.

Với Hồ Chí Minh, pháp luật không phải là để trừng trị con người mà là công cụ bảo vệ, thực hiện lợi ích của con người. Tư tưởng pháp quyền của Người không chỉ dừng lại ở các quyền con người được ghi trong các văn bản pháp luật mà còn thấm đượm một tấm lòng thương yêu nhân dân, chăm lo cho ấm no, hạnh phúc của nhân dân, thấm đượm lòng nhân ái, nghĩa đồng bào theo đạo lý truyền thống ngàn năm của dân tộc Việt Nam. Vì thế, pháp quyền Hồ Chí Minh là pháp quyền đặc biệt, pháp quyền nhân nghĩa - một thứ nhân nghĩa có nội hàm triết lý, mang đậm tính dân tộc và dân chủ sâu sắc. Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh, tiếp thu các giá trị tư tưởng hiện đại của loài người, trước nhu cầu thực tiễn phát triển đất nước, Đảng Cộng sản Việt Nam chủ trương lãnh đạo xây dựng nhà nước pháp quyền ở nước ta.

Là người sáng lập Nhà nước dân chủ mới Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng là người có công lớn nhất trong sự nghiệp lập hiến và lập pháp. Ở cương vị Chủ tịch nước, Người đã hai lần đứng đầu Ủy ban soạn thảo Hiến pháp 1946 và Hiến pháp 1959. Tư tưởng Hồ Chí Minh về Nhà nước pháp quyền của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân đã được ghi trang trọng trong Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Đó là tư tưởng về "tất cả quyền bính trong nước là của toàn thể nhân dân Việt Nam, không phân biệt nòi giống, gái trai, giàu nghèo, giai cấp, tôn giáo"; tư tưởng về "nhân dân có quyền phúc quyết về Hiến pháp và những việc quan hệ đến vận mệnh quốc gia"; tư tưởng về "Chính phủ là công bộc của dân". Nhà nước của nhân dân thì "bao nhiêu quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân". Tất cả các cơ quan Nhà nước đều phải dựa vào nhân dân, liên hệ chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe ý kiến và chịu sự kiểm soát của nhân dân.

Ngay sau ngày giành được chính quyền về tay nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã chủ trương xây dựng Hiến pháp, biểu hiện đầu tiên của một Nhà nước pháp quyền. Hiến pháp năm 1946 là Hiến pháp dân chủ đầu tiên của nước Việt Nam mới, phù hợp với giai đoạn cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân của nước ta, là một mốc son quan trọng đánh dấu quá trình bắt đầu xây dựng một nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân. Theo Hồ Chí Minh: “Dân là chủ, Chính phủ là đầy tớ”. Đây là một trong những vấn đề hết sức căn bản trong xây dựng nhà nước kiểu mới, Nhà nước pháp quyền của dân, do nhân dân làm chủ, mà Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất do nhân dân trực tiếp bầu ra. Người viết: “Những khi dân dùng đầy tớ để bảo vệ cho mình thì phải giúp đỡ, nếu Chính phủ sai thì phải phê bình, phê bình không có nghĩa là chửi”. Đối với cán bộ, đảng viên, nhân viên nhà nước, Người gọi đó là “công bộc” của dân.

Nhà nước phải thể hiện ý chí quyền lực của dân, mưu cầu hạnh phúc cho dân, phấn đấu đem lại lợi ích cho dân, thoả mãn những nhu cầu hợp lý của các tầng lớp nhân dân trong xã hội. Đó là một Nhà nước dân chủ và tiến bộ. Những lợi ích và nhu cầu đó lại phải được thực hiện một cách công bằng, dân chủ, văn minh, chính đáng, bảo đảm sự kết hợp hài hòa giữa phát triển các cá nhân với mục tiêu phát triển xã hội. Đồng thời, lại phải chăm lo giải quyết những vấn đề bức xúc hàng ngày của dân tộc, của đất nước.

Trải qua các thời kỳ cách mạng, dưới sự lãnh đạo của Ðảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước ta đã không ngừng lớn mạnh, góp phần quan trọng vào sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, bảo vệ và xây dựng đất nước theo con đường XHCN. Qua hơn 25 năm thực hiện công cuộc đổi mới đất nước, việc xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCH đã được đẩy mạnh; tổ chức bộ máy ngày càng hoàn thiện hơn; phương thức hoạt động của Nhà nước được đổi mới, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp CNH, HÐH đất nước. Tuy nhiên, việc xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN trong những năm qua còn một số hạn chế, chưa theo kịp yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và quản lý đất nước.

Hiện nay, toàn Ðảng, toàn dân và toàn quân ta đang nỗ lực triển khai thực hiện thắng lợi Nghị quyết Ðại hội lần thứ XI của Ðảng, các Nghị quyết của QH khóa XIII, đặc biệt là Nghị quyết T.Ư 4 (khóa XI): Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Ðảng hiện nay, Kết luận Hội nghị T.Ư 5 (khóa XI) về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành T.Ư Ðảng khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí; về Tổng kết việc thi hành Hiến pháp năm 1992 và một số nội dung cần sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992. Ðây là nhiệm vụ hết sức quan trọng đặt ra những yêu cầu mới trong việc xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN, của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (bổ sung, phát triển năm 2011) đã chỉ rõ: Tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức, do Ðảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo; quyền lực Nhà nước là thống nhất; có sự phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan trong việc thực hiện các quyền: lập pháp, hành pháp và tư pháp. Theo đó, Nhà nước mà chúng ta đang xây dựng phải là một Nhà nước đủ khả năng quản lý kinh tế, quản lý xã hội bằng pháp luật, chăm lo, phục vụ nhân dân, gắn bó mật thiết với nhân dân, bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng của mọi người dân; tôn trọng, lắng nghe ý kiến của nhân dân và chịu sự giám sát của nhân dân. Một nhà nước với thể chế dân chủ, minh bạch; bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đội ngũ cán bộ, công chức trong sạch, vững mạnh và tinh thông nghiệp vụ.

Ðể đáp ứng những yêu cầu này, một trong những nhiệm vụ quan trọng cấp thiết hiện nay là chúng ta cần sớm hoàn thiện bộ máy Nhà nước và hệ thống pháp luật để tổ chức quản lý xã hội bằng pháp luật, tăng cường pháp chế XHCN, trong đó có việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 theo tinh thần Hội nghị T.Ư 5 (khóa XI) vừa qua. Trên cơ sở Hiến pháp, Nhà nước cần xây dựng cơ chế kiểm soát, ngăn ngừa tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí, vô trách nhiệm, lạm quyền, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền dân chủ của công dân để giữ nghiêm kỷ cương, phép nước. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách nền hành chính Nhà nước và cải cách tư pháp theo tinh thần Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị. Ðồng thời, kiên quyết trừng trị mọi hành vi xâm phạm lợi ích quốc gia và của công dân.

            Đại hội XI của Đảng xác định, Nhà nước ta là Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, thể hiện và thực hiện ý chí, quyền lực của nhân dân. Việc tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước ta hiện nay là một trong những vấn đề lớn được Đảng hết sức quan tâm và xác định, Nhà nước ta là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, thể hiện và thực hiện ý chí, quyền lực của nhân dân, trên cơ sở liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo.Nhà nước định ra luật pháp và tổ chức, quản lý xã hội bằng pháp luật; giữ nghiêm kỷ cương xã hội, nghiêm trị mọi hành động xâm phạm pháp luật, vi phạm  lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân. Nhà nước gắn bó chặt chẽ với nhân dân, thực hiện đầy đủ quyền làm chủ của nhân dân, tôn trọng, lắng nghe ý kiến của nhân dân và chịu sự giám sát của nhân dân. Nhà nước có cơ chế và biện pháp kiểm soát, ngăn ngừa và trừng trị tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí, vô trách nhiệm, lộng quyền, xâm phạm quyền làm chủ của công dân, nhằm bảo đảm, phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Tổ chức và hoạt động của bộ máy Nhà nước theo nguyên tắc tập trung dân chủ, có sự phân công, phân cấp, đồng thời bảo đảm sự chỉ đạo thống nhất của Trung ương. Quyền lực nhà nước là thống nhất; có sự phân công phối hợp giữa các cơ quan trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp; có cơ chế kiểm tra, giám sát trong việc thực hiện ba quyền đó, bảo đảm những hoạt động của các cơ quan nhà nước thật sự của dân, do dân, vì dân; thật sự mọi quyền lực đều thuộc về nhân dân như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định.

Sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước ta hiện nay diễn ra trong bối cảnh mới của tình hình quốc tế và xu thế toàn cầu hóa đang đặt ra những nhiệm vụ hết sức nặng nề đòi hỏi Nhà nước ta cần có sự đổi mới mạnh mẽ, sâu sắc và toàn diện hơn trên tất cả các lĩnh vực, trước hết là đẩy mạnh cải cách, hoàn thiện tổ chức và hoạt động của bộ máy Nhà nước, nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý, góp phần phát triển kinh tế - xã hội./.

Tâm Trang (Tổng hợp)

Bài viết khác: