Thứ sáu, 29/03/2024

 

Hình ảnh và tấm gương sáng ngời của Bác luôn được các văn nghệ sỹ khắc ghi trên suốt chặng đường cống hiến cho nghệ thuật.

Bßc H  trong m t l n ni chuy n v i cßc vpn ngh  s
Bác Hồ trong một lần nói chuyện với các văn nghệ sĩ (Ảnh tư liệu)

Mỗi khi có dịp gặp nhau, những nữ văn công của Đoàn Văn công Nhân dân Trung ương ngày ấy như bà Lê Lệ Chi, bà Nguyễn Phương Thảo lại cùng hát những bài ca về Bác Hồ. Tuổi đã trên dưới 80, chuyện thế sự lúc nhớ lúc quên, nhưng ký ức về những ngày được phục vụ văn nghệ trong Phủ Chủ tịch mãi khắc sâu trong tâm trí các bà.

Là thế hệ nghệ sĩ thứ hai của Đoàn Văn công Nhân dân Trung ương - Tổ chức nghệ thuật do Bác Hồ đặt tên, năm 1954, cô văn công trẻ Lệ Chi lần đầu được gặp Người. Lúc đó, cả Đoàn ai cũng xúc động, có người mạnh dạn đến ôm chầm lấy Bác, riêng nữ văn công Lệ Chi chỉ rụt rè nhìn Bác từ xa. Những tưởng sẽ mất cơ hội được tiếp xúc với Chủ tịch, nhưng Bác đã đến vỗ vai, hỏi thăm từng thành viên trong đoàn, kể cả Lệ Chi, khiến ai cũng vừa bất ngờ vừa vui.

Sau ngày ấy, cả Đoàn còn được gặp Bác rất nhiều lần tại Phủ Chủ tịch. Khi thì biểu diễn văn nghệ đón tiếp các đoàn khách quốc tế cấp cao, khi thì được xem phim, khi lại cùng Bác dạo quanh Phủ hay các buổi trò chuyện thân mật vào mỗi chiều thứ Bảy. Càng gần gũi, nữ văn công Lệ Chi càng học được nhiều điều hay từ tính cách giản dị, luôn sống vì người khác của Bác. Trong kho kỷ niệm tuyệt vời ấy, có lẽ lần Bác bất ngờ ghé thăm Đoàn là khoảnh khắc khiến nữ văn công Lệ Chi cảm động nhất.

Trong quá trình tham gia biểu diễn và dẫn chương trình cho Đoàn Văn công Nhân dân Trung ương, bà Nguyễn Phương Thảo cũng nhiều lần được gặp Bác. Đến giờ, bà vẫn còn nhớ như in những ký ức đẹp về vị Chủ tịch đáng kính.

Bà nói, khi ấy, mỗi lần có đoàn khách quốc tế đến thăm, Bác đều mời người nhỏ tuổi nhất và lớn tuổi nhất lên ngồi cạnh mình rồi trò chuyện thân mật. Mới đầu ai cũng rụt rè, nhưng sau một hồi tiếp xúc, mọi người đều bất ngờ vì không nghĩ rằng người đứng đầu một quốc gia lại thân thiện và quan tâm đến người khác nhiều đến thế.

Rồi có lần, khi đang dẫn chương trình văn nghệ, nghe Bác đùa, bà không dám tin đó là thật, bởi cứ nghĩ người ở vị trí cao như Bác có thể nào lại gần gũi, chan hòa như vậy. Chiều thứ Bảy, Bác hay cho gọi Đoàn Văn công vào Phủ để hỏi thăm gia cảnh từng người. Những ngày tháng ấy với bà Thảo là chuỗi năm tháng đẹp đẽ và đáng quý nhất trong cuộc đời.

Không may mắn như các nữ văn công ngày ấy, nhà điêu khắc Lâm Quang Nới chưa một lần được gặp Bác Hồ. Thế nhưng, với tình yêu lớn dành cho vị lãnh tụ của nước nhà, ông đã dành gần 50 năm trong sự nghiệp của mình để nghiên cứu và làm tượng về Bác. Đến nay, ông đã thực hiện được trên một ngàn bức tượng về Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Những ngày tháng gian khổ trong chiến khu, vẽ và làm tượng về Bác là công việc mà ông yêu thích nhất. Nó không chỉ giúp ông đỡ nhớ nghề mà còn tiếp thêm động lực để một người lính như ông chiến đấu hết mình trên mặt trận. Là tác giả của rất nhiều tượng đài được trưng bày từ Bắc đến Nam nhưng theo chia sẻ của điêu khắc gia Lâm Quang Nới thì niềm tự hào lớn nhất trong đời ông là sau 40 năm ấp ủ, giờ đây ông đã được tự tay thực hiện tượng đài Bác trưng bày tại Thành phố Hồ Chí Minh nhân kỷ niệm 125 năm Ngày sinh của Người.

Năm tháng cứ thế trôi đi, nhưng những văn nghệ sĩ ngày ấy vẫn nhớ mãi hình ảnh cũng như lời dạy của Người và tự hứa sẽ cống hiến nhiều hơn nữa để làm gương cho những thế hệ mai sau./.

Chương trình Các vấn đề xã hội - VOV2 (Đài TNVN)

Khúc Thị Lan Hương (st)

Bài viết khác: