Thứ sáu, 29/03/2024

 

Tại nhà lưu niệm Đại tướng Nguyễn Chí Thanh có trưng bày một bức ảnh khá đặc biệt, được chụp từ những năm 50 của thế kỷ trước bởi một “nhiếp ảnh gia nghiệp dư”.

Ông vốn là liên lạc viên kiêm người chăm sóc sức khỏe của đồng chí Nguyễn Chí Thanh những ngày đầu ở Chiến khu Việt Bắc. Ông là Đại úy, Bác sĩ Hoàng Minh Cảnh, nguyên quân y sĩ Đội Điều trị 6, Cục Quân y.

Bác sĩ Hoàng Minh Cảnh sinh năm 1928 tại làng Bác Vọng, xã Quảng Phú, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Theo lời kể của ông thì từ năm 1937 đến 1942, đồng chí Đinh Quang Thìn - cán bộ Xứ ủy Bắc Kỳ vào tăng cường cho Huế được tổ chức bố trí ở nhà ông để tiện phối hợp công tác, trong đó có cả mẹ ông là bà Hồ Thị Sâm - cũng là cán bộ của Đảng bộ Quảng Nam-Đà Nẵng thời đó. Sống trong thời điểm cách mạng đang sục sôi, lại được trực tiếp gặp gỡ, trò chuyện với cán bộ, Hoàng Minh Cảnh khi ấy đang là học sinh Trường Phú Xuân, đã sớm giác ngộ cách mạng. Năm 1940, khi thực dân Pháp tiến hành khủng bố trắng, ông được tin tưởng giao làm liên lạc viên trong Xứ ủy Trung Kỳ. Nhiệm vụ quan trọng đầu tiên của ông là đưa chỉ thị yêu cầu rút lực lượng vào hoạt động bí mật, từ Huế vào Đà Nẵng an toàn, kịp thời triển khai thực hiện. Tháng 1-1941, 13 tuổi, ông đã vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng.

bam may bang cam xuc
Bức ảnh do ông Hoàng Minh Cảnh chụp khi ở Chiến khu Việt Bắc năm 1951.

Năm 1950, khi đồng chí Nguyễn Chí Thanh là Bí thư Khu ủy 4 được điều ra Chiến khu Việt Bắc, ông được đi cùng. “Ban đầu, đồng chí Khiển được giao nhiệm vụ tháp tùng anh Thanh. Nhưng sau đó tổ chức lại chọn người đi là tôi. Hôm gặp nghe quán triệt nhiệm vụ, anh Thanh nói với tôi: Giờ đi ra Việt Bắc, hành quân bộ dài ngày, có Cảnh đi cùng làm bạn cho vui. Thế là tôi về chuẩn bị hành lý, hôm sau lên đường” - ông Hoàng Minh Cảnh kể.

Lên đến Việt Bắc, ông Cảnh mới biết chính xác đồng chí Nguyễn Chí Thanh nhận nhiệm vụ làm Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị. Ông Cảnh vẫn được giữ lại ở bên cạnh Chủ nhiệm Nguyễn Chí Thanh một thời gian. Nhờ đó, ông có cơ hội “bấm máy” một bức hình có một không hai.

bam may bang cam xuc 2
Ông Hoàng Minh Cảnh với bức ảnh đặc biệt của mình. Ảnh: Tuấn Tú.

Ông kể: “Hôm ấy là buổi sáng một ngày tháng 4-1951. Anh Thanh đến gặp Bác Hồ nên tôi được đi cùng. Dù là liên lạc của anh nhưng để bảo đảm bí mật và an toàn nên tôi cũng không được biết vị trí cụ thể. Cùng anh đi theo người dẫn đường tới một hang đá, bên cạnh có con suối nhỏ nước chảy róc rách, trước khi vào, anh Thanh đưa cho tôi một chiếc máy ảnh rất to và nặng, hướng dẫn nhanh cho tôi cách chụp. Đây là cơ hội hiếm hoi, không biết sau này có được gặp Bác nữa không nên anh dặn tôi cứ bình tĩnh chụp cho kỳ được. Tôi đứng bên ngoài, tay cầm máy run run vì xúc động bởi trước mắt tôi là những người tôi vô cùng kính trọng, được nhìn từ xa đã là vinh dự rồi. Đưa máy lên, nhấn chụp bằng cảm xúc chứ tôi chả biết lấy độ nét thế nào, ánh sáng có đủ không và cũng không biết mình có chụp thành công không. Bấm được mấy kiểu thì các chú cảnh vệ thu luôn máy ảnh. Vài hôm sau, không biết làm cách nào anh Thanh lấy lại được máy ảnh, bảo tôi tháo cuộn phim trong máy ra, giữ lấy rồi anh cất máy ảnh đi”.

Bẵng đi một thời gian, khi đang học quân y sĩ tại Phú Thọ, ông Hoàng Minh Cảnh mới nhớ ra cuộn phim này. Tự mày mò, đọc tài liệu, hỏi người quen rồi ông cũng tìm được cách rửa bức ảnh mình chụp hôm đó. Trong sự ngỡ ngàng của bản thân, ông nhìn lại bức ảnh. Khuôn hình chặt, ánh sáng vừa đủ: Trước cửa một hang nhỏ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và đồng chí Nguyễn Chí Thanh ngồi trò chuyện, phía sau, Bác Hồ đang ngồi làm việc.

Vội cất giữ bức ảnh cẩn thận, ông định bụng khi nào gặp sẽ tặng đồng chí Nguyễn Chí Thanh. Không ngờ sau khi học xong quân y sĩ, ông về Đội Điều trị 6 rồi vào công tác, chiến đấu tại chiến trường miền Nam, không có cơ hội gặp lại Đại tướng Nguyễn Chí Thanh. Bản thân bác sĩ Hoàng Minh Cảnh khi vào chiến trường, mọi đồ đạc đều gửi cho cơ sở cách mạng, sau năm 1975 ông mới nhận lại.

Bức ảnh này được ông Hoàng Minh Cảnh tìm thấy và tặng gia đình Đại tướng Nguyễn Chí Thanh khi Đại tướng đã mất được hơn 10 năm. Giờ đây đã ngấp nghé tuổi bát thập nhưng thỉnh thoảng ông Hoàng Minh Cảnh vẫn ra Thủ đô, đến thăm Nhà lưu niệm của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh ở phố Phan Đình Phùng, rưng rưng ngắm bức ảnh năm nào với niềm tiếc nuối là không đưa được tận tay người thủ trưởng đáng kính của mình...

SONG THANH

Theo Báo Quân đội nhân dân

Thanh Huyền (st)

Bài viết khác: