Đền thờ Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực
Huyền thoại người anh hùng Nguyễn Trung Trực trên đất đảo Phú Quốc
“Bao giờ người Tây nhổ hết cỏ nước Nam, mới hết người Nam đánh Tây”
Nói tới truyền thống đấu tranh cách mạng của nhân dân Kiên Giang nói chung, nhân dân Phú Quốc nói riêng, không thể không nhớ tới người anh hùng Nguyễn Trung Trực với hào khí bất khuất của ông và nghĩa quân trong cuộc chiến đấu chống thực dân Pháp xâm lược những năm cuối thế kỷ XIX.
Ngay sau khi Nam Kỳ bị thực dân Pháp xâm chiếm, nhân dân ta đã anh dũng đứng lên chống lại sự đô hộ của bọn thực dân. Tiêu biểu là các cuộc nổi dậy do các trí thức, quan lại hay võ biền khởi xướng, đã chứng tỏ nhân dân ta không cam tâm làm nô lệ cho quân xâm lược. Điển hình nhất trong các phong trào yêu nước ở Nam Kỳ trong giai đoạn này là cuộc khởi nghĩa của Trương Công Định và sau đó là của Nguyễn Trung Trực.
Từ năm 1861, Nguyễn Trung Trực đã tập hợp nghĩa quân để kháng Pháp. Lúc đầu là ở Vũng Gù (tức tỉnh lỵ Tân An sau này). Sau đó, ông và nghĩa quân chuyển địa bàn hoạt động tới Hà Tiên, rồi về Rạch Giá. Sau chiến công vang dội đốt tàu Espérance của Pháp ở Nhật Tảo và nhiều chiến công khác ở Long An, Nguyễn Trung Trực được triều đình phong chức Quản Cơ và giao nhiệm vụ Thành thủ úy của tỉnh Hà Tiên. Sau đó thực dân Pháp chiếm đóng 3 tỉnh miền Tây. Do không cam tâm làm việc dưới sự thống trị của thực dân Pháp nên ông đã trở về Hòn Chông chuẩn bị kháng chiến chống Pháp. Cũng từ đó, tiếng tăm của Nguyễn Trung Trực ngày càng sâu rộng trong nhân dân và số người đi theo nghĩa quân ngày càng nhiều. Ở đâu, ông và nghĩa quân cũng được nhân dân giúp đỡ, hỗ trợ…
Rạng sáng ngày 16/6/1868, Nguyễn Trung Trực bất ngờ cho quân tấn công đồn Kiên Giang, giết chết bọn giặc trong đồn và giữ đồn trong suốt 4 ngày. Nhưng do lực lượng quá chênh lệch nên chiều 21 tháng 6 năm 1868, giặc Pháp đã tái chiếm lại đồn. Nghĩa quân phải rút và phân tán - Một bộ phận rút về Hòn Chông, sau đó ra đảo Phú Quốc vào tháng 8/1968. Tại Phú Quốc, tuy số quân còn rất ít (chỉ khoảng 300 người), nhưng ông Nguyễn Trung Trực vẫn tiếp tục củng cố lực lượng và kiên quyết chiến đấu chống bọn thực dân Pháp.
Cửa Cạn - xưa kia từng là căn cứ của nghĩa quân Nguyễn Trung Trực Ảnh: TL
Hiểu rõ những tác động sâu rộng của nghĩa quân Nguyễn Trung Trực, thực dân Pháp quyết truy nã đến cùng. Chúng cho Thông báo hạm Groeland do viên quan tư Bouchet Riviere chỉ huy đến Phú Quốc dò xét và ngày 19 tháng 9 năm 1868 hắn quay lại Hà Tiên đón tên Đội Huỳnh Công Tấn cùng hàng trăm lính với trang bị đầy đủ vũ khí và đã được huấn luyện kỹ càng, ra bao vây, tấn công nghĩa quân ở Phú Quốc. Ở đây, lực lượng nghĩa quân tuy ít, vũ khí hết sức thô sơ, nhưng Nguyễn Trung Trực đã chỉ huy chiến đấu đến cùng. Ông đã dùng chiến thuật “làm ít hóa nhiều” bằng cách cho nghĩa quân đi vòng vào rừng rồi lại đi ra bờ biển và cứ như vậy, khiến địch tưởng nghĩa quân rất đông. Lúc đầu do lo ngại không đánh được số lượng nghĩa quân đông như vậy nên quân Pháp không dám đổ bộ lên đảo. Chúng cho bắn đạn vào bờ. Trên bờ, nghĩa quân cũng bắn trả lại… Về sau địch đã tấn công đổ bộ lên Hàm Ninh. Cuộc chiến đấu kéo dài. Càng về sau lực lượng nghĩa quân càng trở nên mỏng manh hơn do vũ khí ít và thương vong tăng lên. Khi quân giặc đổ bộ lên đảo, đã diễn ra hai trận đánh vô cùng ác liệt trên đảo giữa nghĩa quân Nguyễn Trung Trực với giặc Pháp. Sau cùng vì thế đã yếu, bọn thực dân lại hèn hạ tàn sát nhân dân trên đảo nên buộc nghĩa quân phải hạ vũ khí. Nguyễn Trung Trực, vì muốn cứu dân chúng khỏi nhanh vuốt của giặc và cứu mẹ của mình đang nằm trong tay giặc nên đã chịu để giặc bắt.
Tuy vậy, khí tiết của ông, lòng căm thù giặc của ông thì vẫn không một chút đổi thay, thậm chí còn được thể hiện rõ nét hơn. Hết dụ dỗ, lại tra tấn… giặc không thể khuất phục được Nguyễn Trung Trực. Ngày 22 tháng 10 năm 1868, giặc Pháp đã giết hại ông tại Rạch Giá. Trước khi hy sinh, Nguyễn Trung Trực còn khẳng khái với câu nói bất hủ: “Bao giờ người Tây nhổ hết cỏ nước Nam mới hết người Nam đánh Tây”.
Khởi nghĩa Nguyễn Trung Trực tuy bị thất bại, nhưng ảnh hưởng của nó thì rất lớn, có tác dụng động viên nhân dân đứng lên chống lại kẻ thù xâm lược. ý chí bất khuất của người anh hùng Nguyễn Trung Trực còn sống mãi trong lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm hào hùng của dân tộc ta nói chung và của nhân dân Kiên Giang – Phú Quốc nói riêng.
Phú Quốc - nơi biển đảo xa xôi, nơi đầu sóng ngọn gió, từ 140 năm về trước đã chứng kiến cuộc chiến đấu không cân sức mà vô cùng ngoan cường, dũng cảm của đội quân nhỏ bé do Nguyễn Trung Trực chỉ huy: Ý chí ấy nằm trong truyền thống quật cường của nhân dân Kiên Giang - Phú Quốc; Là niềm tự hào, là dấu ấn lịch sử vẻ vang của Phú Quốc hôm nay và mãi về sau.
Anh hùng Nguyễn Trung Trực trong lòng người dân Kiên Giang - Phú Quốc
Nhân dân đã dành cho Nguyễn Trung Trực nhiều huyền thoại, còn các thi nhân thì dựng cho ông những đài kỷ niệm thật xứng đáng. Nhưng có lẽ xúc động mãnh liệt nhất trước người anh hùng là hai nhà thơ yêu nước ở Nam Bộ: Huỳnh Mẫn Đạt và Trương Gia Mô. Trương Gia Mô đã thật sự khâm phục người anh hùng qua bài thơ Trường thiên tứ tự:
Sợ thay người dân chài ấy
Hùng thay bậc quốc sĩ này
Đốt thuyền trên vàm Nhựt Tảo
San bằng đồn lũy Kiên Giang
Căm thù giết quân xâm lược
Liều mình vì nước cũng cam
Ngàn năm khói hương nghi ngút
Ngời ngời lòng nghĩa trung cang.
Trương Gia Mô đã gọi người anh hùng là “ngư nhân” (dân chài) và đã dùng từ đẹp nhất là “Quốc sĩ” để biểu dương khí phách hào hùng và tinh thần bất tử của Nguyễn Trung Trực. Thông thường khi dùng chữ “Quốc sĩ” là người ta thường nghĩ đến bậc tài trí phi thường nổi danh thiên hạ như Hàn Tín, Trương Lương, Kinh Kha, Phạm Lãi... Mấy ai, hầu như chưa có ai, đem anh dân chài sánh với bậc “Quốc sĩ”. Vậy mà ở đây lại có sự so sánh ấy. Đó chính là nét đặc biệt mà bài thơ dành cho người anh hùng.
Khi gọi Nguyễn Trung Trực là “quốc sĩ”, nhà thơ Trương Gia Mô hẳn đã coi đây là trường hợp ngoại lệ, rất đặc biệt, rất hạn hữu chứ không thấy rằng những quốc sĩ như thế ở đất nước này đâu phải chuyện hiếm.
Tượng đài Nguyễn Trung Trực
Còn nhà thơ yêu nước tài hoa Huỳnh Mẫn Đạt lại viết về Nguyễn Trung Trực với hai câu thơ bất hủ:
Hỏa hồng Nhựt Tảo oanh thiên địa
Kiếm bạt Kiên Giang khốc quỷ thần(1).
Hai câu thơ tuyệt mỹ! Người Việt ta dù học ít hay nhiều đều có thể hiểu “thiên địa”, “quỷ khóc thần sầu”, “hỏa hồng” với “kiếm bạt”. Nhất là Nhựt Tảo, Kiên Giang với những địa danh này hầu như nằm trong lòng nhân dân cả nước, không chỉ tồn tại với khái niệm địa lý mà là mãi mãi song hành cùng dân tộc. Ngọn lửa Nhựt Tảo tiếp tục cháy sáng ở Điện Biên Phủ, ở Chiến dịch Hồ Chí Minh, ngọn lửa hồng cháy lên từ những bếp lửa thời Hùng Vương, từ miệng lửa ngựa sắt Thánh Gióng, cháy suốt trường kỳ lịch sử đấu tranh của dân tộc, kể cả những lúc tối tăm và bi thương nhất, ngọn lửa truyền thống đó chưa bao giờ nguôi tắt.
(Theo sách “Anh hùng Nguyễn Trung Trực”)
Di tích lịch sử Trại giam Phú Quốc
Di tích lịch sử Trại giam Phú Quốc là một chứng tích điển hình về tội ác của thực dân Pháp và đế quốc Mỹ trong hai cuộc chiến tranh xâm lược của chúng đối với dân tộc ta. Đó còn là một “chiến trường không ranh giới” mà người chiến sĩ cách mạng không có vũ khí, cũng không một tấc sắt, một cây gậy trong tay, hàng ngày hàng giờ phải trực tiếp đối mặt, trực tiếp đương đầu và chiến đấu vô cùng ác liệt với kẻ thù tàn bạo; giữa sự sống và cái chết chỉ là gang tấc. Ở nhà tù Phú Quốc, địch đã giam cầm hàng vạn chiến sĩ ta; lúc cao nhất lên tới 4 vạn người, trong đó hơn 4.000 đồng chí đã bị địch giết hại và thủ tiêu mà cho đến nay, nhiều hài cốt vẫn chưa tìm được. Nỗi đau và lòng căm thù thật khó nguôi ngoai!
Những chiến tích ở Di tích lịch sử Nhà tù Phú Quốc cho dù mới chỉ thể hiện được một phần rất nhỏ hiện thực đã từng diễn ra ở đây suốt gần hai chục năm trời kẻ thù gieo rắc, nhưng cũng đã khiến lòng ta xúc động vô cùng. “Chúng là một lũ “mặt người dạ thú”. “Sao chúng nó độc ác quá”... Với kẻ thù, ai cũng cùng một lời thốt lên như vậy!
Còn điều này nữa đặc biệt hơn: Không ai là không cảm nhận được những nỗi đau đớn tột cùng cả về thể xác và tinh thần của các chiến sĩ ta trong những năm tháng bị địch giam cầm, hành hạ, tra tấn. Và cũng không ai là không khâm phục ý chí kiên cường, bất khuất, sự hy sinh chịu đựng lớn lao của các chiến sĩ cách mạng trong nhà tù. Họ chiến đấu vì nhân dân, vì độc lập tự do của dân tộc. Họ bị địch bắt và giam cầm nơi “địa ngục” cũng từ cuộc chiến đấu quyết liệt ấy. Lý tưởng cao đẹp - Vì Tổ quốc, vì nhân dân - đã giúp họ đương đầu và vượt qua mọi thử thách cam go, vượt qua những ngón đòn tàn bạo nhất của kẻ thù. Quả thật, nếu không có một ý chí ngoan cường, một quyết tâm sắt đá với một lý tưởng chiến đấu và niềm tin tuyệt đối vào thắng lợi thì không thể chịu đựng nổi cái khốc liệt ấy trong Nhà tù Phú Quốc.
Thật kỳ diệu thay, bất chấp sự độc ác đến ghê tởm của giặc, các chiến sĩ cách mạng trong tù đã biến nhà tù đế quốc thành trường học cộng sản và chính trường học ấy đã đào tạo cho đất nước, cho dân tộc bao người con ưu tú. Sau khi ra tù các đồng chí ấy đã có những cống hiến rất xứng đáng vào cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, góp phần vào chiến công chung.
Nói đến Di tích lịch sử Nhà tù Phú Quốc cũng là nói tới một vũng đen đậm màu tang tóc mà thực dân Pháp và đế quốc Mỹ đã dựng nên trong thời kỳ chúng còn xâm chiếm nước ta. Ngay từ giữa năm 1953, lợi dụng một số nhà cửa có sẵn của trại tân binh quân Quốc dân Đảng Trung Hoa sau khi chúng rút đi, thực dân Pháp đã đầu tư xây dựng, củng cố và lập một trại giam tù binh trên một diện tích rộng gần 40 hecta gồm 4 khu A-B-C-D, gọi là “Căng cây Dừa”. Tại đây, địch giam giữ những người yêu nước bị chúng bắt với tổng số khoảng 14.000 người. Hàng trăm người đã bị giặc giết hại chỉ trong hơn một năm đầu này.
Sau đó, từ cuối năm 1955, nằm trong mưu đồ xâm lược của đế quốc Mỹ, Nguỵ quyền Sài Gòn lại “nâng cấp” Căng Cây Dừa cũ thành một trại giam lớn hơn. Chúng đặt tên lúc đầu là “Trại huấn chính Cây Dừa”. Không lâu sau, tháng 01 năm 1956, chúng đã đưa 598 người tù từ trong đất liền ra giam ở đây... Cho tới năm 1956, Mỹ - Nguỵ lại mở rộng trại giam ở Phú Quốc với việc xây dựng một trại giam ở thung lũng An Thới cách “Trại huấn chính Cây Dừa” cũ 2km, có diện tích rộng tới hơn 400 ha; bao gồm 12 khu, mỗi khu lại có 4 phân khu A-B-C-D với trên 400 nhà giam. Lúc này, tên gọi của nhà tù là “Trại giam tù binh cộng sản Việt Nam - Phú Quốc”. Từ năm 1967 - 1972, Mỹ - Nguỵ đã đưa ra Phú Quốc tổng cộng khoảng 40.000 người, phần lớn số đó là cán bộ, chiến sĩ các lực lượng vũ trang nhân dân ta; có một số ít là cán bộ dân - chính đảng và một số khác là dân thường bị địch bắt vì cho là dính líu đến hoạt động yêu nước...
Di tích lịch sử Nhà tù Phú Quốc, hơn ở đâu hết, là nơi tố cáo những tội ác man rợ của bọn thực dân, đế quốc đối với con người: Chúng hành hạ, tra tấn tù binh bằng mọi cực hình từ kiểu “trung cổ” đến “hiện đại”. Công khai bắn giết tù binh, có lúc hàng trăm người bị chúng giết hại trong một vụ (như vụ đàn áp phân khu B8 ngày 6/5/1972).
Người ta đã sơ bộ thống kê được hơn hai mươi hình thức tra tấn, hành hạ, đàn áp người tù, kể cả những hình thức ghê tởm thời trung cổ như: Ném người vào chảo nước sôi, nướng người, đóng đinh vào người, đục xương bánh chè, chôn sống... Âm mưu thâm độc của giặc không chỉ là giết hại người tù mà còn bằng mọi cách tiêu diệt cả ý chí lẫn tinh thần cách mạng của người tù. Chính vì thế mà chúng đã hành hạ, tra tấn người tù; tính chất dã man, tàn bạo của chúng không giấy mực nào tả hết.
Nhưng, chính trong sự ác liệt và một chế độ nhà tù tàn bạo bậc nhất ấy, các chiến sĩ cách mạng của chúng ta, những đảng viên trung kiên đã cùng nhau tìm mọi cách tập hợp lực lượng thành hạt nhân lãnh đạo và cổ vũ phong trào đấu tranh trong tù. Những cuộc đấu tranh gay go quyết liệt nhất như chống địch khủng bố, đàn áp đánh đập, tra tấn, giết hại tù binh; chống chiêu hồi, chống lập trại “Tân sinh hoạt”... liên tục xảy ra. Anh em còn dày công tổ chức các cuộc vượt ngục mà nổi tiếng là cuộc đào hầm 6 tháng để có một đêm vượt ngục của 42 người (23/12/1971). Có thể nói vượt ngục là một truyền thống của các tù nhân ở Nhà giam Phú Quốc. Hàng trăm cuộc vượt trại đã được tổ chức.
Thành công cũng nhiều mà tổn thất cũng có. Chỉ tính trong gần 5 năm kể từ ngày có Trại giam tù binh Phú Quốc (6/1967 – 4/1972) đã có 31 cuộc tù binh tổ chức vượt ngục với tổng số trên 300 người. Trong đó, đã có 221 người về tới căn cứ cách mạng, số còn lại người thì bị bắt lại, người thì bị địch bắn chết, người thì chết trên đường đi... (Không kể thời kỳ thực dân Pháp chiếm đóng). Hầu hết anh em trở về được căn cứ đều tiếp tục tham gia nhiệm vụ chiến đấu và các công việc cách mạng khác trên đảo và trong đất liền, tiếp tục phát huy phẩm chất anh hùng của người chiến sĩ cách mạng đã được tôi luyện trong nhà tù của giặc.
Trại giam tù binh Phú Quốc là trại giam lớn nhất của Mỹ – Nguỵ ở miền Nam. Xét về ý nghĩa đấu tranh và truyền thống yêu nước, trại giam có một tầm vóc lịch sử rất đáng trân trọng. Chính vì vậy, việc giữ gìn và xây dựng tại nơi đây một khu Di tích lịch sử Nhà tù Phú Quốc là điều cần thiết nhằm làm cho các thế hệ sau hiểu rõ cuộc đấu tranh đầy hy sinh gian khổ vô cùng bất khuất, ngoan cường chống lại kẻ thù tàn bạo của các chiến sĩ cách mạng trong Trại giam Phú Quốc; tô đậm thêm truyền thống của người chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam. Đó là cuộc đấu tranh quyết liệt, là một bộ phận gắn liền với lịch sử đấu tranh vẻ vang của quân đội ta, là một bộ phận không thể tách rời cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam chống đế quốc Mỹ xâm lược.
Những tài liệu, những hiện vật, những dụng cụ tra tấn, những diễn giải trong Khu Di tích quả thật chưa thể đầy đủ so với yêu cầu và thực tế đã xảy ra ở nhà tù trước đây. Song, chỉ mới thế thôi, cảm nhận về mức độ tàn bạo, dã man của địch và bản lĩnh ngoan cường, dũng cảm, kiên trung của các chiến sĩ cách mạng đã dâng đầy trong lòng mỗi người khi có dịp tới đây. Di tích Nhà tù Phú Quốc đã và sẽ là bản anh hùng ca về lòng yêu nước nồng nàn, về phẩm chất anh hùng, bất khuất của các thế hệ người tù ở đây “Dù hy sinh chứ không chịu đầu hàng” để thực hiện khát vọng chân lý “Không có gì quý hơn độc lập tự do”. Mặt khác, bề dày văn hóa, giá trị lịch sử từ Di tích Nhà tù Phú Quốc không phải đo bằng thời gian, năm tháng tồn tại mà chính là bằng xương máu, tính mạng và phẩm chất đạo đức của hàng vạn chiến sĩ cách mạng từng bị giam cầm nơi đây. Đó là một nguồn cảm hứng to lớn, là một di sản chung đáng tự hào, góp phần giáo dục truyền thống yêu quê hương, đất nước, yêu con người, yêu đồng loại cho các thế hệ người Việt Nam chúng ta.
Khu Di tích lịch sử Nhà tù Phú Quốc đã và sẽ bao gồm một hệ thống với nhiều bộ phận như hành chính, tiếp tân, dịch vụ tổng hợp, nhà trưng bày hiện vật và chứng tích, những khu trại giam... Đặc biệt là Khu tưởng niệm những người con ưu tú đã hy sinh vì nền độc lập dân tộc. Ở đó, đến đó, ta như thể níu kéo thời gian để được trở lại ký ức, được “sờ tay” vào quá khứ đau thương và hào hùng; để cho niềm tin và lòng tự hào, ý thức trách nhiệm thấm vào tâm thức mỗi con người đang sống...
Với Phú Quốc, Khu Di tích Nhà tù Phú Quốc đã và mãi mãi là một điểm nhấn sâu đậm trên hòn đảo trù phú và anh hùng.
Xuân Long
TỪ “CĂNG CÂY DỪA” DƯỚI THỜI THỰC DÂN PHÁP XÂM LƯỢC
Trại giam “Căng Cây dừa” (1953 - 1954)
Trên một diện tích gần 40 héc ta ở Phú Quốc, tháng 7 năm 1953, thực dân Pháp đã lập một trại giam với tên gọi “Căng Cây dừa”, gồm có 4 khu giam theo thứ tự A, B, C, D. Số người bị giam tại đây khoảng 1.400 người, chủ yếu là tù binh.
Mặc dù thời gian tồn tại chưa đầy 2 năm, nhưng “Căng Cây dừa” không hề mất đi tính chất tàn bạo của một nhà tù thực dân, đế quốc hồi giữa thế kỷ XX. Hàng nghìn tù nhân không chỉ bị giam cầm, bị cùm kẹp, ăn đói nhịn khát mà còn bị đánh đập, tra tấn dã man. Do vậy, người tù luôn đấu tranh chống lại chúng, bất chấp hiểm nguy.
...Tháng 7 năm 1953, địch đưa chuyến tàu đầu tiên trên 300 người bị bắt giam ở các nhà tù Nam Bộ vào giam giữ ở trại A, một khu nhà đã có hàng rào dây kẽm gai bao quanh. Ở đó có những ngôi nhà gỗ cao rộng, lợp tranh, thiết kế theo kiểu Tàu.
Vào trung tuần tháng 8 năm 1953, địch chuyển chuyến tàu thứ hai, chở trên 700 người vừa là tù chính trị vừa là tù binh ở Đoạn Xá - Hải Phòng ra đảo.
Ngay từ những ngày đầu ấy, tổ chức Đảng đã được thành lập (tổ chức ngay từ trên các chuyến tàu) và lãnh đạo anh em tù đấu tranh với địch. Chi ủy đã cố gắng đưa anh em vào tổ chức để có thể điều hành mọi mặt trong đời sống tù binh; đồng thời lấy đơn vị tỉnh, thành là đơn vị để sắp xếp chỗ ăn ở và ghép thành từng gia đình để có sự đoàn kết, tương thân, tương ái, trợ giúp lẫn nhau; ngoài ra còn tổ chức các tổ chuyên: Thợ mộc, nề, may, hớt tóc v.v...
Mặt khác, với tinh thần trách nhiệm của mình, chi ủy chuyến tàu ở Đoạn Xá vào tìm cách chắp mối liên lạc với các đồng chí ở miền Nam để thống nhất sự chỉ đạo võ thuật, rồi tổ chức những cuộc đấu tranh với địch như: Đòi địch phải cung cấp đủ tiêu chuẩn gạo và thực phẩm cho tù binh, đình công không đi lao động khổ sai để phản đối địch vô cớ bắn chết tù binh. Đã có lần anh em đấu tranh mạnh địch phải dùng máy bay tiếp tế thực phẩm cho tù binh.
Thời gian đầu việc bố phòng canh gác của địch còn sơ sài, lực lượng binh lính mới có một trung đội lính Marốc. Tư tưởng chỉ đạo của Đảng bộ trại lúc này là ai có điều kiện trốn được thì cứ trốn không chờ đợi tổ chức qui mô. Nhưng rồi càng về sau, địch liên tiếp chuyển hết chuyến tàu này đến chuyến tàu khác, đưa anh em tù binh ra đảo với số lượng quá đông. Tuy vậy, Chi bộ Đảng trong tù vẫn cho tiến hành đào hầm ở gian đầu nhà số 2 ở trại A qua hàng rào dây kẽm gai sang khu nhà trại B sau này. Khi đường hầm đào gần xong, do có sơ suất khi địch vào trại yêu cầu lấy thêm người đi lao động ngoài trại nửa chừng, không quản lý được, kẻ xấu trà trộn vào đi làm rồi báo cho bọn Pháp biết, ngay lúc đó anh em đã kịp thời cho lấp phá hầm, trước khi bọn Pháp vào khám xét. Rồi còn tổ chức nhiều vụ vượt ngục khác, có khi thành công, có vụ không thành công...
Sau những vụ việc này, địch tăng cường đàn áp tù binh.
Vào cuối tháng 9 năm 1953, địch san bớt l.000 người ở trại A sang trại B cùng với các chuyến tàu chúng chuyển tiếp ở các trại trong đất liền tới, lúc này tuy có sự xáo trộn trong tổ chức cả về nội bộ Đảng và bộ máy chính quyền tự quản tù binh, nhưng anh em tù đã nhanh chóng ổn định tổ chức và tiến hành Đại hội Chi bộ, bầu cấp ủy thống nhất toàn Căng Cây Dừa. Đồng chí Nguyễn Đúc Dụ làm Bí thư thay đồng chí Văn Tân. Khi đó đồng chí Văn Tân cùng đồng chí Phan Vinh (trong Chi ủy cũ), đồng chí Hưng và 3 người nữa được phân công cắt hàng rào dây kẽm gai dưới lòng mương, giáp ranh giữa trại A và B trốn ra thắng lợi, có trách nhiệm báo cáo tình hình mọi mặt với Trung ương Cục miền Nam, Tỉnh ủy Long Châu Hà và Thường vụ huyện ủy Phú Quốc.
Tỉnh ủy Long Châu Hà đã phân công đồng chí Lê Phú Hữu là Thường vụ Tỉnh ủy - Trưởng ty công an ra đảo thành lập Ban Chỉ huy giải phóng tù chính trị và tù binh Căng Cây Dừa và tổ chức đường dây liên lạc giữa bên ngoài với tổ chức Đảng trong nhà tù.
Tuy vậy, công tác chắp nối liên lạc với Đảng bộ nhà tù rất khó khăn, không thể gửi thư ngay ở thị trấn Dương Đông vào nhà tù được và cũng không thể nhận thư của Đảng bộ trong nhà tù gửi ra thị trấn Dương Đông, vì địch sẽ phát hiện được ngay.
Vào khoảng tháng 12 năm 1953 bọn Pháp bàn giao Căng Cây Dừa cho bọn lính ngụy cai quản toàn bộ. Lúc đầu bọn ngụy còn ve vãn dụ dỗ, nhưng không được, bọn chúng bèn lật đổ chính quyền tự quản của tù binh, chúng đưa tay chân của chúng lên nắm quyền, và bắt hàng trăm cán bộ đảng viên của ta, đưa giam vào trại biệt lập và tra tấn cực kỳ dã man để khai thác cơ sở Đảng trong nhà tù này. Thất vọng không khai thác được gì và bọn tay chân chúng nắm quyền lại không lãnh đạo được tù binh, nên địch đành phải xoa dịu và trả lại chính quyền tự quản của anh em tù binh như truớc. Từ đó, cơ sở ở trong tù lại tiếp tục được củng cố và giữ vững vai trò lãnh đạo toàn bộ cho đến ngày toàn thắng.
Theo thống kê sơ bộ, tổng số anh em tổ chức vượt ra nhiều đợt cho đến ngày có lệnh đình chiến là: 327 anh em, trong số này có nhiều cán bộ chủ chốt của tỉnh, huyện đại đội, tiểu đoàn, trung đội, tiểu đội v.v... Số anh em vượt ra có trên hai tiểu đội nhập vào bộ đội huyện Phú Quốc, một số tham gia vào ban, ngành xung quanh huyện, một số làm công tác ở Ban Chỉ huy, một ít anh em làm giáo viên Cấp I ở các xã, và số đông được đưa về đất liền, rồi tiếp tục vào bộ đội, và làm công tác ở các ngành, ban giúp bạn Campuchia và về tỉnh, cũng có đồng chí về công tác ở tổ chức Trung ương Cục.
Cách vượt ngục của các chiến sĩ ta cũng rất đa dạng, thể hiện lòng dũng cảm, sự mưu trí và đặc biệt là khát vọng được hoạt động, được tiếp tục chiến đấu chống kẻ thù xâm lược. Có thể kể một số vụ tiêu biểu:
- Vụ tổ chức đánh cướp súng của địch khi đi lao động ở bên ngoài trại giam diễn ra chiều 8/9/1953 - Đã có 54 người thoát ra, nhưng thực tế chỉ thoát được 51 người; thu 8 súng. (Trong số 3 người không thoát được, có 2 người bị hy sinh, 1 người bị địch bắt lại).
- Cuộc vượt rào đêm 17/9/1953, có 20 đồng chí thoát ra, nhưng 01 đồng chí bị hy sinh ngay tại hàng rào.
- Cuộc đánh úp bọn lính, cướp súng (khi đi lao động ở ngoài trại) diễn ra ngày 17/01/1954, đã thoát được 20 người. (Nhưng sau đó 4 người đã hy sinh trên đường tìm về căn cứ)...
Rất nhiều đồng chí sau khi vượt ngục thành công, đã ở lại Phú Quốc, cùng quân và dân trên đảo chiến đấu. Nhiều đồng chí đã nêu gương sáng về lòng dũng cảm, thà hy sinh chứ không chịu khuất phục trước kẻ thù.
Trước những thử thách đấu tranh một mất một còn với địch để bảo vệ lực lượng cách mạng, lực lượng kháng chiến của ta đã liên tục đấu tranh kiên cường dũng cảm và liên tiếp giành thắng lợi cơ bản trong cuộc đấu tranh ở trận tuyến đặc biệt này. Ý chí ấy được thể hiện nổi bật ở mấy điểm:
Trước tiên là bằng mọi cách để xây dựng tổ chức Đảng ở nhà tù và luôn luôn phát huy vai trò lãnh đạo đấu tranh với địch trong mọi tình huống. Mặt khác, do nắm vững được tình hình và âm mưu thủ đoạn xảo quyệt của địch, nên Chi bộ Đảng đã đề ra mục tiêu, phương hướng chính xác và các hình thức đấu tranh thích hợp, có lý, có lợi, có chừng mực và vận dụng uyển chuyển, linh hoạt phù hợp với những tình huống khác nhau.
Ngay từ tháng 6-1953, dưới dự chỉ đạo của Tỉnh ủy Long Châu Hà và Huyện ủy Phú Quốc, tổ chức cách mạng trên đảo đã có kế hoạch chuẩn bị đón tiếp anh em tù ở Căng Cây Dừa vượt ra. Huyện ủy đặt vấn đề dựa vào dân, giáo dục nhân dân ý thức thương yêu những người tù vượt trại ra. Do đó, anh em tù vượt trại ra là được sự ủng hộ hết lòng của bà con, cô bác. Nhờ vậy mà nhân dân, đồng bào thương quý anh em thực lòng như con em mình và anh em cũng coi đồng bào như cha mẹ, anh chị mình vậy.
Điều hết sức quý báu là, hàng ngũ cán bộ đảng viên trước khi bị địch bắt giam đã được Đảng, Bác Hồ kính yêu giáo dục và rèn luyện. Nên tại trận địa đặc biệt này, anh em tự đứng lên tập hợp lực lượng, biến sức mạnh tinh thần thành sức mạnh vật chất và đấu tranh quyết liệt, đầy gian khổ trong mọi tình huống. Và đội ngũ cán bộ đảng viên này, có tinh thần gương mẫu, có đức hy sinh, kể cả khi khó khăn nguy hiểm, cũng như khi thắng lợi và có quyết tâm cao tất cả cho sự nghiệp của cách mạng của Đảng và của nhân dân. Chính từ nhũng đức tính đó mà đã có những hành động cụ thể trong nhà tù cũng như khi ra ngoài và đã góp phần giành nhiều thắng lợi cho sự nghiệp cách mạng.
Nguyễn Văn (Cựu tù binh Phú Quốc)
Căng cây dừa ý chí và hành động cách mạng của người chiến sĩ
…Nhìn lại 14 tháng tồn tại Căng Cây Dừa thời thực dân Pháp chiếm đóng (từ tháng 7 - 1953 đến hết tháng 8 - 1954) ta có thể khái quát mấy nét như sau:
1. Căng tù binh Cây Dừa “sinh sau đẻ muộn” nhất so với mọi nhà tù trên cõi Đông Dương, tính đến tháng 7-1954. Nó ra đời trong bối cảnh địch đang thua đau trên chiến trường chính và là một cuộc “chạy tù” vào tuyến sau của địch. Cùng với mục đích chạy tù, nó còn nhằm mục đích thực hiện âm mưu thâm độc là bắt lính để lấy người Việt đánh người Việt lâu dài.
2. Địa điểm căng tù ở Cực Nam Đảo Phú Quốc với địa thế ba bề là biển cả, thuận lợi cho việc phòng vệ của địch, còn về phía Bắc gần với đất đảo, nhưng ngăn cách với dân bởi một hành lang không người ở, sâu gần chục cây số, có bốt Cây Cầy án ngữ. Vì vậy rất khó cho việc chắp nối liên lạc trong - ngoài căng và lao tù vượt ngục chỉ có một hướng tẩu thoát, nếu địch tập trung ngăn chặn thì tù nhân khó thoát.
3. Căng tù binh Cây Dừa trải qua hai kẻ cầm quyền: Bọn Pháp trực tiếp từ tháng 7 - 1953 đến tháng 11-1953, bọn Ngụy thay thế từ tháng 12-1953 đến tháng 8-1954. Bọn Pháp thiên về canh giữ tù, tâm lý thất bại chi phối; bọn Ngụy tích cực cả mặt giam giữ và mặt bắt lính, nuôi ý đồ theo Mỹ. Tuy ý đồ chúng khác nhau nhưng tội ác thì không thua kém nhau. Ngoài những hành động đánh đập, bắt làm khổ sai cực nhọc, bắn giết lẻ tẻ, tội ác của bọn Pháp bộc lộ tập trung trong tháng 9-1953 là bắt tù ăn gạo mục và cá khô thối, không cung cấp rau quả hàng tháng trời, khiến bệnh dịch ỉa chảy, kiết lị, tê phù phát sinh lan tràn làm chết 3-4 chục người trong vòng một tháng. Còn tội ác của bọn ngụy tập trung nhất trong chiến dịch “lật đổ, khủng bố và bắt lính” bằng tra tấn khủng bố ngày đêm suốt hai tháng liền từ trung tuần tháng 01 năm 1954 đến trung tuần tháng 3-1954. Tổng số người tù bị sát hại bởi hai kẻ thù này là hơn 100, thiết tưởng không phải là ít.
4. Số lượng tù binh ở đây tăng nhanh và liên tục. Đến tháng 4 năm 1954 là đỉnh điểm cao nhất, tổng số lên tới 14.000 người. Đông nhất so với các nhà tù khác trên toàn Đông Dương thời ấy, và đông gần gấp 30 lần so với quân địch cai quản và bảo vệ ở đây.
5. Lực lượng tù binh vừa đông, vừa tương đối mạnh mẽ về chất; 60% là bộ đội và quân dân du kích, gần 30% là cán bộ chính trị, và nghiệp vụ các cấp, các ngành, chỉ có trên 10% là dân thường. Ở các nhà tù họ bị phân làm nhiều loại, nhưng ra đây họ đều là tù binh (PIM), ăn ở lẫn lộn trong 4 trại, theo cùng một chế độ. Bị đày ra đây là “cây số cuối cùng”, họ đứng trước một trong hai sự lựa chọn: Hoặc là quyết sống chết vượt lên để tồn tại và chiến thắng; hoặc là “nhắm mắt đưa chân” buông mình trôi theo số phận. Ngả đường thứ hai này sẽ dẫn đến cạm bẫy của địch, sa vào có thể trở thành phản bội Tổ quốc. Ý nguyện số đông là đi theo ngả thứ nhất. Nhưng đi ngả này thì rất gian khổ và nhất thiết phải có bộ tham mưu sáng suốt, vùng lên lãnh đạo thì mới thành công.
Có thể coi những nét trên đây là đặc điểm của Căng Cây Dừa thời chống Pháp. Nó có thể trở thành thuận lợi nếu chúng ta biết khai thác các khả năng trong đó; nhưng trái lại, nếu không biết phát huy thuận lợi đó, sẽ có thể phát sinh nhiều khó khăn, tổn thất do con thú dữ cùng đường điên cuồng phản ứng gây nên. Đảng bộ của tù binh Căng Cây Dừa đã giải quyết được bài toán đó, hoàn thành sứ mạng mà lịch sử trao cho trong hoàn cảnh không có sự chỉ đạo của cấp trên và sự chi viện từ ngoài căng. Tập thể tù binh Cây Dừa, dưới sự lãnh đạo của tổ chức Đảng nhà tù, đã dũng cảm đi theo ngả đường thứ nhất và giành thắng lợi vẻ vang, hòa nhịp với chiến công chung của dân tộc và quân đội.
Thắng lợi đó là gì?
1. Việc địch “chạy tù” là để tiếp tục thực hiện giam giữ những người kháng chiến bị chúng bắt, nhằm vô hiệu hóa một bộ phận không nhỏ lực lượng kháng chiến của ta đồng thời bảo toàn vốn liếng chính trị phòng khi phải hội đàm trao đổi tù binh. Nhưng Căng Cây Dừa thì hơn một vạn người vẫn ngày đêm học tập, rèn luyện để nâng cao mình. Họ không bị vô hiệu hóa, vẫn kiên cường, bất khuất, vẫn tỉnh táo trước mọi âm mưu, thủ đoạn của địch và đấu tranh chống lại, vẫn làm công tác địch vận để đánh địch từ phía sau... Gần 200 anh em tù vượt ngục thắng lợi đã lập tức tham gia cùng huyện đảo Phú Quốc và tỉnh Long Châu Hà, chiến đấu lập chiến công xuất sắc, phối hợp tốt với chiến trường chính. Hơn một vạn con người ở nhà tù này sau khi được trao trả về, lập tức tham gia công cuộc chống Mỹ cứu nước và xây dựng miền Bắc, chính là bằng chứng của thắng lợi của tù binh trong nhà tù Cây Dừa trước đó.
2. Mục đích thứ hai không kém quan trọng là địch muốn nhào nặn cả vạn con người tù ở đây thành những kẻ dễ sai bảo và cuối cùng sẽ cuốn hút vào hàng ngũ binh lính, làm tay sai cho chúng chống lại kháng chiến, chống lại nhân dân. Nhưng trải qua các thủ đoạn dụ dỗ không kết quả, địch huy động tổng lực đánh phá cơ sở và ép buộc được 500 người đi huấn luyện tân binh. Đến khi có Hiệp nghị Genève, quần chúng đã hưởng ứng sự chỉ đạo của Đảng bộ nhà tù, đấu tranh quyết liệt, đòi được gần 400 anh em trong số 500 người đó trở về với tù binh để được trao trả. Chỉ còn lại khoảng 100 người là bọn ác ôn, có tội với tù binh và có nợ máu với nhân dân, nay không muốn và cũng không dám quay về với nhân dân, cố tình bám gót giặc lần nữa. Thắng lợi này của Đảng bộ và tù binh Căng Cây Dừa rất có ý nghĩa: Trong thời điểm địch thay thầy đổi chủ, anh em tù đã khua vang hồi chuông cảnh tỉnh cho tất cả những ai đã và đang rắp tâm bán nước và bán rẻ danh dự mình lần thứ hai.
14.000 người tù được trao trả, vẫn còn mạnh cả thể chất lẫn tâm hồn để bước vào mặt trận chống Mỹ cứu nước, điều đó không mảy may do địch đối xử nhân đạo, mà chính là thành tích quan trọng của Đảng bộ và quần chúng tù binh Căng Cây Dừa tự lực tự cường đấu tranh bền bỉ, quyết liệt để xây dựng, chăm lo đời sống và bảo vệ lẫn nhau.
Có được thành tích ấy là do mấy nguyên nhân sau đây:
1. Đảng bộ Trại tù binh Cây Dừa thời ấy vững mạnh, đủ năng lực và uy tín tập hợp quần chúng tù binh, có tầm nhìn và các chủ trương đúng đắn, hành động khôn ngoan, có tinh thần tự lực tự cường, chủ động, sáng tạo, ý thức trách nhiệm cao.
2. Có đội ngũ cán bộ tuyệt đối trung thành với Đảng và nhân dân, tin tưởng sắt đá vào Bác Hồ, Trung ương và Chính phủ, hết lòng hết dạ phục vụ quần chúng tù binh, năng động, sáng tạo, ý thức trách nhiệm và tổ chức kỷ luật cao.
3 .Đảng bộ và quần chúng đoàn kết chặt chẽ, tin tưởng lẫn nhau, nhất hô bá ứng. Chính sách đại đoàn kết của Hồ Chủ tịch, của Đảng và Chính phủ được mọi người thấm nhuần và nghiêm chỉnh thực hiện. Đó là những nguyên nhân trực tiếp tạo nên thắng lợi của tù binh trong Căng Cây Dừa những năm 1953-1954, song song với các thắng lợi của quân dân ta ở bên ngoài, cũng là bài học quý giá của anh em trong tù. Các nguyên nhân đó hòa quyện và tác động lẫn nhau, phát huy sức mạnh tổng hợp mà làm nên chiến thắng, theo kịp với đà chiến thắng bên ngoài.
Trong thực tiễn nhà tù ngay cả ở nơi không gặp đồng chí quen biết, thì cứ xem xét quần chúng xung quanh, ai là người sống có tư cách - trong hoàn cảnh nhà tù thiếu thốn, khổ cực nhưng không vì miếng ăn miếng uống, chỗ nằm... mà hạ phẩm giá con người, thì đó có thể là đối tượng để ta xem xét, thử thách, tiến tới bắt liên lạc. Không nên để ám ảnh một nỗi nghi ngờ, sợ bắt mối nhầm phải bọn xấu. Trong giai đoạn chiến tranh này, trong nhà tù của giặc, ít có kẻ tay sai địch dám hy sinh quyền lợi vật chất, giả danh Cách mạng, chịu khổ chịu cực để chiếm lòng tin của mọi người, hòng chui sâu, leo cao phá hoại tổ chức, phá hoại Đảng ở đây. Hơn nữa ở đây có hàng trăm hàng ngàn cán bộ, Đảng viên, bộ đội, công an và quần chúng giác ngộ, bọn xấu nếu có cũng không thể che giấu bộ mặt và hành vi của chúng. Cho nên có niềm tin ở đồng chí và quần chúng, thận trọng nhưng mạnh dạn, sáng suốt thì dù khó khăn, vẫn bắt mối liên lạc được với người tốt để đưa vào tổ chức. Đó là nói trường hợp đặc biệt khó khăn, chứ thực tế trong nhiều nhà tù, có nhiều cán bộ, Đảng viên đã quen biết nhau từ trước khi bị bắt, hoặc từ khi bị bắt, bị tù đã chứng kiến tinh thần, khí tiết của nhau qua các cuộc bị tra tấn, hỏi cung hay đấu tranh chống đàn áp khủng bố, thì việc điều tra bắt mối với nhau có nhiều thuận lợi.
Thế nên đến thời điểm này hầu hết các nhà tù trên nước ta đều có cơ sở Đảng, các đoàn tù từ đất liền ra đảo đều có chi bộ Đảng bí mật lãnh đạo. Ra đảo, vấn đề còn lại là làm thế nào các chi bộ này bắt mối được với nhau cho đúng. Thực tế cũng không quá khó.
Bởi đoàn tù nào đã có chi bộ thì tất yếu chi bộ đó phải tìm mọi cách đưa cho được một Đảng viên hoặc quần chúng tin cậy của chi bộ làm trưởng hoặc phó đại diện để công khai quản lý anh em và trực tiếp là đầu mối liên lạc với nhà cầm quyền, và chi bộ thông qua người đó mà đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng đối với Đoàn (song song với vai trò đầu tàu gương mẫu, tiên phong chiến đấu của các đảng viên trong Đoàn đó). Tập trung lên đảo rồi các chi bộ của các đoàn tù thường là ít có quan hệ quen biết sẵn, thì phải khai thác nhiều khả năng, tìm mọi cách để phát hiện ra đầu mối liên lạc, kể cả dựa vào đại diện, phó đại diện của đoàn hay của trại. Cơ sở để có thể tin tưởng nhau ở đây không phải là giấy giới thiệu, cũng chẳng có mật hiệu, mã hiệu để liên lạc - mà là phải nhìn vào thực tế cái tập thể tù binh mới gặp gỡ ấy có đoàn kết thân ái, sống có kỷ luật, trật tự, vệ sinh không? Tư cách số đông cao thượng hay thấp hèn, là có thể đánh giá cái hạt nhân lãnh đạo nó là vàng hay thau để quyết định thái độ. Tổ chức Đảng trong Căng Cây Dừa đã không phạm sai lầm về công tác này.
Đảng bộ Nhà tù Cây Dừa xây dựng lực lượng mạnh cả về Đảng, chính quyền tự quản và các tổ chức quần chúng công khai và bí mật nhằm với tới mọi mặt của đời sống tù binh; đồng thời không ngừng đấu tranh. Trong xây dựng thì coi trọng cả chính trị tư tưởng và tổ chức, nâng cao trình độ văn hóa, hiểu biết chính trị, nâng cao tinh thần đoàn kết tương trợ, xây dựng con người cho yêu cầu trước mắt và cho mai sau, tạo nên không khí lạc quan tin tưởng trong khắp các trại. Đấu tranh thì từ nhỏ đến lớn, từ thấp đến cao tuỳ tính chất vụ việc, âm mưu và thái độ kẻ địch. Cả hai mặt xây dựng và đấu tranh đều nhằm mục đích, yêu cầu thiết thực, mức độ thiết thực, hình thức, phương pháp thì uyển chuyển, không cứng nhắc, cốt đạt được kết quả thiết thực. Ra sức xây dựng lực lượng, chống địch đàn áp, khủng bố, chăm lo đời sống tù binh, kiên trì công tác địch vận, tích cực tranh thủ thời cơ vượt ngục. Đó là những nhiệm vụ Đảng bộ trong Căng lãnh đạo tù binh tiến hành đồng thời, không coi nhẹ mặt nào.
Nét đặc thù của Căng Cây Dừa là địch không đủ sức quản lý sâu vào các trại tù nên tuyên bố cho tù hưởng chế độ tự quản, địch chỉ nắm qua ban đại diện công khai với địch. Chính quyền tự quản của tù nhân Căng, vì thế rất mạnh, bộ máy đủ sức với tới mọi mặt trong sinh hoạt vật chất và tinh thần của tù binh, tiến hành các hoạt động trong trại một cách rất dân chủ, có hiệu lực và rất được quần chúng tù binh tin tưởng và tuân thủ.
Chính quyền ấy đã làm được chức năng công cụ của Đảng, nó thực sự là chính quyền của tù binh, do tù binh và vì tù binh. Nhưng cũng vì vậy mà đầu năm 1954 địch tập trung đánh phá tổ chức Đảng và tổ chức chính quyền tự quản trong trại; xoá chế độ đại diện, lập chế độ trại trưởng, cuộc giằng co kéo dài suốt hai tháng trời, nhưng cuối cùng trước sự chống trả quyết liệt của anh em tù, địch phải nhượng bộ, chấp nhận trở lại chế độ đại diện; tù binh lại phục hồi chính quyền tự quản của mình và nắm vững nó cho đến khi trao đổi tù binh (8-1954).
Đảng bộ trong tù ở Căng Cây Dừa ngày ấy tồn tại và phát triển được trong điều kiện không có sự chi viện trực tiếp từ bên ngoài, sự chỉ đạo cụ thể của cấp trên và độc lập chiến đấu, là nhờ sự tin tưởng và nắm chắc đường lối chính sách của Đảng - đặc biệt là thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ về tư tưởng đại đoàn kết - Cán bộ trong tổ chức Đảng gắn bó chặt chẽ với quần chúng. Đảng bộ trong tù rất tin quần chúng, nhận thức quần chúng là vĩ đại, quần chúng cũng rất tin tưởng và làm theo cán bộ, Đảng viên, Ban đại diện và tổ chức địa phương, gia đình của mình trong mỗi trại, sáng tạo nhiều hình thức hoạt động rất tốt, rất phong phú. Thật đáng tự hào có tới hơn 99% của hơn l vạn tù binh Cây Dừa đã đoàn kết chặt chẽ, không phân biệt Bắc - Trung - Nam, tôn giáo, dân tộc đã quy tụ trong một tổ chức cách mạng của Đảng… Nhờ vậy, mà tạo nên sức mạnh đấu tranh thắng lợi với kẻ thù, bảo vệ được khí tiết cách mạng và góp phần cùng quân dân cả nước chiến thắng kẻ xâm lược…
Trích hồi ký của đồng chí Nguyễn Đức Dụ Cựu tù binh Phú Quốc
(1) Có tài liệu dịch là “khấp quỷ thần”, song trong văn cảnh này, hiểu đúng hơn là khốc quỷ thần chứ không phải là khấp. Vì khốc là khóc to, khấp là khóc không có tiếng.
Minh Thu (st)
Còn nữa