Thứ năm, 18/04/2024

Đó là tên tiết mục độc tấu sáo trúc của học viên Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội thể hiện trong chương trình nghệ thuật do thày và trò Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội biểu diễn tại Quảng trường Ba Đình chiều ngày 02/02/2013 chào mừng kỷ niệm 83 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam và đón Xuân Quý Tỵ.

Bieu dien nhac cu dan toc

Tiết mục biểu diễn với nhạc cụ dân tộc

            Hòa vào dòng người tham dự và thưởng thức chương trình nghệ thuật do thày và trò Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội biểu diễn dưới bóng tre ngà bên Lăng Bác, tôi thật sự ấn tượng với tiết mục độc tấu sáo “Cánh chim tự do”, sáng tác của Tiến Vượng, do một học viên của Nhà trường biểu diễn cùng dàn nhạc dân tộc. Tiếng sáo trúc vút lên trong không gian mênh mông của Quảng trường Ba Đình càng làm tăng thêm giá trị của tác phẩm, thể hiện niềm khát khao tự do của chim bồ câu - loài chim tượng trưng cho hòa bình. Tiết mục độc tấu sáo trúc đã nhận được những tràng pháo tay nhiệt tình của khán giả, nhất là những du khách người nước ngoài tham quan trên Quảng trường.

Tranh thủ khoảng thời gian ngắn giữa hai tiết mục, tôi đã gặp gỡ với người đã thể hiện thành công tiết mục độc tấu sáo trúc, được biết đó là Vàng Minh Dương, người dân tộc Tày, học viên lớp Đại học khóa II của Trường. Sinh năm 1992, ngay từ nhỏ, Dương lớn lên trong tiếng sáo trúc của cha, thấm đẫm  từng nét văn hóa dân gian của quê hương mình. Cây sáo trúc luôn là người bạn thân thiết với Dương ngay cả khi đi làm nương rẫy hay trên đường tới trường... Và rồi, Dương đã bén duyên với con đường nghệ thuật khi Đoàn Văn công lên biểu diễn và phát hiện ra tài năng của chú bé. Được sự dìu dắt, trực tiếp hướng dẫn của nghệ sỹ Tiến Vượng, Vàng Minh Dương đã từng bước nắm bắt được những kỹ thuật của cây sáo trúc. Xem Dương biểu diễn, với cây sáo trúc nhỏ trên tay, bằng kỹ thuật điêu luyện, những thanh âm trầm bổng vút lên đưa người nghe tới những cung bậc cảm xúc khác nhau, dẫn dụ người nghe trở về với tâm hồn của văn hóa dân tộc. Dương cho biết: “Khi được Nhà trường thông báo chuẩn bị cho buổi biểu diễn tại Quảng trường Ba Đình, Dương rất hồi hộp. Đã từng biểu diễn ở các sân khấu lớn nhiều lần, nhưng đây là lần đầu tiên Dương được trực tiếp biểu diễn tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, bên Lăng Bác Hồ kính yêu. Được phục vụ đồng bào và khách quốc tế, Dương rất muốn đem tiếng sáo của mình để giới thiệu với bạn bè quốc tế về một nét văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam nói chung và dân tộc Tày nói riêng, đồng thời góp phần quảng bá hình ảnh một Việt Nam hòa bình với bạn bè quốc tế.”

 Với kỹ năng điêu luyện, làm chủ cây sáo trúc, Vàng Minh Dương đã truyền cảm hứng cho khán giả tham dự buổi biểu diễn nghệ thuật. Tiếng sáo trúc được cất lên từ trái tim yêu nghệ thuật, từ tình yêu quê hương đất nước của chàng trai ngoài đôi mươi như trải mượt mà trong da diết mênh mang của đất trời vào xuân. Qua sự thể hiện của Dương, hình ảnh quê hương đất nước thanh bình hiện về và thổi vào lòng người nghe tình quê, hồn Việt. Tình yêu quê hương đất nước và những giá trị đẹp của văn hóa Việt Nam đã được Dương truyền tới người nghe một cách hiệu quả. Đó chính là nhờ tinh thần lao động nghệ thuật nghiêm túc, say mê và trách nhiệm của người con dân tộc Tày dưới mái trường nghệ thuật quân đội. Dương cho biết thêm, hiện nay, em đang theo học lớp Đại học khóa II dưới sự giảng dạy, dìu dắt của giảng viên, nghệ sỹ Tiến Vượng. Cùng với sự chuyên tâm, cần cù luyện tập, hai năm còn lại Dương sẽ cố gắng nắm bắt những kỹ thuật của cây sáo trúc một cách bài bản hơn nữa.

Dưới bóng tre ngà bên Lăng Bác, những thanh âm của dàn nhạc dân tộc, của Đoàn quân nhạc và những lời ca, tiếng hát của các nghệ sỹ, chiến sỹ Trường Đại học Văn hóa Nghẹ thuật Quân đội như là những nốt nhạc điểm tô thêm cho tiết trời mùa Xuân đang về với mọi người, mọi nhà. Trên Quảng trường Ba Đình, những hoạt động văn hóa nghệ thuật như thế này sẽ được diễn ra thường xuyên hơn, như lời phát biểu của Thiếu tướng Nguyễn Đức Trịnh, hiệu trưởng Trường: “Thày và trò của Trường rất vinh dự được tham gia biểu diễn tại Quảng trường Ba Đình lịch sử và sẽ cố gắng luyện tập, thường  xuyên phối hợp với Ban Quản lý Lăng để có những chương trình thật sự hấp dẫn, thật sự ý nghĩa, góp phần phát huy ý nghĩa chính trị, văn hóa của Công trình Lăng, là điểm đến hấp dẫn đối với nhân dân Việt Nam và bạn bè quốc tế./.

Duy Hưng   

Bài viết khác: