Thứ sáu, 19/04/2024

Tháng 8-1945, họ là những thanh niên tuổi mười tám đôi mươi, quăng mình vào bão táp cách mạng với hùng tâm tráng chí đánh đuổi ngoại xâm, cởi ách nô lệ, giành độc lập, tự do cho đất nước. Họ là những đoàn viên Đoàn Thanh niên tuyên truyền xung phong (TNTTXP) thành Hoàng Diệu, một tổ chức quần chúng cách mạng bán vũ trang do Đảng thành lập và lãnh đạo...

Tháng 8-2014, tôi may mắn được gặp 2 cán bộ lão thành cách mạng đang sống tại Hà Nội là cụ Nguyễn Thị Thái Tiên (bí danh Lê Minh Thái) và cụ Nguyễn Phúc Trí (Hoàng Đạt), đồng thời được nói chuyện qua điện thoại với cụ Đinh Quang Hàm (Ngô Hàm) đang sống tại quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh. Cả 3 cụ đều hoạt động trong Đoàn TNTTXP thành Hoàng Diệu, nay đã 89 tuổi nhưng rất minh mẫn. Tôi cũng được đọc bản thảo mấy tập hồi ký của những người đoàn viên Đoàn TNTTXP thành Hoàng Diệu, viết theo nghị quyết cuộc gặp mặt truyền thống năm 1999, khi nhiều cụ đã vắng dần.

7  anh  nhung ngay thang 8 soi noi
Cụ Nguyễn Thị Thái Tiên (bí danh Lê Minh Thái) vợ đồng chí Thái Hy, Liên đội trưởng Liên đội 2 ôn lại một thời đoàn TNTTXP thành Hoàng Diệu.

Theo hồi ký của đồng chí Thái Hy, Trưởng ban Liên lạc Đoàn TNTTXP thành Hoàng Diệu, sau lớp huấn luyện chính trị Hoàng Văn Thụ (tháng 11-1944), Chi bộ Đảng Cộng sản Đông Dương học sinh thành phố Hà Nội được thành lập. Đồng chí Vũ Oanh (nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, năm 1945 là Chủ nhiệm Mặt trận Việt Minh, Bí thư Đoàn Thanh niên cứu quốc Hà Nội) đã chọn một số đoàn viên trẻ, hăng hái nhất, thành lập Đội (sau chuyển thành Đoàn) TNTTXP, làm lực lượng xung kích trong phong trào thanh niên, học sinh, vừa làm nhiệm vụ tuyên truyền cách mạng, vừa đấu tranh vũ trang chống Nhật và tay sai, sẵn sàng đón thời cơ khởi nghĩa. Đoàn TNTTXP thành Hoàng Diệu có 57 đội viên và 4 nữ cộng tác viên, chia làm 3 liên đội. Ông Hà Minh Tuân được giao nhiệm vụ làm Đoàn trưởng, ông Hà Hoàng Kim chỉ huy Liên đội 1; ông Thái Hy chỉ huy Liên đội 2; ông Ngô Hàm chỉ huy Liên đội 3. Nhiều đội viên Đội Thanh niên cứu quốc và Đoàn TNTTXP thành Hoàng Diệu xuất thân từ gia đình khá giả, là học sinh trường Bưởi, trường Louis Pasteur…

Sau ngày Nhật đảo chính Pháp 9-3-1945, thực hiện Chỉ thị "Nhật Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta" của Đảng, Đoàn TNTTXP thành Hoàng Diệu đã tổ chức nhiều hoạt động gây tiếng vang lớn trong nhân dân, khiến kẻ địch kinh hoàng như diễn thuyết ở chợ Mễ Trì, phá kho thóc của Nhật ở Mọc Quan Nhân, diễn thuyết, treo cờ đỏ sao vàng trên tàu điện các tuyến Vọng - Bờ Hồ, Hà Đông - Hà Nội, Cầu Giấy - Bờ Hồ, diễn thuyết tại các rạp hát Tố Như (nay là rạp Chuông Vàng), Quảng Lạc, rạp chiếu phim Majestic (nay là rạp Tháng Tám), tham gia diệt ác trừ gian cùng Đội A.S (Đội Danh dự Việt Minh)…

Đặc biệt, ngày 17-8-1945, ba đoàn viên Thái Hy, Lê Phan và Trang Anh (Từ Trang) thuộc Liên đội 2 đã cướp diễn đàn, phá cuộc mit tinh do Tổng hội Viên chức thành phố tổ chức tại Quảng trường Nhà hát Lớn để ủng hộ Chính phủ thân Nhật Trần Trọng Kim, kêu gọi đồng bào ủng hộ Việt Minh, giành chính quyền. Sau đó, cuộc mít tinh do địch tổ chức biến thành cuộc tuần hành của quần chúng cách mạng trên nhiều nẻo đường Thủ đô, tạo tiền đề cho Thành ủy và Ủy ban Quân sự cách mạng hạ quyết tâm Tổng khởi nghĩa giành chính quyền. Sáng ngày 19-8-1945, tại cuộc mít tinh do Việt Minh tổ chức tại Quảng trường Nhà hát Lớn, Đoàn TNTTXP thành Hoàng Diệu cùng nhiều quần chúng cách mạng được trang bị súng trường Mousqueton, Indochinois… đội ngũ chỉnh tề nghe Lời hiệu triệu của Ủy ban Khởi nghĩa kêu gọi đồng bào ủng hộ Việt Minh đứng lên cướp chính quyền từ tay Nhật. Sau đó, quần chúng tỏa đi chiếm Phủ Khâm sai, Tòa Đốc lý, Sở Mật thám, Sở Tài chính và Trại Bảo an binh…

Trại Bảo an binh trên phố Hàng Bài là nơi hàng nghìn lính Bảo an đồn trú. Đoàn TNTTXP được giao nhiệm vụ làm lực lượng chủ công chiếm trại. Sau cuộc mít tinh ở Nhà hát Lớn, đội ngũ TNTTXP đi giữa dòng người, theo phố Tràng Tiền rẽ xuống Hàng Bài đến cổng trại. Sau vài lần gọi mở cổng không được, đoàn viên Thạch Kim dùng kiếm Nhật chém tung dây xích khóa cổng, các đồng chí Thái Hy, Ngô Hàm dẫn đầu, cùng mọi người ùa vào trong trại, chia nhau chiếm giữ vọng gác và dãy nhà một tầng bên phải. Lúc này đồng chí Nguyễn Quyết, Bí thư Thành ủy cùng Đoàn trưởng Hà Minh Tuân từ rạp Majestic đã vào trại, chỉ huy cuộc đánh chiếm. Trước khí thế sục sôi của cách mạng, toàn bộ quan, lính Bảo an đều không dám chống đối, giao nộp toàn bộ vũ khí gồm các loại súng Mousqueton, Chiêu Hòa, Indochinois, tiểu liên Sten và một thùng 40 khẩu Colt ổ quay mới tinh nhưng không có viên đạn nào vừa cỡ.

Được tin, Bộ Chỉ huy quân đội Nhật cho xe tăng và hàng trăm lính đến bao vây, yêu cầu ta nộp vũ khí, giải tán, giao trại cho Nhật. Hai chiếc xe tăng một đỗ trước cổng trại phía đường Gambetta (đường Trần Hưng Đạo hiện nay), một trấn giữa ngã tư Trần Hưng Đạo - Hàng Bài, đại bác, trọng liên chĩa nòng vào trại. Trên phố Hàng Bài, lính Nhật nằm phục trên vỉa hè, sau gốc cây, sẵn sàng nổ súng.

Trước tình hình đó, đồng chí Nguyễn Quyết bàn với chỉ huy Đoàn TNTTXP đưa hết những người không phải đội viên TNTTXP ra ngoài trại, phân công đoàn viên chiếm lĩnh vị trí, sẵn sàng chiến đấu, đồng thời cử đồng chí Thái Hy ra ngoài đón một số nữ đoàn viên Phụ nữ Cứu quốc vào trại để tăng cường lực lượng, làm công tác tuyên truyền, giải thích 10 chính sách Việt Minh. Vượt qua vòng vây quân Nhật, ông Thái Hy tìm đến cơ sở ở phố Hàng Cân, đưa được một số chị mang theo cờ đỏ sao vàng tiến về Trại Bảo an binh. Theo lối Bờ Hồ - Hàng Bài, lối Vọng Đức vào đều bị lính Nhật ngăn cản, vung gươm dọa chém, đoàn người phải vòng xuống Trần Hưng Đạo, men theo vỉa hè phố Hàng Bài lên rạp Majestic rồi bước qua cả lính Nhật đang nằm rạp trên hè, tràn xuống đường, giương cao cờ tiến vào trại. Đồng chí Nguyễn Quyết cũng cử người về báo cáo tình hình với Chủ tịch Ủy ban Quân sự cách mạng Nguyễn Khang, đồng thời bố trí lực lượng bên trong trại sẵn sàng chiến đấu. Bên ngoài, quần chúng vẫn giữ nguyên hàng ngũ, không lùi một bước. Căn cứ vào chủ trương của Ủy ban Quân sự cách mạng đối với quân Nhật, ta đã mềm dẻo thuyết phục quân Nhật, nói cho chúng rõ Nhật Hoàng đã đầu hàng Đồng minh, nếu chúng không can thiệp vào cuộc khởi nghĩa của ta thì ta cũng để cho chúng yên ổn chờ ngày về nước. Ngược lại, nếu chúng bắn vào quần chúng cách mạng thì ta sẵn sàng dùng vũ lực chống lại. Cùng lúc đó, Ủy ban Quân sự cách mạng phái cố vấn Trần Đình Long dẫn đầu một đoàn đại biểu đến Bộ Tổng Tham mưu quân đội Nhật, yêu cầu chúng phải rút quân. Cuộc đấu tranh kéo dài đến khoảng 5h chiều mới kết thúc. Xe tăng và quân Nhật phải rút lui. Cho đến chiều, việc chiếm lĩnh các cơ quan trọng yếu của chính quyền bù nhìn cơ bản đã hoàn thành. Cách mạng đã hoàn toàn làm chủ Thủ đô Hà Nội. Đoàn TNTTXP thành Hoàng Diệu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chiếm Trại Bảo an binh, một trong những mục tiêu quan trọng hàng đầu. Ngay trong ngày 19-8-1945, Đoàn TNTTXP trở thành đơn vị chính quy của chính quyền cách mạng ở Thủ đô Hà Nội, một trong những đơn vị tiền thân của Quân khu Thủ đô sau này. Nhiều đoàn viên Đoàn TNTTXP trở thành cán bộ cấp cao của Đảng, Nhà nước và quân đội.

Cuộc khởi nghĩa cướp chính quyền ở Hà Nội thành công, không đổ máu là bài học tự lực kết hợp với sức mạnh thời đại. Trong bài "Cuộc đổi đời của dân tộc ta", Tổng Bí thư Trường Chinh đã nhận định: Thắng lợi của Hà Nội mở đường cho thắng lợi của cả nước, cả nước theo gương Hà Nội giành thắng lợi.

69 năm đã trôi qua, nhưng nhiệt huyết của những người chiến sĩ TNTTXP thành Hoàng Diệu, tinh thần cuộc Cách mạng Tháng Tám long trời lở đất vẫn còn chảy mãi trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Thủ đô

Theo Báo Hà Nội mới

Huyền Trang (st)

Bài viết khác: