Thứ sáu, 29/03/2024

Hồ Chí Minh được thế giới tôn vinh là anh hùng giải phóng dân tộc – danh nhân văn hóa. Bác cũng là nhà giáo dục kiệt xuất của thời đại. Ông Hans Dorvin, Phó Tổng Giám đốc UNESCO (đương nhiệm) gọi Hồ Chí Minh là người thầy của văn hóa hòa bình, văn hóa khoan dung. Quan điểm “Dân chủ và nêu gương” và “Phong cách ứng xử để thức tỉnh tâm hồn con người” mà Hồ Chí Minh đã kiên trì, nhất quán trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình.

Phong cách ứng xử thức tỉnh tâm hồn

Từ rất sớm trong tác phẩm “Đường kách mệnh” (viết năm 1927), Nguyễn Ái Quốc khẳng định: “Chúng ta đã hy sinh làm cách mạng thì làm cho đến nơi đến chốn nghĩa là làm sao cách mệnh rồi thì quyền giao cho dân chúng số nhiều chớ để trong tay một bọn ít người. Thế mới khỏi hy sinh nhiều lần, thế dân chúng mới được hạnh phúc” (Hồ Chí Minh toàn tập, tập 2, tr. 270).

nhung tia vang lap lanh anh
Bác Hồ thăm và nói chuyện với thầy và trò
 Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, ngày 21/10/1964

Sau khi cách mạng thành công, người nhấn mạnh: “Nước ta là nước dân chủ. Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân. Chính quyền từ xã đến Chính phủ, Trung ương do dân cử ra. Nói tóm lại quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân” (Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, năm 2000, tập 5, tr. 618).

Khi đất nước bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp, Hồ Chí Minh kiên trì mục tiêu đã vạch ra. Người xác định nhiệm vụ nội chính của Chính phủ kháng chiến: “Sau hết chương trình nội chính của Chính phủ và của quốc dân ta chỉ có ba điều mà thôi: Tăng gia sản xuất để làm cho dân ai cũng đủ ăn, đủ mặc/ Mở mang giáo dục để cho ai nấy đều biết đọc biết viết/ Thực hành dân chủ để làm cho dân ta ai cũng được hưởng quyền dân chủ tự do”.

Người có thông điệp: “Nhân nghĩa là nhân dân/ Trong bầu trời không quý gì bằng nhân dân/ Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân/ Trong xã hội không có gì vẻ vang bằng phục vụ lợi ích của nhân dân”.

Quan điểm dân chủ - nêu gương

Trên con đường kiến tạo nền dân chủ cho đất nước của mình, Hồ Chí Minh coi trọng việc giáo dục nêu gương. Người có quan điểm nhân văn sâu sắc sau đây: “Mỗi con người đều có cái thiện và ác ở trong lòng. Ta phải biết làm cho phần tốt ở trong mỗi con người nảy nở như hoa mùa Xuân và phần xấu mất dần đi…”.

“Đối với những người có thói hư tật xấu, trừ hạng người phản bội Tổ quốc và nhân dân, ta phải giúp đỡ họ tiến bộ bằng cách làm cho phần thiện trong con người nảy nở để đẩy lùi phần ác, chứ không phải đập cho tơi bời…”

“Lấy gương người tốt, việc tốt để hàng ngày giáo dục lẫn nhau là một cách tốt nhất để xây dựng Đảng, xây dựng các tổ chức cách mạng, xây dựng con người mới, cuộc sống mới…” (Hồ Chí Minh toàn tập, tập 12, tr. 558).

Người còn lưu ý: “Hiểu chủ nghĩa Mác – Lênin là phải sống với nhau có tình có nghĩa. Nếu thuộc bao nhiêu sách mà sống không có tình có nghĩa thì sao gọi là hiểu chủ nghĩa Mác – Lênin”. “Lấy gương người tốt, việc tốt có thật trong nhân dân và cán bộ, đảng viên mà giáo dục lẫn nhau, đó chính là một cách tuyên truyền giáo dục chủ nghĩa Mác – Lênin thiết thực nhất” (Hồ Chí Minh toàn tập, tập 12, tr. 554).

Hồ Chí Minh thể hiện quan điểm “Dân chủ - nêu gương” bằng tấm lòng yêu kính nhân dân một cách thiết tha, chân thành.

Ngày 20/5/1948, trên chiến khu Việt Bắc, bấy giờ Bác đã 58 tuổi, Người viết bức thư rất cảm động cho một cụ phụ lão ở Ứng Hòa, Hà Đông (nay thuộc Hà Nội), nhân dịp cụ thượng thọ tuổi 85, đã đưa số tiền 500 đồng, một số tiền có giá trị lớn lúc đó, định tổ chức lễ thọ vào Quỹ kháng chiến.

“Kính gửi Cụ Phùng Lục, phụ lão Cứu quốc

Ứng Hòa, Hà Đông.

Thưa cụ

Những vị Thượng thọ như cụ là của quý vô giá của dân tộc và nước nhà.

Trong ngày chúc thọ, Cụ lại miễn sự tế lễ linh đình mà đem số tiền 500 đồng quyên vào Quỹ kháng chiến như thế là cụ đã nêu cái gương hăng hái kháng chiến và cái gương sửa đổi cổ tục thực hành đời sống mới cho toàn thể đồng bào noi theo.

Cháu xin thay mặt Chính phủ cảm ơn cụ và trân trọng chúc cụ sống lâu và luôn luôn mạnh khỏe để kêu gọi các con cháu ra sức tham gia công việc kháng chiến và cứu quốc.

Cháu lại kính gửi cụ lời chào thân ái và quyết thắng.

Hồ Chí Minh”

(Hồ Chí Minh toàn tập, tập 5, tr. 427).

Con người hoàn toàn nhất

Trong cuộc tọa đàm về minh triết Hồ Chí Minh nhân kỷ niệm 120 năm Ngày sinh Hồ Chí Minh do Trung tâm Minh triết Việt tổ chức tại Hà Nội ngày 14/5/2010, nhà thơ Việt Phương có kể lại câu chuyện sau:

“Đầu Hè năm 1949, có một người trong Ban Lãnh đạo quân sự của một nước bạn, lần đầu đến Việt Nam và nói chuyện với Hồ Chí Minh trên rừng Việt Bắc. Người đó là một trí thức quý tộc, trình độ học vấn cao, nói và viết được 11 thứ tiếng, phong cách rất hào hoa. Ông cưỡi ngựa, mặc quần áo dã chiến nhưng sang trọng phẳng phiu, đi đôi ủng bóng loáng, có bảo vệ theo sau. Ông gặp Hồ Chí Minh, trong một căn nhà tre nứa nhỏ. Bác đang vừa làm việc, vừa chờ ông. Người ăn mặc như một nông dân Việt Nam bình thường, áo nâu nhuộm bằng lá rừng.

Hàn huyên với Hồ Chí Minh khoảng nửa giờ, người đó lên ngựa ra về nhưng đến chỗ ngoặt khuất tầm mắt, ông xuống ngựa, tháo ủng, cởi tất, trao cương ngựa cho người bảo vệ và nói: “Từ đây anh dắt ngựa, tôi đi bộ”. Rồi người đó đi chân đất theo con đường rừng Việt Bắc, gặp suối thì lội suối, gặp dốc thì leo dốc trở về.

Sau này có dịp trò chuyện với các bạn Việt Nam, ông đã nói về cảm xúc của mình: “Được gặp Hồ Chí Minh lần đầu, chỉ nói chuyện nửa giờ, tôi học được bài học yêu nước, bài học cách mạng và thấm thía hơn là “bài học làm người”.

Cũng theo Việt Phương, năm 1962 có một nhà văn nổi tiếng Châu Á đã viết về Bác Hồ:

“Chúng ta có thể cùng nhau bàn luận và cũng không dễ thống nhất để tìm xem trên đời này ai là người vĩ đại nhất, ai là người danh tiếng nhất. Nhưng Hồ Chí Minh dứt khoát là người hoàn toàn nhất, con người giàu chất người nhất trên thế giới này”.

Quan điểm “Dân chủ và nêu gương” và “Phong cách ứng xử để thức tỉnh tâm hồn con người” làm cho con người hướng thiện và hướng thượng đến các giá trị nhân văn cao quý của Hồ Chí Minh đã tạo nên sức mạnh lớn lao cho đất nước chiến thắng các thế lực hung bạo. Hồ Chí Minh được cả nhân loại và dân tộc đời đời ngưỡng mộ.

Quan điểm và phong cách này cần phải được các nhà trường quán triệt sâu sắc vào nội dung giáo dục cho thế hệ trẻ trong cuộc sống hôm nay./.

PGS. TS Đặng Quốc Bảo
Theo baomoi.com
Minh Thu (st)

Bài viết khác: