Chủ nhật, 22/12/2024

Chỉ mục bài viết

 

phan 4  a 1  HT Phu quoc
Trạm giao liên ở vùng Bắc đảo trong kháng chiến chống Mỹ, Ảnh: Tư liệu

Kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Đảng bộ và nhân dân Phú Quốc kiên cường vượt qua bão giông

 Sau khi thực dân Pháp bị thất bại, buộc phải rút về nước, đế quốc Mỹ đã nhảy vào miền Nam, dựng lên chính quyền tay sai hòng chiếm nước ta phục vụ mưu đồ đen tối của chúng.

Đầu năm 1955, địch bắt đầu thực hiện chính sách “tố cộng, diệt cộng”(1), mà sau đó chúng đã nâng lên thành “quốc sách”. Để thực hiện chính sách này, Mỹ - Ngụy đã lập bộ máy chỉ đạo từ trung ương xuống đến tận cơ sở, ấp. Cấp trung ương có “Hội đồng chỉ đạo tố cộng”; cấp tỉnh có “Ủy ban chỉ đạo tố cộng”; xã, ấp có các “Đoàn công dân vụ” gồm một số tên ác ôn được huấn luyện kỹ. Bọn này dựa vào hội tề, dân vệ, cảnh sát xã, tổng đoàn dân vệ, bảo an... tiến hành lùng sục, càn quét, bắt bớ. Đối tượng mà chúng săn lùng để “tố”, để “diệt” là những đảng viên Đảng Cộng sản, những người từng tham gia trong bộ máy chính quyền cách mạng, trong các đoàn thể cách mạng, những gia đình có người thân tham gia kháng chiến, đi tập kết, các gia đình cơ sở cách mạng và tất cả những ai ủng hộ hòa bình, thống nhất đất nước, chống chế độ Ngô Đình Diệm...

Bằng chính sách “tố cộng, diệt cộng”, địch muốn tiêu diệt tận gốc cách mạng, gây sự chia rẽ, nghi ngờ trong các tầng lớp nhân dân, trong từng gia đình... gây một không khí bất ổn, căng thẳng trong xóm làng, trong toàn xã hội, thậm chí trong từng gia đình.

Tại Phú Quốc, từ tháng 2 năm 1955, địch có những thay đổi về mặt tổ chức hành chính và quân sự. Về hành chính, địch cho tái nhập Phú Quốc về tỉnh Hà Tiên và là một quận của tỉnh này. Về quân sự, địch lập Phú Quốc thành một “phân khu biệt lập”, do tên Thiếu tá Lê Văn Thông, từng làm Quận trưởng cho Pháp trước đây, làm phân khu trưởng kiêm quận trưởng, thay cho Thiếu tá Trần Vĩnh Đắc. Chúng cho tay chân đến từng xóm ấp để họp dân, tuyên truyền, xuyên tạc về cuộc Kháng chiến chống Pháp, về Hiệp định Giơnevơ.

Trước sự đánh phá ác liệt và thâm độc của địch, cán bộ, đảng viên và quần chúng yêu nước, yêu hòa bình bị đặt trước những thử thách lớn lao chưa từng có, nhưng đa số vẫn kiên trung với cách mạng.

Ở Phú Quốc, Huyện ủy chủ trương cho cơ sở ở các xã và thị trấn tổ chức lấy chữ ký của nhân dân gửi quận trưởng, tỉnh trưởng đòi ngụy quyền phải tổ chức hiệp thương, thi hành đúng Hiệp định Giơnevơ. Trong cuộc vận động đấu tranh này các Chi đoàn Thanh lao (Đoàn Thanh niên Lao động) ở các xã đã đóng vai trò nòng cốt, hoạt động rất tích cực. Như ở Dương Tơ, Chi đoàn thanh niên đã thực hiện căng dán 20 băng rôn, 60 áp phích, đốt 6 hình nộm Ngô Đình Diệm... Tại Dương Đông, cơ sở ta tổ chức rải, dán nhiều truyền đơn, áp phích... ở nhiều nơi trong thị trấn, ngay cả tại trụ sở làm việc của bọn tề làng Dương Đông (Nhà Làng).

Đi đôi với việc lãnh đạo quần chúng dùng nhiều hình thức đấu tranh với địch, cơ sở ta còn tổ chức đưa được một số quần chúng nòng cốt vào bộ máy ngụy quyền, như Ngô Văn Diễn (Năm Diễn), làm thư ký xã Lộc Hòa (Dương Tơ), Phạm Văn Huyện (Tám Huyện), làm Chủ tịch Hội đồng xã Dương Đông... cung cấp tin tức, lèo lái, hạn chế bọn tề, đỡ khó khăn cho dân. Ngoài ra, một số quần chúng tốt biết nghề may cũng được ta bố trí ra thị trấn mở tiệm may làm nút liên lạc hợp pháp...

Cuối năm 1955, ngụy quyền Sài Gòn cho lập một trại giam mà chúng gọi là “Trại huấn chính Cây Dừa” (còn gọi là Nhà lao Cây Dừa) tại địa điểm căng Cây Dừa cũ (An Thới). Đầu tháng 1 năm 1956, địch đưa 598 tù nhân mà chúng cho là “Việt cộng” hoặc “thân Cộng”, có quê quán thuộc 33 tỉnh thành của miền Nam, đến giam tại trại giam này.

Huyện ủy có chủ trương chỉ đạo cho chi bộ xã Dương Tơ tìm mọi cách liên lạc với các đồng chí bị giam giữ trong trại giam; tìm cơ hội để giải thoát cho anh em. Đặc biệt, trong một thời gian ngắn, bằng công tác binh vận, các đồng chí trong chi bộ Dương Tơ đã xây dựng được trên 10 cơ sở trong hàng ngũ binh  lính trại giam. Từ tháng 2 năm 1956, đã có nhiều cuộc vượt ngục lẻ tẻ và tập thể, có vụ cả chục người. Có thể nói, năm 1956 ở Phú Quốc là năm địch tập trung thực hiện hàng loạt chủ trương và thủ đoạn nhằm tiêu diệt Đảng và xóa phong trào đấu tranh cách mạng của quần chúng. Chúng vừa dùng sức mạnh quân sự, bộ máy chính quyền, nhà tù... vừa mị dân, kể cả các biện pháp phát xít để đánh phá liên tục phong trào và cơ sở cách mạng trên đảo. Những nơi chúng không kiểm soát được chặt, chúng cho gom dân, đối tượng chính là những gia đình có người đi tập kết, tham gia cách mạng, nuôi chứa cách mạng...

Đầu năm 1957, địch đặt Phú Quốc trực thuộc tỉnh Kiên Giang và là một quận gồm hai xã: Dương Đông (38 ấp) và Hàm Ninh (87 ấp). Cả hai xã đều có hội đồng xã nhưng đều làm việc ở thị trấn Dương Đông. Khi triển khai được đồn bốt, địch mới cho lập một số tề ấp. Thời gian này đối với vùng địch tạm chiếm, Huyện ủy chủ trương phải hết sức lợi dụng mọi khả năng hợp pháp và bán hợp pháp để tuyên truyền, lãnh đạo quần chúng đấu tranh, giành thắng lợi từng ngày, dù nhỏ, hạn chế thiệt hại thấp nhất cho cách mạng.

Lúc này, địch cũng ra sức phong tỏa Phú Quốc nhằm cô lập đảo với đất liền để dễ bề tập trung đánh phá, tiêu diệt phong trào cách mạng trên đảo. Chúng cố tách cán bộ, đảng viên ra khỏi nhân dân bằng cách quy khu, dồn dân, đuổi nhà, bắt học “tố cộng, diệt cộng”... Chúng càn quét, đánh vào điểm ăn ở, đường đi lại của cán bộ, nút giao liên, cơ sở quần chúng mà ta thường quan hệ. Đồng thời chúng lừa mị, mua chuộc tác động cán bộ, đảng viên, đoàn viên cũng như quần chúng chiêu hồi, chiêu hàng, làm chỉ điểm hoặc dẫn lính đi phục kích, biệt kích để diệt cán bộ, cơ sở của ta. Đặc biệt tàn bạo, với Luật 10/1959, địch thẳng tay giam cầm, giết hại nhân dân, quyết dập tắt phong trào cách mạng ở miền Nam nói chung và ở Phú Quốc nói riêng.

Lửa thử vàng, gian nan thử sức, trước tình hình khó khăn căng thẳng này, đa số các đồng chí cán bộ, đảng viên vẫn kiên định tinh thần chiến đấu, vững vàng tư tưởng. Dù bị địch khủng bố, đàn áp nhưng cán bộ cách mạng và quần chúng yêu nước vẫn giữ vững ý chí chiến đấu bất khuất, chấp nhận tra tấn, tù đày, hy sinh thân mình để bảo vệ cán bộ, bảo vệ Đảng.

Lúc này huyện thành lập bộ phận quân y, khắc phục nhiều khó khăn, cho người móc nối vào vùng địch mua sắm y cụ, thuốc men... phục vụ cho cán bộ chiến sĩ ta.

Cuối tháng 6 năm 1960, đơn vị vũ trang huyện ra quân trận đầu tiên, tổ chức phục kích chặn đánh một tiểu đội địch hành quân từ ấp Ông Lang về Cửa Cạn tại đoạn đường gần Đồng Cửa Cạn. Lực lượng ta có một tiểu đội. Do hỏa lực yếu, súng kém và lựu đạn không nổ, nên sau khi diệt được 1 tên và làm bị thương 2 tên khác, đơn vị phải rút. Một đồng chí của ta bị thương. Tháng sau, đơn vị đánh trận thứ hai, tại ấp 3, Cửa Cạn. Trận này ta rải truyền đơn, dụ địch ra để đánh. Nhưng do chúng đi không đúng hướng như ta dự định nên ta chỉ làm  chúng bị thương một số tên... Tuy những trận này không thu được kết quả lớn, nhưng có ý nghĩa quan trọng: Lực lượng vũ trang cách mạng của huyện bắt đầu công khai hoạt động và trưởng thành; đưa mũi tấn công quân sự vào và dần dần làm nòng cốt cùng với các mũi chính trị và binh vận phối hợp giáp công đánh địch, giành nhiều thắng lợi lớn.

Ngày 20-12-1960, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam ra đời, chủ trương đoàn kết tất cả các tầng lớp nhân dân, các giai cấp, các dân tộc, các đảng phái, các tôn giáo, các đoàn thể và nhân sĩ yêu nước, không phân biệt xu hướng chính trị nhằm đấu tranh đánh đổ ách thống trị của Mỹ - Diệm. Cương lĩnh chính trị của Mặt trận đã có tác dụng tập hợp mọi tầng lớp nhân dân yêu nước ở miền Nam đứng lên chống Mỹ Diệm.

Đầu tháng 3 năm 1961, Mặt trận Giải phóng tỉnh Rạch Giá được thành lập. Tiếp đó, Mặt trận Dân tộc Giải phóng huyện Phú Quốc cũng được hình thành, do đồng chí Hồ Văn Giàu (Năm Nhất) làm Chủ tịch. Lễ ra mắt được tổ chức tại Đồng Te Te, thuộc ấp Khu Tượng, xã Cửa Dương, có mặt hơn 1.000 người từ các xã ấp vùng ta và vùng địch kiểm soát, kể cả thị trấn Dương Đông, về dự lễ...

Tại ấp Bãi Bổn bấy giờ địch có một Trung đội Bảo an thường xuyên đi phục kích, khống chế con đường từ Hàm Ninh về căn cứ phía Bắc đảo. Mặc dù Trung đội địa phương quân của huyện chưa đầy 2 tiểu đội, trang bị còn kém, nhưng Huyện ủy ra Nghị quyết là trong một thời gian ngắn phải tìm cách đánh diệt bọn này, khai thông con đường huyết mạch của ta.

Đêm 29-04-1961, đúng như kế hoạch, bọn địch lọt vào ổ phục kích của quân du kích. Dưới ánh trăng, quân ta nhìn rõ từng tên địch và đồng loạt nổ súng. Địch không kịp trở tay, bị dồn xuống mé biển. Quân ta diệt gọn tiểu đội bảo an địch (trong đó có 1 thiếu úy và 1 trung sĩ ác ôn), bắt sống 3 tên, giáo dục tại chỗ rồi thả. Ta thu chiến lợi phẩm, trong đó đáng kể có 3 khẩu tiểu liên Thompson, 5 khẩu súng trường (Max.36), 1 súng ngắn (Colt.9) là nguồn bổ sung quý giá cho hỏa lực của đơn vị. Sau trận đánh đơn vị hành quân vào ấp. Đồng bào trong ấp hân hoan mở cửa đón mừng.

Với chiến thắng Bãi Bổn, quân dân Phú Quốc rất vui mừng phấn khởi. Đường lên xuống Hàm Ninh và Bắc đảo được thông thương. Sau trận này, địch không dám đưa quân đi mật phục như trước. Ở thị trấn Dương Đông, đánh địch để lấy vũ khí trang bị cho mình cũng là nhiệm vụ được lực lượng vũ trang cách mạng tích cực thực hiện. Ngày 8-11-1961, đơn vị đang mai phục thì địch dẫn xác đến. Trong khi chờ quan sát tình hình quân địch triển khai đội hình, thì một chiến sĩ của ta vô ý để súng cướp cò nên bị lộ.

Trước tình huống bất ngờ đơn vị buộc phải nổ súng. Quân địch đông lại còn gọi thêm tiếp viện, vì vậy đồng chí Nguyễn Văn Nhị quyết định cho đơn vị rút lui để bảo toàn lực lượng. Khi đơn vị rút lui, đồng chí Nguyễn Văn Nhị và đồng chí Phạm Văn Đởm (Ba Trung) ở lại cản địch. Đồng chí Tám Nhị bị thương cả hai tay nên ra lệnh cho đồng chí Đởm phải rút, còn đồng chí ở lại chờ trời tối sẽ tìm cách rút sau.

Ngay sau đó địch đưa quân trở vào lùng sục và bắt được đồng chí Nguyễn Văn Nhị. Chúng biết anh là một cán bộ chỉ huy, nên dùng mọi cách dụ dỗ. Địch yêu cầu anh nói với đồng bào, đồng chí mình những lời cải hối, do chúng viết sẵn. Chúng tin là anh sẽ làm theo ý chúng nên cho truyền thanh trực tiếp lên các loa phóng thanh trong thị trấn. Đồng chí Nguyễn Văn Nhị đã hô lớn: “Mỹ Diệm là kẻ thù không đội trời chung. Hãy đoàn kết tiêu diệt chúng!”, “Mặt trận Dân tộc Giải phóng muôn năm!”, “Hồ Chí Minh muôn năm!”. Bọn địch như bị một cái tát mạnh vào mặt. Chúng xông vào đánh đập đồng chí Nguyễn Văn Nhị. Và rạng sáng ngày 9-11-1961, địch lén lút đưa đồng chí Nguyễn Văn Nhị đi xử bắn tại Bà Kèo (Dương Đông). Anh hy sinh lúc mới 25 tuổi, nhưng  khí tiết kiên cường bất khuất của Anh, một đảng viên cộng sản, mộ cán bộ quân sự, một Huyện ủy viên, sống mãi trong lòng Đảng bộ, quân dân huyện đảo.

Các cuộc đốt phá hàng rào “ấp chiến lược” được quần chúng sáng tạo và phổ biến. Tại Bến Tràm, dựa vào địa hình quen thuộc, địa phương quân cùng quân dân ấp Bến Tràm huy động và sử dụng các loại vũ khí có trong tay để đánh địch. Các thứ chông mìn, cạm bẫy... được dịp phát huy và mang lại nhiều hiệu quả. Cùng với ấp Bến Tràm, dân quân du kích trong xã (Cửa Dương) phối hợp chặn các mũi tiến quân của địch... Qua một ngày chiến đấu, trên 20 tên địch bị quân dân ta loại khỏi vòng chiến đấu, 1 máy bay L.19 bị bắn rơi tại ấp Ông Lang. Trận càn của địch bị đập tan. Sau thắng lợi này, phong trào chiến tranh nhân dân nói chung và lực lượng vũ trang nói riêng của Phú Quốc phát triển mạnh hơn.

Cuối năm 1964, chiến thắng Vĩnh Thuận (tháng 4 năm 1964), chiến thắng Lục Phi (tháng 7 năm 1964)... lan rộng trong cả miền Tây Nam Bộ, vang dội đến Phú Quốc, cổ vũ mạnh mẽ tinh thần chiến đấu của quân dân trên đảo. Bấy giờ, vùng giải phóng của huyện được mở rộng. Địch co cụm ở Dương Đông, An Thới, Hàm Ninh, Cửa Cạn...

Trung tuần tháng 10 năm 1964, tên Nguyễn Khánh, Quốc trưởng ngụy quyền đi máy bay ra Phú Quốc để thị sát đảo. Theo kế hoạch đã chuẩn bị, địa phương quân huyện dùng 2 khẩu súng cối loại 61 mm bắn vào sân bay Dương Đông, diệt 10 tên địch và phá hủy 1 xe quân sự. Sân bay Dương Đông bị hư hại. Nguyễn Khánh bị chết hụt, phải đi bằng tàu về đất liền. Vài ngày sau, từ Sài Gòn địch đưa 1 tiểu đoàn quân dù, mà chúng tự xung là “Thiên thần mũ đỏ”, đến Phú Quốc mở cuộc càn dài ngày vào xã Cửa Dương nơi có “hoạt động mạnh của Việt Cộng”. Với hàng trăm bãi chông, mìn do du kích xã và địa phương quân huyện cài đặt khắp nơi để bảo vệ vùng căn cứ, nay có dịp phát huy tác dụng. Bằng lối đánh du kích và tinh thần chiến đấu kiên cường dũng cảm, quân   dân Cửa Dương dồn địch vào thế “tiến thoái lưỡng nan”, loại khỏi vòng chiến đấu trên 50 tên địch. Sau 23 ngày đêm, tiểu đoàn “tinh nhuệ” của địch phải chấm dứt cuộc càn.

Với thắng lợi này, quân và dân Phú Quốc được Bộ Chỉ huy Quân sự miền Nam tặng thưởng Huân chương Chiến thắng hạng Nhì. Khí thế cách mạng của quân dân trong vùng căn cứ giải phóng dâng cao. Các cơ sở Đảng, Đoàn và các đoàn thể quần chúng phát triển mạnh. Thanh niên hăng hái gia nhập vào lực lượng vũ trang huyện, xã.

Sau cuộc tiến công mùa Hè 1965 của quân dân miền Nam, chiến lược “chiến tranh đặc biệt” của đế quốc Mỹ đã bị phá sản hoàn toàn. Sự sụp đổ cuối cùng của chế độ tay sai Sài Gòn là không tránh khỏi. Trước tình hình đó, Mỹ đã đưa một lực lượng quân sự lớn, bao gồm quân viễn chinh Mỹ và chư hầu vào miền Nam Việt Nam tiếp tay với quân ngụy chặn đà tiến công của quân dân ta; thực hiện kế hoạch chiến lược “tìm và diệt” nhằm phá hủy toàn bộ cơ cấu tổ chức của cách mạng miền Nam.

Tháng 10 năm 1966, nhằm thực hiện kế hoạch chiến lược “tìm và diệt”, tiếp tục thực hiện âm mưu bình định Phú Quốc, Mỹ ngụy mở cuộc hành quân lấy tên “Ba lượn sóng thần”, sử dụng lực lượng bộ binh cấp trung đoàn với 2 tiểu đoàn chủ lực, 1 tiểu đoàn bảo an địa phương; không quân có 2 máy bay L.19, 4 phản lực F.105, 12 trực thăng...; hải quân có 7 tàu các loại cùng hàng chục khẩu pháo yểm trợ tấn công vào vùng căn cứ Khu Tượng. Huyện ủy và Huyện đội đã chủ động chỉ đạo bố trí thế trận xã ấp chiến đấu để chống địch.

Qua 8 ngày đêm chiến đấu, ta diệt và làm bị thương 120 tên địch, bắn cháy 1 máy bay F.105 và 1 máy bay “đầm già” (L.19). Quân dân ta bẻ gãy hoàn toàn cuộc càn quét lớn của địch. Căn cứ Khu Tượng vẫn được giữ vững.

Chiến thắng này có ý nghĩa lớn lao. Đây là trận đụng đầu lịch sử giữa vũ khí thô sơ của cán bộ chiến sĩ ta trong vùng căn cứ với các loại vũ khí hiện đại của Mỹ.

Việc liên lạc với cấp trên, giữa đảo với đất liền, vẫn trong tình trạng bị địch ngăn cắt. Ngày này qua ngày khác, địch quyết tâm cắt đứt Phú Quốc với đất liền, ngăn chặn, bóp nghẹt phong trào kháng chiến của Đảng bộ, quân dân Phú Quốc.

Trước yêu cầu bức xúc của tình hình và nhằm nối lại liên lạc giữa đất liền và Phú Quốc, giữa Tỉnh uỷ với huyện đảo, Tỉnh uỷ Rạch Giá thống nhất đưa một đoàn cán bộ tìm cách mở đường ra đảo, do đồng chí Lâm Kiên Trì, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, tổ chức và dẫn đầu. Để thực hiện chuyến đi, đoàn đã chuẩn bị một cách công phu, vất vả. Bởi mục đích của chuyến đi này không chỉ nhằm nối lại cho được liên lạc, kết hợp tiếp tế trước mắt cho đảo một số vũ khí (K2, Cối 82mm...) gạo, hoá chất, điện đài, mà còn nhằm xây dựng đường dây giao thông liên lạc cho cả lâu dài sau này.

Việc đoàn cán bộ của Tỉnh uỷ vượt vòng vây địch về đến đảo đã đánh một dấu mốc mới trong lịch sử Đảng bộ huyện đảo: Nối lại được mạch máu với đất liền, nối lại sự lãnh đạo của Tỉnh uỷ đối với Đảng bộ Phú Quốc. Nhiều cán bộ, đảng viên trên đảo xem sự kiện này như “nắng hạn gặp mưa rào”. Đảng bộ Phú Quốc như được hưởng luồng gió mới, tăng thêm sức chiến đấu.

Xuân Mậu Thân 1968, do tình hình ngăn cắt và do điện đài bị hư hỏng nên Phú Quốc không kịp thời nhận được mệnh lệnh của cấp trên. Nhưng qua theo dõi Đài Phát thanh Giải phóng của ta và Đài Phát thanh Sài Gòn của địch. Đảng bộ, quân dân Phú Quốc cũng nắm được một số tình hình chung đang diễn ra trên toàn miền Nam trong những ngày lịch sử hào hùng ấy. Từ mùng 6 tết, bằng khả năng thực tế của mình, Đảng bộ đã lãnh đạo quân dân trong huyện tấn công địch, ra sức hoà nhịp với phong trào chung của toàn miền. Qua các đợt tấn công quân sự, quân dân Phú Quốc đã loại khỏi vòng chiến đấu 261 tên địch (có 4 tên Mỹ), triệt phá lô cốt Hàm Ninh, bắn hư hỏng 4 máy bay (2 trực thang, 1 Dakota và 1 C.130), 1 xe cam nhông, thu 18 súng và 3.170 viên đạn các loại. Hai trung đội Hắc Báo của địch bị xoá sổ. Riêng mũi đấu tranh chính trị, đã phát động quần chúng đấu tranh chính trị kết hợp với binh vận chống địch đánh phá, chống bọn Hắc Báo khủng bố, thảm sát, kết hợp cả 3 mũi tấn công, như ở Suối Đá, làm cho địch chùn bước. Kết quả phần lớn các cuộc đấu tranh của quần chúng đều giành được thắng lợi với những mức độ khác nhau.

Ở các xã Cửa Dương, Dương Tơ, Hàm Ninh, quần chúng được vận động đã tham gia đào hầm, làm công sự tránh pháo; đào công sự chiến đấu, gài trên 200 lựu đạn, bom bi cải tiến theo các con đường địch thường hành quân; gài trên 700 chông cây và gần 1.500 chông hầm, tích cực xây dựng xã ấp chiến đấu.

Thời gian này cơ sở Đảng và tổ chức quần chúng được giữ vững, có bước củng cố và phát triển; huy động được toàn lực đảng viên, đoàn viên xông lên tấn công địch.

Các đơn vị vũ trang bám vững địa bàn hoạt động và chiến đấu tốt trong điều kiện khó khăn, thiếu thốn của huyện đảo. Cơ sở cách mạng ở thị trấn được củng cố. Các chi bộ xã, nhất là Cửa Dương bám chặt dân, phát động quần chúng tấn công địch. Cán bộ cơ sở nói chung đều bền bỉ chịu đựng gian khổ, bám đất bám dân, hoạt động và chiến đấu. Đảng bộ, quân dân trên đảo đã nỗ lực vượt qua những khó khăn ác liệt, dù còn thiếu thốn, còn phải ăn khoai rừng (củ mài, củ năng...), thiếu vũ khí... nhưng vẫn dũng cảm, đoàn kết quyết tâm đánh địch giành nhiều thắng lợi.

Những tháng cuối năm 1968, nhằm thực hiện âm mưu “bình định cấp tốc”, tại Phú Quốc, ở Dương Đông, lực lượng Mỹ có 189 tên (Bộ Chỉ huy Bảo an có 8 tên, nhà thương có 1 tên, đài rađa phi trường Dương Đông có 180 tên). Từ tháng 1 đến tháng 12 năm 1968, chúng rút về đất liền 176 tên, còn lại 13 tên làm cố vấn cho bọn bảo an. Trong khi rút quân, Mỹ rút cả đài rađa ở phi trường Dương Đông cùng một số phương tiện chiến tranh khác. Đồng thời chúng tăng cường chuyển xăng dầu, bom đạn đến cung cấp cho trực thăng, pháo binh... dồn sức đánh phá ta. Song song với các hoạt động này, địch đánh phá ta về kinh tế cũng không kém phần gắt gao. Chúng cấm không cho đem gạo về nông thôn, hạn chế cả thức ăn, vật dùng đối với quần chúng ở nông thôn. Cùng với phong  toả kinh tế, địch còn ra sức phá hoại kinh tế của ta bằng cách dùng phi pháo, bắn phá vườn rẫy, nhà cửa, heo bò... đặc biệt là dùng chất độc khai hoang, phá hoại hoa màu, tiêu diệt cây cối, rừng rậm, cũng là vừa nhằm mục đích là “xoá nơi ẩn nấp và sào huyệt của Việt Cộng”. Thời kỳ này hai bên trục lộ Dương Đông - Hàm Ninh, Dương Đông - Cây Dừa bị địch khai hoang hoàn toàn trống trải nhằm hạn chế ta tiếp cận, tấn công chúng. Tháng 12 năm 1968, địch thành lập tổ chức Ủy ban Phượng hoàng quận Phú Quốc, do tên Thiếu tá Quận trưởng Nguyễn Như Hoa làm Chủ tịch, nhằm “ngăn chặn và tiêu diệt tận gốc rễ thành phần hạ tầng cơ sở Cộng sản” như chúng nói.

Thời gian này, toàn Đảng bộ Phú Quốc có 16 chi bộ (ở xã vùng kìm 3 chi bộ, vùng giải phóng 3 chi bộ, ở cơ quan dân, chính, Đảng 7 chi bộ và trong lực lượng vũ trang 3 chi bộ), với tổng số 164 đảng viên (riêng lực lượng vũ trang có 28 đảng viên).

Địa phương quân huyện có 95 người, không còn tập trung thành trung đội mà phân tán thành tiểu đội, vừa đánh địch vừa lo tự túc lương thực. Có một đội biệt động 24 đồng chí, một tiểu đội trinh sát đặc công, du kích xã có 45 người, du kích ấp có 33 người.

Các đơn vị vũ trang đã bám sát địa bàn vùng ven, đánh địch 34 trận, diệt một cao điểm (đồn đồi Cây Thông) của địch, bắn rơi một máy bay trinh sát L.19, loại khỏi vòng chiến đấu 186 tên (trong đó diệt một đoàn bình địch ở Ông Lang, bắt sống 8 tên, có một tên thiếu uý), thu 15 súng các loại, 2 máy PRC.25 cùng một số đạn dược và đồ dùng quân sự, giữ vững địa bàn và mở rộng quyền làm chủ. Với lý do, vì “mất an ninh” và vì “không còn dân cư”, ngày 8-4-1969, địch bỏ ấp Dương Tơ và ấp Kiến Văn...

Về đấu tranh chính trị, gần 900 lượt quần chúng đấu tranh với địch đòi các quyền lợi về dân sinh dân chủ, nhất là đòi được đi lại làm ăn giữa 2 vùng... Phong trào đấu tranh còn được mở rộng trong các tầng lớp trung gian và nhất là trong binh sĩ và gia đình binh sĩ.

Cuối năm 1969 đầu năm 1970, sau khi thất bại trong kế hoạch “bình định cấp tốc” địch triển khai thực hiện kế hoạch “bình định đặc biệt” nhằm chiếm đóng toàn bộ vùng nông thôn Nam Bộ.

Ở Phú Quốc, quân dân huyện đảo vẫn giữ vững căn cứ Khu Tượng - Cửa Dương, bám đất, bám địa bàn ra sức chống địch bình định. Năm 1970, địch tiếp tục thực hiện chiến lược “Việt Nam hoá chiến tranh”, âm mưu bình định lấn chiếm, gom dân, bắt lính và vơ vét kinh tế, đánh phá phong trào quần chúng. Tại thị trấn, chúng có 14 đồn và 7 lô cốt, 4 đại đội bảo an với quân số gần 300 tên, 3 trung đội dân vệ, 17 liên toán phòng vệ dân sự (425 tên), 1 trung đội thám kích, 1 trung đội pháo binh và 1 đoàn bình định (10 tên)... Địch tăng cường đánh phá nhằm lấn chiếm vùng giải phóng của ta, củng cố lại vùng ven, đóng đồn, gom dân trên tuyến lộ Dương Đông - Hàm Ninh; tập trung đánh vào Dương Tơ tăng cường thêm đồn bót tuyến phòng thủ ngoài cho đặc khu Cây Dừa, thị trấn Dương Đông. Chúng tăng cường đánh phá bằng bộ binh, phối hợp chặt với do thám, gián điệp đánh thọc sâu vào vùng ta và đánh điểm bằng biệt kích.

Chấp hành sự chỉ đạo trực tiếp của Huyện đội, các lực lượng vũ trang của huyện đảo quyết tâm đánh địch trong từng trận tấn công cũng như chống địch càn quét; khắc phục gian khổ, khó khăn về vật chất để tấn công địch giành nhiều thắng lợi. Chỉ riêng trong năm 1970 đã đánh gần 70 trận (pháo kích 20 trận, tập kích 4 trận, chống càn 28 trận, đánh đồn bốt 4 trận...) loại ra khỏi vòng chiến đấu 414 tên (trong đó tiêu diệt 112 tên...), thu 38 súng (có 16 khẩu AR. 15, 4 khẩu M.79, 10 Colt...), trên 5.000 viên đạn, 20 lựu đạn, phá huỷ 2 xe quân sự, san bằng 3 lô cốt... Về đấu tranh chính trị năm 1970, trên 1.500 quần chúng đã tham gia gần 50 cuộc đấu tranh (riêng quần chúng ở thị trấn chiếm hơn một nửa các cuộc đấu tranh) trong đó có 12 cuộc quần chúng kéo lên quận, 15 cuộc ở xã, hàng chục cuộc quần chúng đấu tranh với bọn chỉ huy và lính đồn, trạm gác. Kết quả là địch phải thả 18 quần chúng bị địch bắt, 16 thanh niên khỏi bị bắt lính, 175 nhà được tự do đào hầm trú ẩn, 48 gia đình được tự do đi lại làm ăn giữa hai vùng... Ta huy động tốt sức người, sức của của quần chúng, chủ yếu là của nhân dân trong vùng giải phóng...

Bấy giờ, địch đưa tù binh đến Trại giam Cây Dừa ngày càng nhiều. Tù nhân được đưa đến đây hầu hết là các cán bộ, chiến sĩ thuộc các lực lượng vũ trang cách mạng, vì thế trong trại giam luôn có các cuộc đấu tranh, nhiều lúc phát triển với khí thế rất sôi nổi, nhưng có lúc quá tả khuynh nên bị địch đàn áp dã man.

phan 4  a 2  HT Phu quoc
Đội phẫu thuật quân y trong vùng căn cứ ở trên đảo Ảnh: TL

Huyện ủy Phú Quốc cũng rất quan tâm đến Trại giam Cây Dừa nên đã chỉ đạo cho các cơ quan, đơn vị có liên quan, tìm cách báo cho anh em tù binh biết ở Phú Quốc cũng có lực lượng cách mạng hoạt động. Như đầu năm 1969, cho treo cờ Mặt trận trên đỉnh núi gần Bãi Khem. Tù binh ở nhiều phân khu giam nhìn thấy rất xúc động vì cảm thấy cách mạng vẫn ở bên mình; các đồng chí ở bên ngoài đang quan tâm đến mình, làm cho anh em củng cố thêm niềm tin cách mạng và càng quyết tâm tìm cách vượt ngục. Nhiều cuộc đào thoát khi đi lao động bên ngoài trại giam, nhiều cuộc vượt rào, đào hầm... đã thường xuyên diễn ra làm cho địch phải tăng cường đối phó...

Vào mùa khô năm 1972, bọn chỉ huy vùng IV chiến thuật của địch chủ trương phá các kế hoạch chuẩn bị cho chiến dịch mùa khô của ta. Chúng tích cực ngăn chặn biên giới và hành lang vận chuyển, đẩy mạnh hơn nữa việc thực hiện các mục tiêu bình định đã đề ra. Ở Phú Quốc, địch tiếp tục tăng cường các cuộc hành quân càn quét, ra sức phong tỏa tuyến biên giới giữa đảo với đất liền, kể cả vùng biển Việt Nam và Cămpuchia. Giữa năm 1972, lực lượng vũ trang địa phương của đảo đã phát triển khá mạnh với đại đội địa phương quân, phân đội phòng không, phân đội pháo 82mm, trung đội đặc công 135 chiến sĩ, trong đó đại đội của huyện có trên 50 chiến sĩ. Du kích ấp, dân quân tự vệ khoảng 200 chiến sĩ. Trang bị vũ khí đáp ứng được cho chiến đấu. Công trường của huyện cũng tích cực sưu tầm bom đạn, pháo lép của địch, cải biên thành các loại vũ khí như phi lôi, lựu đạn gài, mìn định hướng, thủ pháo... cung cấp thêm cho các đơn vị vũ trang trong huyện.

phan 4  a 3  HT Phu quoc
Biểu diễn văn nghệ trong vùng giải phóng vào dịp tết Nguyên đán Ảnh: TL

Như vậy, giai đoạn 1968-1972 là một giai đoạn lịch sử có ý nghĩa lớn, quan trọng trong lịch sử của Đảng bộ và quân dân Phú Quốc. Không chỉ dưới sự lãnh đạo của Huyện ủy, mà phong trào kháng chiến của Đảng bộ, quân dân Phú Quốc còn được sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh ủy. Một số đồng chí Tỉnh ủy viên được phân công đã vượt bao hiểm nguy ra với huyện đảo cùng Huyện ủy trực tiếp chỉ đạo, khơi dậy phong trào.

Từ trong ngục tù của địch ở trại giam Cây Dừa cho đến vùng căn cứ giải phóng hoặc trong vùng địch kiểm soát, Đảng bộ, quân, dân Phú Quốc đã tỏ rõ truyền thống bất khuất, kiên cường vượt qua khó khăn thiếu thốn, cả về lương thực, vũ khí... chống địch đàn áp, bắt bớ, khủng bố, đánh địch hành quân càn quét với lực lượng lớn, đánh địch đóng quân dã ngoại, đánh đồn bót, đánh cả vào sào huyệt của chúng... giành những thắng lợi lớn; góp phần chiến công của huyện đảo vào thắng lợi chung của tỉnh và toàn miền Nam trong giai đoạn lịch sử đầy khó khăn, thử thách này.

Ngày 27-01-1973, Hiệp định Paris được ký kết về chấm dứt cuộc chiến tranh tại Việt Nam. Đây là một thắng lợi quan trọng của nhân dân ta trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Việc ký Hiệp định Paris đã tạo ra một thế đi lên vững chắc để nhân dân ta có thể giành thắng lợi hoàn toàn.

Nhưng ở Phú Quốc, thế giằng co giữa ta và địch vẫn diễn ra quyết liệt. Ngày 27- 01-1973, lực lượng du kích xã Cửa Dương ấp Gành Gió, Ông Lang, biệt động và địa phương quân huyện cùng một số ngành dồn sức ra phía trước, chiếm lĩnh địa bàn Gành Gió và Ông Lang. Địch ra sức phản kích, sử dụng cả hải, lục, không quân để tái chiếm.

Ngày 28-01-1973, du kích xã Dương Tơ đánh địch đi càn ở Cửa Lấp, diệt 2 tên. Đồng thời gài chất nổ diệt 14 tên và làm bị thương 6 tên khác. Từ ngày 10 đến ngày 17-02-1973, địch mở đợt 2 chiến dịch cắm cờ để giành dân, chiếm đất bị quân dân ta đánh trả quyết liệt. Ngày 22-02-1973, địch càn vào tháo cờ của ta ở Xóm Ba (Cửa Cạn) bị ta gài lựu đạn, nổ làm bị thương 3 tên. Địch luống cuống tự làm nổ lựu đạn chết 1 tên và bị thương thêm 3 tên khác. Những thắng lợi giành được trong đầu năm 1973 đã cổ vũ tinh thần chiến đấu của quân và dân trên đảo.

Tuy vậy thời gian đó, nhằm mục tiêu đánh phá ta một cách toàn diện, địch tăng cường phân vùng, chia tuyến, ngăn cấm sự giao lưu, làm ăn của quần chúng từ thị trấn đến Khu Tượng. Ở xã Dương Tơ, địch cấm liền 3 tháng không cho đồng bào đi làm vườn. Ở xã Cửa Dương, chúng cấm từng đợt 5 ngày, 15 ngày; đặc biệt tháng 11 và 12 năm 1973, chúng cấm gần suốt mùa Tiêu; nhân đó chúng lợi dụng làm tiền đối với số dân làm vườn Tiêu nếu họ muốn lên vườn...

Năm 1974 khi nhận rõ ý định, mưu đồ chiếm cứ Bắc đảo của địch, Huyện ủy Phú Quốc đã họp và nêu quyết tâm bằng mọi cách “cương quyết phá tan âm mưu địch chiếm cứ Bắc đảo”. Huyện ủy đã phân công các đồng chí Thường vụ Huyện ủy như Trương Võ Sĩ, Du Quang Trứ... trực tiếp xuống các đơn vị vũ trang, giao liên và các xã Hàm Ninh, Cửa Dương chỉ đạo việc tổ chức phối hợp 3 mũi giáp công làm thất bại âm mưu, thủ đoạn của địch.

phan 4  a 4  HT Phu quoc
Quân và dân trong vùng giải phóng trên đảo tổ chức
Lễ kỷ niệm lần thứ 20 hiệp định Giơ-ne-vơ (1974) Ảnh: TL

Lực lượng vũ trang của huyện đã cùng với dân quân du kích các xã gài nhiều chông mìn, cắm nhiều “bảng tử địa” hạn chế địch vượt qua. Công xưởng của huyện đã sản xuất gần 1.000 lựu đạn, thủ pháo và mìn cung cấp cho một số đơn vị cũng như 3 xã Cửa Dương, Hàm Ninh và Dương Tơ để xây dựng các bãi lửa. Đồng thời hàng ngàn tờ truyền đơn được cơ sở ta đưa vào thị trấn Dương Đông và một số đồn bốt để răn đe địch: “Đi lên vùng Bắc đảo là dấn thân vào tử địa”. Các cơ sở ta ở vùng địch chiếm đóng còn tuyên truyền, rỉ tai đến tận gia đình binh sĩ ngụy về những cái chết oan uổng, vô ích... đánh vào tâm lý ham sống sợ chết để họ tìm cách tránh né, đấu tranh chống lại khi chồng con hay bản thân họ bị đưa đi vùng Bắc đảo... Bấy giờ, vùng giải phóng của huyện bao gồm một số ấp như Khu Tượng, Bến Tràm, ấp Mới (xã Cửa Dương) và Bãi Bổn (xã Hàm Ninh) với 776 dân; vùng tranh chấp với địch mà thế của ta còn yếu là ấp Ông Lang (454 dân) xã Cửa Dương...

Đầu năm 1974, Mỹ ngụy thực hiện một tội ác dã man là dùng thuốc độc để ám hại cán bộ, chiến sĩ và nhân dân ta trong vùng giải phóng. Chúng cho bọn chân tay bỏ thuốc độc vào thức ăn, nước uống, đánh thuốc độc vào số cán bộ lãnh đạo để làm tê liệt cơ quan đầu não; vào lực lượng vũ trang làm giảm sức chiến đấu của ta; đánh vào quần chúng, gây nhiễm độc nhiều người, làm hoang mang, rối loạn cuộc sống, sinh hoạt, đe dọa tính mạng buộc phải bỏ vùng giải phóng chạy ra vùng chúng kiểm soát. Thực hiện âm mưu này, địch hy vọng rằng sau khi bộ máy lãnh đạo của ta bị tê liệt, lực lượng vũ trang bị suy yếu, quần chúng hoang mang chúng sẽ dùng lực lượng quân sự tấn công, chiếm toàn bộ vùng giải phóng trên đảo một cách dễ dàng.

Để thực hiện ý đồ đó, địch đã dùng tiền mua chuộc cũng như cưỡng ép, lợi dụng một số tên tay sai còn ở trong vùng giải phóng. Bọn này thuộc 2 hệ thống chỉ huy điệp báo của “ban hai” và Thiên nga của Ủy ban Phượng Hoàng.

Hơn 1.000 người đã bị ngộ độc, trong đó gần 1/3 là cán bộ, chiến sĩ ta.

Sau bước đầu lúng túng, ta đã tìm ra thủ phạm và lấy được thuốc độc (chất Asen - dẫn xuất chất thạch tín). Huyện ủy đã khẩn trương chỉ đạo cho các ngành và cơ quan chức năng triển khai ngay một số công việc như: Truy bắt hết thủ phạm, ngăn chặn hành động tội ác của chúng; Phát động quần chúng đề cao cảnh giác, rải truyền đơn tố cáo, lên án, gây náo động trong hàng ngũ địch; Bộ phận Quân y tiếp tục cứu chữa và nghiên cứu cách chữa trị có kết quả tốt nhất, ổn định tinh thần quần chúng. Tổ chức khám bệnh rộng rãi và điều trị cho quần chúng; hướng dẫn phòng chống độc và điều trị, giải độc bằng thuốc Nam; Giải thích cho quần chúng rõ âm mưu, thủ đoạn của địch và khẳng định là ta có thể điều trị khỏi hoàn toàn...

Chỉ hơn một tháng sau, với sự nỗ lực của địa phương, có sự giúp đỡ của y sĩ, bác sĩ do Ban dân y tỉnh Long Châu Hà cử ra, ta đã giải độc được cho những người bị ngộ độc; đồng thời bắt được hầu hết bọn tội phạm, lột trần âm mưu thâm độc, dã man của địch; làm thất bại mưu đồ đen tối và cực kỳ độc ác của địch đối với phong trào kháng chiến của quân dân huyện đảo.

Đầu năm 1975, hòa cùng khí thế tổng tấn công của toàn miền Nam, quân dân Phú Quốc dồn sức ra phía trước tấn công địch quyết liệt, nhất là tập trung bao vây, diệt đồn... với tinh thần “ở đâu giải phóng đó”. Chỉ trong vòng trung tuần tháng 1 năm 1975, quân dân trên đảo đã loại khỏi vòng chiến đấu 110 tên địch, làm rã ngũ 23 tên khác, diệt 1 đồn bảo an, bức rút 5 đồn khác, bắn sập 1 lô cốt và 2 tua gác, bắn hư hỏng 1 tàu khu trục, thu nhiều súng ống, đạn dược và nhiều quân trang, quân dụng. Thừa thắng xông lên, trong tháng 2 năm 1975, quân dân trên đảo đã liên tục vây ép, tấn công đồn Cửa Cạn và Hàm Ninh, pháo kích vào hậu cứ tiểu đoàn bảo an 506 của địch. Đặc biệt đêm 10-02-1975, Đội Đặc công của huyện thọc sâu, đánh hiểm tập kích diệt trung đội cảnh sát dã chiến đóng ở Gành Đá Bà Huyền (Công ty Du lịch của huyện bây giờ). Riêng tại đồn Cửa Cạn, trước sức vây ép của ta, bọn trong đồn yêu cầu bọn bên trên cho rút chạy nhưng không được chấp nhận, lệnh phải giữ đồn và hứa sẽ tiếp viện, giải vây. Ta liên tiếp bẻ gãy các mũi phản kích của địch từ Dương Đông đưa lên giải tỏa đồn Cửa Cạn. Qua 12 ngày đêm bị vây chặt, địch chết trong đồn không có chỗ chôn, ngày càng nao núng. Sau đó, do một mũi chặn địch của ta có sơ hở nên địch đưa quân thọc vào. Ta tạm thời rút ra, sau đó quay lại tiếp tục tấn công, bao vây địch... Địch ở Phú Quốc bấy giờ rất hoang mang và càng bị tác động mạnh trước những tin tức về thất bại nhanh chóng ngày càng lớn của ngụy quân, ngụy quyền trong đất liền.

phan 4  a 5  HT Phu quoc
Trận đánh đồn ông Lang (Cửa Dương) 6-1-1975 Ảnh: TL

phan 4  a 6  HT Phu quoc
Địch tháo chạy, nhân dân tháo gỡ san bằng đồn bốt địch Ảnh: TL

Cuối tháng 3 năm 1975, Đảng bộ, quân dân Phú Quốc khẩn trương chuẩn bị, dồn sức cho cao điểm tháng 4 năm 1975, thực hiện chủ trương của Huyện ủy: “Học tập, phát động từ trong Đảng, Đoàn, các đoàn thể quần chúng và quần chúng nhằm nhận rõ ý nghĩa và nhiệm vụ của mình, vươn hết sức mình đồng loạt nổi dậy”. Quân dân trên đảo đã thực hiện chủ trương này với ý chí tự lực tự cường, quyết tâm cao bất chấp điều kiện về vật chất còn rất hạn chế.

Lực lượng du kích các xã vừa nhanh chóng củng cố, bồi dưỡng nâng cao sức chiến đấu vừa luân phiên nhau bám trụ địa bàn, bắn tỉa, bắn sẻ không cho địch nống ra... Lúc này lực lượng vũ trang cách mạng trên đảo vững vàng hơn lúc nào hết để tấn công vào thị trấn Dương Đông.

Ngày 31-03-1975, Bộ Chính trị Trung ương Đảng hạ quyết tâm: “giành thắng lợi ngay trong tháng 4 năm 1975”.

Trong tình hình “nước sôi, lửa bỏng”, “1 ngày bằng 20 năm”, Trung ương Đảng cũng rất quan tâm, lo lắng cho Phú Quốc. Chiều 28-04-1975, Quân ủy Trung ương có gửi một bức điện cho Khu ủy và Quân khu ủy Khu Tây Nam Bộ đề cập đến vấn đề giải phóng Phú Quốc: “Nếu anh em chưa đủ sức thì Khu ủy và Quân khu cần có kế hoạch để đánh chiếm Phú Quốc sau khi ta đã giải phóng được một số tỉnh quan trọng ở trong đất liền...”.

Trong vùng căn cứ, do không có phương tiện và thời gian để triệu tập đầy đủ Ban Chấp hành, một số đồng chí Huyện ủy viên dưới sự chủ trì của đồng chí Phạm Văn Minh (Hai Phi), Bí thư Huyện ủy, đã họp khẩn cấp, xác định quyết tâm tập trung toàn lực của Đảng bộ quyết đánh đổ ngụy quyền, giải phóng huyện đảo bằng chính sức mình, bằng lực lượng tại chỗ, không chần chừ, do dự... Đơn vị địa phương quân huyện lúc này được phân làm 3 cánh quân, cấp tốc hành quân theo 3 hướng, đổ về thị trấn Dương Đông.

Chỉ vài tiếng đồng hồ, các đơn vị của ta đã đến các mục tiêu quy định, chiếm lĩnh các cơ quan quan trọng của địch như: Đồn cảnh sát, Hội đồng xã Dương Đông, Ủy ban hành chính quận, Đài Truyền thanh... Hàng ngàn đồng bào đứng dọc hai bên đường hoan hô chào đón các chiến sĩ cách mạng tiến vào thị trấn.

Đến 17 giờ ngày 30-04-1975, ta làm chủ hoàn toàn thị trấn Dương Đông, nơi đóng cơ quan đầu não của ngụy quyền Phú Quốc. Ngay trong đêm, với tinh thần cách mạng tiến công, ta đưa ngay một đơn vị vũ trang cùng một số cán bộ đi tiếp quản Hàm Ninh.

Cũng trong đêm ta vận động nhân dân trong thị trấn huy động cả trăm máy may để may cờ, may được lá nào đem đi treo lá đó. Sáng ra, đường phố trong thị trấn Dương Đông rực rỡ màu cờ cách mạng.

Rạng sáng ngày 1-5-1975, huyện đưa quân xuống tiếp quản căn cứ hải quân vùng IV của địch ở Cây Dừa.

Phú Quốc được hoàn toàn giải phóng. Toàn bộ ngụy quân ngụy quyền trên đảo phải buông vũ khí, với gần 4.300 tên có cấp bậc từ Đại tá trở xuống của 2 tiểu đoàn bảo an, đoàn 42 hải quân vùng IV chiến thuật, 1 đại đội công binh, 2 đại đội cảnh sát dã chiến, 9 trung đội nghĩa quân... cùng hàng trăm tấn vũ khí đạn dược, hàng ngàn tấn quân trang, quân dụng, gạo, xăng dầu... và nhiều loại phương tiện chiến tranh khác.

Như vậy là cả đảo, dù tách rời với đất liền, cũng đã tự mình tấn công và nổi dậy tự giải phóng cho mình rất sớm, ngay chiều ngày 30-04-1975, kịp thời hòa nhịp cùng toàn miền Nam, góp phần xứng đáng vào công cuộc giải phóng hoàn toàn miền Nam; hoàn thành cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước một cách vẻ vang.

Trải qua hai cuộc kháng chiến, Phú Quốc có 342 gia đình liệt sĩ với 656 liệt sĩ, 176 thương binh. Quân dân Phú Quốc đã loại khỏi vòng chiến đấu trên 10.000 tên địch, đánh tiêu diệt 5 trung đội và 2 đoàn bình định, đánh thiệt hại 1 tiểu đoàn, diệt và bức rút trên 30 lượt đồn bốt, bắn rơi 5 máy bay, bắn cháy 4 tàu, phá hủy 6 xe quân sự, thu trên 200 súng các loại... Đặc biệt quân và dân Phú Quốc đã hai lần gần như tay không lấy đồn giặc, hai lần diệt đầu sỏ địch tại sào huyệt của chúng, nhiều tên khác ở cấp trung ương của địch cũng nhiều phen chết hụt tại đất đảo này...

Trải qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, với những thành tích xuất sắc, Phú Quốc đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân cho 4 địa phương và đơn vị.

Những danh hiệu cao quý được đảng và nhà nước trao tặng

Danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân

- Lực lượng vũ trang nhân dân huyện Phú Quốc (6-11-1978).

- Dân quân du kích xã Dương Tơ (6-11-1978).

- Đội Trinh sát vũ trang Công an huyện (13-08-1980).

- Nhân dân và lực lượng vũ trang nhân dân xã Cửa Dương (20-12-1994).

Huân chương, Huy chương:

- 02 Huân chương Thành đồng Tổ quốc.

- 04 Huân chương Chiến công Giải phóng.

- Hàng ngàn Huân chương, Huy chương các loại cho tập thể, đơn vị, cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trong huyện.

Đã có 9 người mẹ được tuyên dương danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, đó là các bà mẹ: Lê Thị Ba; Trần Thị Bông; Lê Thị Đính; Trần Thị Huệ; Huỳnh Thị Mới; Lê Thị Nen; Lê Thị Nuôi; Lê Thị Ó; Phạm Thị Suối.

(Theo “Phú Quốc - những chặng đường cách mạng vẻ vang”)

(1) Chiến dịch “tố cộng, diệt cộng” được Mỹ - Ngụy thực hiện từ ngày 1955 đến 1958; ác liệt nhất là những năm 1956- 1957.

Minh Thu (st)

Bài viết khác: