Thứ năm, 18/04/2024

            Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc Bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Cùng lúc đó, Lễ độc lập cũng được tổ chức tại Sài Gòn...

nho lai khong khi
Tấm ảnh ghi lại quang cảnh nhân dân Sài Gòn (
Thành phố Hồ Chí Minh) mít tinh chào mừng Ngày Độc lập tại Quảng trường Nam Bộ Phủ ngày 2/9/1945

            Tuy lúc đó, đồng bào Nam Bộ không nghe được trực tiếp Bản Tuyên ngôn Độc lập của Bác Hồ do điều kiện kỹ thuật thô sơ, nhưng từ bài diễn văn ứng khẩu của đồng chí Trần Văn Giàu, khi ấy là Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ, hàng triệu đồng bào Nam bộ đã thể hiện lòng quyết tâm ủng hộ cách mạng, ủng hộ mặt trận Việt Minh, bảo vệ nền độc lập non trẻ của nước nhà.

            Đặt ở vị trí trung tâm Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh là bức ảnh nguyên gốc chụp không khí mít tinh mừng Ngày Độc lập 2/9/1945 ở Sài Gòn. Từ bức ảnh quý giá này, Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh đã phục dựng lại không khí tưng bừng, nô nức và hừng hực quyết tâm của hàng triệu đồng bào Nam Bộ dự mít tinh ở Quảng trường Nô rô đôm sau lưng Nhà thờ Đức Bà ngày ấy.

            Bà Đỗ Thị Lan Hương, Phó Trưởng phòng, Phòng Tuyên truyền - Giáo dục, Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: “Ban Tổ chức Ủy ban Hành chính lâm thời lúc đó đã dựng nên kỳ đài với nguyện ước cùng với đông đảo quần chúng nhân dân được nghe tiếp âm lời Tuyên ngôn Độc lập của Bác. Tuy nhiên, do điều kiện phương tiện kỹ thuật còn thô sơ, lúc đó không thể nghe được lời Tuyên ngôn Độc lập của Bác, Ban Tổ chức đã cử Giáo sư Sử học Trần Văn Giàu thay mặt toàn thể đồng bào dự mít tinh cũng như đồng bào yêu nước Nam Bộ lúc đó thể hiện lòng quyết tâm ủng hộ Chính phủ Hồ Chí Minh, kiên quyết ủng hộ nền độc lập”.

            Năm nay tuổi đã ngoài 80, nhưng ông Nguyễn Trọng Xuất, nguyên Phó ban Ban Tuyên huấn Khu ủy Sài Gòn - Gia Định vẫn nhớ như in không khí ngày 2/9/1945 ở Sài Gòn. Lúc ấy, cậu thiếu niên Nguyễn Trọng Xuất chỉ mới 15 tuổi, nhưng đã cảm nhận được sự đặc biệt của lần đầu tiên chính quyền về tay nhân dân, khi mỗi người được làm chủ vận mệnh của mình. Ông cũng rất tâm đắc với bài diễn văn ứng khẩu của đồng chí Trần Văn Giàu đọc trước hàng triệu đồng bào Nam Bộ.

            Ông Nguyễn Trọng Xuất, Nguyên Phó ban Ban Tuyên huấn Khu ủy Sài Gòn - Gia Định kể lại: “Khi bác Giàu đứng lên phát biểu chỉ có 3 ý thôi. Một, chúng ta từ một nước nô lệ bị trị trở thành một nước độc lập. Từ một nước quân chủ trở thành chế độ dân chủ cộng hòa. Chúng ta đang đứng trước một thử thách rất lớn là họa xâm lăng bên ngoài đang đe dọa. Như vậy, tất cả chúng ta phải đem tất cả tinh thần và lực lượng để bảo vệ nền độc lập đó. Bài phát biểu của đồng chí Trần Văn Giàu gây một xúc động rất lớn”.    

            Cũng theo ông Trần Trọng Xuất, ý nghĩa của Ngày Độc lập 2/9/1945 ở Sài Gòn không chỉ là sự chuyển đổi về chất của một dân tộc bị phân tán, trở thành một khối thống nhất chính trị mà quan trọng hơn là trong ngày này, đồng bào Nam Bộ đã đưa ra được lời thề son sắt: Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh. 

            Ông Nguyễn Trọng Xuất cho biết thêm: “Giành được chính quyền, chúng ta phải bảo vệ chính quyền đó suốt 30 năm kháng chiến. 30 năm đó, nhiều thế hệ thanh niên nối tiếp nhau nhưng vẫn chung 1 ngọn cờ. Điều lớn lao của ngày độc lập chính là ở chỗ ngày độc lập nêu được lời thề và toàn dân giữ lời thề đó suốt nhiều năm và nhiều thế hệ nối tiếp nhau”.

            Lời thề và khí thế ấy của hàng triệu người dân Nam Bộ trong ngày 2/9/1945 đã thể hiện niềm tin sắt son của họ với Đảng Cộng sản do Bác Hồ lãnh đạo. Chính vì vậy, Ngày Độc lập đầu tiên ở Sài Gòn đã trở thành một dấu mốc quan trọng giúp đoàn kết nhân dân miền Nam xung quanh mặt trận Việt Minh, liên tiếp dành thắng lợi trong những cao trào đấu tranh cách mạng sau này.  

Theo Thùy Trang/www.vtv.vn
Tâm Trang(st)

Bài viết khác: