Mái tóc bạc phơ, đôi mắt tinh anh và giọng nói cuốn hút người nghe - đó là ấn tượng đầu tiên với chúng tôi khi gặp Đại tá Lê Bá Ước, nguyên Chính ủy Sư đoàn 2 Đặc công đã tham gia đánh chiếm Dinh Độc Lập trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử năm 1975. Gần 4 thập niên trôi qua, nhưng cứ vào dịp kỷ niệm ngày toàn thắng, ký ức về trận đánh cuối cùng ấy lại hiện về nguyên vẹn trong ông với bao cảm xúc…

Đại tá Lê Bá Ước sinh năm 1931, tại Rạch Giá, Kiên Giang, tham gia kháng chiến năm 1945. Ông từng là Chính ủy kiêm Đoàn trưởng Đoàn 10 Đặc công Rừng Sác vang tiếng một thời. Do yêu cầu nhiệm vụ giải phóng Sài Gòn, đầu năm 1974 Sư đoàn 2 Đặc công được thành lập. Trung tá Lê Bá Ước lúc đó được bổ nhiệm làm Chính ủy sư đoàn. Ông Ước kể:

- Ngay sau khi thành lập với 7 Trung đoàn, chúng tôi nhận lệnh phối hợp với Quân đoàn 4 đang đánh địch ở Mặt trận Long Khánh. Sư đoàn chia thành 6 mũi thọc sâu áp sát vùng ven Sài Gòn - Gia Định. Với phương châm “vùng ven là nhà; kho tàng, bến cảng, sân bay là trận địa; Sài Gòn - Gia Định là quyết chiến điểm”, cuối năm 1974 chúng tôi đã phá hủy hơn 500 đồn, bốt, phân khu của địch. Sau đó, lệnh của Bộ Chỉ huy Quân giải phóng miền Nam yêu cầu Sư đoàn phải phá cho được 20 cây cầu có ý nghĩa chiến lược bao quanh Sài Gòn để cắt đường tiến, thoái của quân địch. Toàn Sư đoàn đã sẵn sàng cho nhiệm vụ mới.

linh-dac-cong-a

Đại tá Lê Bá Ước kể lại trận đánh cuối cùng

- Phá hủy 20 cây cầu? Cháu tìm hiểu trong sử liệu thì không thấy nói đến chi tiết này? - Tôi ngạc nhiên hỏi. Đại tá Lê Bá Ước mỉm cười, giải thích:

- Đó là kế hoạch đầu năm 1975. Nhưng khi toàn Sư đoàn đang triển khai phương án phối hợp với Quân đoàn 4 thì có lệnh khẩn cấp của Trung ương Cục miền Nam dừng kế hoạch và triệu tập tôi về trụ sở Bộ Tư lệnh Quân đoàn 2 ở Biên Hòa để nhận nhiệm vụ mới. Thiếu tướng Nguyễn Hữu An, Tư lệnh Quân đoàn chỉ thị cho sư đoàn đánh chiếm từ sông Buông, cầu Đồng Nai, Rạch Chiếc đến cầu Sài Gòn bảo đảm cho quân đoàn đột phá vào Dinh Độc Lập; đồng thời, chiếm giữ bến phà Cát Lái, sông Lòng Tàu, giữ chắc và bảo vệ những cây cầu huyết mạch tạo điều kiện cho các đơn vị của ta tiến công vào nội đô. Hoàn thành nhiệm vụ cơ động lực lượng về Dinh Độc Lập. Vậy là, từ nhiệm vụ phá cầu chúng tôi chuyển sang bảo vệ cầu.

Thực hiện kế hoạch được giao, Sư đoàn 2 chia thành hai cánh quân. Cánh quân hướng Đông do Phó Sư đoàn trưởng Tống Viết Dương và Chính ủy Lê Bá Ước chỉ huy. Khoảng 20 giờ ngày 26-4-1975, Trung đoàn 116 thuộc cánh quân hướng đông đánh chiếm, chốt giữ cầu Đồng Nai và án ngữ khu vực xã Long Hưng, An Hòa, Bến Gỗ. Suốt hai ngày đêm chốt giữ cầu, các chiến sĩ đặc công phải căng mình đối phó với nhiều đợt phản kích quyết liệt của địch bằng cả phi pháo và xe tăng. Trong khi đó lương thực của bộ đội ta mang theo cũng cạn dần. Nhiều chiến sĩ phải nhịn đói nhưng vẫn quyết không rời mục tiêu, bám trụ đến cùng. Vị cựu Chính ủy Sư đoàn 2 nhớ lại:

- Ngày 29-4, địch phá sập cầu sông Buông ngăn chặn xe tăng của ta tiến công, buộc Lữ đoàn xe tăng 203 phải khắc phục khó khăn tiến dần theo Quốc lộ 15 đến Bến Gỗ, vừa chạy vừa bắn quét ra hai bên đường, vào cả đội hình của Trung đoàn 116 đang chốt giữ. Hai đơn vị không nhận ra nhau vì trời còn tối không nhìn rõ màu cờ. Tại ngã ba Bến Gỗ, các chiến sĩ đặc công canh gác hô mật khẩu “Hồ Chí Minh”, đúng ra phải đáp “Muôn năm” nhưng do anh em đơn vị tăng nhớ nhầm mật khẩu ở trận Bình Thuận nên đáp “19 tháng 5”. Lập tức, tổ B40 của đặc công bắn liền hai phát, may mà không trúng. Thấy không yên tâm, chiến sĩ chốt giữ hỏi lại mật khẩu lần nữa thì đơn vị tăng đáp đúng “Muôn năm”. Lúc này, hai bên mừng rỡ nhảy ra khỏi công sự, xuống xe tăng ôm chầm lấy nhau trong niềm vui khôn xiết.

- Lữ đoàn tăng mà cơ động không có bộ binh đi cùng hả bác? - Tôi băn khoăn hỏi. Đại tá Lê Bá Ước nhìn tôi, gật gù:

- Thực tế chiến đấu khác xa lý thuyết. Lữ đoàn 203 nhận lệnh trong đêm 29 phải tiến sát Dinh Độc Lập, nhưng bộ binh gặp trở ngại chưa đến kịp, mà đường nội thành thì anh em lính tăng không ai thông thuộc. Bởi thế, Phó Sư đoàn trưởng Tống Viết Dương mới nảy ra sáng kiến, thống nhất với chỉ huy Lữ đoàn xe tăng 203 đưa toàn bộ lực lượng đặc công tạm thời thay thế bộ binh tiến quân lên Sài Gòn, chỉ để lại một đại đội đặc công thủy chốt cầu đề phòng địch phá hủy. Phương án ấy hết sức sáng tạo, lợi cho cả hai đơn vị và bảo đảm kịp thời gian thực hiện nhiệm vụ nên tôi tán thành ngay. Nhờ đó mà kế hoạch tác chiến vẫn được triển khai đúng ý định.

linh-dac-cong-b

CCB Lê Bá Ước (hàng đầu, thứ tư từ trái sang) trong một buổi giao lưu truyền thống với sinh viên Trường Đại học KHXH&NV TP Hồ Chí Minh

8 giờ 30 phút ngày 30-4, đội hình của hai đơn vị đã tới Thủ Đức. Bọn địch cố thủ ở trường võ bị bắn ra xối xả. Chỉ huy đơn vị lệnh cho phân đội tăng đi đầu vòng theo hướng khác, phân đội tăng phía sau tạt xuống mép ruộng, cơ động đánh lướt sườn khu vực trường võ bị; đặc công phối hợp với dân quân du kích địa phương xã Tăng Nhơn Phú vây ép tiêu diệt quân địch. Chỉ trong 30 phút bọn địch hoảng loạn rút chạy. Nhớ lại cái ngày lịch sử ấy, Đại tá Lê Bá Ước không giấu nổi niềm vui:

- Khoảng hơn 10 giờ ngày 30-4, bộ đội đặc công và lực lượng tăng, thiết giáp đã đến gần hồ An Phú. Bọn địch cố thủ ở đây bắn ra quyết liệt. Lập tức, anh Năm Dương hội ý chớp nhoáng với tôi, rồi hạ lệnh tiêu diệt tàn quân. Đội hình chiến đấu được triển khai nhanh chóng. Giữ thế áp đảo, Trung đoàn 116 bí mật áp sát mục tiêu, bắt sống một số tên khai thác tình hình. Xe tăng của ta nã đạn vào căn cứ, bắn cháy một xe tăng M48 của địch khiến tinh thần bọn chúng càng hoang mang. Đúng lúc đó 2 chiếc máy bay A37 bất ngờ bay tới, trút 2 loạt bom hòng phá sập cầu xa lộ và chặn đường tiến của xe tăng, pháo binh ta. Cũng may, do chúng lo sợ bị pháo phòng không bắn cháy nên vội vã cắt bom chệch mục tiêu, bom rơi vào nhà dân. Cầu xa lộ vẫn được giữ vững. Bỏ qua không truy kích tụi tàn quân, đội hình của sư đoàn tiếp tục vượt cầu Thị Nghè, đến đường Nguyễn Bỉnh Khiêm rẽ trái, rồi chạy thẳng tới Dinh Độc Lập. Ngồi trên xe tăng thứ 6, chúng tôi đã nhìn thấy xe tăng đi đầu mang số hiệu 390 húc đổ cánh cổng sắt tràn vào trong. Bọn lính bảo vệ chạy tán loạn. Anh Năm Dương hạ lệnh cho Trung đoàn trưởng Trung đoàn 116 tổ chức vây bắt số lính bảo vệ. Chừng 15 phút sau, anh em đặc công đã túm được 30 tên gom lại gần bãi cỏ phía trước dinh. Bên ngoài, các cánh quân của ta ầm ầm như vũ bão tiến vào nội đô, khí thế ngút trời. Bộ đội đặc công tỏa ra lùng sục khắp xung quanh và bảo vệ những nơi trọng yếu. Đúng 11 giờ 30 phút, khi lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên nóc Dinh Độc Lập cũng là lúc hàng triệu con tim hòa cùng một nhịp, phấn khởi, tưng bừng đón chào chiến thắng.

Đại tá Lê Bá Ước ngừng lời. Nụ cười rạng rỡ làm khuôn mặt ông sáng lên. Vẻ kiêu hãnh vẫn vẹn nguyên trong ánh mắt của người cựu chiến binh đã bao phen xông pha trận mạc và được chứng kiến thời khắc lịch sử hào hùng của dân tộc.

- Cháu nghe kể, trong giờ phút khải hoàn, Sư đoàn 2 đặc công tiếp tục nhận nhiệm vụ giải phóng Côn Đảo?

Ông xác nhận:

- Mờ sáng ngày 1-5, tôi nhận được điện khẩn của đồng chí Lê Trọng Tấn, Phó Tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh triệu tập về Sở Chỉ huy Quân đoàn 2 nhận nhiệm vụ tổ chức lực lượng đặc công thủy phối hợp với Hải quân vượt biển ra Côn Đảo giải phóng tù chính trị. Sau khi triển khai lực lượng sẵn sàng xuất phát, thì chúng tôi nhận được thông báo, anh em tù chính trị Côn Đảo đã nổi dậy tự giải phóng, hiện đang chờ tàu từ đất liền ra đón. Vậy nên chúng tôi hết nhiệm vụ, trở về đơn vị cũ trong niềm vui chiến thắng…

Kết thúc chiến tranh, người anh hùng đặc công Rừng Sác tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp xây dựng quân đội. Năm 1994, ông về nghỉ hưu với cấp hàm Đại tá. Gần 20 năm qua, ông đã dành bao công sức để đi tìm và xác nhận hài cốt đồng đội. Hiện tại, ông lập riêng một ban thờ các liệt sĩ đặc công thuộc đơn vị cũ đã hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ. Ông bảo, mình còn sống và may mắn được chứng kiến thời khắc huy hoàng của dân tộc là nhờ sự hy sinh của bao đồng đội. Bởi vậy, mình phải có trách nhiệm với thân nhân, gia đình họ, với vong linh của những người đã khuất cho trọn nghĩa, vẹn tình…

Nói rồi, ông đứng dậy kính cẩn thắp nén hương thơm tưởng nhớ những đồng đội đã ngã xuống cho độc lập hôm nay.

 Theo Hoàng Thành - Quân đội nhân dân

Thanh Huyền (st)

 

Bài viết khác:

Để nền tảng tư tưởng của Đảng trở thành niềm tin, lẽ sống

Để nền tảng tư tưởng của Đảng trở thành niềm tin, lẽ sống

Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về phương pháp dân vận trong giai đoạn hiện nay

Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về phương pháp dân vận trong giai đoạn hiện nay

KỶ NIỆM 70 NĂM CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ (7-5-1954 / 7-5-2024): Chiến thắng Điện Biên Phủ qua góc nhìn quốc tế

KỶ NIỆM 70 NĂM CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ (7-5-1954 / 7-5-2024): Chiến thắng Điện Biên Phủ qua góc nhìn quốc tế

Một số quy định về lý lịch tư pháp và cấp phiếu lý lịch tư pháp

Một số quy định về lý lịch tư pháp và cấp phiếu lý lịch tư pháp

Phê phán luận điệu xuyên tạc quan điểm của V.I.Lênin “Một cuộc cách mạng chỉ có giá trị khi nó biết tự vệ”

Phê phán luận điệu xuyên tạc quan điểm của V.I.Lênin “Một cuộc cách mạng chỉ có giá trị khi nó biết tự vệ”

Phát huy vai trò của đội ngũ lãnh đạo, quản lý trong thực hiện công tác thi đua, khen thưởng

Phát huy vai trò của đội ngũ lãnh đạo, quản lý trong thực hiện công tác thi đua, khen thưởng