Xã Phước Tỉnh, huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu là một bán đảo nhỏ có hình dáng như chiếc lưỡi cày cắm xuống Vịnh Cửa Lấp. Bờ vịnh bên kia, cách hơn 1km là thành phố Vũng Tàu. Căn nhà bê tông kề bên nhà thờ Giáo xứ Phước Tỉnh rộng chừng 60m2 là nơi gia đình ông Nguyễn Văn Cẩn sinh sống, nhưng ông đi vắng. Gần một tháng nay, ông lo sơn sửa hai con tàu đánh cá nên suốt ngày ở ngoài bến, cách nhà vài trăm mét. Hai con tàu đánh cá lừng lững nằm trên ụ, đã phủ sơn xong, chờ đến giờ hạ thủy.

Lão ngư phủ Nguyễn Văn Cẩn cao gần mét tám, vóc dáng vạm vỡ, nước da bánh mật. Nghe tôi hỏi chuyện "cắm cờ", ông cười sảng khoái: "Trời, gần bốn chục năm rồi, anh là người lâu lắm mới hỏi tôi chuyện cắm cờ đó".

1

Ông Nguyễn Văn Cẩn với bộn bề công việc mưu sinh.

- Bao năm qua, anh không liên hệ với anh em đồng đội Trại Davis à?

- Dạ không, bận lu bu anh ơi. Tôi đi biển cả tháng, về dăm ba hôm lại ra khơi. Tháng tư năm ngoái, tình cờ coi ti vi thấy phát hình lễ phong Anh hùng cho hai đoàn mình ở Trại Davis, thấy có anh Lãi, tôi mừng quá chạy vội sang Đài Truyền hình Bà Rịa - Vũng Tàu nhờ liên hệ, xin được số của anh Lãi rồi anh em liên lạc với nhau, mừng quá trời.

Đầu tháng 6-2012, Ban liên lạc Trại Davis mời ông Cẩn về Bộ Tư lệnh Quân khu 7 cùng dự lễ mừng công, kỷ niệm 37 năm ngày toàn thắng. Ông được Quân khu may tặng bộ quân phục đại lễ. Anh em đồng đội, ông Lãi, ông Kỳ, ông Hiệu, ông Thắng… ai cũng trách: "Tưởng mày chết đâu rồi, sao không tìm về sớm?". Gặp nhau, ai nấy mừng mừng tủi tủi.

Nguyễn Văn Cẩn, tuổi Mùi, sinh năm 1955, là con thứ bảy trong 10 người con của cụ Nguyễn Văn Lai và Đặng Thị Kính. Theo cách nói Nam bộ thì ông là thứ tám, Tám Cẩn. Năm 1942, người giáo dân 22 tuổi, Nguyễn Văn Lai rời làng quê ở Hải Hậu, Nam Định vào làm phu Đồn điền Cao su Phú Riềng. Năm 1948, cụ Lai đưa gia đình sang Kompong Cham, Campuchia, vẫn làm phu cao su. Hai cụ đặt tên 10 người con, 5 trai, 5 gái lần lượt là Tin, Cậy, Vững, Vàng, Chắc, Chắn, Cẩn, Thận, Đôn, Hạnh. Năm 1970, Lon Nol, Sirik Matak làm đảo chính lật đổ chính quyền Shihanouk, thi hành chính sách khủng bố, tàn sát Việt kiều ở Campuchia, Nguyễn Văn Cẩn lúc ấy mới 15 tuổi đã theo 6 anh chị em khác vào Quân Giải phóng. Ông nói: "Lúc ấy chỉ có đi giải phóng mới sống được". Trong 10 chị em, chỉ có Tin, Đôn, Hạnh ở nhà với ba mẹ. Năm 1973, cả gia đình từ Kompong Thom chuyển về sinh sống ở xã Phước Tỉnh. Các anh Vàng, Chắc, Thận đã hy sinh, được công nhận là liệt sỹ. Năm 1994, cụ Đặng Thị Kính được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng.

Tám Cẩn được phiên vào Đoàn Công binh 25, Bộ Tư lệnh Miền. Đầu năm 1973, Bộ Tư lệnh tổ chức giải bóng chuyền toàn quân Giải phóng tại "Thủ đô" Lộc Ninh. Tám Cẩn trẻ tuổi, thể hình cao lớn, là tay đập xuất sắc của đội Công binh đã "lọt vào tầm ngắm" của cấp trên. Giải kết thúc, Cẩn được Bộ Tư lệnh Miền chọn giao nhiệm vụ làm vệ binh Phái đoàn ta tại Ban Liên hợp quân sự, đi máy bay trực thăng của ngụy từ Lộc Ninh vào Trại Davis trong sân bay Tân Sơn Nhất.

Ông nhớ lại: "Sáng 30-4, đang làm nhiệm vụ, thấy anh Lãi đến Đội Vệ binh tìm người đi theo cắm cờ, tôi xung phong liền vì hằng ngày anh em hay chơi bóng chuyền, bóng rổ với nhau, tôi quý ảnh lắm. Lúc đó tôi chỉ đeo một khẩu súng ngắn K-54. Hai anh em chạy băng qua sân Trại. Đến tháp nước, anh Lãi vừa trèo lên trước vừa quay xuống bảo tôi: Cứ lên đi, không việc gì đâu. Tôi theo anh trèo lên, giúp anh buộc cờ. Anh Lãi đứng trên đỉnh tháp, tôi đứng phía dưới, phần nào được che khuất hơn anh". Tôi hỏi Tám Cẩn, vẫn câu đã hỏi ông Lãi: "Đứng trên cao thế, lá cờ bay rõ mồn một, anh có lo mình bị địch nó bắn trúng không?". Ông Tám cười sảng khoái: "Dạ, cũng có lo. Dưới chân mình, lính ngụy chạy rần rần, quần áo lính, giày trận nó vứt đầy đường băng, súng ống chĩa cả lên trời. Nhưng mà mạng tôi lớn anh à. Khí thế cách mạng lớn quá, thằng ngụy nào cũng may ô quần xà lỏn cắm đầu chạy, không dám ngẩng lên. Tôi cứ nghĩ hôm đó nếu không đi với anh Lãi, chắc tôi tiêu rồi. Anh Lãi bình tĩnh lắm, gan cùng mình nên tôi cũng vững tâm. Trong đơn vị, tôi ít tuổi nhất nên được các anh thương, coi như em út".

Nghe Tám Cẩn nói, tôi nhớ chuyện Đại tá Đinh Quốc Kỳ kể: Đêm 29-4, pháo ta dội lửa xuống sân bay Tân Sơn Nhất, xe tăng ta đã vào ven Sài Gòn, lính ngụy hoang mang tột độ. Một viên trung tá thuộc sư đoàn dù ngụy đóng gần Trại Davis chạy sang xin gặp sỹ quan ta, hỏi: "Bây giờ chúng tôi phải làm gì?". Sỹ quan ta trả lời: "Bây giờ các anh về nhà, chờ Quân Giải phóng vào thì ra trình diện, nộp vũ khí". Viên trung tá lính dù ngụy cung cúc ra về.

Khi đứng trên đỉnh tháp nước bên lá cờ giải phóng đang phần phật tung bay, cả Phạm Văn Lãi và Nguyễn Văn Cẩn đều không biết rằng, đúng giờ phút ấy, 9h30 ngày 30-4-1975, Đại tướng Dương Văn Minh, Tổng thống ngụy quyền lên Đài Phát thanh Sài Gòn tuyên bố "sẵn sàng chuyển giao chính quyền cho đại diện của cách mạng", ra lệnh cho quân đội Sài Gòn ở nguyên tại chỗ. 11h30, Đại đội trưởng Bùi Quang Thận cắm lá cờ giải phóng trên nóc Dinh Độc Lập. 12h trưa, bộ đội ta đưa Dương Văn Minh đến Đài Phát thanh Sài Gòn đọc lời tuyên bố đầu hàng Quân Giải phóng vô điều kiện.

Năm 1976, ông Cẩn phục viên, về Phước Tỉnh với gia đình. Ông bảo những năm đầu cực lắm, đi làm mướn độ thân riết, ai thuê gì làm nấy. May nhờ có sức vóc nên dần dà đỡ khổ. Chăm chỉ làm lụng, không cam chịu cảnh nghèo, kiên trì nuôi chí, ông tích cóp được số vốn, chuyển qua nghề biển. Quãng năm 1993, ông đóng con tàu đánh cá công suất 150CV, bốn năm sau đóng tiếp con tàu thứ hai cũng 150CV, tiền đóng tàu tính ra cả trăm lượng vàng. Mấy chục năm, hai con tàu cần mẫn ra khơi, mang theo lá cờ Tổ quốc đến các vùng biển xa, giúp ông cải thiện kinh tế gia đình, tạo việc làm cho các bạn nghề. Năm 1979, Tám Cẩn cưới vợ là bà Đinh Thị Kim Nhung, kém ông 3 tuổi. Ông tếu táo: "Tôi đi biển suốt, cả tháng chỉ ở nhà ba, bốn ngày nên lúc nào cũng thấy vợ như mới". Hai vợ chồng có với nhau bốn mặt con nhưng chỉ còn ba đứa, một trai hai gái ở lại trên đời với cha mẹ. Cậu con trai và hai chàng rể không ai theo cha đi biển, mưu sinh cách khác, ông phải thuê người làm.

Năm 2012 là năm đáng nhớ trong đời Tám Cẩn, ông tìm lại được anh Lãi và đồng đội Trại Davis năm xưa. Cùng năm, ông khởi công đóng hai con tàu lớn, mỗi tàu công suất 500CV. Tiền vốn đóng hai con tàu hơn 6 tỷ đồng ông không phải vay ngân hàng. Ông bảo: "Hạn mức ngân hàng cho vay không nhiều, thủ tục lại không đơn giản, thôi mình ráng lo lấy, vậy cũng xong anh à". Lễ hạ thủy hai con tàu tổ chức đúng 11h30 ngày 7-4. Không như người ta đập champagne, Tám Cẩn đập chai rượu đế Gò Công vào thành tàu lấy may.

Cả hai người chiến sỹ đã cắm lá cờ giải phóng trên đỉnh cao giữa sân bay Tân Sơn Nhất của địch sáng sớm ngày giải phóng Sài Gòn 38 năm trước đều chẳng bận tâm đến chuyện được hay không được khen thưởng cho chiến công ấy. Chiến công là của chung tập thể. Sau khi tìm được Tám Cẩn, Ban Liên lạc Trại Davis đã đề nghị Bộ Ngoại giao cấp cho ông tấm Kỷ niệm chương Thi hành Hiệp định Paris, là hình thức tặng cho tất cả cán bộ, chiến sỹ đã công tác tại hai phái đoàn đại biểu quân sự thời kỳ Trại Davis. Ngày 2-6-2012, Đại tá Đinh Quốc Kỳ mang tấm Kỷ niệm chương trao cho Tám Cẩn tại lễ mừng công tại thành phố Hồ Chí Minh.

Chuyện hai ông Phạm Văn Lãi, Nguyễn Văn Cẩn cắm lá cờ giải phóng sáng sớm ngày toàn thắng 38 năm trước, chuyện các ông tìm lại đồng đội và nghĩa tình giữa những người đã một thời sát cánh bên nhau, kiên cường, mưu trí, dũng cảm trong bom đạn giữa hang ổ quân thù là minh chứng cho nhân cách anh Bộ đội Cụ Hồ. Năm tháng qua đi, dù còn bao khó khăn với đời thường, nhưng tình người mãi mãi trong trẻo như xưa và luôn sáng tựa trăng rằm.

Nguyễn Năng Lực

Theo http://hanoimoi.com.vn
Thu Hiền (st)

Bài viết khác: