“Chúng tôi yêu nhau, hứa hôn vợ chồng từ năm 1948 nhưng phải đợi đến 18 năm sau mới được gặp lại nhau” - Má Lê Ngọc Ánh mở đầu câu chuyện với chúng tôi như vậy trong lần gặp má cùng Đoàn lão thành cách mạng quận Phú Nhuận (TP Hồ Chí Minh) ra Hà Nội viếng Bác đầu tháng 4-2015. Lúc này, má đã 86 tuổi, phải di chuyển bằng xe lăn.

Trước khi hứa hôn, ông Cổ Dư Trân là Đội trưởng Thanh niên cứu quốc, cán bộ tiếp liệu - Ban Tiếp tế Sài Gòn - Chợ Lớn. Tháng 1-1948, ông làm công tác quân giới của miền Đông Nam Bộ và được giao làm Xưởng trưởng. Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954 được ký kết, ông là Trung đội trưởng Thanh niên cứu quốc và tập kết ra miền Bắc. Sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, ông được điều lên Khu gang thép Thái Nguyên công tác, tiếp đó ông về Bộ Công nghiệp nặng. Hơn hai năm sau, ông được cử làm Trưởng đoàn Thực tập sinh Việt Nam ở Ru-ma-ni. Năm 1971, ông về Bộ Cơ khí - Luyện kim đến ngày thống nhất thì chuyển về TP Hồ Chí Minh công tác ở Sở Giao thông - Vận tải và Ban Cải tạo Công thương nghiệp Thành phố đến năm 1988 thì nghỉ hưu.

Má ở lại miền Nam hoạt động bán công khai tại khu Sài Gòn - Gia Định. Năm 1957, má bị địch bắt tù đày ở Gia Định, Mỹ Tho. Chúng lôi má đi hết nhà lao này đến nhà lao khác. Không moi được điều gì, giữa năm 1960 má được trả tự do. Sau khi ra tù, má hoạt động trong Ban Công vận. Thấy má người xanh gầy, ốm yếu, tháng 5-1965, đồng chí Nguyễn Văn Linh (Mười Cúc) cho má ra miền Bắc chữa bệnh. Từ tháng 12-1966, má công tác ở Đoàn đại diện đặc biệt Cộng hòa miền Nam Việt Nam do ông Nguyễn Văn Tiến làm Trưởng đoàn, ông Nguyễn Phú Soại làm Phó Trưởng đoàn và má là một trong 7 ủy viên thường trực. Khi ở miền Nam, do ông bà hoạt động khác địa bàn, nên đa phần sống xa cách nhau, chỉ khi ra Hà Nội mới cưới và được sống bên nhau. Có lần ông bà đến thăm Bác Tôn, Bác bảo: “Nhờ có Bác Hồ nên hai cháu mới được gần nhau đấy!”.

nho-co-bac-ho-1
Bà Lê Ngọc Ánh vào Lăng viếng Bác (người mặc áo dài tím là chị Cổ Lê Chung Thủy,
 con gái bà Ánh). Ảnh: MINH TRƯỜNG

Năm 2005, kỷ niệm 30 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, Đài Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh (HTV9) có thực hiện Cầu truyền hình trực tiếp “Chung một bóng cờ”, trong đó có rất nhiều tư liệu quý về Đoàn đại diện đặc biệt Cộng hòa miền Nam Việt Nam và hình ảnh của má trong những lần gặp Bác Hồ kính yêu. Bác đặc biệt ưu ái các thành viên của đoàn nên Người thường hay đến thăm. Mọi người hiểu, đó là tấm lòng của Bác dành cho đồng bào miền Nam mà họ là đại diện. Trong một lần được gặp Bác, không biết ai nói chuyện mà Bác biết hoàn cảnh hai người, Người nói: “Cháu trai làm nhiệm vụ xây dựng CNXH ở miền Bắc vẫn chung thủy, cháu gái ở miền Nam cũng chung thủy. Thế là cả hai cháu đều chung thủy!”. Năm 1966, ông bà có con, nhớ lời Bác khen hai vợ chồng chung thủy, ông bà đặt tên cô con gái là Chung Thủy. Cổ Lê Chung Thủy sinh ra và lớn lên trong lòng miền Bắc XHCN, đang học lớp 2 tại Trường Chu Văn An thì miền Nam giải phóng, lúc này ba cô đã về miền Nam trước nên hai má con vào sau. Bé Chung Thủy bây giờ đã là một cán bộ hải quan công tác tại TP Hồ Chí Minh, sống hạnh phúc với chồng và hai con trai. Nhớ đến chuyện xưa, Chung Thủy bảo chúng tôi: “Lúc ấy, em còn nhỏ nhưng hình ảnh Bác thì em không bao giờ quên được. Mỗi lần Bác đến thăm Đoàn đại diện đặc biệt Cộng hòa miền Nam Việt Nam, Người đều đem kẹo bánh chia cho các cháu. Năm 1969, sức khỏe Bác đã yếu, Người vẫn đến cơ quan của Đoàn (số 19-21 Hai Bà Trưng, Hà Nội), có lẽ đấy là lần cuối cùng Bác đến thăm mọi người. Lúc này, má Lê Ngọc Ánh đang đi học tại Trường Nguyễn Ái Quốc, Chung Thủy mới 3 tuổi nên theo má xuống trường, không thấy hai má con, Bác hỏi mọi người: “Sao không thấy mẹ con cô Ánh?”. Ngày Bác mất, má ở trong Đoàn đại diện Chính phủ Cộng hòa miền Nam Việt Nam vào viếng Bác mà trái tim nghẹn ngào đau xót như bao người Việt Nam khác, nhưng với riêng má, mỗi lần gặp Bác, má cảm nhận dường như tình cảm của Người dành cho mẹ con má, cho các thành viên trong Đoàn đại diện không chỉ là tình cảm của Bác dành cho miền Nam mà còn là tình cảm ruột thịt của người cha đối với con thật yêu thương, gần gũi và ấm áp.

Má cho biết, từ ngày Lăng Bác mở cửa, má đã nhiều lần ra viếng Người. Bây giờ, trong căn nhà số 19, đường Phan Tây Hồ, phường 7, quận Phú Nhuận, má lập một bàn thờ Bác. Má bảo, những lúc khó khăn, má thường thắp hương tưởng nhớ Bác, xin nhận ở Người thêm nghị lực để vượt qua.

QUÝ HOÀNG

Theo Báo Quân đội nhân dân

Huyền Anh (St)

Bài viết khác: