Thứ sáu, 29/03/2024

cuoc phong van

Chủ tịch Hồ Chí Minh trong buổi tiếp các chuyên gia Liên Xô đang làm việc tại Việt Nam
năm 1960

Từ năm 1966 đến 1979, Mi-kha-in I-lin-xki là phóng viên báo "Tin tức" của Liên Xô ở ba nước Ðông Dương. Ông đã viết gần 30 cuốn sách, trong đó có hai cuốn về Việt Nam là "Hội chứng Việt Nam" và "Một người Nga thầm lặng".

 Trong thời gian làm việc ở Việt Nam, ông được nhiều lần gặp Bác Hồ và viết về Bác. Trong ông luôn giữ mãi những ấn tượng sâu sắc, tốt đẹp, tình cảm kính yêu và lòng khâm phục đặc biệt Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ông thường nói chuyện với những người trong giới báo chí rằng, Hồ Chí Minh là người đầu tiên thiết lập mối quan hệ hữu nghị Việt - Xô và không mệt mỏi suốt đời vun đắp cho mối tình hữu nghị quốc tế trong sáng và bền vững này.

Nhân kỷ niệm 50 năm Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại (7-11-1967), ông đã có cuộc phỏng vấn Bác Hồ. Ðây cũng là lần cuối cùng Mi-kha-in I-lin-xki được phỏng vấn Bác.

Tôi viết ký sự này khi hầu như mắt đã bị lòa. Tôi phải tập trung ý chí và sức lực. Hình ảnh sáng ngời của Chủ tịch Hồ Chí Minh đang động viên khích lệ tôi. Tôi coi Người là một nhân vật vĩ đại trong lịch sử thế giới.

Viết các chân dung lịch sử hay các câu chuyện riêng về các nhà hoạt động quốc gia và phong trào giải phóng dân tộc vĩ đại - như Chủ tịch Hồ Chí Minh - đòi hỏi trách nhiệm lớn, sự cần mẫn tìm tòi và kiến thức về con người đặc biệt. Giờ đây tôi lại muốn viết về những cảm tưởng và quan sát của riêng mình vào thời kỳ những năm 1967 - 1969, là những năm cuối đời của Người. Thế phải bắt đầu từ đâu đây? Tôi lật giở lại các cuốn sổ đã ghi chép và nhận thấy rằng hầu như tất cả các tư liệu đã được dùng. Nhưng bất chợt một tia sáng lóe lên...

Năm 1961, các bạn sinh viên cùng lớp chúng tôi ở Học viện Quan hệ quốc tế Mát-xcơ-va đã được đến thực tập ở Việt Nam. Chúng tôi được làm việc ở đây với danh nghĩa các nhà ngoại giao mới vào nghề, các nhân viên trực ban. Trong số này có Ghê-óc-ghi Pê-se-ri-cốp trực nhật vào đêm năm mới 1962. Vào khoảng sau giao thừa của đêm năm mới đó vang lên tiếng chuông điện thoại. Vào thời điểm đó thường có nhiều người thích đùa, cho nên Pê-se-ri-cốp cũng nghĩ rằng đây lại một lần đùa nữa. Một giọng nói vui vẻ giới thiệu bằng tiếng Nga rằng đây là Hồ Chí Minh và nói rằng muốn gặp ngay Ðại sứ Liên Xô Tốp-ma-xi-an. Ghê-óc-ghi liền cười và nói rằng Tốp-ma-xi-an đã ngủ. Lời người từ đầu dây đằng kia biểu thị sự ngạc nhiên và cho thấy rằng vào thời điểm này các vị đại sứ chưa ngủ mà còn làm việc, nhất là vào đêm đầu tiên của năm mới. Sau đó lại vang lên tiếng chuông. Rồi mấy phút sau chuông lại vang lần nữa và cũng giọng nói đó hỏi Tốp-ma-xi-an và nói rằng tự mình sẽ tới ngay bây giờ.

Pê-se-ri-cốp cười, nói: "Ðấy, lại đùa nữa rồi, chẳng được yên ổn cả ban đêm". Nửa tiếng sau chiếc xe "Volga" mang cờ hiệu Chủ tịch nước xuất hiện trước cánh cổng tòa Ðại sứ quán. Ðó là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nhà ngoại giao tập sự sợ hãi ra mở cổng, đón xe vào, lịch sự chào vị Chủ tịch và nói: "Còn tôi thì tưởng lầm là có người đùa... Tôi chạy đi báo cáo với Ðại sứ đây ạ!".

"Chúng ta cùng đi nhé" - Hồ Chí Minh đề nghị, rồi Người đi dọc theo tấm thảm lên tầng hai vào tòa nhà Ðại sứ quán.

Ðại sứ Tốp-ma-xi-an ngạc nhiên bởi sự tới thăm của vị Chủ tịch nhưng không để lộ ra ngoài. Còn Hồ Chí Minh thì vẫn vui vẻ với nhà ngoại giao trẻ.

Họ cùng nhau ăn mừng năm mới cho tới gần bốn giờ sáng. Tốp-ma-xi-an thật sự vui vẻ và hạnh phúc, còn Hồ Chí Minh thì thích thú vì Tốp-ma-xi-an và nhà ngoại giao trẻ. Sự chia tay trong không khí ấm cúng và chân tình. Bắt tay Pê-se-ri-cốp, Hồ Chí Minh nói với anh ta: "Mọi sự thật tuyệt, chỉ cần phải rõ ràng rành mạch hơn, điều đó sẽ giúp ích cho cuộc sống". Ghê-óc-ghi đã nhận được một bài học và suốt đời chỉ kể lại câu chuyện này cho bạn bè gần gũi. Bây giờ thì đã bao năm trôi qua nhưng tôi vẫn còn nhớ mãi.

Công vụ của báo chí luôn liên quan gần gũi với sự hoạt động của các quan chức Chính phủ và Quốc hội. Tôi được nhiều dịp gặp gỡ với nhiều nhà hoạt động của Nhà nước Việt Nam. Nhưng do chiến tranh mà Hồ Chí Minh đã không trả lời phỏng vấn. Trong suốt lịch sử của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa từ 1954 đến 1965, Chủ tịch trả lời phỏng vấn của nữ nhà báo Pháp Ma-đơ-len Ri-phô, nhà văn và chính luận Úc W.Bớc-sết, nhà soạn kịch bản phim tài liệu Rô-man Các-men của chúng ta và vào năm 1954, các phóng viên các báo "Tin tức" là Vla-đi-mia Ô-xi-pốp, báo "Sao đỏ" là Xéc-gây Dư-cốp, báo "Sự thật" là Bô-rít Xtre-ni-cốp. Còn tôi thì thường xuyên bị lỡ dịp.

Và đây, ngày 7-11-1967. Vì ngày đó trời u ám cho nên không quân Mỹ không tới ném bom. Còn Thủ đô Hà Nội thì chuẩn bị làm lễ trọng thể kỷ niệm 50 năm Cách mạng Tháng Mười vĩ đại. Nơi tổ chức buổi lễ được giữ bí mật cho đến tận phút cuối cùng để tránh sự không kích của máy bay địch. Không biết tổ chức ở đâu, không ai có thể đoán được để giữ bí mật. Tuy nhiên, tới giờ đã định thì hội trường Quốc hội đã đầy người. Trên lễ đài Ðoàn Chủ tịch, Hồ Chí Minh và các vị lãnh đạo Ðảng và Nhà nước Việt Nam xuất hiện. Tôi trang bị đầy đủ máy ảnh được thu xếp cho ngồi hàng đầu của hội trường và chụp ảnh hết pô này đến pô khác. Cùng với việc đó, tôi đặt kế hoạch cho mình: Đợi tới khi kết thúc cuộc mít-tinh làm thân với đội bảo vệ nhằm tìm vị trí thuận lợi nhất ở lối ra để được là người đầu tiên phỏng vấn Chủ tịch Hồ Chí Minh vài ba câu.

Và, tôi đã thực hiện được ý đồ đó. Ðược đội bảo vệ cho phép, tôi đã sẵn sàng một mình đối diện với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hồ Chí Minh chủ động tạo cho tôi tâm lý vững vàng: "Chàng thanh niên kiên tâm này, tôi cảm thấy như anh đã sẵn sàng đặt cho tôi những câu hỏi gì đó rất quan trọng. Hãy mạnh dạn đi !". Tôi liền đưa ra câu hỏi "cực kỳ quan trọng": "Chủ tịch đánh giá thế nào về Cách mạng Tháng Mười?". Chủ tịch đã trả lời: "Thế tự anh không đoán ra được sao? Tất cả đời tôi hiến dâng cho Cách mạng và cho Việt Nam. Khi uống nước thì anh phải nhớ nguồn. Nguồn đó là Tháng Mười năm 1917. Và còn nữa, điều chính yếu nhất là không có gì quý hơn độc lập và tự do".

Trong ký ức tôi luôn luôn lưu giữ 50 năm Cách mạng Tháng Mười được làm lễ kỷ niệm cùng Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Hà Nội và nụ cười hiền hậu âu yếm của Người./.

PHONG TRAI (Dịch từ nguyên bản tiếng Nga)

Theo Báo Nhân Dân

Huyền Trang (st)

Bài viết khác: