Thứ bảy, 20/04/2024

Trung tướng Vương Thừa Vũ tên thật là Nguyễn Văn Đồi (1910-1980), quê ở làng Vĩnh Ninh, xã Vĩnh Quỳnh, huyện Thanh Trì, tỉnh Hà Đông (nay là TP Hà Nội). Năm 1937, ông học Trường Quân sự Hoàng Phố (Trung Quốc); năm 1941 về nước bị Pháp bắt giam, trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1943.

trung tuong vuong thua vu
Năm 1968, Tướng Vương Thừa Vũ (mặc áo trắng hàng trên)
về thăm Trung đoàn Thủ đô.

Ông là Chỉ huy trưởng mặt trận Hà Nội năm 1946 đến Chiến dịch Điện Biên Phủ 1954. Năm 1954, ông được thăng quân hàm Thiếu tướng và được cử làm Chủ tịch Ủy ban Quân chính Hà Nội cùng Đại đoàn 308 về tiếp quản Thủ đô. Ông là Đại đoàn trưởng đầu tiên của Đại đoàn 308, đơn vị chủ lực đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam, Chủ tịch Ủy ban Quân chính Hà Nội, Phó tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Giám đốc đầu tiên Trường Võ bị Trần Quốc Tuấn, Tư lệnh Quân khu IV. Năm 1974, ông được phong quân hàm Trung tướng. Ông được Đảng, Nhà nước trao tặng Huân chương Hồ Chí Minh đợt I cùng nhiều Huân chương cao quý khác.

Đặc biệt, trong ngày 10-10-1954 khi “năm cửa ô đón mừng đoàn quân tiến về...” tiếp quản Thủ đô, trên cương vị là Tư lệnh (Sư đoàn trưởng) Đại đoàn 308, Vương Thừa Vũ được giao nhiệm vụ Chủ tịch Ủy ban Quân chính Hà Nội. Bức ảnh Vương Thừa Vũ, người sĩ quan cấp tướng trẻ tuổi tươi cười đi giữa dòng người đông đảo ngày chiến thắng đã mang biểu tượng của ngày hòa bình. Từ 5 giờ sáng hết giới nghiêm, cả Hà Nội nhộn nhịp, vừa có cái không khí thiêng liêng của ngày Tết, vừa có cái tưng bừng của ngày hội lớn... 15 giờ, còi Nhà hát thành phố vang lên một hồi dài. Đoàn quân nhạc cử Quốc thiều cất lên... Lần đầu tiên cờ đỏ sao vàng tung bay trên đỉnh Cột cờ Hà Nội. Giờ phút thiêng liêng đó đã được Vương Thừa Vũ ghi lại: “Trong buổi lễ chào cờ lịch sử này, tôi được vinh dự đọc thư của Hồ Chủ tịch gửi đồng bào Thủ đô: 8 năm qua, Chính phủ phải xa rời Thủ đô để kháng chiến cứu nước. Tuy xa nhau nhưng lòng Chính phủ luôn gần cạnh đồng bào. Ngày nay do quân dân ta đoàn kết nhất trí, Quân đội ta chiến đấu anh dũng, kháng chiến đã thắng lợi, Chính phủ lại trở về Thủ đô với đồng bào".

Khi nghe những lời của Bác thân mật thiết tha, nhiều người đã không nén được xúc động, nước mắt cứ trào ra. Trong bầu không khí cách mạng đó, tôi cũng xúc động không cầm được nước mắt, phải dừng lại ít phút vì những tiếng hô chứa chan lòng kính yêu Bác. Vừa đọc xong thư Bác, tiếng hô “Hồ Chủ tịch muôn năm!” lại vang lên giữa sân vận động, qua loa truyền thanh, mang lại trong lòng mỗi người dân Thủ đô một luồng gió mới, một không khí mới vui tươi, tin tưởng, ấm áp, bắt tay vào xây dựng lại Thủ đô”.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng dành cho người Chỉ huy trưởng mặt trận Hà Nội lời nhận xét: “Bao trùm lên trên hết, Vương Thừa Vũ là một người cộng sản có đạo đức cách mạng; một vị tướng dũng, nhân, tín, liêm, trung, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng dạy”./.

HÀ AN

Theo Báo Quân đội nhân dân

Thanh Huyền (st)

Bài viết khác: