Mùa Xuân đã về, đất nước con người đang bước sang một năm mới 2014 với nhiều cơ hội và thách thức mới. Những ngày này, chúng ta lại nhớ đến vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc. Với tấm lòng của mình, Tri thức Thời đại xin được cùng với bạn đọc ôn lại những kỷ niệm về Người. Để những biểu tượng về Người, mãi sáng trong và vững bền trong tâm thức mỗi người Việt Nam.

Từ những năm 30 của thế kỷ XIX, các  cường quốc ChâuÂu và Châu Mỹ đã đẩy bánh xe chủ nghĩa thực dân đi thêm những chặng đường mới. Năm 1885, việc phân chia thuộc địa ở Châu Phi cơ bản đã hoàn tất. Năm 1918, Thế chiến thế giới thứ nhất kết thúc, và tiếp sau đó là năm 1919 với Hiệp ước Véc-xay, những phần đất của Châu Á, Châu Úc và Châu Đại Dương còn lại cũng đã được “xí phần”. Đến năm 1901, thế giới bước vào thế kỷ XX với một bức tranh không mấy sáng sủa: Hàng trăm dân tộc bị áp bức và có trên 100 nước thuộc địa với số dân khoảng 800 triệu người (chiếm gần 70 % dân số toàn thế giới lúc bấy giờ).

Nhìn lại bối cảnh của thời đại Mác và Ăngghen, chúng ta thấy trong điều kiện lịch sử của mình, C. Mác và Ph. Ăngghen không nhận sứ mệnh giải quyết vấn đề thuộc địa. Năm 1851, Mác mới chỉ có được một số thông tin ít ỏi về “xứ Bắc Kỳ và Nam Kỳ”; Ăngghen chỉ duy nhất có hai lần đề cập đến  Đông Dương xa xôi là vào năm 1869 và 1895. V.I. Lênin trong những năm đầu thế kỷ XX trước sau cũng chỉ có 4 lần nhắc đến “ vùng đất hình chữ S ” (ý nói Việt Nam) này. Thậm chí ngay cả năm 1919, trong Tuyên ngôn thành lập Quốc tế cộng sản vẫn khẳng định: ”Công nhân và nông dân không những ở An Nam, Angiêri, Bengan mà cả ở Ba-tư, Ácmênia... chỉ có thể giành được độc lập khi mà công nhân nước Anh và Pháp lật đổ chính phủ, giành chính quyền Nhà nước vào tay mình...”. Xem thế đủ thấy việc đi tìm và để có một mùa Xuân cho dân tộc mình và cho hàng triệu con người của hàng trăm dân tộc thuộc địa – gần 2/3 nhân loại – thật là một việc kinh thiên động địa, khó khăn gấp bao lần “Nữ Oa vá trời”, “Ngu Công dời núi”...

Biết vậy nhưng con người nhỏ bé về thân hình, vĩ đại trong tư duy Nguyễn Ái Quốc đã tình nguyện chấp nhận sứ mệnh lịch sử mà dân tộc và nhân loại giao phó. Trong cuộc đời 79 mùa xuân của Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh, có 30 mùa Xuân “tha hương”, cộng thêm hai mùa Xuân “vừa tha hương vừa nằm trong ngục tù” của Tưởng Giới Thạch. Và nếu tính từ tuổi biết tự lập, thì trừ đi những năm tháng ấu thơ, những năm tháng ly hương và ngục tù, Bác Hồ kính yêu của chúng ta chỉ thực sự được hưởng 30 cái Tết trên đất mẹ – chưa được một nửa cuộc đời.

Ngược dòng thời gian, theo dõi hành trình của Người, chúng ta thấy anh thuỷ thủ Văn Ba – Nguyễn Tất Thành ăn Tết đầu tiên xa Tổ quốc vào năm 1912 trên đất Mỹ. Những tư liệu mới tìm được đã cho thấy ngày 15/12/1912 (tức ngày mồng bảy tháng Giêng năm Nhâm Tý), Nguyễn Tất Thành đang ở New York và   “đi ở cho người ta ở Brooklyn với lương tháng khoảng 40 đôla...”. Mùa Xuân vất vả năm ấy, anh thanh niên Việt Nam trên đất khách, quê người vẫn còn dùng được thời gian rảnh rỗi để học tập và đi xe điện ngầm tới thăm khu Háclem của người da đen ở  New York... Tết năm 1914, Nguyễn Tất Thành đón giao thừa ở Luân Đôn, Thủ đô nước Anh. Bốn năm sau đó Tất Thành đón Tết năm con ngựa  tại Paris, thủ đô hoa lệ của nước Pháp. Đến năm 1921, tròn 10 năm ăn Tết xa quê, Nguyễn Tất Thành bấy giờ đã là Nguyễn Ái Quốc - con người mà như nhà thám tử Pháp Ác-nu đã tiên báo trước “gầy gò, mảnh khảnh nhưng sẽ đọc bản cáo chung cho chế độ thuộc địa Pháp và đẩy biên giới của Pháp quốc trở lại hình lục lăng...”.

Trong cuộc bôn ba tìm đường cứu nước, vượt qua biết bao khó khăn, thiếu thốn và cả hiểm nguy rình rập, vậy mà Nguyễn ái Quốc – Hồ Chí Minh vẫn vững tin vào tương lai, quyết không từ bỏ ánh sáng của mùa Xuân, ánh sáng chân lý cho dân tộc, cho nhân loại mà mình phải đảm đương, đem đến.  Trong cuộc đời cách mạng gian truân ấy, không phải lúc nào và ai ai – kể cả những đồng chí của Người – cũng hiểu được cặn kẽ những tư tưởng lớn của Người. Sự hy sinh của Bác thật lớn lao, thâm trầm, để cho chúng ta và cả bè bạn thế giới có lúc nghĩ lại thấy day dứt, xót thương trong lòng. Trong một lần trò chuyện với đồng chí già Hoàng Đạo Thuý, Người đã tâm sự: “Người ta ai ai cũng là người, ai cũng có vui, có buồn. Với anh em, đồng chí, đồng bào, có lúc tôi cố giữ cho mình được vui”. Bác không nói tới vế sau, nhưng ai cũng hiểu.

Với niềm tin tưởng và tinh thần lạc quan cách mạng, Người đã có những mùa Xuân tươi đẹp nhất. Phải chăng đó là mùa Xuân năm 1923 trên đất Pháp khi Người viết truyền đơn cổ động mua báo Le Paria (Báo Người cùng khổ). Mùa Xuân ấy, lần đầu tiên sau bao nhiêu năm kiểm nghiệm cuộc sống, Nguyễn Ái Quốc viết: ”Cho đến nay chủ nghĩa tư bản chỉ là những vách tường dày ngăn cản những người lao động trên thế giới hiểu nhau và thương yêu nhau”. Mùa Xuân năm sau 1924 – Người đến Matxcơva, quê hương của một mùa Xuân mới và chính tại đây, Người đã tìm thấy cái cần thiết cho dân tộc mình, qua Bản “Luận cương về vấn đề thuộc địa” của Lênin đăng trên báo Luymanitê. Tết Ất Sửu năm 1925, Nguyễn Ái Quốc với tên mới là Vương, là Lý Thuỵ đã ăn Tết ở Quảng Châu, mở lớp huấn luyện chính trị “gieo mầm cách mạng cho Tổ quốc Việt Nam”. Mùa Xuân năm 1930 là một mùa Xuân tươi đẹp, sung sướng nhất của Người vì “từ nay đã có Đảng lãnh đạo, cách mạng sẽ thành công”. Mùa Xuân năm 1941, sau hơn 30 năm trời xa Tổ quốc, sau khi mở lớp huấn luyện và đào tạo cán bộ ở biên giới Việt - Trung, theo nội dung sách sau này được in dưới tên gọi “Con đường giải phóng” - trong khí trời trong lành của một buổi sáng Xuân, trong hương thơm của hoa rừng biên cương, Người trở về Tổ quốc...

Mùa Xuân theo quan niệm của Bác Hồ là những mùa Xuân của nghĩa tình, chứa chan lòng yêu thương, đồng cảm với nhau. Xuân năm 1959, trên đất nước Liên Xô, Bác nói với các cháu thiếu nhi: “Tết bây giờ khác trước rồi, mùa Xuân của chúng ta không phải là ba tháng mà là dài hơn, gia đình, họ hàng của ta là cả gia đình quốc tế vô sản...”. Người mong muốn mùa Xuân cho mọi người, mùa Xuân ở trong mọi nhà và mọi ngày. Trong những ngày Xuân, được gặp đồng bào, đồng chí bạn bè gần xa, Người như cảm thấy “Xuân này Xuân lại thêm vui. Nước non xa, anh em gần, vui thật là vui...”. Trong thực tế cuộc đời này, có phải Xuân đâu cũng về với mọi nhà - nhất là đối với giai cấp cần lao, nghèo khổ. Khi Tết đến, Xuân về dù không có tiền bạc, bánh quà để tặng những người nghèo khổ, Bác vẫn đến với họ, sẻ chia một tấm lòng, một sắc Xuân trong trái tim con người. Hẳn chúng ta vẫn còn nhớ câu chuyện cảm động khi cô công nhân vệ sinh ở Thủ đô bất ngờ “không bao giờ nghĩ là Bác đến nhà”. Vậy mà Bác đã đến “hiền lành như một ông tiên, ông bụt”. Bác xót xa mà nói:” Bác không đến thăm cháu, còn thăm ai?”. Mùa Xuân năm ấy đối với căn nhà rách nát, nghèo nàn, trong một hẻm phố nhỏ của chị công nhân Thủ đô, thật là một  “Mùa Xuân cho cả thế gian. đâu phải lãng phí cỗ bàn mới Xuân” như lời Bác dạy.

Nhìn lại chặng đường đấu tranh anh dũng, vẻ vang của dân tộc ta trong gần một thế kỷ qua (nhất là từ khi có Đảng Cộng sản VN), chúng ta nhận thấy rõ ràng là mầm Xuân cách mạng đã nở hoa trên đất nước Việt Nam vào giữa thế kỷ XX, không chờ được công nhân Pháp giành chính quyền ở chính quốc. Và hạt giống Xuân đó đã được gieo vào các xứ thuộc địa trên toàn thế giới, cho đến năm 1975 khi mùa Xuân trọn vẹn đã về với Việt Nam, sau khi tên tuổi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi vào lịch sử.  Theo thống kê của Liên Hiệp Quốc, cho đến cuối thế kỷ XX trên thế giới này, “chỉ còn hơn 70 triệu người dân bị nô lệ, hệ thống thuộc địa cơ bản đã bị thủ tiêu”. Như vậy là trong thế kỷ XX, ít ra cũng có hơn 700 triệu người trong các nước thuộc địa đã được giải phóng, đã biết có mùa Xuân cho mình, cho dân tộc. Các nhà sử học chân chính đều nhất trí đánh giá: Trong thế kỷ XX, bên cạnh cuộc Cách mạng vô sản Tháng Mười Nga vĩ đại gắn liền với tên tuổi V. I. Lênin, thì sự giải phóng các dân tộc thuộc địa là một trong những sự kiện vĩ đại nhất. Và trong các sự kiện vĩ đại ấy, không thể không công nhận vai trò, sự đóng góp, sự cống hiến to lớn của một con người - Hồ Chí Minh.

Năm 1987, tổ chức UNESCO của Liên Hiệp Quốc đã công nhận Hồ Chí Minh là một “Biểu tượng kiệt xuất về lòng quyết tâm của một dân tộc vì hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội; Là danh nhân văn hoá thế giới.” Nói cách khác, Hồ Chí Minh là con người đã mang lại sự thức tỉnh, sự giải phóng, sự phát triển, đã góp phần đem đến mùa Xuân cho nhiều dân tộc, cho hàng triệu triệu con người./.

Theo Tri thức thời đại

Thanh Huyền (st)

Bài viết khác:

Phát huy vai trò của nhân dân trong mối quan hệ lớn giữa thực hành dân chủ và tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội

Phát huy vai trò của nhân dân trong mối quan hệ lớn giữa thực hành dân chủ và tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội

Kiên trì, kiên định bảo vệ đường lối chính trị của Đảng Cộng sản Việt Nam - Bài 3: Ba điều cốt yếu để bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ, bảo vệ nhân dân  (Tiếp theo và hết)

Kiên trì, kiên định bảo vệ đường lối chính trị của Đảng Cộng sản Việt Nam - Bài 3: Ba điều cốt yếu để bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ, bảo vệ nhân dân (Tiếp theo và hết)

Đồng chí Trần Phú - Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng, người con ưu tú của dân tộc

Đồng chí Trần Phú - Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng, người con ưu tú của dân tộc

Chiến thắng Điện Biên Phủ: Cách nhìn lịch đại

Chiến thắng Điện Biên Phủ: Cách nhìn lịch đại

Bác bỏ luận điệu phủ nhận công bằng xã hội trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam hiện nay

Bác bỏ luận điệu phủ nhận công bằng xã hội trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam hiện nay

Kiên trì, kiên định bảo vệ đường lối chính trị của Đảng Cộng sản Việt Nam - Bài 2: Thực tiễn đổi mới của Việt Nam khẳng định giá trị, sức sống đường lối chính trị của Đảng

Kiên trì, kiên định bảo vệ đường lối chính trị của Đảng Cộng sản Việt Nam - Bài 2: Thực tiễn đổi mới của Việt Nam khẳng định giá trị, sức sống đường lối chính trị của Đảng