Thứ năm, 18/04/2024

but-tich-bai-tho
Bài thơ và chữ ký của Người được in trên trang nhất của Báo Sự thật, số Xuân 1949.

Năm Kỷ Sửu 1949, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp chuyển sang một giai đoạn mới: Tích cực cầm cự và chuẩn bị tổng phản công, đồng thời là năm thứ hai cả nước cùng hưởng ứng Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, để động viên và huy động sức mạnh vật chất, tinh thần của toàn thể nhân dân Việt Nam vào công cuộc kháng chiến và kiến quốc. Nhân dịp đón Xuân Kỷ Sửu, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết bài thơ Chúc Tết, chúc đồng bào và chiến sĩ cả nước.

Kháng chiến lại thêm một năm mới,

Thi đua yêu nước thêm tiến tới.

Động viên lực lượng và tinh thần,

Kháng chiến càng thêm mau thắng lợi.

Người người thi đua,

Ngành ngành thi đua,

Ngày ngày thi đua,

Ta nhất định thắng,

Địch nhất định thua.

Bài thơ và chữ ký của Người được in trên trang nhất của Báo Sự thật, số xuân 1949. Nội dung bài thơ này đã khá quen thuộc với chúng ta. Những câu thơ chúc Tết của Người đã trở thành khẩu hiệu của mọi thời đại và là Lời kêu gọi thiết thực đối với đất nước, với mỗi người Việt Nam. Ngày nay chúng ta không chỉ cần "chiến thắng giặc dốt, giặc đói", mà còn cần phải thi đua để chiến thắng nhiều căn bệnh mới của xã hội hiện đại: Bệnh thành tích, bệnh tham nhũng, bệnh chạy chức, chạy quyền v.v… bệnh “cá nhân chủ nghĩa” trong mỗi con người và bệnh ngoài xã hội. Bởi theo lời Người, chỉ có thi đua mới giúp chúng ta phát huy được sức mạnh nội lực của quần chúng để xây dựng nên những tập thể, những cá nhân điển hình trong các phong trào lao động và chiến đấu, lập nên nhiều kỳ tích trong công cuộc kháng chiến chống thực dân và đế quốc. Với những thành tích đã đạt được cuối năm 1948, phong trào thi đua yêu nước do Chủ tịch Hồ Chí Minh khởi xướng và phát động đã được triển khai sâu rộng trên các mặt trận. Từ mùa Xuân năm 1949 đến mùa Xuân này, là đã 66 năm, song những câu thơ chúc Tết ngày nào của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn còn nguyên tính thời sự, vẫn đang thôi thúc mỗi chúng ta cần phải thi đua vượt lên chính bản thân mình, để góp phần xây dựng đất nước ta "to đẹp hơn, đàng hoàng hơn" như mong ước của Người.

Chúng tôi đã có dịp được gặp hoạ sĩ Kích (bút danh của hoạ sĩ Phan Kế An), họa sĩ đầu tiên của Báo Sự thật và biết thêm được nhiều điều từ việc chuẩn bị đăng bài thơ chúc Tết năm 1949 của Chủ tịch Hồ Chí Minh lên Báo Sự thật. Theo lời hoạ sĩ, ngay từ cuối năm 1948, bước vào đầu năm 1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi bài thơ chúc Tết đến Ban Biên tập tờ báo để chuẩn bị cho số báo đặc biệt mừng Xuân mới. Khi nhận được bài thơ, nhìn nét chữ của Chủ tịch Hồ Chí Minh, hoạ sĩ Phan Kế An cùng với các đồng chí Thép Mới, Quang Đạm, Xuân Trường đã hội kiến về ý tưởng đưa bút tích của Người lên trang báo. Sau khi thống nhất với đồng chí Trường Chinh, đồng chí Xuân Trường đã lên báo cáo Bác và được Bác đồng ý. Để chữ Bác viết được đúng như kích thước của trang báo, hoạ sĩ Kích đã "yêu cầu" Người viết đi, viết lại mấy lần. Tuy nhiên, lúc Người viết chữ to quá, lúc lại nhỏ quá và lần cuối Người đã đề nghị hoạ sĩ kẻ dòng để viết lại. Đó chính là bài thơ Chúc Tết in trang trọng trên trang nhất của Báo Sự thật, số 106-107, số báo đặc biệt mừng Xuân Kỷ Sửu (đồng chí Phạm Cao Tăng khắc gỗ để in, hoạ sĩ Kích vẽ minh hoạ).

Trong điều kiện rất khó khăn thiếu thốn của cuộc kháng chiến, số báo đặc biệt mừng Xuân Kỷ Sửu năm 1949 được trình bày công phu, đẹp và rất có ý nghĩa trong thời điểm toàn Đảng, toàn dân và toàn quân đang bước vào giai đoạn quyết định trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp - giai đoạn chuẩn bị tổng phản công, đồng thời càng cho thấy sự quan tâm của Người đến công tác báo chí và nhiệm vụ tuyên truyền trên báo. Bút tích của Người đăng trên Báo Sự thật cho thấy, Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ quan tâm đến nội dung, mà Người còn rất quan tâm đến hình thức của báo và ủng hộ các văn nghệ sĩ - "các chiến sĩ trên mặt trận văn hoá nghệ thuật" để họ phát huy được khả năng sáng tạo cũng như hoàn thành tốt các nhiệm vụ của mình.

Báo Sự thật, số 106-107, là số báo đặc biệt mừng Xuân Kỷ Sửu, ra ngày 1 Tết, 29/1/1949, có 32 trang bằng giấy dó loại tốt và 1 phụ bản, kích thước 32cm x 24cm, trang nhất in 3 màu: Tiêu đề báo màu đỏ, hình vẽ minh hoạ màu xanh, chữ in màu đen. Chủ nhiệm là Nguyễn Lương Hoàng, trình bày và minh hoạ của hoạ sĩ Phan Kế An. Nội dung báo rất phong phú với nhiều bài viết phản ánh nhiều mặt của cuộc kháng chiến, bao gồm các bài xã luận, các phóng sự từ mặt trận và hậu phương của nhiều cây bút như Ngô Hà, Nguyễn Công Hoan, Thoại Sơn, Xuân Trường, Quang Đạm, Bùi Công Trừng… và một số trang là tin văn nghệ, tranh đả kích vui và hóm hỉnh.

Mở đầu trang 2, là lời chúc Tết của Báo Sự thật: "Sự thật năm mới kính chúc Hồ Chủ tịch khỏe mạnh và sống lâu", "Sự thật kính chúc Chính phủ và Quốc hội năm mới lãnh đạo kháng chiến thành công", "Sự thật kính chúc Đồng bào năm mới thi đua thắng lợi". Đây là số báo Tết có số trang nhiều nhất so với các số báo Sự thật đã phát hành trong suốt thời gian tồn tại, từ số đầu tiên ra ngày 5/12/1945 đến số cuối ra ngày 21/12/1950.

Sau nhiều năm lưu giữ, ngày 4/2/1977, Nhà máy in Tiến bộ Hà Nội đã tặng Bảo tàng Hồ Chí Minh một số tờ báo, trong đó có số báo đặc biệt này, cùng với thiếp Chúc Tết năm 1949. Tờ báo còn nguyên với đầy đủ các trang báo và phụ bản. Đây là một tài liệu bút tích quý hiếm, một trong số rất ít tờ báo của báo Sự thật còn lưu lại, hiện đang được bảo quản trong kho cở sở của Bảo tàng Hồ Chí Minh./.

Lê Thị Hồng Hà
Bảo tàng Hồ Chí Minh
Theo tuyengiao.vn
Minh Thu (st)

Bài viết khác: