Thứ sáu, 19/04/2024

Trong bài Nói về công tác huấn luyện và học tập (5-1950), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề cập đến một loại tài liệu đặc biệt: Những kinh nghiệm do những người đi học mang đến. Để nâng cao chất lượng việc dạy học lý luận chính trị, khắc phục tình trạng suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức của một số cán bộ, đảng viên hiện nay, việc khai thác và phát huy tài liệu này có ý nghĩa thiết thực.

 ve tai lieu

  1. 1. Vai trò của công tác huấn luyện cán bộ

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành mối quan tâm đặc biệt đối với công tác đào tạo, bồi dưỡng, huấn luyện cán bộ. Người khẳng định: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”(1). “Công việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém”(2). “Cán bộ là tiền vốn của đoàn thể. Có vốn mới làm ra lãi. Bất cứ chính sách, công tác gì nếu có cán bộ tốt thì thành công, tức là có lãi. Không có cán bộ tốt thì hỏng việc, tức là lỗ vốn”(3)… Do đó, công tác huấn luyện cán bộ có vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng, “là công việc gốc của Đảng” để đào tạo đội ngũ cán bộ “vừa hồng, vừa chuyên”, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Ý thức được tầm quan trọng của công tác đào tạo, huấn luyện cán bộ, năm 1925, Nguyễn Ái Quốc mở các lớp đào tạo, huấn luyện cán bộ, chuẩn bị các điều kiện trực tiếp về tư tưởng lý luận, về chính trị và tổ chức cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam sau này.

Sau Cách mạng tháng Tám, trước nhu cầu phải có ngày càng nhiều cán bộ cho công cuộc kháng chiến và kiến quốc, năm 1949, tại căn cứ địa Việt Bắc, Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc chính thức được thành lập. Và chính Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt nền móng cho sự phát triển của Trường Đảng, giúp Đảng ngày càng có thêm nhiều cán bộ ưu tú, giữ vững sự trong sạch, vững mạnh, tạo dựng niềm tin với nhân dân.

Để công tác huấn luyện cán bộ thành công, có hiệu quả, tránh hình thức, chạy theo số lượng, thành tích, Người từng phê bình, nhắc nhở người dạy, người học và cả cơ sở đào tạo khi “huấn luyện còn hữu danh vô thực, làm chỉ cốt nhiều mà không thiết thực, chu đáo”(4). Người chỉ rõ, muốn huấn luyện cán bộ có phẩm chất, năng lực, trình độ, đòi hỏi người huấn luyện phải thạo nghề, “phải làm kiểu mẫu về mọi mặt: Tư tưởng, đạo đức, lối làm việc. Phải học thêm mãi. Người huấn luyện nào tự cho mình là biết đủ cả rồi, thì người đó dốt nhất”(5). Về cách thức, phương pháp huấn luyện, Người nhấn mạnh: “Cốt thiết thực, chu đáo hơn tham nhiều, huấn luyện từ dưới lên trên; gắn liền lý luận với công tác thực tế; huấn luyện phải nhằm đúng nhu cầu; phải chú trọng việc cải tạo tư tưởng”(6).

Đối với người học, Người yêu cầu “phải biết tự động học tập”, phải xác định rõ mục đích của việc học: “Học để làm việc, làm người, làm cán bộ. Học để phụng sự đoàn thể, giai cấp và nhân dân, Tổ quốc và nhân loại”(7). Học để sửa chữa tư tưởng, tu dưỡng đạo đức cách mạng, tin tưởng vào đoàn thể, nhân dân, tương lai của dân tộc và cách mạng; học để hành. Trong quá trình học, ngoài nghiên cứu, học tập chủ nghĩa Mác - Lênin, cần phải học tập kinh nghiệm, lối sống của nhân dân. “Học ở trường, học ở sách vở, học lẫn nhau và học nhân dân, không học nhân dân là một thiếu sót rất lớn”(8).

Đối với cơ sở đào tạo và những người có trách nhiệm trong công tác tổ chức, huấn luyện cán bộ, lời nhắc nhở của người đến nay vẫn nguyên giá trị. Người yêu cầu khắc phục tình trạng “tham làm nhiều mà làm không chu đáo”; lớp quá đông, không đáp ứng được sự chênh lệch trình độ, năng lực công tác của người học. Đặc biệt, tình trạng mở lớp, mở trường tràn lan, không đúng mục đích gây lãng phí cần được chấn chỉnh.

  1. Về “tài liệu đặc biệt” trong huấn luyện cán bộ

Trong công tác đào tạo, huấn luyện cán bộ, tài liệu học tập có vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng; là cầu nối giữa người dạy và người học, là phương tiện hữu hiệu trong việc định hướng tư tưởng; là cơ sở của việc học tập, nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ cũng như rèn luyện tác phong, đạo đức.

Đề cập đến loại tài liệu trong huấn luyện, Người khẳng định: “Trước hết phải lấy những tài liệu về chủ nghĩa Mác - Lê-nin làm gốc”, bởi đó là cơ sở lý luận, nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam hành động. Những di sản lý luận của các nhà kinh điển chính là sự đúc kết những bài học từ kinh nghiệm thực tiễn, từ hoạt động cách mạng với khát vọng giải phóng áp bức bất công, mang lại hạnh phúc, no ấm cho con người. Trong học tập lý luận, cần khai thác, biên soạn, giảng dạy, học tập những tài liệu đó cho phù hợp với trình độ người học. Tài liệu không thích hợp thì việc học không ích gì.

Bên cạnh những tài liệu về chủ nghĩa Mác - Lênin; những chỉ thị, nghị quyết, luật, lệnh của Đoàn thể và Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn đặc biệt nhấn mạnh đến loại tài liệu đặc biệt, “tài liệu sống”, “tài liệu sinh động, phong phú” do chính những người đi học mang tới. Người nói: “Ngoài những tài liệu về chủ nghĩa Mác - Lênin, còn có những tài liệu thiết thực. Đó là những kinh nghiệm do những người đi học mang đến, kinh nghiệm thành công cũng như kinh nghiệm thất bại. Những kinh nghiệm đó đem trao đổi, gom góp lại tức là những bài học quý, không phải cứ chờ đồng chí cấp trên đến nói chuyện thì mới là bài, là học”(9).

Điều đó thể hiện quan điểm kết hợp giữa học với hành của Hồ Chí Minh. Là sự kết hợp nhuần nhị giữa học với hành, bởi “biết lý luận mà không thực hành là lý luận suông. Làm mà không có lý luận thì không khác gì đi mò trong đêm tối”. Trong công tác huấn luyện cũng vậy, bên cạnh những tri thức lý luận trong sách vở kinh điển, người dạy cần biết khai thác, phát huy thế mạnh, tiềm năng của những người học. Họ là những người trưởng thành, có nhiều kinh nghiệm từ thực tiễn. Việc kết hợp hài hòa giữa tư duy lý luận và kinh nghiệm thực tiễn, giữa người dạy và người học sẽ tạo nên những giờ học sôi nổi, ý nghĩa; vừa làm sáng tỏ những vấn đề lý luận, vừa góp phần giải quyết những vấn đề mà thực tiễn đặt ra; vừa giúp bài giảng không đơn điệu, nhàm chán. Bên cạnh đó, người dạy cần tạo không khí dân chủ, cởi mở, thẳng thắn trong học tập; tránh thuyết giảng một chiều, đơn điệu; tăng cường đối thoại, trao đổi thông tin.

Việc khai thác loại tài liệu đặc biệt đòi hỏi trình độ, năng lực sư phạm, tâm huyết, tài năng, bản lĩnh trong việc tổ chức, huy động sức mạnh tập thể của người dạy.

  1. Phát huy “tài liệu đặc biệt” trong dạy học lý luận chính trị hiện nay

Hiện nay, “Công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, đảng viên về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, giảng dạy và học tập nghị quyết của Đảng chưa được coi trọng đúng mức, kém hiệu quả, nội dung và phương pháp giáo dục, truyền đạt chậm đổi mới; chưa tạo được sự thống nhất cao trong nhận thức về tình trạng suy thoái”(10) dẫn đến việc “nhận thức sai lệch về ý nghĩa, tầm quan trọng của lý luận và học tập lý luận chính trị; lười học tập chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước”(11) chính là một trong những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị cần được khắc phục hiện nay. Tình trạng này cần được khắc phục bằng những hành động cụ thể.

Thứ nhất, đối với cơ sở đào tạo, cần thấm nhuần sâu sắc lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác huấn luyện cán bộ. Tránh chạy theo thành tích, số lượng, coi nhẹ chất lượng. Cần phân loại đối tượng người học, chú trọng đến tâm lý, đặc trưng vùng miền, lứa tuổi, trình độ nghề nghiệp để có phương pháp phù hợp. Đào tạo, bồi dưỡng cần gắn với nhu cầu, đòi hỏi của xã hội, phục vụ hiệu quả công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn hiện nay.

Thứ hai, đối với công tác biên soạn giáo trình, cần lấy tài liệu về chủ nghĩa Mác - Lênin làm gốc; chắt lọc tinh hoa, hạt nhân hợp lý trong di sản của các nhà kinh điển; tránh lối biên soạn ôm đồm, dàn trải, thiếu trọng tâm, trọng điểm, không phù hợp với đối tượng và tình hình thực tiễn. Tài liệu, giáo trình phải không ngừng được bổ sung, cập nhật những tri thức mới; loại bỏ những đơn vị kiến thức lạc hậu, chồng chéo; gắn tri thức lý luận với những bài học kinh nghiệm trong cuộc sống.

Thứ ba, người dạy cần không ngừng học hỏi, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; am hiểu lý luận, nắm bắt kịp thời tình hình thực tiễn. Không ngừng đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy. Đặc biệt cần tương tác với người học, chú ý khai thác hợp lý những kinh nghiệm thực tiễn của học viên để góp phần nâng cao kiến thức thực tiễn cho giảng viên, đóng góp thiết thực vào công tác nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn. Trong giảng dạy, cần thực hành quy tắc dân chủ, cởi mở, thẳng thắn, chân tình, cầu thị lắng nghe để chia sẻ, cùng học viên giải quyết những tình huống phức tạp nảy sinh từ cuộc sống.

Việc phát huy hiệu quả của nhiều loại tài liệu, trong đó có tài liệu sống từ kinh nghiệm thực tiễn của người học, cần được phát huy mạnh mẽ, nhất là trong bối cảnh hiện nay để việc học tập lý luận thiết thực hiệu quả, tạo những thế hệ cán bộ “vừa hồng, vừa chuyên”, góp phần tích cực vào công tác xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh./.

----------------------------------

(1), (2), (7), (8). Hồ Chí Minh, Toàn tập, t.5, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.267, 271, 682.

(3), (4), (5), (6), (8), (9). Hồ Chí Minh, Toàn tập, t.6, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr. 46-50.

(10), (11). Nguồn: http://tuoitre.vn/tin/chinh-tri-xa-hoi/20161031/toan-van-nghi-quyet-trung-uong-4-khoa-xii/1211059.html

  1. Nguyễn Huy Phòng - Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Nguồn http://lyluanchinhtri.vn

Trần Thanh Huyền (st)

Bài viết khác: