Thứ năm, 28/03/2024

Từ ngày Toàn quốc kháng chiến 19-12-1946, quân dân Thủ đô đã giữ chân, tiêu hao quân chủ lực Pháp tại Hà Nội cho đến 17-02-1947. Còn ở các địa phương khác, cuộc vây hãm quân Pháp trong các đô thị cũng diễn ra giằng co, quyết liệt đến 90 ngày ở Nam Định, 50 ngày ở Huế và 25 ngày ở Đà Nẵng.

Sau khi chiếm xong Hà Nội, quân Pháp bắt đầu tấn công ra các vùng nông thôn để mở rộng quyền kiểm soát lãnh thổ. Mặc dù kẻ địch hung hãn và hiếu chiến, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn kiên trì kêu gọi nhà cầm quyền Pháp và bộ máy quân đội Pháp ở Đông Dương ngừng chiến tranh, thực thi những hiệp định hòa bình mà hai chính phủ đã ký kết.

Tháng 3-1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư cho chính phủ, nghị viện và nhân dân Pháp cùng các nước dân chủ trên thế giới để nhắc lại rằng: Nhân dân Việt Nam muốn hòa bình, muốn cộng tác thân thiện với nhân dân Pháp. Trong lúc đó tại Paris, Paul Ramadier đã lên làm Thủ tướng Pháp và tuyên bố trước Quốc hội Pháp rằng không thể giải quyết vấn đề Đông Dương bằng vũ lực.

Trong buổi tiếp Cao ủy Đông Dương d'Argenlieu, do hai bên mâu thuẫn gay gắt về quan điểm chính trị và vì tính hiếu chiến của viên Cao ủy quá lộ liễu nên Ramadier quyết định thay Cao ủy khác. Emile Bollaert, một cố vấn cộng hòa cấp tiến và là thành viên Hội đồng kháng chiến đã được chọn làm tân Cao ủy Đông Dương.

Ngày 21-3-1947 từ Việt Bắc, Đài Tiếng nói Việt Nam truyền đi lời phát biểu của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Chúng tôi trịnh trọng tuyên bố rằng nhân dân Việt Nam chỉ mong muốn độc lập và thống nhất trong khối Liên hiệp Pháp, chúng tôi cam kết tôn trọng quyền lợi kinh tế và văn hóa của Pháp ở Việt Nam"(1).

xin chuc Chu tich 1

Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đường kháng chiến

Ngày 01-4-1947, Bollaert đến Sài Gòn. Ngày 19-4-1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi tiếp một thông điệp hòa bình cho chính phủ Pháp: "Thủ tướng Ramadier không chống lại độc lập và thống nhất của Việt Nam. Chính phủ Việt Nam đề nghị với chính phủ Pháp ngừng ngay mọi hành động cừu nghịch và mở cuộc đàm phán để giải quyết hòa bình cuộc xung đột"(2).

Ramadier đồng ý để Bollaert và Valluy, Tổng chỉ huy quân đội viễn chinh Pháp tại Đông Dương đặt ra điều kiện ngừng bắn cho chính phủ Việt Nam và Paul Mus đã được chọn lựa để chuyển bức thông điệp này tới chính phủ Việt Nam.

Vốn là một nhà Đông phương học, Paul Mus đã theo cha mẹ đến Việt Nam từ năm 1907 và năm 25 tuổi đã là thành viên của Trường Viễn Đông Bác Cổ, sau khi đi theo chính phủ kháng chiến De Gaulle ở Pháp, Paul Mus nhận nhiệm vụ làm đặc phái viên của chính phủ Pháp tại Đông Dương và ông ta đã nhận thấy sự sa lầy của quân Pháp do tính hiếu chiến của một số quan chức cao cấp, ông ta kể rằng: "Trong những buổi trò chuyện vào năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giao cho tôi chuyển lại cho tướng D'Argenlieu một thông điệp rõ ràng như sau: Nếu nước Pháp dùng Sài Gòn làm tin cho một ván bài khó thì tôi có thể hiểu được chiến lược đó. Nhưng nếu người Pháp muốn thực hiện vết dầu loang thì người Pháp sẽ phải đối mặt với một cuộc quyết tử"(3).

Từ ngày Toàn quốc kháng chiến, các cuộc gặp gỡ giữa ta và Pháp không nhiều, ngoài vài cuộc tiếp xúc giữa đại diện Chính phủ ta với với các lãnh sự Mỹ, Anh, Ấn Độ và đại diện Hội chữ thập đỏ quốc tế nhằm giải quyết vấn đề tù binh Pháp.

Ông Hoàng Minh Giám, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao lúc đó, một người rất thông thạo tiếng Pháp kể lại: "Một ngày đầu tháng 5-1947, có cuộc gặp giữa tôi và lãnh sự Anh Trésor Wilson gần cầu Đuống. Sau mấy phút trao đổi ý kiến về "vấn đề tù binh" và tình hình chung, viên lãnh sự Anh nói: Ông có biết ông Paul Mus không? Ông ấy nói đã có dịp gặp ông ở Hà Nội và đã được yết kiến Chủ tịch Hồ Chí Minh trước ngày 19-12-1946.

- Có. Đúng như vậy.

- Ông Paul Mus muốn gặp ông. Ông ấy đã đi theo tôi đến phía bên kia cầu Đuống, cách đây độ một km và đang chờ ở đó. Nếu ông đồng ý tiếp, thì ông ấy sẽ đến ngay. Ông ấy nói rằng có một việc rất quan trọng, và ông ấy tha thiết muốn gặp ông. Hiện nay ông ấy là một người giúp việc thân cận, một cố vấn của Cao ủy Emile Bollaert.

Một lát sau, Paul Mus đến. Sau khi chào hỏi, ông ta vào đề ngay:

 - Tôi có một việc rất quan trọng, bí mật và gấp, muốn được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tôi được ủy nhiệm chuyển trực tiếp đến Chủ tịch một thông điệp của Cao ủy Emile Bollaert. Nếu có thể, tôi sẵn sàng đi theo ông ngay bây giờ.

- Rất tiếc. Đi ngay bây giờ thì không được. Tôi sẽ báo cáo với Hồ Chủ tịch. Và tôi sẽ trả lời cho ông biết quyết định của Người. Ông hãy cho biết nên trả lời ông bằng con đường nào, vừa nhanh chóng vừa bảo đảm bí mật?

- Cảm ơn. Đề nghị ông trả lời tôi bằng điện đài.

Paul Mus đọc một câu có nghĩa lóng và nói tiếp:

- Bắt đầu từ ngày kia mỗi buổi sáng, hồi 9 giờ, bộ phận nghe đài của chúng tôi sẽ đón nghe đài của các ông; nghe được câu lóng đó, tôi sẽ đến địa điểm này, đúng giờ hẹn, để được dẫn đến gặp Hồ Chủ tịch và trao trực tiếp bản thông điệp của Cao ủy Emile Bollaert"(4).

Sau khi nghe báo cáo, Chủ tịch Hồ Chí Minh đồng ý gặp Paul Mus. Người chỉ thị cho đồng chí Phan Mỹ, Chánh văn phòng Phủ Chủ tịch trực tiếp tổ chức cuộc gặp này tại Thái Nguyên.

Để đề phòng tình huống xấu nhất có thể xảy ra, các đồng chí Võ Nguyên Giáp, Trần Đăng Ninh và Lê Giản, Giám đốc Nha Công an Trung ương đã bàn kế hoạch phối hợp lực lượng bảo vệ an toàn cho Chủ tịch Hồ Chí Minh. Một tiểu đoàn Vệ quốc quân tinh nhuệ, trang bị vũ khí tốt nhất về ém quân tại một địa điểm bí mật gần nơi diễn ra cuộc gặp gỡ.

Lực lượng cảnh vệ và một trung đội vệ quốc đoàn được tăng cường trên dọc tuyến đường từ Định Hóa về thị xã Thái Nguyên. Chủ tịch Hồ Chí Minh sẽ sử dụng chiếc xe Ford V8, trên xe chỉ có hai bảo vệ tiếp cận là Nguyễn Văn Lý và Long Văn Nhất tháp tùng Người.

Tại địa điểm được chọn cho cuộc gặp gỡ, một số trinh sát có kinh nghiệm đối phó với mật thám Pháp đã tiến hành làm sạch địa bàn và thường xuyên quan sát những hiện tượng điều binh bất thường của phía Pháp. Thị xã Thái Nguyên lúc đó đã tản cư triệt để và tiêu thổ kháng chiến. Các đồng chí bảo vệ tìm được một ngôi nhà không nguyên vẹn nhưng cũng còn được một gian phòng tương đối tốt, có bàn và ghế, có thể dùng làm nơi tiếp phái viên của Emile Bollaert.

xin chuc Chu tịch 2

Bìa một cuốn sách viết về Paul Mus

Cố vấn đặc biệt, phái viên Paul Mus nhớ lại lúc đó Bộ trưởng Bộ chiến tranh của Pháp nhận định "vấn đề quân sự ở Đông Dương có thể coi như xong rồi", một nhân vật quan trọng trong chính giới Pháp cũng khẳng định: Chỉ ba tuần nữa thôi mọi điều sẽ được giải quyết tốt, miễn là không đặt vấn đề đàm phán. Chẳng bao lâu nữa cuộc "kháng chiến của Việt Nam "sẽ bị đè bẹp, cho nên: "Chuyến công tác của tôi vào tháng 5-1947 không có sự bảo vệ về mặt ngoại giao. Tôi là người chuyển thông điệp bằng lời, trong đó nước Pháp ra điều kiện để ngừng chiến theo đề nghị của chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Những điều kiện đó là: Quân đội Việt Nam phải trao nộp tất cả vũ khí; quân đội Pháp được quyền di chuyển tự do trên toàn lãnh thổ Việt Nam; quân đội Việt Nam phải được tập trung vào một số địa điểm xác định; trao trả lại các con tin người Pháp và người Việt; giao lại cho phía Pháp vô điều kiện những người không phải là người Pháp đang ở cùng người Việt và phía Pháp không đưa ra chi tiết về những dự định đối với những người này"(5).

Ngày 12-5-1947, vào lúc 22 giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp Paul Mus tại Thái Nguyên. Ông Hoàng Minh Giám ghi trong hồi ký: "Sau khi nghe những điều kiện láo xược đó của Cao ủy Pháp, Hồ Chủ tịch nghiêm nét mặt, nhưng bình tĩnh và giọng nói ôn tồn, Người hỏi:

- Ông Paul Mus, tôi biết ông đã tham gia cuộc kháng chiến của nhân dân Pháp chống Hitler, điều đó có đúng không?

- Thưa Chủ tịch, đúng.

- Vậy thì ông hãy trả lời tôi: Nếu ở địa vị tôi, ông sẽ có thái độ thế nào đối với bản thông điệp của ông Emile Bollaert? Ông có nhận những điều kiện đó không?

Paul Mus lúng túng. Bác nói tiếp:

- Tôi nghe nói ông Emile Bollaert cũng đã tham gia cuộc kháng chiến chống Hitler và có thành tích. Những điều kiện ông ấy đưa ra để ngừng bắn có nghĩa gì? Có nghĩa là ông ấy đòi chúng tôi phải đầu hàng. Ông Paul Mus, bản thân ông có nghĩ rằng chúng tôi có thể đầu hàng không?

Lại còn điều kiện liên quan đến những người nước ngoài đứng trong hàng ngũ kháng chiến Việt Nam chống thực dân Pháp. Phải là một con người hèn mạt mới chấp nhận điều đó. Nếu tôi chấp nhận, tôi là kẻ "hèn mạt". Và tôi nghĩ rằng trong Liên hiệp Pháp không có chỗ cho những kẻ hèn mạt.

Paul Mus im lặng, gật đầu, tỏ ý đồng tình. Rồi nói:

- Tôi hiểu, thưa Chủ tịch, tôi hiểu …

Thế rồi không ai nói đến bản thông điệp nữa. Bác giải thích về lập trường của Chính phủ và nhân dân ta: Yêu chuộng hòa bình, muốn có quan hệ tốt với nhân dân Pháp, nhưng kiên quyết kháng chiến để bảo vệ độc lập và thống nhất của Tổ quốc mình. Paul Mus thừa nhận rằng đó là những tình cảm và ý chí chính đáng, hứa sẽ báo cáo với Cao uỷ Emile Bollaert những ý kiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Paul Mus cũng thú nhận đã được thấy tận mắt quang cảnh thị xã Thái Nguyên "đã tiêu thổ kháng chiến", ông ta rất khâm phục lòng yêu nước của nhân dân Việt Nam. Ông ta chúc sức khỏe Bác, và lúc chào từ biệt, tỏ ra cảm động thực sự. Lời cuối cùng của ông ta lúc ra về là:

- Chúc Chủ tịch dũng cảm!

Bác đáp lại:

- Luôn luôn! Tất nhiên!

Một sự việc nhỏ có lẽ đã làm cho Paul Mus ngạc nhiên: Khi cuộc tiếp kiến kết thúc, các đồng chí phục vụ đã bưng ra mấy cốc rượu sâm-banh để Bác mời khách uống trước khi ông ta rút lui vào bóng tối của đêm khuya.

Khi Paul Mus ra về rồi, Bác và chúng tôi còn ngồi lại khoảng một tiếng nữa để đợi ông ta đi xa rồi mới về nơi ở. Lúc đó, vào khoảng một giờ sáng, Bác không về chỗ ở của mình mà về Sơn Dương, chỗ cơ quan Bộ Ngoại giao. Việc Bác từ nơi nào đến gặp Paul Mus, ngoài anh Phan Mỹ thì không ai biết cả.

xin chuc Chu tịch 3

Cuốn sách “Việt Nam, xã hội học một cuộc chiến tranh”.

Bác bảo tôi: "Bây giờ chú về với tôi bằng xe com-măng-ca". Lúc đó xe đã đợi sẵn ở đó, theo sự bố trí của anh Phan Mỹ. Chúng tôi đi xe đến đèo Khế thì trời bắt đầu sáng. Bác bảo chúng tôi: “Thôi, chúng ta xuống đi bộ, vì nếu đi xe, máy bay địch dễ phát hiện”.

Tôi và Bác đi bộ về khu tự do Sơn Dương và ghé vào chỗ Bộ Ngoại giao. Tôi hứa với Bác là sẽ nhớ và viết lại lời của bức thông điệp mà Emile Bollaert gửi Bác qua Paul Mus. Hai ngày sau, tôi gửi bài viết đó cho Văn phòng của Bác”(6).

Sau khi nghe Paul Mus trở về báo cáo, Bollaert đã  gấp rút chuẩn bị một chiến dịch quân sự lớn vào mùa khô. Còn Paul Mus kể lại cảm nghĩ của mình với bạn bè về ấn tượng tiêu thổ kháng chiến: “Tôi vừa sửng sốt, vừa khâm phục những người dân đã tự tay phá sập nhà mình. Khó có sức mạnh nào khuất phục nổi một dân tộc có tinh thần hy sinh như vậy”(7).

Lúc 20h ngày 15-5-1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ tọa phiên họp Hội đồng Chính phủ để thông báo về cuộc gặp với Paul Mus. Mấy ngày sau Người kêu gọi đồng bào và chiến sĩ cả nước ra sức kháng chiến, đánh giặc và khẳng định: “Trường kỳ kháng chiến nhất định thắng lợi. Việt Nam thống nhất, độc lập muôn năm!”(8).

Năm năm sau, trong quyển sách “Việt Nam, xã hội học một cuộc chiến tranh”, Paul Mus phê phán nội dung của bản thông điệp mà ông ta đã có trách nhiệm chuyển đến Chủ tịch Hồ Chí Minh tại thị xã Thái Nguyên.

Cuối cùng thì Paul Mus đã kết luận rằng: “Những người phương Tây chúng ta đã ra sức ngăn cản chủ nghĩa cộng sản ở Việt Nam bởi vì họ coi đó là một thứ ảnh hưởng chính trị phi pháp, có thể và cần phải thủ tiêu bằng vũ lực. Thế nhưng, lịch sử đã chứng minh những người cộng sản Việt Nam đã tạo ra sức mạnh của mình, kiên quyết lãnh đạo phong trào đấu tranh giành độc lập, dẫn đến việc thủ tiêu chủ nghĩa thực dân và xây dựng một nước Việt Nam thống nhất. Độc lập dân tộc là một lý tưởng không bao giờ tách rời tâm trí người Việt Nam”(9).

* Ghi chú

1, Chiến đấu trong vòng vây. Nxb Quân đội nhân dân 2001, tr 103

2, Paris-Sài Gòn-Hà Nội. Nxb Thành phố Hồ Chí Minh 2003, tr 408

3, Thông tin xã hội học 3/99 năm 2007, tr 133

4, Hoàng Minh Giám - Người con của thế hệ vàng. Nxb Chính trị quốc gia 2013

5, Thông tin xã hội học 3/99 năm 2007, tr 135

6, Hoàng Minh Giám - Người con của thế hệ vàng. Nxb Chính trị quốc gia 2013

7, Trận đánh 30 năm. Nxb Quân đội nhân dân 2005, tr 158

8, Hồ Chí Minh toàn tập. Nxb Chính trị quốc gia 2011. Tập V, tr 150

9, Thông tin xã hội học 3/99 năm 2007, tr 139

Đỗ Hoàng Linh

Phó Giám đốc Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch

Theo http://antg.cand.com.vn

Huyền Trang (st)

 

Bài viết khác: