Thứ sáu, 29/03/2024

Hưởng ứng sáng tác về đề tài Bác Hồ, năm 2011, Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật Đà Nẵng tổ chức chuyến đi thực tế kéo dài hơn 12 ngày theo tuyến đường ngày xưa Bác hoạt động ở Quảng Tây (Trung Quốc) cho đoàn văn nghệ sĩ thành phố. Từ đó đến nay, kỷ niệm về chuyến đi vẫn in đậm trong ký ức của họa sĩ Nguyễn Tường Vinh, bởi qua chuyến đi này, ông đã được trải nghiệm thực tế và nuôi dưỡng cảm xúc để sáng tạo nên tác phẩm “Khi Bác Hồ ở Quảng Tây, Trung Quốc”.

buc hoa

Tác phẩm “Khi Bác Hồ ở Quảng Tây, Trung Quốc”. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Chuyến đi này có các nghệ sĩ thuộc nhiều lĩnh vực nghệ thuật tham gia như: Họa sĩ, nhạc sĩ, nhà văn, nhà thơ, biên đạo, đạo diễn, nhà nghiên cứu… Từ tỉnh Lạng Sơn, các văn nghệ sĩ đi sang Trung Quốc thăm một số địa danh nơi Bác đã từng ghi dấu hoạt động của mình: Thành phố Liễu Châu, Nam Ninh, Quế Lâm.

Đặc biệt, ở Liễu Châu và Quế Lâm có Nhà lưu niệm Bác Hồ với nhiều tư liệu lịch sử phong phú và quý báu được gìn giữ chu đáo. Nơi đây, đoàn nghệ sĩ còn được thăm nơi Bác Hồ từng bị quân Tưởng Giới Thạch giam giữ và nơi Bác thường ra tập thể dục ở núi Tây Phong Lĩnh.

“Chúng tôi được tận mắt chứng kiến cảnh vật, không gian và đi trên con đường núi ngày xưa Bác đã qua. Cùng với cảm xúc được nuôi dưỡng trong quá trình đi thực tế và nghe thuyết minh về những hoạt động của Bác, đặc biệt khi nhìn ngọn núi Tây Phong Lĩnh, tôi lại nhớ đến bài thơ “Mới ra tù tập leo núi”, nhất là hai câu thơ cuối “Bồi hồi dạo bước Tây Phong Lĩnh/Trông lại trời Nam nhớ bạn xưa”. Hình bóng Bác vẫn như còn đâu đây, từ đó, tạo nguồn cảm hứng để tôi chọn không gian, thời điểm sáng tác bức tranh nói trên”, họa sĩ Nguyễn Tường Vinh tâm sự.

Trở về sau chuyến đi, hình ảnh Bác khắc họa trong hai câu thơ cuối của bài “Mới ra tù tập leo núi” đã tạo cảm xúc để họa sĩ Nguyễn Tường Vinh đặt tên tác phẩm là: “Khi Bác Hồ ở Quảng Tây, Trung Quốc”. Để sáng tác bức tranh này, ngoài cảm xúc được nuôi dưỡng trong chuyến đi, ông Vinh còn dành nhiều thời gian nghiên cứu những hình ảnh đã chụp ở các bảo tàng, những địa danh mà Bác từng có mặt và đọc lại những bài thơ, văn của Bác để tạo dựng hình ảnh thật chân thực, giàu cảm xúc.

Tác phẩm được hoàn thành trong khoảng hơn 10 ngày và sau khi tham gia cuộc triển lãm Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh tại Hà Nội, bức tranh đã được tặng lại cho Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật thành phố Đà Nẵng. “Có người hỏi tôi tại sao không bỏ chữ “khi” lúc đặt tên tác phẩm. Theo tôi, chữ “khi” nói về một thời điểm nhất định và tôi muốn nhấn mạnh thời điểm đó. Cụ thể, khi xem bức tranh này, nhìn thấy Bác ở đây nhưng không phải ở đây mà là Bác đang hướng về Việt Nam, lòng không nguôi nhớ về quê hương, Tổ quốc”, ông Vinh giải thích.

Trong tác phẩm, ông Vinh chọn hoa phù dung làm tiền cảnh, đặt phía dưới bức tranh bởi đây là loài hoa đặc trưng của vùng đất Trung Hoa, còn hình ảnh Bác đầy cảm xúc với phong cảnh phía trước mặt là mây núi trập trùng, những ngôi nhà chênh vênh giữa trời đất và bóng dáng đất nước Việt Nam hình chữ S ẩn hiện giữa mênh mông mây trời.

“Tác phẩm chính là tình cảm của tôi đối với Bác. Nhờ đi thực tế, tôi mới có được cảm xúc thực sự về Bác. Đặc biệt, sau khi Bác ra tù, các đồng chí Đảng Cộng sản bố trí Bác ở một căn nhà trọ gần một trường tiểu học và cách đó không xa là một tòa biệt thự kiến trúc châu Âu dành cho một lãnh tụ Quốc Dân Đảng. Để đến núi Tây Phong Lĩnh, hằng ngày Bác vẫn thường đi bộ qua ngôi biệt thự ấy nhưng tinh thần Bác vẫn kiên định, không suy giảm ý chí và luôn đau đáu nhớ về quê hương, Tổ quốc. Qua đó cho thấy, Bác Hồ là một người cách mạng chân chính, vĩ đại thật sự”, ông Vinh chia sẻ.

Mặc dù tác phẩm này đã đạt được những thành công nhất định nhưng ông Vinh chưa hài lòng bởi ông cho rằng mình vẫn chưa đủ độ chín muồi.

“Sáng tác là trách nhiệm của văn nghệ sĩ nhưng cần phải nuôi và dưỡng thì người nghệ sĩ mới tiếp tục sáng tác thành công về đề tài lịch sử, chiến tranh cách mạng và công cuộc đổi mới của thành phố. Đến nay, tôi vẫn luôn trau dồi kiến thức, nuôi dưỡng ý tưởng và cảm xúc về Bác và các lãnh tụ, tướng lĩnh Việt Nam để tạo ra những tác phẩm tốt về nội dung và đẹp về nghệ thuật”, ông Vinh khẳng định.

Đoàn Lương

Theo http://www.baodanang.vn

                                                                                                                      Thu Hiền (st)

Bài viết khác: