Ngày 15-8-1945, phát xít Nhật đầu hàng phe Đồng minh. Thời cơ ngàn năm có một đã xuất hiện. Đại hội Quốc dân do Tổng bộ Việt Minh triệu tập đã họp tại Tân Trào - Thái Nguyên trong hai ngày 16 và 17-8-1945. Đại hội đã bầu ra Ủy ban Giải phóng dân tộc Việt Nam (coi như Chính phủ lâm thời).

Bac Ho trong nhung ngay thang 8 lịch su
Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Lễ Tuyên ngôn độc lập tại
Quảng trường Ba Đình - Hà Nội ngày 2/9-1945. Ảnh: TL

Cụ Hồ Chí Minh được cử giữ chức Chủ tịch. Ủy ban bầu năm Ủy viên thường trực là: Hồ Chí Minh, Trần Huy Liệu, Phạm Văn Đồng, Nguyễn Lương Bằng và Dương Đức Hiền. Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc lời tuyên thệ ngày 17-8 trước Đại hội: “... Chúng tôi nguyện kiên quyết lãnh đạo nhân dân tiến lên, ra sức chiến đấu chống quân thù, giành lại nền độc lập cho Tổ quốc. Dù phải hy sinh đến giọt máu cuối cùng, quyết không lùi bước... Xin thề!”.       Đại hội sắp bế mạc thì được tin ở Nhà hát Lớn Hà Nội diễn ra một cuộc mít tinh rầm rộ chưa từng có của công nhân viên chức thành phố. Các đoàn đại biểu dự Đại hội cấp tốc trở về địa phương mình để chờ đón thời cơ. Ngay tối hôm đó, Bác Hồ lại lên cơn sốt. Lúc này các ông Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp, Hoàng Quốc Việt, Nguyễn Lương Bằng đều đã rời khỏi Tân Trào. Chỉ còn ông Phạm Văn Đồng ở lại lán Nà Lừa với Bác Hồ. Các ông Hoàng Văn Thái, Lê Giản... vẫn tiếp tục công việc ở Khu giải phóng.

Gần về sáng 18-8-1945, Bác Hồ đã đỡ sốt. Về sự kiện này, sau mấy chục năm đứng đầu Chính phủ, Thủ tướng Phạm Văn Đồng nhiều lúc bồi hồi nhớ lại: “Vừa giảm cơn sốt, Bác Hồ dậy làm việc ngay trong đêm. Cả nước lúc này đang rùng rùng chuẩn bị khởi nghĩa. Bác Hồ nói với anh chị em xung quanh đang săn sóc Bác: “Chiến tranh chống Đức - Ý - Nhật đã thắng lợi. Các nước lớn đang chia phần. Những nước thuộc địa chẳng được gì dù là phần nhỏ bé. Chỉ có chiến đấu, tiếp tục chiến đấu, lấy sức ta mà giải phóng cho ta...”. Và ngay trong ngày hôm ấy (18-8-1945), Bác đã tự đánh máy thư riêng bằng Anh ngữ gửi cho hai người bạn Mỹ trong cơ quan tình báo O. S. S của phe Đồng minh hoạt động ở Côn Minh, Vân Nam, Trung Quốc. Đây là 2 trong 5 quân nhân Mỹ thuộc nhóm “Con Nai” do Thiếu tá tình báo Thomas Chỉ huy ngày 17-7-1945 đã nhảy dù xuống Việt Bắc bắt liên lạc với ta để giúp Việt Nam trong công cuộc chống Nhật. Họ đã giúp chúng ta nhiều mặt và sau ngày Nhật đầu hàng, cả nhóm “Con Nai” đã về lại Côn Minh. Những bức thư của Bác Hồ gửi những người bạn Mỹ ngày ấy hiện còn lưu giữ ở Bảo tàng Hồ Chí Minh đã được dịch ra tiếng Việt. Trong thư, Bác Hồ cảm ơn sự giúp đỡ của Đồng minh; ngỏ ý tiếc vì  họ đã rời Việt Nam quá nhanh và khẳng định nhân dân Việt Nam sẽ tiếp tục chiến đấu cho tới khi đạt được mục đích của mình là độc lập dân tộc.

Ngày 19-8-1945, cơn sốt rét rừng lại hành hạ Người. Cuối ngày tin vui từ Hà Nội bay về Việt Bắc: Nhân dân Hà Nội đã đứng lên khởi nghĩa chiếm được Phủ Khâm sai, Tòa Thị chính... Cách mạng đã làm chủ hoàn toàn thành phố Hà Nội. Quên mệt, Hồ Chủ tịch cấp tốc họp số cán bộ đang ở lại Tân Trào. Người nói giọng bùi ngùi linh cảm: “Bây giờ ta đã có chính quyền, chắc các cô, các chú ai cũng muốn về Hà Nội. Nhưng chưa ổn đâu... biết đâu chúng ta còn phải trở lên đây nhờ cậy đồng bào lần nữa...”. Ngày 21-8-1945, Bác Hồ vẫn sốt lai rai. Bác đắng miệng không muốn ăn uống gì, chóng mặt, đau đầu. Đồng chí Lê Giản (sau này là Tổng Giám đốc Nha Công an Việt Nam đầu tiên) xin đâu đó được quả bưởi, bóc ra mời Bác. Người chỉ ăn được 2 múi. Chị Trần Thị Minh Châu - từng làm Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên, Tỉnh ủy Hà Đông - nấu cháo đỗ xanh mời Bác. Người cố ăn hết bát con cháo. Đến chiều tối, cơn sốt lui dần.

Sáng ngày 22-8-1945, Hồ Chủ tịch rời Tân Trào lên đường về Hà Nội. Lúc này tuy đã khỏi sau mấy ngày sốt cao nhưng Người vẫn còn mệt, gầy sút, xanh xao, duy đôi mắt vẫn sáng long lanh. Anh em cận vệ mời Bác lên cáng. Nhìn các chiến sỹ của mình Người nói với giọng nồng nàn, đầm ấm, yêu thương: “Khí thế cách mạng mùa thu đang lên cao, sao lại bắt tôi nằm! Chúng ta cùng đi, lúc nào thấy không thể bước nổi thì già Thu này sẽ nằm cáng. Bác bồi hồi nói với đồng chí Trần Đăng Ninh: “Ngày còn bé, theo cha mẹ vào Kinh đô Huế lúc đó mới 5 tuổi nên tôi chưa tự mình leo qua được đèo Ngang. Tôi được cha cõng trên lưng để vượt đèo. Đến bây giờ đúng nửa thế kỷ qua, tôi lại phải nhờ anh em khiêng qua đèo Khế...”. Ngay đêm đó đồng chí Trần Đăng Ninh đưa Bác lên ôtô về thị xã Thái Nguyên vừa giành được chính quyền ngày 20-8-1945. Trên đường về Hà Nội, chiều ngày 23-8-1945, Bác được đò ngang bố trí sẵn chở qua sông Hồng, lúc này nước đang lên to. Tối cùng ngày, đồng chí Trần Đăng Ninh đưa Bác Hồ vào làng Gạ, nay là thôn Phú Gia, xã Phú Thượng, huyện Từ Liêm (Hà Nội) và đến ở nhà ông Trần Lộc, tức Công Ngọc Kha là cơ sở của Việt Minh. Bác muốn biết tình hình trước khi vào trung tâm Hà Nội. Đồng chí Trần Đăng Ninh về số nhà 48 phố Hàng Ngang gặp các đồng chí Võ Nguyên Giáp, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng đã ở tại đây từ sau ngày 19-8-1945.

Sáng 25-8, đồng chí Võ Nguyên Giáp đến làng Gạ báo cáo với Bác Hồ về tình hình Hà Nội, Huế và các tỉnh miền Trung. Buổi chiều, đồng chí Trường Chinh đến làng Gạ đón Bác Hồ về ở nhà ông bà Trịnh Văn Bô - Hoàng Thị Minh Hồ ở 48 Hàng Ngang là một gia đình tư sản lớn rất yêu nước, một cơ sở tin cậy của Việt Minh. Tại đây Hồ Chủ tịch chủ trì cuộc họp Thường vụ Trung ương Đảng mở rộng, đồng chí Phạm Văn Đồng tuy chưa có trong Ban Chấp hành Trung ương cũng được mời dự. Trong cuộc họp, người đề xuất ý kiến và được Thường vụ Trung ương Đảng nhất trí thông qua. Đó là: Phải thành lập ngay một Chính phủ lâm thời cho đến lúc có Quốc hội thông qua Tổng Tuyển cử phổ thông đầu phiếu toàn dân. Chính phủ lâm thời phải là chính phủ đoàn kết dân tộc gồm đủ các giới tiêu biểu cho nhân dân cả nước chứ không còn hẹp như Ủy ban Giải phóng dân tộc được bầu ra ở Tân Trào. Phải có một bản Tuyên ngôn Độc lập và tổ chức một cuộc mít tinh lớn tại Hà Nội để Chính phủ lâm thời ra mắt nhân dân. Ngày này cũng là ngày nước ta chính thức công bố Tuyên ngôn Độc lập trước thế giới.

Và tại ngôi nhà số 48 Hàng Ngang này, Bác Hồ đã soạn thảo bản Tuyên ngôn Độc lập lịch sử và đọc ngày mùng 2 tháng 9 năm 1945 tại Quảng trường Ba Đình Hà Nội đánh dấu ngày khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa./.

Theo Báo Đại Đoàn Kết
Huyền Trang (st)

Bài viết khác:

Tìm hiểu quy định của Luật Viễn thông năm 2023

Tìm hiểu quy định của Luật Viễn thông năm 2023

Những thành tựu lý luận lớn của Đảng qua gần 40 năm đổi mới

Những thành tựu lý luận lớn của Đảng qua gần 40 năm đổi mới

Nhận dạng chiêu trò

Nhận dạng chiêu trò "đề cao để hạ bệ"

Một số nội dung về phương pháp sử dụng ngôn ngữ trong văn bản hành chính

Một số nội dung về phương pháp sử dụng ngôn ngữ trong văn bản hành chính

Những nội dung cơ bản trong chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về thanh niên và công tác thanh niên

Những nội dung cơ bản trong chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về thanh niên và công tác thanh niên

Vài nét anh dũng trong trận Him Lam

Vài nét anh dũng trong trận Him Lam