Nhà báo, NSNA Đinh Đăng Định quê ở Kiêu Kỵ, huyện Gia Lâm, làng có nghề dát vàng, bạc nổi tiếng và duy nhất trên bán đảo Đông Dương.

Ông say mê chụp ảnh từ nhỏ, năm 16 tuổi đã tham gia Hội Ái hữu thợ ảnh do ông Phan Trọng Tuệ (sau này làm Phó Thủ tướng Chính phủ) làm hội trưởng. Trước Cách mạng Tháng Tám, Đinh Đăng Định làm thợ ảnh cho hiệu ảnh Bel Photo ở số 4 phố Tràng Thi, Hà Nội và được giác ngộ cách mạng. Từ năm 1938, ông được phân công chụp ảnh cuộc mít tinh lớn tại nhà Đấu Xảo (nay là Cung Văn hóa Hữu nghị Việt Xô) đòi quyền dân sinh, dân chủ của các tầng lớp nhân dân, thợ thuyền.

dinh-dang-dinh-a
Chủ tịch Hồ Chí Minh sau ngày toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi (1954)

Cách mạng Tháng Tám thành công, ông hăng hái tham gia chụp ảnh phong trào ủng hộ “Tuần lễ vàng”, “Hũ gạo chống đói”, “Bình dân học vụ”… Sau ngày 2-9-1945, Đinh Đăng Định là một trong số 6 người chụp ảnh được ông Trần Kim Xuyến, Giám đốc Nha Thông tin - Tuyên truyền cử chụp ảnh chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Bắc Bộ Phủ. Sau buổi ấy, ông còn có dịp chụp ảnh Bác từ Hội nghị Phông-ten-nơ-blô trở về Hải Phòng bằng tàu biển và tiếp xúc với nhân dân Hải Phòng tại một trường học ở Ngõ Nghè.

Được gần gũi Bác, được Bác trực tiếp chỉ dạy, Đinh Đăng Định dần trở thành một nhà báo, một nghệ sĩ nhiếp ảnh tài năng. Trong những năm tháng sống bên Bác, ông đã có nhiều ảnh đẹp chụp Người trong sinh hoạt đời thường như: Bác Hồ cưỡi ngựa đi công tác, Bác ngồi câu cá, đánh bóng chuyền, Bác đọc báo trong hang Pác Bó, Bác Hồ tại mặt trận Đông Khê, Bác tát nước chống hạn cùng nông dân, Bác tiếp chuyện văn nghệ sĩ nước ngoài, Bác vui chơi với các cháu thiếu nhi trong vườn Phủ Chủ tịch, Bác quàng khăn đỏ cho 1 cháu thiếu niên, Bác tiếp đoàn anh hùng chiến sĩ thi đua Quân giải phóng miền Nam Việt Nam, Bác về thăm quê ở làng Kim Liên (Nghệ An) v.v..

dinh-dang-dinh-b
Đại biểu học sinh trường Trưng Vương, Hà Nội đến chúc thọ Hồ Chủ tịch (5-1956)

Sau 17 năm được sống bên Bác và chụp ảnh Bác, Đinh Đăng Định nhận nhiệm vụ tập hợp các cán bộ, phóng viên nhiếp ảnh biên chế trong các cơ quan báo chí, văn hóa, các công ty ảnh và hợp tác xã nhiếp ảnh thành lập Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam. Đại hội Nhiếp ảnh lần thứ nhất, năm 1966, đã bầu Đinh Đăng Định làm Tổng thư ký đầu tiên trong suốt 17 năm liên tục. Ông cũng là người tổ chức tờ Tạp chí Nhiếp ảnh và là Tổng biên tập suốt gần 20 năm tồn tại cho đến nay.

Ông làm việc không ngưng nghỉ, say mê sáng tác và với những kiến thức sâu rộng về đất nước và con người trong lịch sử hào hùng của dân tộc, năm 2002, ông được Nhà nước ta tặng “Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học-nghệ thuật”.

Nhà báo, NSNA Đinh Đăng Định đã qua đời ở tuổi 85, nhưng những hình ảnh ông chụp trong hơn 60 năm qua mãi mãi là những nhân chứng của thời đại, đặc biệt là bộ ảnh ông chụp Chủ tịch Hồ Chí Minh.

NSNA Đinh Quang Thành

Theo Báo Quân đội nhân dân

Thanh Huyền (st)

Bài viết khác: