Một trong những hoạt động yêu nước đầu tiên của Chủ tịch Hồ Chí Minh là sử dụng phương tiện báo chí đại chúng, Người trở thành một nhà báo kiệt xuất và sáng lập ra tờ Thanh Niên, tờ báo cách mạng đầu tiên của Việt Nam, đồng thời Người cũng là một cây bút chiến sĩ đóng góp tích cực cho sự nghiệp cách mạng thế giới với hàng trăm bài viết cho các chuyên san, tạp chí, báo bằng các thứ tiếng Pháp, Trung, Nga, Anh. Nếu tính từ bài báo đầu tiên của Người là Vấn đề người bản xứ đăng trên báo Nhân đạo của Pháp ngày 2.8.1919 đến bài báo cuối cùng là Nâng cao trách nhiệm chăm sóc và giáo dục thiếu niên, nhi đồng đăng báo Nhân Dân ngày 1.6.1969 thì sau 50 năm cầm bút, Người đã cống hiến cho sự nghiệp báo chí cách mạng nước ta và thế giới khoảng 2000 bài báo dưới 53 bút danh khác nhau.
Đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, đọc sách báo, tạp chí, bản tin đã trở thành thông lệ và nhu cầu tinh thần không thể thiếu. Hàng ngày, cho dù bận trăm công ngàn việc nhưng Người vẫn sắp xếp thời gian thích hợp để nắm bắt thông tin tổng hợp qua sách báo.
Bác Hồ đọc báo nhanh và rất chính xác, chỗ nào có vấn đề cần chú ý hoặc liên quan đến các cấp, ngành Bác đều ghi chép, đánh dấu những thông tin cần xử lý. Với gương người tốt việc tốt, Bác dùng bút bi hoặc bút chì màu đỏ ghi bên cạnh dấu q, nghĩa là thưởng huy hiệu; chỗ nào cần lưu ý Bác đánh dấu chéo (/); vấn đề nào chưa rõ, Người đánh dấu (?) và yêu cầu văn phòng xác minh lại; khi đã xem xong, Bác vạch hai vạch //. Thỉnh thoảng Bác cũng sử dụng các loại chữ Hán, Nga, Pháp, Anh làm ký hiệu bên lề trang báo. Người còn ghi tóm tắt thông tin vào cuốn sổ nhỏ, hoặc cho cắt dán để làm tư liệu. Gặp những chữ báo in sai, Bác đánh dấu và nói để báo sửa, ví dụ như tên của vương phi Y Lan phải viết đúng là Ỷ Lan; anh Lý Tử Trọng phải viết là anh Lý Tự Trọng. Có những bài viết đăng trong Tạp chí Hậu cần để lộ bí mật, Bác ghi chữ “Mật”và nhắc Văn phòng gửi cho tạp chí để rút kinh nghiệm, hay như bài Rừng cây xanh trên trận địa đăng báo Quân đội nhân dân ngày 18. 2. 1969, viết sơ suất để lộ địa điểm đóng quân của một đơn vị bộ đội, Bác ghi dòng chữ Hán là: “Lộ bí mật quân sự” để báo chú ý cách đưa tin. Bài nào cần nghiên cứu, Bác nhắc các đồng chí giúp việc cắt dán lưu lại theo chuyên đề: về Đảng, về các ngành, về miền Nam và tin thế giới…
Trên bàn làm việc ở tầng 2 nhà sàn còn bài báo cắt dán “Chị đội trưởng hết lòng vì tập thể”, Bác Hồ đã đọc và ghi chú thêm: “Huyện Gia lộc”. Khi đọc tin một vài nước anh em gặp khó khăn, bị thiên tai, lũ lụt, động đất gây thiệt hại chết người, Bác nói ngay Văn phòng gửi điện thăm hỏi, chia buồn. Có lần Bác thấy báo đưa tin mấy nước trong khối XHCN cùng đến thăm nước ta một ngày, nhưng Đoàn này thì được in chữ to đưa lên trên, Đoàn khác in chữ nhỏ để ở dưới, Bác góp ý chỉnh lại cho bằng nhau, nếu để như thế là bên trọng, bên khinh. Khi Bác nghe đọc bài báo có nhan đề “Kỷ niệm Ngày sinh nhật Phan Bội Châu", Người đã phê bình tác giả viết xách mé, vì phải gọi là Cụ Phan Bội Châu mới đúng.
Một lần đến thăm Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc, Bác nói với những cán bộ viết báo được cử đi học: “Các chú phải nhớ là viết cho ai, viết cái gì, nhằm mục đích gì. Phải viết cho dân hiểu để dân làm, phải nghe lời phê bình hàng ngày của dân. Đừng cậy mình nhiều chữ rồi dài dòng văn tự, chẳng ai hiểu các chú nói và viết cái gì, rồi lại cho là đàn gảy tai trâu. Ai nói và viết mà dân không hiểu thì người đó là trâu”(1). Cũng vì thế, mỗi khi xem báo Đảng thấy có sai sót, Bác nhắc ngay để rút kinh nghiệm. Đôi khi Bác còn làm vài con tính để kiểm tra báo đăng đã đúng chưa, số liệu kết quả có khớp không.
Bác đặc biệt quan tâm đến báo Nhân Dân vì đây là cơ quan ngôn luận chính thức của Đảng ta. Sáng nào cũng vậy, cho dù nắng mưa gió bão, cứ khoảng 6h30 sáng là tờ Nhân Dân đã có mặt trên bàn làm việc của Người. Bác thường xuyên xem báo, viết bài, phê bình và góp ý cho báo Nhân Dân. Người thường căn dặn bài viết cho báo Nhân Dân phải ngắn gọn để đăng được nhiều bài, người đọc đỡ tốn thời gian. Khi nào báo đăng văn kiện của Đảng và Nhà nước thì ra thêm phụ trương khổ nhỏ cho cán bộ, đảng viên dễ lưu giữ và tiện tra cứu. Bác còn yêu cầu báo Nhân Dân mỗi tháng hai lần tổng hợp tình hình trong nước và quốc tế cho Người.
Đối với các đồng chí lãnh đạo tờ báo, Bác rất kiệm lời khen nhưng Người lại rất ân cần, chu đáo với cán bộ, phóng viên, nhân viên báo. Ngày 18.1.1957 đến thăm báo Nhân Dân, Người nói: “Các cô, các chú biết đấy, Bác cũng là đồng nghiệp của các cô, các chú. Báo có thiếu sót khuyết điểm gì thì Bác nhắc nhở hàng ngày rồi. Hôm nay, Bác đến để động viên khen ngợi các cô, các chú”. Người cũng căn dặn anh chị em phóng viên phải viết đúng, viết hay. Nếu viết sai hay in sai phải đính chính. Nhà báo cần biết ngoại ngữ và phải thương yêu, đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau(2).
Năm 1969, Bộ Chính trị ra nghị quyết tổ chức bốn ngày kỷ niệm lớn trong năm sau, trong đó có Lễ mừng thọ Bác. Các đồng chí ngại báo lại với Bác vì sợ Người không bằng lòng. Nhưng đến ngày 8.7, Bác xem báo Nhân Dân thấy đăng trang nhất tin này, Người mời các đồng chí đến phê bình, đề nghị Bộ Chính trị bàn lại và không tán thành tổ chức kỷ niệm Ngày sinh của Bác to như vậy.
Bác cũng thường xuyên xem báo địa phương, báo các ngành. Người không quên khen thưởng những thành tích và nhắc nhở những sai lầm. Bác nghiêm khắc phê bình những hiện tượng sai trái, tham ô, cửa quyền… các tệ nạn xã hội cũ còn rơi rớt lại: Mê tín dị đoan, nấu rượu, đánh vợ… Bài báo về những sai lầm trong ba khoán, đăng báo Hà Nội mới trên bàn làm việc của Bác vẫn còn bút tích ghi là: K.g.đ.c Trường Chinh những sai lầm về “Ba khoán”. Xem xong xin trả lại cho B. Bác còn chú ý theo dõi mục: Ý kiến bạn đọc. Có lần xem báo Lao Động có bài thơ vui ở mục “Nói thật không mất lòng”, phê bình một công trường để nhà tắm nữ trống trải, chị em làm việc xong không có nơi để tắm. Bác đã gửi bài báo và ý kiến xuống công trường để các đồng chí lãnh đạo sửa chữa.
Văn phòng Phủ Chủ tịch đã tập hợp, lưu lại hơn 2000 bài báo viết về gương người tốt, việc tốt cắt ra từ hơn 40 loại báo và bản tin như: Nhân Dân, Quân đội nhân dân, Lao Động, Phụ nữ Việt Nam, Thủ Đô Hà Nội, Thái Bình tiến lên, Tân Việt Hoa, Thông tấn xã Việt Nam... Trong 10 năm, từ 1959 đến 1969, qua thông tin trên báo được xác minh, Bác đã thưởng 3.972 huy hiệu cho những người tốt, làm việc tốt.
Những ngày tháng cuối cùng, tuy yếu mệt nhưng Bác vẫn theo dõi sát tình hình đất nước qua báo chí. Trên bàn làm việc tại nơi Bác điều trị bệnh và đi xa, bên cạnh những chồng báo hàng ngày Người đang đọc dở là nét chì đỏ của Bác khoanh tròn trong bản tin Nichxơn hoãn rút thêm quân; dấu bút đỏ trên bài Nam Bắc một nhà là anh em ruột thịt quyết không thể chia cắt được đăng báo Thống Nhất; còn có bài báo Phê bình và sửa chữa khuyết điểm ở chi bộ Phú Thành (Nghệ An) đăng trên báo Nhân Dân được Bác lưu giữ để theo dõi phong trào vận động quần chúng xây dựng Đảng ở cơ sở. Những tờ báo và bản tin cuối cùng Người xem đều phát hành vào ngày 24.8.1969.
Quan điểm lý luận và hoạt động báo chí thực tiễn của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn phù hợp, gắn bó với cuộc sống và phục vụ lợi ích nhân dân, Người rất coi trọng đối tượng và hiệu quả tuyên truyền báo chí. Vì vậy, những người làm báo của Đảng cần phải luôn ghi nhớ lời Bác dạy: “Báo của ta là báo của nhân dân, phải nói thật với dân. Thổi phồng khó khăn làm dân sợ, dân hoang mang là sai, là không tốt. Nhưng ngược lại nói quá dễ dàng, tưởng để động viên nhưng khi dân thấy sự thật không đúng như thế, dân không tin ta nữa, không xem báo nữa! Báo không còn tác dụng nữa thì gọi là báo lá cải, vì nó không có giá trị bằng lá rau cải. Muốn viết trung thực thì phải đến tận nơi, phải nghiên cứu, phải suy nghĩ nên viết cái gì và viết như thế nào”(3)./
Chú thích:
(1) Báo Lao Động số 25 ra ngày 21.6.1990
(2) Báo Nhân Dân số ra ngày 11.3.2001
(3) Báo Cựu chiến binh Việt Nam số tháng 6.1999
Bùi Kim Hồng
Giám đốc Khu Di tích Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch
Theo ditichhochiminhphuchutich.gov.vn
Minh Thu (st)