Thứ năm, 28/03/2024

 

chu tich ho chi minh voi doanh nghiep
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm cán bộ, công nhân Nhà máy Xe lửa Gia Lâm (Hà Nội)
ngày 19-5-1955. Nguồn: http://doanhnghiepvn.vn

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm đề cao một cách xứng đáng vai trò của doanh nghiệp, doanh nhân trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Ngày 13/10/1945, sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa non trẻ vừa ra đời, Bác Hồ đã viết một bức thư đầy tâm huyết gửi cho giới doanh nhân và các doanh nghiệp, động viên họ tham gia tổ chức Công thương cứu quốc đoàn: “….Việc nước và việc nhà bao giờ cũng đi đôi với nhau. Nền kinh tế quốc dân thịnh vượng nghĩa là các sự kinh doanh của các nhà công nghiệp, thương nghiệp thịnh vượng. Vậy tôi mong giới Công - Thương nỗ lực và khuyên các nhà công nghiệp và thương nghiệp mau mau gia nhập vào “Công - Thương cứu quốc đoàn" cùng đem vốn vào làm những công cuộc ích quốc lợi dân”. Bức thư chưa đầy 200 chữ, nhưng có thể coi là văn kiện đầu tiên của Đảng và Nhà nước ta đối với doanh nghiệp, doanh nhân, chứa đựng tư tưởng, tình cảm, sự quan tâm, lời hiệu triệu thi đua ái quốc của Người dành cho các doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam.

Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh có khoảng 100 bài nói, bài viết, điện, thư cho các xí nghiệp, doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam. Xin trân trọng giới thiệu tới bạn đọc toàn văn các bài nói, bài viết của Người liên quan đến doanh nghiệp, doanh nhân:

  1. Thư gửi các giới công thương Việt Nam(1)

Cùng các ngài trong giới Công - Thương,

Được tin giới Công - Thương đã đoàn kết lại thành “Công - Thương cứu quốc đoàn” và gia nhập vào Mặt trận Việt Minh, tôi rất vui mừng. Hiện nay “Công - Thương cứu quốc đoàn” đương hoạt động để làm nhiều việc ích quốc lợi dân, tôi rất hoan nghênh và mong đợi nhiều kết quả tốt.

Trong lúc các giới khác trong quốc dân ra sức hoạt động để giành lấy nền hoàn toàn độc lập của nước nhà, thì giới Công - Thương phải hoạt động để xây dựng một nền kinh tế và tài chính vững vàng và thịnh vượng. Chính phủ nhân dân và tôi sẽ tận tâm giúp giới Công - Thương trong công cuộc kiến thiết này.

Việc nước và việc nhà bao giờ cũng đi đôi với nhau. Nền kinh tế quốc dân thịnh vượng nghĩa là các sự kinh doanh của các nhà công nghiệp, thương nghiệp thịnh vượng. Vậy tôi mong giới Công - Thương nỗ lực và khuyên các nhà công nghiệp và thương nghiệp mau mau gia nhập vào “Công - Thương cứu quốc đoàn” cùng đem vốn vào làm những công cuộc ích quốc lợi dân.

  1. Nói chuyện với cán bộ, công nhân Nhà máy Điện Yên Phụ và Nhà máy Đèn Bờ Hồ(2)

Trong lúc quân Pháp sắp rút lui, các cô, các chú, từ cán bộ đến công nhân, đã ra sức đấu tranh giữ nhà máy tương đối được hoàn toàn. Đấy là một điều rất tốt. Sau khi Chính phủ ta về tiếp quản Thủ đô, các cô, các chú đã cố gắng sản xuất điện đều, làm cho sinh hoạt của đồng bào trong thành phố được tiếp tục như thường. Bác thay mặt Chính phủ khen ngợi và cảm ơn các cô, các chú.

Trong nhà máy có lao động trí óc và lao động chân tay, cán bộ kỹ thuật và công nhân, nam có, nữ có. Tuy khác nhau nhưng cùng chung một mục đích. Ngày trước chúng ta là người nô lệ. Vì muốn thoát vòng nô lệ mà chúng ta kháng chiến. Trước chúng ta làm cho thực dân Pháp, nay chúng ta làm cho nhân dân. Nhà máy này bây giờ là của nhân dân, của Chính phủ, của các cô, các chú. Các cô, các chú là chủ thì phải gìn giữ nhà máy làm cho nó phát triển hơn nữa.

Muốn thế, trước hết phải đoàn kết một lòng. Trong thời kỳ thuộc Pháp, chúng chia nhân viên kỹ thuật ra một hạng, cai xếp một hạng, công nhân một hạng, chia để trị, làm cho ba hạng không đoàn kết và đều phải làm nô lệ. Bây giờ tất cả chúng ta phải đoàn kết chặt chẽ.

Mỗi người đều có sáng kiến hay, nhưng cũng đều có khuyết điểm. Sáng kiến là tinh thần của dân tộc ta, khuyết điểm là kết quả của chế độ cũ. Ai có cái hay thì truyền bá cho nhau học, thấy khuyết điểm gì thì lấy tinh thần đoàn kết, thương yêu nhau mà phê bình, giúp nhau sửa chữa. Phê bình không phải để mỉa mai, nói xấu. Phê bình là để giúp nhau tiến bộ. Học nhau điều hay, giúp nhau sửa chữa khuyết điểm, thế là đoàn kết thật sự.

Chúng ta đoàn kết để thi đua. Thi đua phải có tổ chức, có kế hoạch. Thi đua không phải là ganh đua, giấu nghề. Thi đua có nghĩa là mọi người phát triển tài năng, sáng kiến của mình, học hỏi điều hay lẫn nhau, giúp nhau sửa chữa khuyết điểm để cùng nhau tiến bộ, Thi đua nhằm:

  1. Tăng năng suất.
  2. Tiết kiệm nguyên liệu, vật liệu. Đồng thời phải tuyên truyền cho nhân dân và các cơ quan ý thức tiết kiệm điện.

 Người này thi đua với người khác, tổ này thi đua với tổ khác, nhà máy này thi đua với nhà máy khác.

 Các cô, các chú giống như một bộ máy. Nếu có một bộ phận, một người nào mắc khuyết điểm mà không sửa chữa thì ảnh hưởng xấu đến cả guồng máy chung. Vì thế, các cô, các chú, lao động trí óc và lao động chân tay, phải đoàn kết chặt chẽ thi đua làm cho nhà máy phát triển.

 - Hiện nay nước ta còn nghèo, đời sống của anh chị em công nhân còn chưa được đầy đủ. Đảng, Chính phủ và Bác đều lo nghĩ đến điều đó. Nhưng chúng ta cần nhận rõ giai cấp lao động là giai cấp lãnh đạo, nghĩa là giai cấp chịu khổ trước hết, đấu tranh mạnh hơn hết.

 Nay trong hoàn cảnh hoà bình, muốn cải thiện sinh hoạt thì giai cấp lao động ta phải tăng năng suất. Ở nhà máy, công nhân phải thi đua chế tạo. Ở nông thôn, nông dân phải thi đua sản xuất lúa gạo. Sản xuất tăng thì mức sống sẽ được nâng cao. Muốn ăn quả thì trước phải chịu khó trồng cây.

- Hiện nay miền Nam chưa được giải phóng, đế quốc Mỹ còn lăm le phá hoại hoà bình, chúng ta phải chống đế quốc Mỹ một cách thiết thực bằng thi đua tăng năng suất. Tiết kiệm được một cân than, tăng được một kilôoát điện là góp thêm một phần lực lượng đánh vào đế quốc Mỹ.

 Chúng ta có quyết tâm, chúng ta nhất định khôi phục được kinh tế, nâng cao được đời sống của toàn dân. Chúng ta tin chắc là chúng ta làm được vì dân ta tốt, công nhân ta oanh liệt, đường lối lãnh đạo của Đảng và Chính phủ ta đúng, lại có thêm sự giúp đỡ nhiệt tình, cao cả của nhân dân các nước bạn.

Chúc các cô, các chú mạnh khoẻ, vui vẻ, đoàn kết thi đua cho tốt.

  1. Hoan nghênh Hội nghị cán bộ quản lý xí nghiệp(3)

Lần này là lần đầu tiên hơn 150 cán bộ các xí nghiệp khai hội, dưới sự hướng dẫn của Bộ Công nghiệp, để nghiên cứu cách quản lý xí nghiệp cho tốt. Đó là một việc rất có ích, rất hợp thời.

 Nói chung, việc quản lý xí nghiệp trong thời kỳ vừa qua, cán bộ ta đã cố gắng và đã thu được thành tích khá nhiều, nhưng kiểm điểm lại thì khuyết điểm cũng không ít.

 Cán bộ quản lý cần nhận thật rõ rằng: Công nghiệp và nông nghiệp là như hai chân của nền kinh tế nước nhà. Chân phải thật vững thật khoẻ, thì kinh tế mới tiến bộ thuận lợi và nhanh chóng.

 Đảng và Chính phủ ta có chính sách và đường lối đúng đắn. Công nhân ta rất hăng hái cần cù. Các nước bạn ra sức giúp đỡ ta về mọi mặt. Thế là ta có đủ điều kiện để khôi phục và phát triển kinh tế công nghiệp (và nông nghiệp).

 Đảng và Chính phủ tin cậy cán bộ, giao cho cán bộ nhiệm vụ chủ chốt, nhiệm vụ quản lý. Đó là một nhiệm vụ nặng nề nhưng rất vẻ vang. Cán bộ ta phải luôn luôn cố gắng làm trọn nhiệm vụ, mới xứng đáng với lòng tin cậy của Đảng, của Chính phủ và của nhân dân. Muốn như vậy thì cán bộ ta phải cố gắng quản lý thật tốt các xí nghiệp, phải bảo đảm kinh doanh có lãi cho nước nhà. Để đạt mục đích ấy - mà mục đích ấy nhất định phải đạt cho kỳ được - thì cán bộ quản lý:

 - Phải thật sự cần, kiệm, liêm, chính.

 - Phải thật sự chống bệnh quan liêu, tham ô, lãng phí. Phải nâng cao cảnh giác, bảo vệ xí nghiệp.

 - Phải khéo đoàn kết và lãnh đạo công nhân; mọi việc đều dựa vào lòng nồng nàn yêu nước và năng lực sáng tạo dồi dào của công nhân; dùng phương pháp dân chủ mà đẩy mạnh phong trào thi đua sản xuất và tiết kiệm.

 - Phải thật sự săn sóc đến đời sống tinh thần và vật chất của công nhân.

 - Phải cố gắng nghiên cứu và học tập để tiến bộ.

 Trong Hội nghị này, các đại biểu nên thật thà tự phê bình và phê bình, cùng nhau trao đổi kinh nghiệm. Kinh nghiệm xấu để giúp nhau sửa chữa. Kinh nghiệm tốt để học tập lẫn nhau. Đồng thời, nên ký giao kèo thiết thực cùng nhau thi đua thực hiện đầy đủ kế hoạch kinh doanh năm 1956.

 Làm được những điều trên đây, tức là Hội nghị thành công tốt đẹp.

 Chúc các đại biểu mạnh khoẻ và cố gắng.

  1. Nói chuyện tại Đại hội Chiến sĩ thi đua ngành Thương nghiệp lần thứ nhất(4)

Đại hội này gồm có chiến sĩ miền Nam, miền Bắc, có bộ đội chuyển ngành, có cán bộ dân tộc thiểu số, có Hoa kiều, có cán bộ trong Đảng, ngoài Đảng, thuộc tất cả các ngành trong Bộ, như thế là rất tốt. Đó là tượng trưng cho khối đoàn kết.

Trong số chiến sĩ gần một nửa là cán bộ miền Nam tập kết, điều đó chứng tỏ anh em miền Nam rất cố gắng công tác để củng cố miền Bắc vững mạnh làm cơ sở đấu tranh thống nhất nước nhà; như vậy là rất đáng khen. Nhưng chỉ có 11 phụ nữ thì ít quá. Cán bộ phụ nữ cần cố gắng hơn nữa; đoàn thể phụ nữ, cơ quan phụ trách cần chú ý dìu dắt, giúp đỡ hơn nữa để nhiều chị em có thể thay cho nam giới trong công việc buôn bán.

 Nói chung, các chiến sĩ và lao động xuất sắc đã có tinh thần chịu khó, chịu khổ, khắc phục khó khăn để phục vụ nhân dân. Thí dụ: Đồng chí Nguyễn Tấn Anh đã biết gần gũi nhân dân, giúp đỡ nhân dân, cải thiện sinh hoạt, khắc phục khó khăn làm tròn nhiệm vụ. Đồng chí Ngô Đình Tân đã chú ý cải tiến kỹ thuật, bán được nhiều hàng, khách tới mua cũng vui lòng. Đồng chí Nguyễn Văn Lộc đã hết lòng bảo vệ của công. Đồng chí Nguyễn Sanh biết giữ vững lập trường không để gian thương mua chuộc... Tóm lại, các chiến sĩ và lao động xuất sắc đều nêu cao tinh thần trách nhiệm; kiên quyết khắc phục khó khăn, gần gũi quần chúng, thực hành tiết kiệm. Những ưu điểm đó cần đem phổ biến rộng rãi.

 Nhưng khuyết điểm cũng còn nhiều, như: Giữ kho để gạo bị ẩm, mục, đem bán không ai mua, bỏ đi thì tiếc phải đem cho cán bộ, bộ đội ăn đỡ, như thế là không tốt. Trong kháng chiến, anh chị em đã phải ăn gạo xấu; trong hoà bình, phải lo bảo đảm sức khoẻ cho anh chị em để khỏi ảnh hưởng đến công tác. Thu mua nông lâm thổ sản thì mua cả những thứ không bán được đâm ra lỗ vốn. Tiền vốn là của chung mà làm thua lỗ thì có đau xót không? Lãng phí cũng không ít, có chỗ còn tham ô. Những sai lầm đó phải ra sức khắc phục.

 Có anh chị em chưa yên tâm công tác cho là làm việc này không vẻ vang, muốn xin đổi việc khác. Ví như một cái cây trồng chỗ này một thời gian, lại nhổ đi trồng chỗ khác thì cây không thể mọc tốt được. Cán bộ cũng vậy, đứng núi này trông núi nọ thì làm việc gì cũng không đạt được kết quả. Phải nhớ rằng lao động, bất cứ lao động gì mà có ích lợi cho nhân dân, cho xã hội đều là vinh quang. Ví dụ: Anh chị em công tác vệ sinh thật là khó nhọc, lại chịu thối tha bẩn thỉu. Nếu không có những người làm công việc đó thì đời sống mọi người sẽ thế nào? Những anh chị em đó, cũng có người đã trở thành chiến sĩ, như thế là vẻ vang. Không phải làm chức này, chức nọ mới là vẻ vang; xã hội có nhiều công việc, ai làm tròn nhiệm vụ đều là vẻ vang. Dưới chế độ ta cán bộ từ trên xuống dưới đều là đày tớ của nhân dân. Nhân dân giao cho nhiệm vụ gì thì phải làm cho tốt.

 Có người chỉ lo đến tiền đồ cá nhân. Như thế là chưa hiểu “tiền đồ của mỗi người nằm trong tiền đồ của cách mạng, của dân tộc”. Trước cách mạng dù làm gì cũng đều là nô lệ của thực dân. Bây giờ ta đã đánh bẹp thực dân rồi thì bất kỳ làm việc gì, ở đâu ta cũng không phải là nô lệ nữa. Muốn tiền đồ của mình được vẻ vang thì phải cố gắng làm tròn nhiệm vụ, xây dựng tiền đồ của Tổ quốc. Ví dụ như một người đang đi trên một chiếc tàu hoả, xe đang chạy nhưng người đó muốn nhanh hơn nên nhảy ra ngoài. Như thế thì sẽ ra sao? Cho nên muốn tách tiền đồ cá nhân ra khỏi tiền đồ chung là không được.

 Về cán bộ lãnh đạo thì khuyết điểm chính là xa quần chúng, xa thực tế. Như thế là quan liêu mà quan liêu thì dễ mắc nhiều sai lầm, khuyết điểm. Ta cần kiên quyết chống bệnh quan liêu.

 Các chiến sĩ thì còn khuyết điểm là thi đua chưa được thường xuyên, thiếu liên tục. Có kinh nghiệm, sáng kiến cũng không chú ý phổ biến. Cán bộ lãnh đạo lại không theo dõi, bồi dưỡng. Có khi lại máy móc kéo chiến sĩ đi hết hội nghị này đến hội nghị khác; chiến sĩ mà cứ đi báo cáo, xa rời công tác là hết chiến sĩ. Không khéo lãnh đạo phong trào, bồi dưỡng chiến sĩ làm đầu tàu là khuyết điểm; và lãnh đạo cần phải chú ý sửa chữa.

 Về nhiệm vụ thì phải hiểu rõ trong nền kinh tế quốc dân có ba mặt quan trọng: Nông nghiệp, công nghiệp, thương nghiệp. Ba mặt công tác quan hệ mật thiết với nhau. Thương nghiệp là cái khâu giữa nông nghiệp và công nghiệp. Thương nghiệp đưa hàng đến nông thôn phục vụ nông dân, thương nghiệp lại đưa nông sản, nguyên liệu cho thành thị tiêu dùng. Nếu khâu thương nghiệp bị đứt thì không liên kết được nông nghiệp với công nghiệp, không củng cố được công nông liên minh. Công tác thương nghiệp không chạy thì hoạt động nông nghiệp, công nghiệp sẽ bị rời rạc. Các chiến sĩ phải cố gắng làm gương mẫu và giúp đỡ anh chị em khác cùng tiến bộ. Trong ngành thương nghiệp có tới mấy vạn anh chị em cán bộ, công nhân viên, mà chỉ mới có hơn 300 chiến sĩ. Thế là ít. Nguyên nhân một phần do lãnh đạo, một phần là mọi người chưa thực giúp đỡ nhau cùng tiến bộ.

 Toàn thể cán bộ trong ngành phải có ý thức lao động là vẻ vang, rèn luyện tinh thần khắc phục khó khăn, chịu đựng gian khổ để hoàn thành nhiệm vụ của Đảng và Chính phủ giao cho. Phải tích cực chống lãng phí, tham ô, vì những sai lầm đó có hại cho Nhà nước, cho nhân dân và có hại trực tiếp cho cán bộ, nhân viên; phải thực hành tiết kiệm; quản lý tốt của công; quản lý chặt chẽ thị trường; chống đầu cơ tích trữ, bình ổn vật giá phục vụ nhân dân.

 Cần phải tăng cường đoàn kết nội bộ và đoàn kết với nhân dân để làm tròn nhiệm vụ. Trong ngành có nhiều loại cán bộ, phải đoàn kết cho chặt chẽ; nếu chỉ đoàn kết nội bộ mà không đoàn kết với nhân dân thì không làm được việc. Cách mạng thắng lợi, kháng chiến thắng lợi là vì đoàn kết. Vì vậy, khối đoàn kết phải được củng cố và tăng cường để tiếp tục đấu tranh thắng lợi.

  1. Tự phê bình, phê bình, sửa chữa(5)

Tự phê bình là cá nhân, (cơ quan hoặc đoàn thể) thật thà nhận khuyết điểm của mình để sửa chữa, để người khác giúp mình sửa chữa, mà cũng để người khác biết mà tránh những khuyết điểm mình đã phạm.

 Phê bình là thấy ai (cá nhân, cơ quan, đoàn thể) có khuyết điểm thì thành khẩn nói cho họ biết để họ sửa chữa, để họ tiến bộ.

 Mục đích tự phê bình và phê bình đều nhằm giúp nhau sửa chữa khuyết điểm, phát triển ưu điểm, cùng nhau tiến bộ.

 Từ xưa đến nay, có bao giờ bọn phong kiến, tư bản, đế quốc, thực dân tự phê bình và để người khác phê bình chúng không? Không! Bởi vì chúng không muốn mà cũng không thể sửa chữa khuyết điểm căn bản của chúng là chế độ người bóc lột người. Hơn nữa, ai phê bình thì bị chúng khủng bố. Chỉ có nhân dân dám phê bình chúng bằng cách mạng đánh đổ chúng.

 Dưới chế độ dân chủ, thì mọi người, trước hết là mọi cán bộ, mọi cơ quan và đoàn thể cần phải thật thà tự phê bình và hoan nghênh người khác phê bình mình; có như vậy mới tiến bộ được.

Phê bình là cốt để giúp nhau tiến bộ. Cho nên phê bình phải có thái độ thành khẩn, tính chất xây dựng. Không nên phê bình ẩu, phê bình suông. Khi phê bình cần phải xét nguyên nhân của khuyết điểm, phải cân nhắc đến ưu điểm, phải đề ra cách sửa chữa. Thí dụ: Nhân dân ta mạnh dạn phê bình. Đó là một điều rất tốt. Thế là dân chủ thật sự. Nhưng khi phê bình, chúng ta cần phải:

 - Xét rõ nguyên nhân của những khuyết điểm, những khó khăn. Như: Nước ta bị phong kiến thống trị hàng nghìn năm, bị thực dân áp bức bóc lột gần 100 năm, chiến tranh tàn phá suốt 15 năm, miền Bắc giải phóng chưa đầy hai năm, hạn lụt liên tiếp, v.v..

 - Kiểm điểm thành tích - Cải cách ruộng đất căn bản thắng lợi, gần 8 triệu nông dân có ruộng cày, hơn 386 vạn nông dân đã vào nông hội, 14 nông giang lớn và 3.600 cây số đê đã được xây đắp, tu bổ. Chúng ta đã khôi phục nhiều xí nghiệp cũ và xây dựng một số nhà máy mới, đã đắp lại hơn 500 cây số đường xe lửa. Nhiều trường học được mở thêm, chỉ trong mấy tháng đã hơn 2 triệu đồng bào thanh toán nạn mù chữ...

 - So với thời gian non hai năm thì những thắng lợi căn bản ấy không phải là ít; nhưng khuyết điểm chắc cũng có nhiều. (Có khi khuyết điểm là cái bóng của thành tích).

 Đảng và Chính phủ ta rất sẵn sàng nhận những lời phê bình của nhân dân và có quyết tâm sửa chữa. Cho nên khi phê bình, chúng ta cần phê bình một cách thiết thực và đề nghị phương pháp sửa chữa hợp lý. Phê bình và giúp đỡ sửa chữa, đó là quyền lợi và nghĩa vụ dân chủ của nhân dân ta.

 Chỉ có đảng chân chính cách mạng và chính quyền thật dân chủ mới dám mạnh dạn tự phê bình, hoan nghênh phê bình, và kiên quyết sửa chữa . Do tự phê bình và phê bình, nhất là phê bình từ dưới lên - mà chúng ta đoàn kết càng chặt chẽ, càng đồng tâm nhất trí, càng tiến bộ không ngừng, càng chắc chắn thắng lợi trong sự nghiệp xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh.

  1. Nói chuyện với anh chị em công nhân Nhà máy Diêm Thống Nhất(6)

Mọi người phải biết ơn Liên Xô và các nước bạn đã giúp đỡ nhân dân ta kiến thiết Tổ quốc và phải học tập tinh thần quốc tế cao cả của các đồng chí chuyên gia và công nhân các nước bạn. Anh chị em phải nhận rõ ngày nay công nhân đã làm chủ nhà máy, phải làm sao xứng đáng với địa vị đó, phải ra sức làm cho nhà máy phát triển, thực hiện tăng gia sản xuất và tiết kiệm, chống lãng phí, triệt để tôn trọng kỷ luật lao động. Lợi ích của công nhân đi đôi với lợi ích chung của nhà máy. Nếu đời sống được cải thiện và mọi người được khoẻ mạnh thì sẽ phấn khởi thi đua sản xuất, làm cho nhà máy thu được nhiều kết quả. Nếu nhà máy phát triển thì có khả năng để cải thiện đời sống của công nhân và nhân viên. Do đó, muốn đời sống được cải thiện thì anh chị em công nhân phải cố gắng sản xuất, còn các cán bộ phụ trách phải luôn luôn chú ý săn sóc đến đời sống của công nhân. Cán bộ phụ trách phải chú ý hơn nữa đến việc chăm nom săn sóc các cháu trong nhà máy vì như vậy mới làm cho cha mẹ các cháu yên tâm sản xuất và sau này các cháu mới trở thành những công nhân, cán bộ khoẻ mạnh để phục vụ Tổ quốc.

Toàn thể anh chị em phải thực hiện đoàn kết dân chủ, chống quan liêu, tham ô, lãng phí, thành khẩn phê bình, tự phê bình để giúp nhau tiến bộ. Nhà máy Diêm Thống nhất là nhà máy xây dựng xong đầu tiên ở miền Bắc. Vì vậy, các cán bộ, công nhân viên cùng phải cố gắng làm gương mẫu về mọi mặt. Các cán bộ lãnh đạo chi bộ, đoàn thanh niên, công đoàn của nhà máy phải làm cho nội bộ đoàn kết, toàn xưởng đoàn kết, đoàn kết với đồng bào địa phương, chú trọng giáo dục công nhân, thực hiện dân chủ, đẩy mạnh thi đua sản xuất, tiết kiệm và chú trọng săn sóc đến đời sống của anh chị em công nhân trong nhà máy, để góp phần thiết thực củng cố miền Bắc, chiếu cố miền Nam, thực hiện một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh.

  1. Phải xem trọng ý kiến của quần chúng(7)

Nhân dân ta đã tiến bộ nhiều. Không những trong các cuộc hội họp, quần chúng đã thẳng thắn bày tỏ ý kiến của mình, mà nhiều khi còn gửi thư cho các báo, cơ quan và đoàn thể, hoặc thành khẩn phê bình và tự phê bình, hoặc nêu những đề nghị thiết thực.

 Đó là một điều rất tốt: Nó làm cho nhân dân càng gần gũi và càng tin tưởng đoàn thể và chính quyền. Nó làm cho đoàn thể và chính quyền càng hiểu thấu nguyện vọng của quần chúng, càng thấy rõ những thiếu sót của mình để sửa chữa. Nó làm cho chúng ta đoàn kết càng chặt chẽ. Nó càng chứng tỏ chế độ của ta là thật sự dân chủ.

 Trách nhiệm của cán bộ chính quyền và đoàn thể là phải xem trọng những phê bình và những đề nghị của quần chúng. Những cán bộ (hoặc cơ quan, đoàn thể) được phê bình cần phải thật thà và công khai tự phê bình, ra sức sửa chữa. Nếu lời phê bình có chỗ không thật đúng, thì phải giải thích rõ ràng cho quần chúng hiểu. Nhưng dù phê bình đúng cả hay là chỉ đúng một phần nào, chúng ta cũng cần luôn luôn hoan nghênh quần chúng phê bình. Tuyệt đối không được áp bức phê bình. Chúng ta phải nhớ rằng cán bộ đoàn thể cũng như chính quyền, từ trên đến dưới, đều là đày tớ của nhân dân, phải xem trọng ý kiến của nhân dân. Nhiều cán bộ ta cố gắng làm đúng như thế.

Nhưng vẫn có nhiều cán bộ không làm đúng như vậy. Vài thí dụ:

 Các báo thường đăng lời phê bình của nhân dân. Nhưng nhiều khi như “nước đổ đầu vịt”, cán bộ, cơ quan và đoàn thể được phê bình cứ im hơi lặng tiếng, không tự kiểm điểm, không đăng báo tự phê bình và hứa sửa chữa.

 Thậm chí có cán bộ địa phương đã tự tiện bóc thư cấp trên gửi cho nhân dân, dùng dằng trao thư ấy cho nhân dân một cách chậm trễ, hoặc không trao mà cán bộ tự viết trả lời cho cấp trên (như Uỷ ban Hành chính xã Đồng Minh, Nam Ninh). Có cán bộ đã doạ nạt nhân dân vì họ đã gửi thư cho cấp trên (như Phó Chủ tịch xã Xuân Yên, Hà Tĩnh).

Làm như vậy, các đồng chí ấy đã phạm kỷ luật: Một là bóc thư riêng của người khác; hai là bưng bít tai mắt cấp trên, bịt mồm bịt miệng quần chúng. Sai lầm ấy phải được chấm dứt.

 Một điểm nữa cần nói: Phê bình và đề nghị là quyền dân chủ của mọi công dân. Khi gửi thư cần suy xét kỹ lưỡng, bày tỏ thật thà, viết tên họ và địa điểm rõ ràng, thì cơ quan nhận được thư mới có thể điều tra, nghiên cứu. Thư mà không có tên họ và địa điểm là không có giá trị gì.

 Nói tóm lại, cán bộ, cơ quan và đoàn thể cần thật sự xem trọng ý kiến của quần chúng nhân dân./.

Chú thích:

(1). Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.4, tr.49.

(2).  Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.7, tr.413-415

(3).  Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.8, tr.84-85

(4). Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.8, tr.172-175.

(5). Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.8, tr.222-22.

(6). Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.8, tr.232-233.

(7). Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.8, tr.238-239.

Còn nữa

Huyền Trang (tổng hợp)

Bài viết khác: