Thứ sáu, 29/03/2024

Từ năm 2013, Bộ Quốc phòng giao cho các Hội đồng nghĩa vụ quân sự địa phương làm "tròn khâu" từ sơ tuyển, khám sức khỏe, thâm nhập đến gọi công dân nhập ngũ sau đó bàn giao cho các đơn vị nhận quân. Đặc biệt, Bộ Quốc phòng cho phép Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng được phối hợp với các địa phương tuyển chọn trực tiếp các thanh niên nhập ngũ để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và phát huy ý nghĩa chính trị, văn hoá của Công trình Lăng trong giai đoan mới.

Vinh du lam chien sy bao ve

Cán bộ Đoàn 285 chụp ảnh lưu niệm khi tiếp nhận chiến sỹ mới

Nhớ lại những ngày cuối năm 2012, Đoàn cán bộ tuyển quân của Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng tỏa về các địa phương thâm nhập "3 gặp, 4 biết" tuyển chọn những thanh niên dự kiến nhập ngũ vào đơn vị đợt 1 năm 2013. Đợt này, đơn vị tuyển quân trải rộng trên 9 tỉnh: Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nam, Nam Định, Thái Bình, Hoà Bình, Vĩnh Phúc, Phú Thọ và Tuyên Quang với gần 40 huyện, thị. Ở đâu, cấp uỷ, chính quyền và nhân dân các địa phương cũng luôn dành tình cảm tốt đẹp đối với cán bộ, chiến sĩ công tác tại Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đón Đoàn cán bộ tuyển quân tại Ban Chỉ huy quân sự huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương, đồng chí Thượng tá Nguyễn Trung Thái - Ủy viên Thường vụ Huyện ủy, Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự huyện vừa bắt tay vừa vui mừng thông báo: "Được tin Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng về tuyển quân, nhân dân trong huyện rất phấn khởi. Thanh niên nào trúng tuyển nghĩa vụ quân sự cũng mong muốn được về Lăng Bác công tác. Nhiều năm liền, huyện Ninh Giang cũng có thanh niên nhập ngũ về Lăng Bác. Cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân trong huyện luôn mong muốn con em được tu dưỡng, rèn luyện tại đơn vị. Sau hai năm được học tập, rèn luyện tại Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, các thanh niên sẽ là những tấm gương sáng trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và thành những hạt giống đỏ, nguồn cán bộ tương lai của địa phương".

            Chia tay các đồng chí trong Ban Chỉ huy quân sự huyện, chúng tôi về các xã tiến hành gặp địa phương, gặp gia đình và gặp quân nhân để biết lai lịch, hoàn cảnh gia đình, sức khoẻ và nguyện vọng của thanh niên. Chính quyền và nhân dân địa phương luôn tạo điều kiện cho Đoàn tuyển quân hoàn thành nhiệm vụ, tuyển chọn được những thanh niên ưu tú nhất. Nhiều thanh niên chưa đủ tuổi sẵn sàng viết đơn tình nguyện nhập ngũ hoặc đi làm xa hàng trăm cây số cũng được gia đình gọi về gặp cán bộ tuyển quân với mong muốn cháy bỏng được về công tác tại Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng. Biết có cán bộ tuyển quân của Lăng Bác về, ông Đoàn Văn Thân, 70 tuổi, xã Hiệp Lực, Ninh Giang đến tận nơi làm việc của Đoàn tha thiết mời về thăm gia đình. Trong câu chuyện, ông bồi hồi, xúc động nói: "Bác Hồ đã hai lần về thăm Ninh Giang, ngày 26/7/1962, Bác về thăm xã Hiệp Lực, cùng làm ruộng với bà con nông dân. Tình cảm của Bác dành cho nhân dân không thể nào tả hết. Gia đình chỉ mong sao con cháu được góp phần công sức nhỏ bé giữ yên giấc ngủ của Người, cháu tôi cũng khám tuyển nghĩa vụ quân sự đợt này chỉ tiếc cháu không đủ chiều cao 1m70 theo tiêu chuẩn của đơn vị".

            Mỗi địa phương, mỗi người dân thể hiện tình cảm đối với Bác Hồ và cán bộ, chiến sĩ Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng theo một cách riêng. Truyền thống Bộ đội Lăng được truyền từ lớp chiến sĩ trước sang lớp chiến sĩ sau, từ thế hệ này sang thế hệ khác tạo nên niềm tin vững chắc trong nhân dân. Ngay từ lần gặp đầu tiên, thanh niên Nguyễn Văn Tùng quê Hưng Đạo, Tứ Kỳ, Hải Dương đã bày tỏ "30 năm trước, bố em từng là chiến sĩ Đội Cảnh vệ đặc biệt, Đoàn 275, Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng. Mỗi lần kể về đơn vị bố em rất xúc động. Năm nào Hội đồng ngũ trong huyện của bố em cũng tổ chức gặp mặt ôn lại kỷ niệm về những ngày làm nhiệm vụ bên Lăng Bác. Năm nay em đủ tuổi nhập ngũ, xin phép ông, bà, bố, mẹ em làm đơn tình nguyện nhập ngũ mong muốn được tiếp nối truyền thống của cha giữ yên giấc ngủ của Người. Nếu được về Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng công tác, em biết sẽ có nhiều khó khăn, vất vả, nhưng em quyết tâm phấn đấu noi gương cha anh, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ".

            Trước tình cảm chân thành của chính quyền và nhân dân địa phương, đồng chí Thiếu tá Vũ Quý Dương, cán bộ Đoàn tuyển quân tâm sự: "Ở đâu nhân dân cũng hướng về Lăng Bác, luôn dành tình cảm tốt đẹp cho cán bộ, chiến sĩ Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng. Vì vậy mọi cán bộ phải nâng cao trách nhiệm quản lý, giáo dục rèn luyện bộ đội tốt hơn nữa để xứng đáng với niềm tin của nhân dân"./. 

Nguyễn Văn Vượng

Bài viết khác: