Ngày 23 tháng 9 năm 1976, Ban Bí thư Trung ương Đảng gửi Công văn số 797/CV-NCTU tới Thủ tướng Chính phủ và Quân ủy Trung ương, nêu rõ: “Việc quản lý Lăng và bảo vệ thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh là một việc rất phức tạp, tỉ mỉ, nhưng phải đảm bảo thật tốt, và về thời gian phải bảo đảm rất lâu dài. Vì vậy, phải có đồng chí đủ năng lực chuyên trách lãnh đạo. Bộ Chính trị đã cử đồng chí Thiếu tướng Trần Kinh Chi làm Trưởng ban Ban phụ trách quản lý Lăng”.

thieu-tuong-tran-kinh-chi
Đại tá Trần Kinh Chi (ngoài cùng bên phải) giới thiệu ảnh với Bác Hồ tại Bảo tàng Mỹ thuật năm 1960

Cùng với việc được bổ nhiệm làm Trưởng ban Ban phụ trách quản lý Lăng theo Quyết định số 395/TTg, ngày 6 tháng 10 năm 1976 của Thủ tướng Chính phủ, ngày 22 tháng 10 năm 1976, Quân ủy Trung ương bổ nhiệm Thiếu tướng Trần Kinh Chi làm Tư lệnh, kiêm Chính ủy, Bí thư Đảng ủy Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bởi ông có nhiều năm gắn bó với nhiệm vụ bảo vệ tiếp cận khi Bác Hồ đi công tác và là Ủy viên Ban Chỉ đạo giữ gìn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Trung tuần tháng 8 năm 1969, Quân ủy Trung ương thành lập Ban Chỉ đạo công tác giữ gìn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh (Ban Chỉ đạo) gồm 5 đồng chí: Thiếu tướng Lê Quang Đạo, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị làm Trưởng ban; các ủy viên là Thiếu tướng Phạm Ngọc Mậu, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị; Đại tá Phùng Thế Tài, Phó Tổng Tham mưu trưởng; Đại tá Vũ Văn Cẩn, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần và Đại tá Trần Kinh Chi, Cục trưởng Cục Bảo vệ quân đội. Ban Chỉ đạo phân công Đại tá Phùng Thế Tài là Phó ban và Đại tá Trần Kinh Chi là Ủy viên thường trực, điều hành mọi công việc cụ thể.

“Trước đây, mỗi lần được giao nhiệm vụ bảo vệ Bác Hồ khi Người đi công tác,  tôi rất vinh dự, tự hào. Nhưng lần phải bảo vệ Bác khi Người đi xa mãi mãi làm tôi thật sự bồn chồn, lo lắng, bởi nhiệm vụ thiêng liêng, đặc biệt quá”- Ông tâm sự như vậy.

thieu-tuong-tran-kinh-chi-c
Thiếu tướng Trần Kinh Chi kể chuyện những năm tháng tham gia giữ gìn thi hài Bác Hồ
(tháng 6 năm 2014)

Rồi ông kể về buổi sáng ngày mùng 2 tháng 9 năm 1969 thật cảm động:

Tại Công trình 75A, các đồng chí Nguyễn Lương Bằng, Lê Quang Đạo, Phùng Thế Tài và tôi luôn theo sát tình hình ở Phủ Chủ tịch qua máy điện thoại. Đến 10 giờ, chuông điện thoại reo lên, tôi vội nhấc ống nghe, nhận tin sét đánh: “Bác đã trút hơi thở cuối cùng”. Tôi đau đớn buông máy điện thoại báo tin: “Bác mất rồi”. Đại tá Phùng Thế Tài vừa khóc vừa ra lệnh cho mọi người: “Tất cả vào vị trí”.

Tôi gạt nước mắt lao nhanh ra xe, chỉ huy Đoàn xe để tiến về Phủ Chủ tịch. Tới cổng Phủ Chủ tịch, Đoàn xe dừng lại, riêng chiếc xe cứu thương PH1468 do đồng chí Nguyễn Văn Hợp lái được lệnh đi tiếp. Đến trước cửa ngôi Nhà sàn quen thuộc của Bác, đồng chí Trần Quốc Hoàn - Bộ trưởng Bộ Công an đã ôm chầm lấy tôi vừa khóc vừa nói: “Sự việc xảy ra rồi. Các đồng chí phải bình tĩnh làm thật tốt nhiệm vụ của mình”.

Khi tiến vào Nhà 67, nhìn Bác nằm thanh thản trên giường, nước mắt tôi trào ra. Nhưng tôi kịp trấn tĩnh: “Đây là lúc mình phải tỉnh táo nhất, là cận vệ của Bác Hồ, lúc này phải bảo vệ tuyệt đối an toàn như những lần Bác đi công tác xa”.

Quanh bên giường Bác nằm có đông đủ các đồng chí trong Bộ Chính trị Trung ương Đảng - những học trò ưu tú của Bác; các giáo sư, bác sĩ, nhân viên y tế - ngày đêm chăm sóc sức khỏe cho Bác và đồng chí Vũ Kỳ - Thư ký riêng của Bác. Mắt ai cũng ngấn lệ, khóe mắt đỏ hoe. Đồng chí Phạm Văn Đồng cũng vừa khóc vừa vẫy tay nói: “Thôi, mọi người hãy dãn ra cho các đồng chí chuyên môn làm nhiệm vụ”.

Các đồng chí trong Tổ Y tế đặc biệt nhẹ nhàng nâng Bác từ chiếc giường nhỏ sang chiếc cáng cứu thương. Mọi người lặng lẽ đi bên Bác trên đoạn đường ra chiếc xe cứu thương đợi sẵn. Lúc này, tôi không còn để ý tới xung quanh, mà chỉ nói: “Tất cả dãn ra cho Bác đi”. Mọi người dãn ra hai bên, tạo thành một đội danh dự, gồm các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị đứng tiễn biệt Người trở về Công trình 75A.

Khi Bác đã yên vị trên xe, tôi quan sát nhanh rồi ra lệnh: “Lên đường”. Đoàn xe nhẹ nhàng đưa Bác qua cổng Phủ Chủ tịch, nơi Người đã từng 15 năm sống và làm việc (từ năm 1954) và tiến vào các đường phố Phan Đình Phùng, Trần Nhật Duật, Trần Quang Khải, Lê Thánh Tôn, về Viện Quân y 108. Trong cuộc đời tôi nhiều lần được bảo vệ, tiếp cận Bác Hồ trong những chuyến đi công tác, nhưng chưa bao giờ có chuyến đi nào buồn đau đến vậy. Suốt chặng đường đi, tôi phải nén lòng, cắn răng tự nhủ: “Không được khóc, không được rơi nước mắt”.

Ngồi trên xe chỉ huy, tôi quan sát thấy phố phường Hà Nội vẫn bình yên, cuộc sống vẫn tươi đẹp, sôi động trong bầu không khí Ngày Quốc khánh. Mọi người đâu biết rằng một mất mát lớn lao, một nỗi đau khôn cùng đã xảy ra với toàn dân tộc.

Ở những ngã 3 đường, thoáng thấy các chiến sĩ cảnh vệ đang làm nhiệm vụ. Họ đứng nghiêm khi Đoàn xe đi qua. Nhìn ánh mắt những người lính, tôi hiểu rằng họ đang gửi lời chào vĩnh biệt Bác Hồ kính yêu. Là những người đã biết cuộc chia ly lớn nhất trong lịch sử dân tộc đã tới, nhưng họ vẫn phải yên lặng, không rời vị trí, không được để lệ rơi.

Đoàn xe tới Công trình 75A, mọi người ra đón, tôi khẩn trương xuống xe báo cáo ngắn gọn: “Thưa các anh! Bác đã tới”.

Sau khi đưa Bác vào trong buồng đặc biệt, thì tôi quay ra, nước mắt cứ tuôn trào, không sao kìm nén thêm được nữa…

Trong những ngày Lễ Quốc tang Chủ tịch Hồ Chí Minh “Đời tuôn nước mắt, trời tuôn mưa”, với trọng trách là Ủy viên thường trực Ban Chỉ đạo và Cục trưởng Cục Bảo vệ an ninh quân đội, Đại tá Trần Kinh Chi phải nén chặt nỗi đau thương vô hạn, dồn hết tâm trí, sức lực để phục vụ thật tận tình, chu đáo đồng bào, đồng chí, bạn bè quốc tế về Ba Đình lịch sử viếng Bác, dự Lễ truy điệu Bác và sau đó tổ chức đón Bác về Công trình 75A an toàn.

“Bác ra đi khi nước nhà còn chia cắt”, đề phòng đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh ra miền Bắc, cùng với Ban Chỉ đạo, Đại tá Trần Kinh Chi đã đề xuất và được Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương chọn khu căn cứ K9 (Ba Vì, Sơn Tây lúc bấy giờ) làm nơi giữ gìn thi hài Bác trong những năm chiến tranh ác liệt.

Trong những năm 1969 – 1975, Đại tá Trần Kinh Chi (sau được phong quân hàm Thiếu tướng) đã giúp Ban Chỉ đạo tổ chức di chuyển thi hài Bác 6 lần, vượt đường xa, kể cả vượt sông, vượt suối, đến những nơi bí mật, hiểm trở đều bảo đảm bí mật, an toàn tuyệt đối.

Ngày 29 tháng 8 năm 1975, sau buổi Lễ trọng thể khánh thành Công trình Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, thay mặt Ban Chỉ đạo, cùng với Thiếu tướng Phùng Thế Tài, Thiếu tướng Trần Kinh Chi đã trực tiếp đón, hướng dẫn, phục vụ các đoàn đại biểu đầu tiên vào viếng Bác với cảm xúc hồi tưởng: “Nhìn các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước ta bước từng bước trang nghiêm, kính cẩn tới phòng thi hài Bác. Tôi chợt nhớ tới đêm 23 tháng 12 năm 1969, đêm di chuyển thi hài Bác đi xa đầu tiên, tại Công trình 75A, chính các đồng chí đã đứng trước thi hài Bác cúi chào tiễn biệt khi Người phải rời Thủ đô để lên K9”.

Sau buổi Lễ khánh thành Công trình Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và tổ chức những buổi lễ viếng Bác đầu tiên, Ban Chỉ đạo đã đề xuất Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng thành lập Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng và đề nghị Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ thành lập Ban Phụ trách quản lý Lăng trực thuộc Chính phủ.

Được giao nhiệm vụ Trưởng ban Ban Phụ trách quản lý Lăng (nay là Ban Quản lý Lăng) và Tư lệnh, kiêm Chính ủy Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Thiếu tướng Trần Kinh Chi tâm sự: “Đây là một tín nhiệm đặc biệt của Đảng, Nhà nước đối với Quân đội ta và cá nhân tôi. Nhưng tôi cũng biết, đây là một thử thách mới đối với mình. Bởi vì đây là một Ban công tác đặc biệt của Chính phủ, phải phối hợp điều hành với nhiều bộ phận trong và ngoài quân đội”.

thieu-tuong-tran-kinh-chi-b
Thiếu tướng Trần Kinh Chi phục vụ Đoàn lãnh đạo Đảng, Nhà nước vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh năm 1975

 Để đáp ứng niềm tin của Đảng, Nhà nước và Quân đội, Thiếu tướng Trần Kinh Chi đã dày công nghiên cứu mô hình tổ chức, cách thức hoạt động của Lăng Lê-nin để vận dụng phù hợp, sáng tạo các hoạt động tại Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Thực tiễn trong những năm 1975 – 1980, Thiếu tướng Trần Kinh Chi đã cùng với tập thể Đảng ủy Đoàn 969, Thủ trưởng Bộ Tư lệnh và lãnh đạo Ban Quản lý Lăng lãnh đạo, chỉ đạo các lực lượng thực hiện tốt nhiệm vụ giữ gìn lâu dài thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh, quản lý, sử dụng hiệu quả hệ thống thiết bị kỹ thuật, tổ chức gác danh dự, bảo đảm an ninh và đón tiếp khách về Lăng viếng Bác tận tình, chu đáo.

Năm 1980, do yêu cầu nhiệm vụ, Thiếu tướng Trần Kinh Chi chuyển ngành sang đảm nhiệm chức vụ Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho đến khi nghỉ hưu (năm 1992).

Nay đã 88 tuổi đời, gần 35 năm không trực tiếp thực hiện nhiệm vụ “Giữ yên giấc ngủ của Người”, nhưng ký ức những tháng năm tham gia giữ gìn lâu dài và bảo vệ thi hài Bác Hồ vẫn vẹn nguyên trong người Trưởng ban Ban Quản lý Lăng đầu tiên./.

Nguyễn Hữu Mạnh

Bài viết khác:

Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội báo công dâng Bác

Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội báo công dâng Bác

Đoàn Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân Thủ đô Viêng Chăn vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh

Đoàn Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân Thủ đô Viêng Chăn vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh

Đoàn 275 tổ chức “Ngày hội sĩ quan năm 2024” 

Đoàn 275 tổ chức “Ngày hội sĩ quan năm 2024” 

Hội nghị trực tuyến rút kinh nghiệm nhiệm vụ huấn luyện; xây dựng chính quy, quản lý kỷ luật; công tác bảo đảm vật chất, trường bắn, thao trường huấn luyện Quý I năm 2024

Hội nghị trực tuyến rút kinh nghiệm nhiệm vụ huấn luyện; xây dựng chính quy, quản lý kỷ luật; công tác bảo đảm vật chất, trường bắn, thao trường huấn luyện Quý I năm 2024

Đoàn cán bộ Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh dâng hương tưởng nhớ các Vua Hùng

Đoàn cán bộ Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh dâng hương tưởng nhớ các Vua Hùng

Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động, Bộ Công an báo công dâng Bác

Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động, Bộ Công an báo công dâng Bác