Thứ sáu, 29/03/2024

Thua trên bầu trời Hà Nội

Lực lượng nòng cốt chống lại “con bài chiến lược” B52 của Mỹ là các đơn vị tên lửa phòng không, với những bệ phóng tên lửa SAM 2 (theo cách gọi của Mỹ hay S75 theo cách gọi của Liên Xô). Để đối phó và tìm ra cách đánh B52 hiệu quả nhất, từ năm 1967, Sư đoàn Phòng không 361 đã đưa các trung đoàn tên lửa vào Trường Sơn và bắc Quảng Trị để tiếp cận B52 và nghiên cứu các chiến thuật gây nhiễu điện tử của không quân Mỹ. Sau một số trận chiến đấu, các ghi nhận này đã được cơ quan tham mưu phân tích và đúc kết thành cuốn Cẩm nang bìa đỏ nổi tiếng của quân chủng. Trong tháng 10/1972, cuốn Cẩm nang này được chuyển đến tất cả các tiểu đoàn tên lửa để nghiên cứu luyện tập phương án đánh B52 nếu chúng tấn công quy mô lớn vào Hà Nội.

BDP 2.1
Người dân Mỹ biểu tình phản đối cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ tại Việt Nam.

Cho đến khi đó, hệ thống radar của SAM 2 đã được cải tiến 4 lần với 40 nội dung kỹ thuật để có thể đối đầu hiệu quả với cuộc chiến tranh điện tử của không lực Hoa Kỳ. Các “miếng” đánh kỹ thuật chống tên lửa shrike từ các máy bay tiêm kích hộ tống B52 phóng vào các trạm radar cũng được hoàn thiện và luyện tập thành thục. Cuốn Cẩm nang bìa đỏ cũng hướng dẫn cho các cấp chỉ huy tiểu đoàn tên lửa về công tác chỉ huy, cách chọn dải nhiễu, chọn thời cơ phát sóng, cự ly phóng đạn, phương pháp bắn, phương pháp bám sát mục tiêu trong nhiễu... Riêng trong 12 ngày đêm cuối tháng 12/1972, 14 tiểu đoàn tên lửa SAM 2 bảo vệ Hà Nội và Hải Phòng đã bắn rơi 27 máy bay B52. Cho đến nay, Việt Nam là nước duy nhất trên thế giới đã sử dụng tên lửa SAM 2 đánh thắng máy bay ném bom chiến lược B52 của không lực Hoa Kỳ.

Làn sóng phản đối cuộc chiến tranh của Mỹ trên thế giới và trong nước Mỹ càng bùng lên mạnh mẽ ở nhiều nơi trên thế giới và trong nước Mỹ. Ngày 2/1/1973, với 154/75 phiếu, Hạ viện Mỹ ra Nghị quyết đòi cắt tất cả các khoản ngân sách cho chiến tranh Đông Dương, trừ các chi phí cho việc rút quân và hồi hương tù binh.

Tháng 5 năm 1972, Đại tướng Võ Nguyên Giáp bất ngờ nêu câu hỏi với các cán bộ tham mưu tác chiến của Quân chủng Phòng không: “Tỷ lệ B52 bị bắn rơi mức độ nào thì Nhà Trắng rung chuyển, mức độ nào thì Mỹ không chịu nổi, phải thua?”. Cho đến lúc đó các phương án đánh B52 trên bầu trời Hà Nội, Hải Phòng đều đã có những yêu cầu về hiệu suất chiến đấu từng trận, từng ngày nhưng chưa nói đến chỉ tiêu về tỷ lệ bắn rơi B52. Đại tướng Tổng Tư lệnh đã phát hiện ra thiếu sót đó. Sau mấy tuần vật lộn với những con số, câu trả lời đã được đưa ra:

• N1 - tỷ lệ Mỹ chịu đựng được là 1 -2% (trên tổng số B52 tham chiến của Mỹ);

• N2 - tỷ lệ làm Nhà Trắng rung chuyển là 6 - 7%;

• N3 - tỷ lệ buộc Mỹ thua cuộc là trên 10%.

Câu hỏi tiếp theo của Tổng Tư lệnh với Quân chủng Phòng không là: Quân chủng chọn tỷ lệ nào? Câu trả lời lần này có ngay lập tức: Chúng tôi loại trừ N1, quyết tâm đạt N2 và vươn tới N3. Đại tướng chỉ thị: Muốn vậy quân chủng phải làm tốt hai việc: Khẩn trương hoàn thành kế hoạch đánh B52 bảo vệ Hà Nội, Hải Phòng để dựa vào đó hoàn tất mọi công tác chuẩn bị; gấp rút hoàn chỉnh các tài liệu về cách đánh B52 để lấy đó mà huấn luyện cho bộ đội thật thành thạo. Quân chủng Phòng không đã thực hiện xuất sắc chỉ thị đó, hoàn thành vượt mức chỉ tiêu N3. Trong 12 ngày đêm mùa đông năm đó, tỷ lệ B52 bị bắn hạ là 17,6% (34/197 chiếc). Hà Nội góp công trong đó 23 chiếc và đã làm nên một Điện Biên Phủ trên không lừng lẫy địa cầu.

DBP 2.2
Lễ ký Hiệp định Pari ngày 27/1/1973.

Cố gắng của Mỹ dùng B52 ném bom hủy diệt Hà Nội những ngày cuối năm 1972 đã gây cho nhân dân Việt Nam nhiều tổn thất đau thương nhưng cũng đem lại cho nước Mỹ những thiệt hại to lớn cả về quân sự và chính trị.

Không thể sửa Điều 1

Trận “Điện Biên Phủ trên không” ở Hà Nội đã quyết định kết cục của cuộc đàm phán ở Pari. Dù Tổng thống Nixon có thể cho phép mình tin rằng phía Việt Nam chấp nhận họp lại ở Pari để thương lượng là “sự đầu hàng tuyệt vời của địch theo các điều kiện của chúng ta” nhưng ngày 6/1/1973, Cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ tới Pari trong vòng hào quang chiến thắng và Mỹ đã phải chấp nhận ký Hiệp định Pari ngày 27/1/1973. Nixon và Kissinger đã thua ở Pari sau khi B52 đã thua trên bầu trời Hà Nội.

“Điện Biên Phủ trên không” đã làm Mỹ thiệt hại 81 máy bay, trong đó có 34 “pháo đài bay” B52; 43 phi công Mỹ bị bắt sống... (2) Nếu tiếp tục mức độ tổn thất như 12 ngày đêm cuối tháng 12/1972 trên bầu trời Hà Nội thì Mỹ sẽ hết máy bay chiến lược B52 trong vài tháng. Ngoài ra và trầm trọng hơn là tổn thất to lớn về lực lượng phi công lái B52 - thứ còn khó thay thế hơn B52.

Khi đặt bút ký Hiệp định Pari, phía Mỹ cũng đã đạt được phần nào những gì họ muốn: Đưa quân viễn chinh cùng tù binh Mỹ ra khỏi cuộc chiến ở Việt Nam và xoa dịu dư luận bằng một hiệp định hòa bình; Thiệu cũng giữ được chính quyền và bấu víu vào những cam kết trợ giúp của Mỹ. Tuy nhiên, Mỹ cũng không thể loại bỏ được những gì họ không muốn: Lực lượng vũ trang, chính trị của Việt Nam Dân chủ cộng hòa và Cộng hòa miền Nam Việt Nam vẫn giữ nguyên.

Mỹ buộc phải thừa nhận miền Nam Việt Nam có hai chính quyền, hai quân đội, hai vùng kiểm soát, ba lực lượng chính trị; Mỹ phải rút khỏi miền Nam Việt Nam toàn bộ quân đội, cố vấn và nhân viên quân sự (kể cả nhân viên kỹ thuật quân sự và nhân viên quân sự liên quan đến chương trình bình định), thu hồi và rút bỏ vũ khí, dụng cụ chiến tranh của Mỹ và các nước ngoài khác trong thời hạn 60 ngày trong khi quân đội của miền Bắc Việt Nam vẫn ở tại vị trí của mình. Những điều đó không phải là bất ngờ đối với Mỹ. Họ cũng đã dự kiến và gấp rút thực hiện những biện pháp đối phó với những bất lợi bị Hiệp định Pari quy định. Hay nói cách khác, Mỹ và chính quyền Thiệu đã chuẩn bị vi phạm Hiệp định Pari từ trước khi ký.

Ngày 10/2/1973, ông Kissinger đến Hà Nội trong một chuyến đi không có lễ đón chính thức. Kissinger và những cộng sự của ông ta trong đoàn là những công chức Mỹ đầu tiên đi lại tự do trên đường phố Hà Nội kể từ sau năm 1954. Cách những bước chân của Kissinger lúc đó không xa là những đồng hương lái máy bay B52 của ông đang là tù binh bị giam giữ tại Hỏa Lò.

Về sau, ông Kissinger viết trong hồi ký của mình: “Người Việt Nam đã sống qua hàng thế kỷ dưới ách thống trị của phong kiến Trung Quốc mà không hề đánh mất bản sắc văn hóa, đây là một kỳ công hiếm khi được nghe nói đến. Sau đó, họ đã chiến thắng sự xâm lược của Pháp, luôn ấp ủ một niềm tin rằng cuối cùng họ sẽ chiến thắng mọi kẻ thù xâm lược” (3). Ông ta tỏ ra hiểu hơn vì sao Đoàn đàm phán của Việt Nam Dân chủ cộng hòa ở Pa-ri đã kiên quyết giữ Điều 1 (Chương I) trong Hiệp định: “Hoa Kỳ và các nước khác tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của nước Việt Nam như Hiệp định Giơnevơ năm một nghìn chín trăm năm mươi tư (1954) về Việt Nam đã công nhận” (4).

*
*    *

“Pháo đài bay” B52 và cuộc tấn công tàn bạo trong dịp Giáng sinh năm 1972 của Nixon đã không lật ngược được thế cờ. Vượt qua mọi toan tính chiến lược và sách lược của Mỹ và chính quyền Thiệu cố “giữ miền Nam Việt Nam khỏi rơi vào tay cộng sản”, xu thế chiến thắng giải phóng miền Nam - thống nhất đất nước sau Hiệp định Pa-ri của quân và dân hai miền Nam - Bắc là tất yếu trong sự suy yếu cả về thế và lực của chính quyền Sài Gòn trên chính trường và trên chiến trường.

            (1) Theo Hồi ký của Thượng tướng Phùng Thế Tài - Tạp chí Lịch sử quân sự - số 12.1987

            (2) Lịch sử Đảng cộng sản Việt Nam (1954 - 1975) - Nxb CTQG; Hà Nội, 1995, Tập II, 578

            (3) Henry Kissinger, Kết thúc chiến tranh Việt Nam, Sđd, tập 2, tr 296

            (4) Lưu Văn Lợi, Nguyễn Anh Vũ (1996) - Các cuộc thương lượng Lê Đức Thọ - Kissinger tại Pari, Nxb Công an nhân dân, Hà Nội, tr 450; 451

Theo Baotintuc.vn
Huyền Trang (st)

Bài viết khác: