Ơn Đảng, ơn Bác ghi nhớ suốt đời
Khoảng tháng 5 năm 1928, tôi vừa đi chợ về được biết người Mường có thư vào. Cậu Hy được cử ra đón khách. Ngay hôm đó, ông Võ Tòng đến từng nhà thông báo cặn kẽ: “Tối nay, ai cũng phải đi họp”. Gặp người thân ông Võ Tòng còn giới thiệu thêm: “Ông này là cán bộ cách mạng đi làm việc, đến đây thăm ta!”. Được sự giới thiệu trước của ông Sáu là tên thường của ông Võ Tòng, ai cũng náo nức mong cho chóng tối để đi nghe nói chuyện.
Khi người khách tới, mọi người chăm chăm nhìn. Ông Võ Tòng giới thiệu đó là ông Thầu Chín rồi quay sang ông Thầu Chín, ông Võ Tòng lễ phép mời nói chuyện. Ông Thầu Chín nói toàn giọng Nghệ. Ông Thầu Chín nói gần một giờ đồng hồ, nhấn mạnh về thanh niên, về cách mạng. Chúng tôi nghe rất thích.
Ông Thầu Chín ở nhà tôi một tuần. Tối nào bào con cũng đến hỏi thăm và nghe ông nói chuyện. Ngoài phần chính trị, bao giờ ông cũng nói một tin vui đặc biệt. Bà con quý mến ông lạ lùng, vì thấy ông Thầu Chín cũng ăn ở như mình, cũng làm như mình, cũng đi cày, đi gặt, xẻ gỗ, đi nơi này, nơi khác.
Một bữa, ông Võ Tòng lại đến từng nhà nói:
- Mời bà con tới nghe chuyện. Bữa nay có đặc biệt hơn đó. Ai cũng nên đến. Trừ phi nhọc mệt quá thì thôi.
Như có linh tính báo trước, tôi chắc ông lại sắp ra đi…
Quả nhiên, lần ấy, ông vạch tất cả khuyết điểm, nhược điểm của bà con từ khi ông đến địa phương này. Ví dụ: Tổ chức những cuộc hội họp như thế này, mật thám nó theo dõi thế là lộ bí mật.
Nhà tôi chắc cũng chột dạ. Và tôi cũng nghĩ đến những người xung quanh, có kẻ nào xấu không? Tôi nhìn lên chỗ ông khách đứng. Ai sẽ bảo vệ ông, nhỡ khi có một phát súng? – Đã có các đồng chí! Vâng! Nhưng nếu có sự bất trắc xảy ra? …
Còn ông thì vẫn ung dung, khoan thai, đĩnh đạc nói hết, khá tỉ mỉ. Ông nói gần một giờ đồng hồ, ngắn gọn, rõ ràng như mọi khi.
Ai cũng hoan nghênh. Và ai cũng lắng đi một hồi lâu, thấm thía vì lời chỉ bảo nhẹ nhàng, thân mật của người đồng chí đã có kinh nghiệm.
Mùa hái đậu đã hết. Vừa đi mót đậu về, tôi gặp ông cùng đi mót đậu với nhà tôi. Ông hỏi tôi: “Tôi cần anh cùng đi, chị có thấy khó khăn gì không?”. Tôi nói không can chi.
Sau khi con trai tôi biết bò thì họ về, thêm ông Đặng Canh Tân, phụ trách cán bộ bên Xiêm.
Khi đó cán bộ sống trên đất Xiêm phải đi “lao động hóa” để che mắt bọn mật thám và có cái ăn để mà hoạt động cách mạng. Mỗi người một việc phân công rõ ràng. Ai làm sai, làm hỏng thì trách cứ người đó. Họ tổ chức thành tập đoàn để tuyên truyền giúp đỡ nhau. Nơi gần rừng thì đi lấy gỗ bán cho người Xiêm. Ai mượn đi làm nhà, bắc cầu cũng đi. Một số buôn hàng lặt vặt đưa vào thôn quê bán.
Ông Thầu Chín đi vô những tổ chức đó vận động cách mạng. Ông cùng với nhừng người anh em đi buôn hàng vào nông thôn. Đi đường ông tranh thủ những lúc rỗi rãi để tuyên truyền, huấn luyện. Sáng sớm ông di, tối lại về chùa ngủ, có khi huấn luyện tại đó.
…. …. …
Về Việt Bắc mới được ba ngày, một hôm, tôi đang ở trong nhà thì thấy các chị ở cơ quan Hội Phụ nữ reo mừng rối rít rằng Bác đến. Tôi chưa kịp chùm khăn lên mái tóc cắt ngắn ngủn, ù té chạy ra. Tôi đứng sững lại, vừa ngạc nhiên, vừa mừng rỡ, vừa cảm động. Ông Thầu Chín 25 năm trước ở Xiêm là Bác Hồ.
Chị em đứng xúm xít quang Bác. Mừng quá, tôi chỉ gọi được “Bác! Bác”. Thấy tôi chắp tay đứng bên đường lặng đi, Bác gật đầu hỏi thăm tôi bằng giọng Nghệ đầm ấm của quê hương. Tự nhiên tôi thấy xúc động lạ thường, cổ như nghẹn lại.
Bác bảo tôi:
- Về đây còn khổ đấy. Cuộc kháng chiến của ta còn nhiều gian khổ nhưng nhất định thắng lợi…
Thế rồi Bác lên ngựa đi tiếp. Tôi đoán chừng Bác đi họp đâu qua cơ quan chúng tôi ở. Tôi vẫn đứng chắp tay nhìn theo, mãi cho đến khi Bác đi khuất.
Đặng Huỳnh Anh kể
Trích trong sách Bác Hồ sống mãi với chúng ta,
Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005
Từ Pác Bó đến Lam Sơn
Hang Pác Bó là một nơi rất kín đáo, đường tiến lui đều thuận tiện. Hang nằm ở gần biên giới Việt - Trung, bên này động có thể tạm lánh sang bên kia biên giới. Bác cho bố trí những chặng gác bảo vệ. Nhân dân ở đây rất tốt. Một hôm có tin Pháp vào lùng sục, từ vọng gác ngoài báo vào. Nghe tin ấy, vợ chồng đồng chí Đại Lâm lúc này đang làm rẫy ở một quả đồi trước hang, vội vàng đi qua chỗ lối thường đi của chúng tôi lên hang, tự động cuốc hết lên. Vết chân đã mất.
Bác và chúng tôi thường tắm ở suối và mò ốc để cải thiện bữa ăn.
Một hôm chúng tôi đi tắm về thấy có xâu thịt. Hỏi ra mới biết là cụ Dương Văn Đình, bố của năm anh em họ Dương, vừa gửi đến biếu Bác.
Hang Pác Bó âm u, ẩm thấp nhưng địa hình chung quanh thật hùng vĩ, lại có những nét rất nên thơ. Nhìn những ngọn núi chót vót xanh rì với những dây leo trên cành cây cổ thụ rủ xuống dòng suối nước trong xanh rì rào chảy, Bác tức cảnh làm một bài thơ. Bài thơ đó ngày nay chúng ta đều biết:
Non xa xa nước xa xa
Nào phải thênh thang mới gọi là
Đây suối Lê-nin, kia múi Mác
Hai tay gây dựng một sơn hà
Từ Pác Bó Bác trực tiếp chỉ đạo việc chuẩn bị Hội nghị Việt Nam giải phóng đồng minh hội sắp triệu tập. Tổ chức này để che mắt bọn Quốc dân đảng Trung Quốc, cần có thành phần anh em “hải ngoại” và anh em “ở trong nước” cửa ra.
Bác phái đồng chí Hoàng Sâm đi Long Châu vận động bọn Phục quốc và anh em trong quân đội Pháp bỏ ngũ tham gia Việt Nam giải phóng đồng minh hội.
Bác vẫn theo dõi Hội nghị Việt Nam giải phóng đồng minh hội bằng con đường liên lạc qua đồng chí Lộc.
Gần đến ngày khai mạc hội nghị, cuối tháng 3 năm 1941, đồng chí Cáp được cử đến ở hẳn Tĩnh Tây tham gia việc chuẩn bị với các đồng chí Lâm Bá Kiệt, Dương Hoài Nam. Bọn quan quân Tưởng phái hai tên tướng đến hội nghị để giám sát. Bác cho rút những đồng chí bị lộ như đồng chí Phùng Chí Kiên…
Bác làm việc bao giờ cũng thận trọng, cảnh giác cao. Chúng ta đã khéo léo lãnh đạo hội nghị bầu ra một ban lãnh đạo phần lớn là người của ta.
Tổ chức Việt Nam giải phóng đồng minh hội lập ra tuy tác dụng với cách mạng rất hạn chế, nhưng ta vẫn quý trọng, khai thác mặt nào có thể khai thác được để phục vụ phong trào. Muốn vậy, cần phải triệt những điều gì làm cản trở bước đường của cách mạng. Ai cũng biết bộ mặt thật của Trương Bội Công, một tên thù địch với chủ nghĩa cộng sản. Bên cạnh hắn là Nguyễn Hải Thần, một kẻ háo danh, bị Trương Bội Công lợi dụng mua chuộc.
Các anh thỉnh thịu Bác về kế hoạch gạt Trương Bội Công ra khỏi Hội và được Bác tán thành. Chúng tôi tìm một số anh em trong số thanh niên biết tội của lão, làm đơn tố cáo với Trưởng quan Đệ tứ chiến khu. Đơn đó hình thức là phản ánh tâm trạng anh em, nhưng thực ra là vạch tội Trương Bội Công ăn chơi, trụy lạc, ăn hối lộ, ăp cắp của công, ăn chặn của anh em.
Hai tên tướng do Trương Phát Khuê phái đến theo dõi hội nghị thấy Trương Bội Công chẳng có uy tín gì, lại có đơn tố cáo. Vốn là bọn đa nghi, sau khi bế mặc hội nghị, chúng đã cho bắt Trương Bội Công và tay chân của hắn.
Nhờ tổ chức Việt Nam giải phóng đồng minh hội, chúng ta đã đưa được 80 anh em thanh niên đi học quân sự và đưa được 10 người đi học vô tuyến điện thông.
Sau thấy hội này hết tác dụng, Bác chỉ thị cho bộ phận cán bộ ở Tĩnh Tây tìm lí do để rút hết. Cách mạng trong nước đang khẩn trương, cần nhiều cán bộ. Đồng chí Lê Thiết Hùng đang làm phó hiệu trưởng trường quân sự trong quân đội của Tưởng, Bác cũng gọi về nước.
Đồng chí Đặng Văn Cáp ở Tĩnh Tây về thì Bác đã dọn cơ quan sang Khuổi Nậm ở trong một khu rừng, cánh địa điểm cũ chừng hơn một cây số. Muốn đi vào phải lội dọc một con suối nhỏ, bình thường nước cạn, nhưng khi có mưa là lũ mạnh, khó đi. Địa điểm Bác chọn nằm trong một hõm nhỏ giữa hai sườn núi đá xa chỗ dân ở, vắng người qua lại.
Thời kì này là thời kì Bác đang khẩn trương chuẩn bị cho Hội nghị Trung ương lần thứ Tám. Hội nghị này như chúng ta đã biết, họp từ trung tuần đến ngoài 20 tháng 5 năm 1941, có ý nghĩa lịch sử rất quan trọng.
Các đại biểu từ miền xuôi, miền trung lục đục kéo đến. Ngoài Bác ra có các đồng chí Phùng Chí Kiên, Hoàng Văn Thụ, Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt, Vũ Anh…
Sau Hội nghị Trung ương lần thứ tám, từ tháng 5 đến tháng 10 năm 1941 Bác cho mở liên tiếp nhiều lớp huấn luyện quân sự. Phong trào quần chúng đang dâng lên cuồn cuộn. Các hội cứu quốc đều tổ chức ra những đội tự vệ võ trang trong nam nữ thanh niên. Đồng chí nào có một chút hiểu biết về quân sự đều được Bác giao nhiệm vụ đi huấn luyện.
Cuối tháng 5 năm 1941, Bác giao trách nhiệm cho đồng chí Phùng Chí Kiên đi Bắc Sơn mở lớp. Mở được 20 ngày thì vùng này bị quân Pháp ập vào lùng sục. Đồng chí Kiên đi vào đường Cao Bằng đến Ngây Sơn bị phục kích và bị quân Pháp bắn chết. Nghe tin đồng chí Kiên hi sinh, Bác lặng đi vì đau xót.
Đến tháng 10 năm 1941, đồng chí Cáp lại được Bác giao cho cùng đồng chí Hoàng Văn Thụ phụ trách lớp huấn luyện mới. Lớp này mở ngay ở vùng Pác Bó sau một quả núi. Trong số học viên lớp này có đồng chí Dương Đại Lâm, Đàm Minh Viễn và một số đồng chí khác.
Tháng 3 năm 1941, Bác về Lam Sơn, cách tỉnh lị Cao Bằng gần 15 km.
Lam Sơn cũng như nhiều vùng khác ở Cao Bằng là một thung lũng, lại ở giữa các vùng núi cao. Huyện Hòa An là một vùng đồng bằng, một vựa thóc của tỉnh, nhưng nơi đây thung lũng lại hẹp. Con sông Bằng Giang cách đó chừng dăm cây số án ngữ lối đi quan trọng ra vùng Nước Hai thị trấn của huyện lị Hòa An và cũng là đồn binh trong yếu của Pháp hồi đó. Thật là một địa thế tốt và hiểm trở.
Lúc này, tôi vừa về nước, vẫn được giao nhiệm vụ bảo vệ Bác đi huấn luyện quân sự cho các lớp…
Vùng Lam Sơn sau Hội nghị Trung ương lần thứ Tám, trở thành trụ sở chính, là nơi Bác qua lại chỉ đạo phong trào toàn quốc. Tờ báo Việt Nam độc lập, xuất bản bí mật đều kì, sau những số đầu tiên được in ở Pác Bó, Khuổi Nậm, tiếp tục ra ở đây, tờ báo gọi tắt là Việt Lập…
Nhà Bác ở là nhà một đồng chí Nùng, cụ Mã Văn Hản. Cụ có con đầu lòng tên là Lén, một nông dân nghèo. Sau nhà là dãy núi đá, hễ có động, chỉ mấy bước chân là Bác có thể vào hay thoát lên núi.
Người nghèo là người bị áp bức - Bác thường nói - Những người đó rất gắn bó với cách mạng, chỉ cần biết cách tuyên truyền giáo dục họ.
Đúng vậy, sau này có gia đình cụ Lén giác ngộ, một lòng một dạ bảo vệ cách mạng, bảo vệ Bác, kể cả những lúc nguy hiểm đến tính mạng. Cụ Lén trước kia là một người khó tính, ít ai gần. Có lần cụ mang rau cải ra chợ bán, người mua lấy thêm một tàu, cụ đuổi theo giằng cho kì được, tàu lá bị rách bươm ra cụ không bỏ. Một hôm cụ mang thịt đi bán, người mua chỉ bốc thêm một mẩu xương, cụ cũng giằng lại. Sau này, cụ giúp cho anh em cán bộ từng đùi thịt lớn, có anh em hỏi, cụ thủng thắng đáp:
- Trước kia tôi không đòi lại, người ta sẽ cho mình là dại, bây giờ ủng hộ cách mạng là giúp nước sao gọi là dại được?
Được Bác gần gũi giáo dục, cụ Lén được kết nạp vào Đảng và rất kiên cường, mưu trí. Một hôm cụ đi liên lạc về, thư còn trong túi thì địch ập đến. Biết nguy, nhưng cụ vẫn bình tĩnh. Thấy một con trâu, cụ liền lùa nó xuống ruộng rồi đuổi theo trâu xuống bùn. Nhân đó cụ giúi lá thư xuống bùn. Đi hoạt động được một thời gian, cụ bị bọn quan lại bắt. bị tra tấn, kìm kẹp cụ không hề khai báo một lời. Địch không moi được gì, phải thả cụ ra. Về nhà cụ ốm liệt rồi chết. Bà cụ Lén cũng gan góc không kém gì chồng. Tây bắt bà cụ Lén tra tấn, bắt khai chỗ ở của con trai là anh Lén đi hoạt động cách mạng. Cụ cũng không hề nói.
Mặc dù sống trong một vùng cơ sở cách mạng rất tốt, Bác vẫn không quên căn dặn chúng tôi phải biết giữ bí mật từ mỗi việc làm đến đường đi nước bước. Tôi còn nhớ nhiều lần Bác nhắc nhở chúng tôi mỗi bận vào ra, để đề phòng địch lùng sục, không được để lại dấu vết trên đường, chứng tỏ có sinh hoạt của con người ở nơi hang sâu cùng cốc này. Ở đây, đường đi lối lại rất hiểm trở, toàn đá tai mèo, lá ban mọc đầy trên các lối. Bác bảo chúng tôi nên đi một lối, về một lối và phải giữ nguyên cảnh rừng hoang dã ấy, nhất là không được ngắt bỏ lá han, chỗ nào lá han nhiều quá thì dùng cây, dùng gậy gạt ngọn mà đi, bước đến đâu lá han khép kín đằng sau đến đấy, che lấp dấu vết con đường.
Ở trong hang không khí ẩm thấp lắm, nhất là ngày mưa, nước thường nhỏ giọt theo nhũ đá xuống nền hang lách tách không bao giờ ngớt. Có đồng chí đề nghị cho làm lán để tránh mưa. Bác không đồng ý vì cho rằng như vậy khi động phải rời hang giặc đến sẽ biết dấu vết để truy bắt.
Mưa lớn, nước nhỏ lênh láng vào chỗ Bác nằm. Bác cũng không chịu cho làm mái che hoặc lấy một cây que dài ghếch làm máng lựa đón giọt nước chảy ra chỗ khác.
Trong hang có những nhũ đá như hình người. Bác chọn một cái nhũ đá ở vị trí cao nhất tạo nên bức tượng Các Mác, mặt hướng ra phía cửa hang, ai chợt đi vào cũng nhận ra ngay.
Hồi kí của đồng chí Đặng Văn Cáp trong “Bác Hồ về nước”
Hội văn học nghệ thuật Cao Bằng xuât bản, 1986.
Đây Suối Lê-nin, kia núi Mác
Tôi còn nhớ, hồi ấy Bác còn làm việc ở một hòn đá kê gần suối ngay dưới cửa hang. Nhưng khi trời chiều, ánh mặt trời bị bóng núi và những tán cây rậm rạp che khuất, do đó Bác bảo chuyển chỗ làm việc sang bên kia bờ suối cách cửa hang mấy chục mét. Bàn làm việc là một phiến đá phẳng kê trên mấy hòn đá nữa cho vừa tầm ngồi, ghế cũng là một phiến đá nhỏ và nhẵn. “Bàn đá chông chênh dịch sử Đảng”, bởi chính nơi đây Bác đã dịch cuốn Lịch sử Đảng Cộng sản Liên Xô. Bàn đá kê ngay cạnh suối nên mỗi khi nghỉ ngơi sau những giờ làm việc căng thẳng, Bác thường ra suối để câu cá. Bác đặt tên cho con suối ấy là suối Lê-nin và ngọn núi cao đối diện có vóc dáng sừng sững là núi Các Mác.
Bác sống rất giản dị và kham khổ. Nước lá ổi thay chè, và cải soong là thức ăn chủ yếu. Ngày ấy đồng bào quanh vùng ăn độn bắp, người trong cơ quan cùng ăn độn bắp. Riêng “Đồng chí già” (2) tuổi cao, sức yếu, đồng chí Lộc mua gạo để nấu cho Bác ăn, nhưng Bác không đồng ý. Có lần bắp non xay để lâu mới ăn đến, bị chua, chúng tôi lại đề nghị Bác ăn cơm gạo không, Bác vẫn không nghe.
Ở đây Bác cũng luôn luôn bằng mọi cách cải thiện đời sống. Thời kì ở Pác Bó không dài, nhưng một vườn rau quả nho nhỏ đã bén rễ, có cả cà chua và ớt. Bác còn cùng anh em trong cơ quan câu cá, mò ốc suối. Năm thỉnh mười thoảng, anh em mới ra chợ mua rua, nấu bát canh rau ngót rừng, rau cải hoặc mua một hai cân thịt lợn, chỗ béo đi lọc riêng rán mỡ ăn dần, còn chỗ nạc thì xào mặn, cô lại như mắm khô để dự trữ gọi là món ăn “chiến lược”.
Ngay những ngày đầu ở Khuổi Nậm, Bác đã bắt tay vào sửa sang chỗ ở. Gần lán, chỗ kế hoạch nước chảy có những đống cát nhỏ. Bác đào đất thành cái hồ nhỏ, lấy nhũ đá ở các hang đá về xếp thành núi non bộ, cũng có hang, khe, đỉnh, có yên ngựa, có vách đá cheo leo, một cái cầu bắc bằng cây lau từ bờ hồ ra chỗ chân núi, chung quanh hồ trồng cây, cỏ trông như bức tranh “sơn thủy hữu tình”. Đồng chí Bảo An lấy đá gan gà đẽo thành một con cò lửa con rất khéo, con cò vươn cổ nhìn xuống hồ như đang rình bắt tép. Bác lại gọt chiếc thuyền gỗ nhỏ thả xuống nước, trôi bập bềnh rất đẹp.
Cuộc sống kham khổ và đầy thi vị. Lúc đó tôi đâu biết rằng Bác còn là một nhà thơ lớn của dân tộc. Cuộc sống khắc khổ cần lao vẫn không làm mờ được cái chất nghệ thuật, chất thơ trong Bác.
Bác cũng lại rất thiết thực, trồng rau ở khoảnh vườn Pác Khuổi gần đấy và ai đến cũng rủ ra làm, nếu gặp giờ tăng gia. Có đồng chí vốn là học trò không quen, khi đến, có ý lản tránh việc. Bác bắt thóp được chỗ yếu, bảo lấy cái cuốc, dắt ra làm và bảo muốn vận động quần chúng làm cách mạng thì phải bắt đầu từ cái này, làm rồi sẽ quen.
Một lần tôi lên lán, bỗng ngạc nhiên thấy ở một góc bãi được dọn dẹp cắm ít cành cây quây lại, một cái biển đề chữ nho cắm cạnh đó.
Bác chỉ vào cái biển nói với tôi:
- Đây là “Tiểu tiện xứ”. Chỗ ấy đổ tro, ai đến thì đi tiểu vào đấy, đóng góp chung. Ở đây trồng rau, không có phân thì lấy cái đó bón rau.
Dân ở đây trước chưa biết cách này, từ đó bắt chước làm theo.
Thời kì này công việc bận nhiều, nhưng Bác vẫn sống điều độ. Sáng nào cũng vậy, cứ khoảng bốn rưỡi năm giờ, khi sương mù chưa tan, còn bồng bềnh trên các ngọn cây, khe núi, Bác đã dậy dọn dẹp chăn màn, đồ đạc rồi chạy xuống suối tắm rửa. Bác cũng thích bơi lội, thạo bơi ếch, tay trườn đi mềm mại mà như có sức chém nước. Làm việc thường ngày, khi rảnh rỗi là Bác ra cuốc vườn, làm rau, xuống suối xách nước tưới cây, hoặc giúp anh em trong việc bếp nước, nấu ăn, mò ốc, câu cá, kiếm rau rừng. Thỉnh thoảng Bác rủ chúng tôi đi chơi núi. Nhiều khi Bác đi chân không, mỗi bận rướn bàn chân bấu vào đá, gân xanh nổi lên, trông rất thương. Chúng tôi đề nghị Bác đi giày cho khỏi đau chân, Bác bảo phải đi đất cho quen. Bác còn nói leo núi là một trò du lịch nhưng cũng là một cách tập luyện vì con đường cách mạng chông gai lắm. Người leo núi rất khỏe, không bao giờ chịu dừng bước trước những đỉnh cao có thể đi tới. Bác chú ý đến những cái hang đá và quan sát địa hình, địa vật kĩ càng. Trí nhớ của Bác thật ít ai so kịp. Có lần, trong lúc vui chuyện với mấy bà con ở dưới bản lên chơi, Bác bỗng nhắc đến mấy cái hang trên triền núi cao. Bà con và cả chúng tôi đều ngớ ra không biết. Nhưng Bác thì nhớ rất rõ. Bác bảo cái hang này ở cửa có cây gì, cái hang kia trong có một bộ xương không biết là xương gấu hay xương người. Bác bảo phải thông hiểu đường đi lối lại và những nơi hang tối đó để phòng khi địch lùng bắt có thể xử trí kịp thời.
Thời gian ở Khuổi Nậm (Pác Bó), nhiều việc làm của Bác đã để lại trong dân bản những kỉ niệm rất sâu sắc. Tôi nhớ lại buổi đầu, khi đồng chí Lê Quảng Ba bảo một số bà con lên làm lán giúp cơ quan, nhiều nhà không cử được ai đi cũng tự động mang cơm gạo lên làm giúp. Lại có ba cụ, bố anh Dương Đại Lâm, bố vợ đồng chí Lê Quảng Ba và cụ Mạc Văn Khoan rủ nhau cùng lên, tay xách rượu và đồ nhắm. Lên gặp Bác, các cụ mời Bác xuống làng ở, khi nào chúng lùng sục bắt, hãy lánh vào rừng. Bác nói: “Bây giờ phong trào cách mạng đã phát triển tốt, đồng bào ai cũng yêu thương cán bộ, sẵn sàng giúp đỡ và bảo vệ cán bộ. Thương yêu nhau, giúp đỡ nhau làm cách mạng như thế là tốt, không cứ phải ở với nhau. Vả lại mỗi người một việc, nhân dân làm ruộng, chúng tôi làm công việc khác, e xuống bản không tiện, hơn nữa ở thế này giữ được bí mật hơn”.
Bác lại nói tình hình thế giới và trong nước, rồi nhắc lại những điều mà trước đây Bác đã có dịp nói riêng với bố của anh Dương Đại Lâm:
- Tôi già làm cách mạng được, các cụ cũng làm cách mạng được, làm những việc hợp với mình, các cụ đồng ý không? Bây giờ các tầng lớp nhân dân đều có đoàn thể cứu quốc rồi. Đây đủ ba cụ, ta cũng có thể thành công thành một tổ phụ lão chữ?
- Bằng lòng thôi.
Các cụ đều gật đầu tán thành.
- Thế thì bây giờ ba cụ bầu ra một cụ tổ trưởng đi.
- Dà, cái đó lại không biết rồi. Thôi cứ để cánh trẻ nó làm tổ trưởng cho chúng được.
Bác cười:
- Không thể được, cánh trẻ có việc của cánh trẻ. Đoàn thể nào do người của đoàn thể ấy phụ trách chứ. Chả lẽ Hội Phụ nữ lại để cho đàn ông làm hộ, các cụ cũng vậy, không thể để thanh niên họ thay được.
Ai cũng nghe phải, nhưng lúng túng mãi không biết bầu bán ra sao, người nọ đùn người kia, mặt đỏ bừng lúng túng y hết lúc trai trẻ hay thẹn thùng, xấu hổ, làm lũ thanh niên chúng tôi khoái chí cười ầm ĩ.
Liền lúc đó, Bác gợi ý:
- Thôi bây giờ để cụ Đình làm tổ trưởng nhé!
Hai cụ kia tán thành luôn. Còn ông bố của anh Đại Lâm cứ thắc mắc là rồi đây không biết làm việc ra sao, nên từ chối hoài.
- Cụ Đình không lo - Bác nói - Cụ cứ làm rồi bảo thanh niên và Đại Lâm giúp. Nhưng chỉ một tổ phụ lão thì chưa đủ đâu. Các cụ về vận động các cụ ông, cụ bà khác trong bản có lòng ủng hộ cách mạng cùng vào tổ chức, không có người trong người ngoài lại sinh thắc mắc không lợi cho việc đoàn kết.
Thế là từ đấy tổ chức Phụ lão cứu quốc ở Pác Bó được thành lập và dần dần phát triển sang mấy vùng lân cận.
Cũng hồi này, tôi còn nhớ một chuyện nhỏ nhưng ấn tượng để lại còn mãi mãi mới mẻ. Một sáng như thường lệ, Bác dậy sớm ra suối tắm. Lúc ấy gặt hái đã vãn, trên các bờ ruộng thỉnh thoảng còn úp những cái “loỏng” (tức là cái thuyền để đập lúa). Tắm rửa xong Bác quay về lán, đương đi men theo bờ ruộng phải trèo qua một cái loỏng” đã cọ rửa sạch sẽ, úp ở đấy. Không ngờ cái “loỏng” để chông chênh, Bác vừa bước qua thì nó đã ụp xuống ruộng, bùn nước bắn lên bẩn bê bết. Cái “loỏng” thì nặng mà gần đấy không có ai để nhờ, song Bác không bỏ đi. Bác quay lại rửa sạch rồi rướn hết sức mình úp lại như cũ. Tầm này, lác đác có người ra suối nhìn thấy, về kể chuyện lại.
Thời gian đó Bác mở nhiều lớp huấn luyện để nghiên cứu chương trình điều lệ Việt Minh rồi tổ chức thí điểm ở Pác Bó để rút kinh nghiệm, sau đó triển khai sang các nơi khác. Phong trào vì thế lan rộng rất nhanh.
Bác rất chú ý đến đời sống của các hội viên cơ sở. Một hôm trong làng có một nữ hội viên cứu quốc chết, gia đình tổ chức làm ma rất chu đáo. Được tin Bác gọi Đại Lâm lên hỏi:
- Nữ hội viên này chết, đoàn thể có tổ chức đi thăm viếng không?
- Dạ có ạ!
- Thể lệ xưa nay đi thăm viếng có phải mang gì đến giúp không?
- Cái này thì tùy theo hoàn cảnh của mỗi người, ai có gì mang nấy, người có thì tiền gạo, người không có thì vác củi, bó đuốc cũng được, miễn là có lòng thương người chết.
- Thế đoàn thể đến viếng thì làm được những gì?
- Đến thì tập hợp hội viên và bà con họ hàng cùng gia đình người chết để làm lễ truy điệu, chia buồn với gia đình và nhắc nhở nhiệm vụ của mọi người.
- Có đọc văn tế không?
- Dạ có thì tốt quá. Nhưng hiện nay trong làng có vài ông tào hay chữ, ông thì đi vắng, ông ở nhà lại khó tính lắm, cháu không dám nhờ, ngại phiền.
- Thôi thế thì Đại Lâm cứ về, chiều lên lấy.
Y hẹn, chiều hôm ấy Bác trao cho Đại Lâm một bài văn tế mà bố cục, lời lẽ quy cách giống như mọi ông tào cao tay nhưng nội dung thì rất mới, bao hàm một ý nghĩa chính trị sâu sắc, những câu văn thống thiết làm xúc động lòng người.
Tôi còn nhớ một đoạn trong đó, đại ý: Con người ta ai cũng vậy, cha mẹ có sinh ra mới thành con người, rồi lớn lên, già nua và chết đi, đấy là luật chung của tạo hóa, ai cũng bình đẳng như nhau. Thế thì tại sao ở trên đời, cuộc sống của mọi người lại không bình đẳng, có kẻ giàu người nghèo, có kẻ áp bức bóc lột người khác?
Thượng tướng Phùng Thế Tài kể, Thể Kỉ ghi
Trích trong sách Bác Hồ - Những kỉ niệm không quên
Nxb. Quân đội Nhân dân, năm 1996
Đức Hiếu (Tổng hợp)
Còn nữa