Thứ sáu, 29/03/2024

Tại buổi gặp gỡ, trò chuyện thân mật giữa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với các nhân sĩ, tri thức và bạn bè Trung Quốc yêu Việt Nam diễn ra ở Bắc Kinh (Trung Quốc) mới đây, chúng tôi may mắn được gặp bà Vương Phong, nguyên phóng viên Tân Hoa xã. Bà Vương Phong chính là “cháu bé Trung Quốc” được chụp ảnh cùng Bác Hồ tại Hà Nội, lúc bà mới lên 5 tuổi. Bức ảnh được chụp vào ngày 20-5-1957 và trở thành tác phẩm báo chí nổi tiếng lúc bấy giờ trong truyền thông Việt Nam.

Vẹn nguyên kỷ niệm được gặp Bác Hồ

Bà Vương Phong thu hút chúng tôi bởi tính tình vui vẻ, cởi mở. Bà có đôi mắt biết cười và phong cách tiếp xúc khá giản dị, hài hước. Nói chuyện với bà hơn một tiếng đồng hồ, thế nhưng đến khi được một cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc giới thiệu về bà, chúng tôi mới biết bà chính là “cô bé Trung Quốc” trong bức ảnh nổi tiếng, chụp cùng Bác Hồ cách đây 58 năm.

ba-vuong-phong-2
Bà Vương Phong và bức ảnh quý chụp với Bác Hồ khi xưa

Khi được hỏi về sự kiện năm ấy, đôi mắt sáng trong của bà bỗng hoe đỏ rồi ưa ứa nước mắt. Bà bảo, năm tháng đã lùi xa, nhưng trong tâm trí bà vẫn vẹn nguyên hình ảnh giây phút vô cùng quý báu của cuộc đời. Đó là lúc bà vinh dự được gặp Bác Hồ tại sân bay Gia Lâm vào ngày 20-5-1957.

Theo lời kể của bà Vương Phong, vào năm 1956, khi hơn 5 tuổi, Vương Phong được theo bố là nhà báo Vương Duy Chân sang công tác tại Phân xã Tân Hoa Xã ở Thủ đô Hà Nội. “Bố tôi là phóng viên thường đi tìm hiểu, viết về các anh hùng, dũng sĩ và các điển hình yêu nước của Việt Nam. Bố thường kể cho tôi nghe về rất nhiều những con người Việt Nam vĩ đại. Khi ấy, tôi tò mò hỏi bố: Ai là người anh hùng vĩ đại nhất Việt Nam?. Bố tôi trả lời: Đó là Bác Hồ kính yêu của chúng ta!”. – Bà Phong nhớ lại.

Vương Phong thích nhất là những câu chuyện bố kể về tình yêu thương mà Bác Hồ dành cho các cháu nhi đồng. Trước những câu chuyện về tấm lòng nhân ái, bao la rộng lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, khiến Vương Phong vô cùng cảm động. Càng ngày, cô bé thêm yêu quý, kính trọng Bác Hồ. Cũng bởi thế, cô bé luôn đòi bố phải cho mình được đến gặp Bác Hồ.

ba-vuong-phong-1
Bà Vương Phong giới thiệu Tập tuyển ca khúc về Việt Nam được bà luôn mang theo bên mình. (Ảnh: Tấn Tuân)

Và rồi cơ hội cũng đến với Vương Phong. Đó là ngày một vị Nguyên soái của Liên Xô (cũ) sang thăm Việt Nam. Hôm ấy, tất cả Đại sứ và phóng viên báo chí các nước ở Hà Nội đều ra sân bay Gia Lâm tham dự lễ đón. Bố Vương Phong dự đoán có thể Bác Hồ cũng ra sân bay đón khách nên cho Vương Phong đi cùng. Cô bé sung sướng chạy ra vườn hoa trước nhà, hái một bông hồng vẫn còn đọng những giọt sương long lanh, rồi theo bố lên xe ô tô ra sân bay.

Kể đến đó, giọng bà Vương Phong bỗng ngắt quãng. Được một lúc, bà cho biết, cứ mỗi lần kể cho ai nghe chuyện, đến đoạn gần được gặp Bác Hồ, bà lại thấy mình như một đứa trẻ thơ. Tâm trạng bà đan xen nhiều cung bậc cảm xúc như chính tâm trạng của “cô bé Trung Quốc”  58 năm về trươc. Có lẽ vì thế, bà Vương Phong bỗng nắm chặt lấy tay tôi như thể kiếm tìm sự bình tĩnh:

- Tôi nhớ hôm đó trời mưa khá to. Tôi cầm hoa trong tay hòa vào dòng người trong lễ đón. Bỗng nhiên, mọi người vỗ tay hoan hô: “Bác Hồ đến rồi!”. Bấy giờ, tôi nhấp nhổm quan sát, thấy một cụ già có mái tóc và bộ râu bạc trắng bước đi trên nền sân bay còn đọng nước mưa, vẫy chào thân thiết mọi người. A! Bác Hồ đến thật rồi! Tôi nhảy cẫng lên.

Một lát sau, Bác Hồ bước đến trò chuyện với Đại sứ Trung Quốc La Quý Ba. Thấy Vương Phong đứng gần đó, Bác Hồ cầm tay cô bé và hỏi bằng tiếng Trung Quốc: “Cháu mấy tuổi rồi? Biết nói tiếng Việt Nam không?”, rồi Người dắt tay Vương Phong bước ra khỏi đám đông. Vương Phong vui quá, nói liền ba câu tiếng Việt mà cô bé thuộc lầu từ trước: “Ăn cơm chưa ?” “Ăn rồi”, “ Xin chào đồng chí”. Bác Hồ nghe xong cười rất to rồi cúi xuống hỏi: “Cháu có thích Việt Nam không?”. Vương Phong trả lời ngay: “Cháu thích Việt Nam, cháu cũng yêu Bác Hồ!”. Bác Hồ nghe xong liền ôm Vương Phong vào lòng và hôn nhẹ lên má. Lúc ấy, các phóng viên đã liên tục bấm máy.

Sau đấy một thời gian, những tấm ảnh đó đã được đăng tải trên các báo của Việt Nam. Phóng viên Tạ Sĩ Phong, công tác ở “Tân Việt Hoa báo” đã tặng bố Vương Phong hai bức ảnh mà ông chụp được để làm kỷ niệm.

Không nguôi nhớ Bác Hồ và Việt Nam

Gần 60 năm đã trôi qua, “cô bé Trung Quốc” ngày ấy vẫn giữ mãi tấm ảnh ngày nào như một báu vật của gia đình và bản thân. “Cuộc đời tôi không có tài sản nào, kỷ vật nào quý giá bằng tấm ảnh được chụp cùng với Bác Hồ. Tôi cất giữ tấm ảnh rất cẩn thận, thỉnh thoảng lại mang ra cùng gia đình ôn lại những năm tháng không thể nào quên trên đất nước Việt Nam thân yêu” - Bà Vương Phong trải lòng với chúng tôi.

Cũng chính từ ký ức tốt đẹp đó đã giúp bà Vương Phong cất giữ mãi trong lòng tình yêu với Bác Hồ và Việt Nam. Chính ký ức đã khiến bà tuy sống trong môi trường không sử dụng tiếng Việt, nhưng không bao giờ bà quên ba câu nói tiếng Việt mà “cô bé Trung Quốc” đã từng trò chuyện với Bác Hồ tại sân bay Gia Lâm ngày ấy. Hôm gặp chúng tôi, bà cũng chủ động mở lời: “Ăn cơm chưa ?” “Ăn rồi”, “ Xin chào đồng chí”, khiến chúng tôi được một phen cười nghiêng ngả. Thế nhưng, khi nghe bà chia sẻ, từ lâu bà đã có thói quen như vậy. Tức là, hễ gặp bất cứ người Việt Nam nào, bà đều bắt đầu chào hỏi bằng ba câu tiếng Việt quen thuộc. Chính ba câu tiếng Việt đó luôn khiến bà nhớ lại những kỷ niệm thời thơ ấu sống tại Hà Nội, nhớ những phút giây được ở bên Bác Hồ, những khung cảnh gắn kết tình cảm nồng nàn giữa bà với Hà Nội. Đón nhận tâm sự ấy, nhiều người trong chúng tôi không thể kìm được xúc động. Mọi người bày tỏ niềm kính trọng trước tấm lòng của “cô bé Trung Quốc” năm nào.

Cũng theo bà Vương Phong, nỗi nhớ và tình yêu Việt Nam càng trở nên da diết vì bà đã trót yêu cảnh vật, con người Việt Nam, nhất là yêu dân ca Việt Nam. Bà cho rằng, các ca khúc của Việt Nam đều rất hay, giọng điệu và lời bài hát mượt mà, đằm thắm. Sau gần 60 năm xa cách Việt Nam, bà vẫn thích nghe những bài hát ấy. Bà đã tìm kiếm, sưu tầm rất nhiều băng đĩa, tuyển tập ca khúc Việt Nam. Bà cũng đã tìm sách dạy tiếng Việt và tự học phát âm, đến nay có thế hát và biểu diễn được một số bài hát: Nhớ về Hà Nội, Nhớ mùa Thu Hà Nội, Em ơi Hà Nội phố... Khi trò chuyện với chúng tôi, bà vô tư hát tặng mọi người ca khúc "Em ơi Hà Nội phố" bằng tiếng Việt. Giọng bà trong trẻo, ẩn chứa bên trong là một tình yêu mãnh liệt, một nỗi nhớ da diết, sâu sắc về Hà Nội và đất nước, con người Việt Nam. Có lẽ xuất phát từ chính tình cảm đó mà mỗi lần Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc tổ chức các hoạt động đối ngoại, hay khi biết tin có bạn bè Việt Nam sang thăm Bắc Kinh, bà đều đến tham dự; chủ động trò chuyện, hỏi thăm về tình hình kết quả phát triển của Việt Nam - nơi mà bà Vương Phong luôn tâm niệm là quê hương thứ hai của mình!

Ước nguyện của “cháu bé Trung Quốc”

Sống trên quê hương Trung Quốc, bà Vương Phong luôn ấp ủ ước mơ cháy bỏng là được một lần trở lại với mảnh đất thân yêu - đất nước Việt Nam tươi đẹp, để được tận mắt chứng kiến sự phát triển và những thành tựu mà nhân dân Việt Nam đạt được. Bà cũng thiết tha nguyện ước được có cơ hội được vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh, đến thăm nơi yên nghỉ của người bạn chân thành mà nhân dân Trung Quốc hết đỗi yêu mến, kính trọng!

Và rồi mong ước của bà Vương Phong cuối cùng cũng trở thành hiện thực. Tháng 10-2000, Sở Du lịch TP. Hồ Chí Minh sang thăm và làm việc tại Trung Quốc. Được biết, lúc còn nhỏ bà Vương Phong vinh dự được tặng hoa và chụp ảnh cùng Bác Hồ, Lãnh đạo Sở Du lịch TP. Hồ Chí Minh đã mời bà trở lại thăm Việt Nam nhân dịp tổ chức lễ hội văn hoá du lịch quốc tế tại thành phố. Lần ấy, bà đã được tận mắt chứng kiến sự “thay da đổi thịt” của đất nước Việt Nam, đất nước của Bác Hồ kính yêu.

Lần này gặp gỡ, trò chuyện với chúng tôi bà vẫn bày tỏ ước nguyện có dịp lại được trở về thăm Việt Nam. Thế nhưng, bà bảo nguyện ước lớn nhất của bà trong lúc này là mong sao cho tình hữu nghị Việt – Trung ngày càng bền chặt, ổn định. Bà chân chất trải lòng, rằng trong thời điểm hiện nay, khi mà hai nước Việt - Trung đang tiến hành cải cách, đổi mới, mở cửa, những tình cảm đặc biệt của nhân dân hai nước lại được nhắc tới và vun đắp trở lại. “Những tình cảm sâu sắc dần dần lại được tái hiện trước mắt tôi. Điều đó mang đến cho tôi thật nhiều hạnh phúc” – Bà Vương Phong cho biết.

Thật bất ngờ, “cô bé Trung Quốc” năm nào – người phụ nữ gầy yếu hôm nay lại theo dõi kỹ lưỡng, hiểu biết sâu sắc về mối quan hệ Việt - Trung. Chỉ sau một ngày Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sang thăm chính thức Trung Quốc, thế mà những nội dung hội đàm và hợp tác Việt – Trung đều được bà nắm khá hệ thống, cơ bản, đầy đủ. Bà cho biết, từ mấy ngày qua, bà theo dõi “nhất cử, nhất động” của truyền thông trong nước và thế giới về những vấn đề liên quan tới chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lần này.

-Tôi vừa xem truyền hình. Thật sung sướng khi biết  lãnh đạo hai nước đã gặp gỡ, thảo luận nhiều biện pháp để thúc đẩy quan hệ hữu nghị trên nhiều lĩnh vực… Kết quả tốt đẹp qua hội đàm, hội kiến giữa các lãnh đạo hai nước cũng chính là tiếng lòng của tôi - là ước nguyện cuộc đời tôi. Tin tưởng chắc chắn rằng, sau chuyến thăm Trung Quốc lần này của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, mối quan hệ hai đất nước – “hai quê hương của tôi” sẽ mở ra một tương lai ngày càng tốt đẹp hơn! – Bà Vương Phong cất lời trong niềm vui, với giọng điệu trong trẻo như lời hát và ánh mắt sáng trong như ánh pha-lê tỏa sáng niềm tin!

Bài và ảnh: NGUYỄN TẤN TUÂN

Theo Báo Quân đội nhân dân

Khúc Thị Lan Hương

Bài viết khác: