43. Chủ tịch nước cũng không có đặc quyền
Đầu năm 1946, cả nước tiến hành cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội đầu tiên. Gần đến ngày bầu cử, tại Hà Nội - là nơi Bác Hồ ra ứng cử, có 118 vị Chủ tịch Ủy ban nhân dân và đại biểu các giới hàng xã, đã công bố một bản đề nghị: “Yêu cầu cụ Hồ Chí Minh không phải ứng cử trong cuộc Tổng tuyển cử sắp tới. Chúng tôi suy tôn và ủng hộ vĩnh viễn cụ Hồ Chí Minh làm Chủ tịch của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”.
Từ nhiều nơi trong cả nước, đồng bào viết thư đề nghị Bác không cần ra ứng cử ở một tỉnh nào, nhân dân cả nước đồng thanh nhất trí ứng cử Bác vào Quốc hội.
Trước tình cảm tin yêu đó của nhân dân, Bác viết một bức thư ngắn cảm tạ đồng bào và đề nghị đồng bào để Bác thực hiện quyền công dân của mình: “Tôi là một công dân của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nên tôi không thể vượt khỏi thể lệ của Tổng tuyển cử đã định. Tôi ra ứng cử ở Hà Nội nên cũng không thể ra ứng cử ở nơi nào nữa. Xin cảm tạ đồng bào đã có lòng yêu tôi và yêu cầu toàn thể đồng bào hãy làm tròn nhiệm vụ người công dân trong cuộc Tổng tuyển cử sắp tới”.
Sau ngày hòa bình lập lại, có lần Bác đi thăm một ngôi chùa cổ, vị sư chủ trì ra đón và khẩn khoản xin Bác đừng cởi dép khi vào trong chùa. Bác không đồng ý và lặng lẽ làm đúng những quy định như khách thập phương đến lễ chùa. Trên đường từ chùa về, khi vào đến thành phố, xe Bác vừa đến ngã tư thì vừa lúc đèn đỏ bật. Sợ phố đông, xe dừng lâu, đồng chí bảo vệ định chạy lại đề nghị đồng chí công an giao thông bật đèn xanh để Bác đi. Bác hiểu ý ngăn lại:
- Các chú không được làm như thế, phải tôn trọng và gương mẫu chấp hành luật lệ giao thông. Không được bắt luật pháp dành quyền ưu tiên riêng cho mình.
44. “Thế thì chúng ta đã gặp nhau rồi”
Chuyện xảy ra vào một buổi tối cuối năm, tại một thung lũng thuộc núi rừng Việt Bắc trong thời kì kháng chiến chống thực dân Pháp.
Hôm ấy, khi đồng chí Tường đang ngâm mình dưới nước để đóng cọc chân cầu thì bỗng một cụ già đi ngang qua. Dưới ánh đuốc sáng, biết mọi người đang khẩn trương hoàn thành chiếc cầu phục vụ chiến dịch sắp tới, ông cụ dừng lại chăm chú quan sát và hướng về đồng chí Tường, đang ngâm mình dưới nước lạnh.
Khi Tường lên bờ nghỉ cho đỡ rét, cụ lại gần, nhìn bộ quần áo ướt anh đang mặc, hỏi :
- Đồng chí có quần áo thay chưa ?
Tường thật thà đáp chưa có. Thấy vậy, cụ liền lấy một chiếc áo trong gói đem theo, đưa cho Tường và nói :
- Đồng chí cầm lấy.
Từ chối không được, Tường ôm chầm lấy cụ và cảm ơn. Ông cụ chống gậy, theo con đường nhỏ khuất trong buổi tối mờ sương.
Sau đó ít lâu, Tường được đi dự Đại hội Chiến sĩ thi đua toàn quốc và được nghe Bác Hồ nói chuyện…
Trong bản báo cáo thành tích, Tường đã kể lại câu chuyện gặp ông cụ già và được ông cụ tặng chiếc áo trong ngày lạnh giá ấy.
Lần đó, Bác Hồ thưởng Huy hiệu cho nhiều đại biểu đến dự Đại hội. Đến lượt gắn huy hiệu cho Tường, Bác mỉm cười hỏi :
- Thế đồng chí không nhớ tên ông cụ nông dân mà đồng chí vừa kể à ?
- Cháu rất tiếc là đã quên không hỏi, nhưng hi vọng sẽ có ngày cháu gặp lại cụ ấy ! - Tường thưa với Bác.
Bác Hồ mỉm cười, xiết chặt tay anh và nói :
- Thế thì chúng ta đã gặp nhau rồi.
45. Tăng tiêu chuẩn cho chiến sĩ
Năm 1952, khi vùng tự do đã được mở rộng sau nhiều chiến dịch lớn, các đại đoàn chủ lực đã được thành lập. Chính sách thuế nông nghiệp được ban hành, nhân dân nhiều vùng ra sức đóng góp thuế nông nghiệp để nuôi quân.
Bác đề nghị tăng gấp đôi tiêu chuẩn cho bộ đội (lúc đó chiến sĩ được tiêu chuẩn 1 kg gạo/ngày, kể cả ăn và tiêu vặt), cán bộ thì được hơn.
Chủ trương đó được phổ biến tới Tổng cục Hậu cần và Cục Quân lương. Các đồng chí quân lương nhiều lần làm đề án trình Bác, căn cứ vào thực tế thóc có trong kho và tính toán cân đối với Bộ Tài chính thì tăng gấp đôi cho cán bộ từ trung đội phó trở lên, còn chiến sĩ chỉ thêm hai lạng tức là mỗi ngày được tiêu chuẩn 1,2 kg gạo.
Tôi thấy nhiều đêm Bác thao thức về vấn đề này. Có lần đến phiên tôi trực, Bác hỏi: “Sức trai như chú mỗi bữa ăn mấy bát cơm thì no?”. Lúc ấy ăn uống thức ăn chẳng có gì, chủ yếu là ăn cơm. Tôi hiểu tâm trạng Bác hỏi là có ý, nên đã thưa thực:
- Thưa Bác, như sức cháu mỗi bữa ăn năm bát mới no.
- Năm bát cơm phải một bơ bò đầy gạo là 0,33kg, ngày ba bữa, riêng ăn đã là một kg rồi.
Vào một đêm tháng Chạp năm đó, trời rét như cắt thịt. Tôi thu mình trong chiếc áo dạ chiến lợi phẩm đứng dưới nhà sàn của Bác. Ánh đèn trên nhà sàn vẫn sáng. Khoảng 1 giờ sáng có tiếng lẹp xẹp trên sàn nứa, tôi đoán Bác lại suy tư điều gì, xuống hỏi tôi đây.
Đúng như dự đoán, chỉ hơn một phút sau Bác đã đứng cạnh tôi, Bác hỏi:
- Chú ăn cơm chiều lúc mấy giờ?
- Thưa Bác lúc năm giờ rưỡi ạ!
- Chú đã đói chưa?
Biết là không thể nói dối Bác được, tôi thú thật:
- Thưa Bác, đói rồi ạ!
Bác vui hẳn lên như tìm ra một vật quý và nói – giọng nói đầy thương yêu.
- Đúng rồi, chú bảo vệ ở hậu phương mà lúc này đói, thì các chiến sĩ công đồn, phục kích quân địch, vào lúc này chắc sẽ đói gấp đôi. Vậy mỗi chú chỉ có 1,2 kg gạo thì đánh giặc sao nổi.
Bác lên sàn rồi quay lại rất nhanh đưa cho tôi một bắp ngô nếp luộc rất to.
- Phần của chú đây, chú ăn đi cho đỡ đói để làm nhiệm vụ.
Tôi biết không thể từ chối, nên cầm bắp ngô ăn, trong bụng vẫn băn khoăn không biết đêm nay Bác đã ăn gì chưa? Khi nhà sàn tắt đèn, tôi liếc nhìn đồng hồ thì đã 2 giờ sáng. Những gì diễn ra tiếp đó thì tôi không rõ, chỉ biết rằng đầu tháng sau các chiến sĩ bảo vệ chúng tôi cũng được tăng tiêu chuẩn 2 kg gạo/ngày.
46. Bác Hồ với bộ đội ở Đền Hùng
- Các chú có mệt không?
Mọi người đáp ran:
- Thưa Bác, không ạ!
Theo hiệu của Bác, tất cả cán bộ, chiến sĩ đều nhất loạt ngồi xuống bậc thềm, vây quanh lấy Bác.
Mở đầu câu chuyện, Bác chỉ tay lên Đền, thân mật hỏi:
- Các chú có biết đây là nơi nào không? Đây chính là Đền thờ vua Hùng, tổ tiên chúng ta. Bác cháu ta gặp nhau ở đây tuy tình cờ nhưng lại rất có ý nghĩa. Ngày xưa, các vua Hùng đã có công dựng nước, ngày nay Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước. Trải qua bao nhiêu thời đại đấu tranh, ông cha ta mới giữ được Thủ đô. Tám, chín năm nay, do quân dân ta kiên quyết kháng chiến nên mới có thắng lợi trở về Hà Nội. Vì thế, các chú được Trung ương và Chính phủ giao cho nhiệm vụ tiếp quản Thủ đô là được nhận một vinh dự rất lớn.
Sau đó, Bác nhắc nhở: ''Quân đội ta không được vì sống trong hoà bình mà lơi lỏng tay súng. Còn đế quốc ở miền Nam, còn đế quốc trên thế giới thì còn phải xây dựng quân đội mạnh mẽ''.
Ai nấy đều nhớ mãi lời khuyến khích, dặn dò ân cần của Bác. Lúc câu chuyện kết thúc, Bác nói:
- Đồng bào Hà Nội chờ mong các chú từ ngày các chú ra đi, nay đang mong cờ đỏ sao vàng, chờ đợi hoan hô các chú. Hãy xứng đáng với vinh dự đó, trách nhiệm đó.
Vô cùng phấn khởi, mọi người vội đứng cả dậy, xúm xít quanh Bác Hồ hô lớn: ''Hồ Chủ tịch muôn năm! Chúc Bác luôn khoẻ, sống lâu!''
Bác cười hiền hậu, nói:
- Được, muốn Bác vui khoẻ sống lâu, các chú hãy làm đúng lời Bác dặn.
Những lời căn dặn của Bác Hồ với bộ đội tại Đền Hùng 48 năm về trước đã đặt ra cho thế hệ chúng ta hôm nay trách nhiệm nặng nề và rất vẻ vang.
47. Bác kết luận
- Thưa Bác, tại sao chúng ta cứ để mãi cái bọn giết người độc ác ấy? Cháu tưởng lũ rác ấy, Bác cứ lệnh cho chúng cháu quét sạch chúng nó xuống cống hết!
Bác cười, chỉ gian phòng làm việc rồi hỏi tôi:
- Bây giờ có con chuột vào phòng gặm nhấm đồ đạc, các chú lấy gạch đá ném, hay khéo tìm cách bắt nó, hoặc đuổi nó đi?
- Dạ, lấy đá ném vỡ mất đồ quý trong phòng ạ!
Bác kết luận:
- Đối với bọn phản cách mạng hiện nay cũng thế. “Nó lú nhưng chú nó khôn''. Muốn làm được việc lớn phải biết nhìn xa trông rộng.
Hiểu rõ vấn đề, từ đấy chúng tôi không thắc mắc nữa.
48. Bác không thăm những người như mẹ con thím thì còn thăm ai?
Thấy người lạ, mấy em quay ra nhìn tôi. Em lớn, cặp mắt như dò hỏi nhưng vẫn lễ phép:
- Cháu chào bác ạ !
- Mẹ cháu đâu? - Tôi vội hỏi.
- Bác ạ, bác hỏi gì cháu? - Chị Chín từ trong bếp đi ra, vai quẩy đôi thùng, có lẽ chị đi gánh nước để sớm mai khỏi bị “dông”.
Chị vừa trả lời vừa nhìn tôi hơi ngạc nhiên, tôi vội bảo:
- Chị ạ, chị ở nhà…
Chị Chín vẻ lo lắng, quay lại nhìn lũ trẻ. Hình như chị lo lũ trẻ nghịch dại nên cán bộ tới chăng? Tôi vội bảo thêm:
- Chị ở nhà, có khách đến thăm Tết đấy!
Vừa lúc ấy, Bác đã bước vào. Chị Chín sửng sốt nhìn Bác. Chiếc đòn gánh bỗng rơi khỏi vai chị. Chiếc thùng sắt gieo xuống đất kêu loảng xoảng. Tôi vội xếp lại hộ chị. Mấy cháu nhỏ kêu lên: “Bác Hồ, Bác Hồ” rồi chạy lại quanh Bác.
Lúc này chị Chín mới như chợt tỉnh, chị chạy tới ôm choàng lấy Bác và bỗng nhiên khóc nức nở. Đôi vai gầy sau làn áo nâu bạc rung lên từng đợt.
Bác đứng lặng, hai tay Người nhẹ nhẹ vuốt lên mái tóc chị Chín. Chờ cho chị bớt xúc động, Người an ủi:
- Năm mới sắp đến, Bác đến thăm thím, sao thím lại khóc?
Tuy cố nén, nhưng chị Chín vẫn không ngừng thổn thức, chị nói:
- Có bao giờ…có bao giờ Chủ tịch nước lại tới thăm nhà chúng con…, mà bây giờ mẹ con chúng con lại được thấy Bác ở nhà. Con cảm động quá! Mừng quá…thành ra con khóc…
Bác nhìn chị Chín, nhìn các cháu một cách trìu mến và bảo:
- Bác không tới thăm những người như mẹ con thím, thì còn thăm ai?
Người xoa đầu các cháu và cho các cháu kẹo, rồi hỏi chị Chín:
- Thím hiện nay làm gì?
- Dạ, cháu làm phu khuân vác ở Văn Điển ạ!
- Như vậy là làm công nhân chứ! Sao lại gọi là phu?
- Vâng ạ, cháu trót quen miệng như trước kia.
- Thím vẫn chưa có công việc ổn định à?
- Dạ, cháu đã ngoài ba mươi tuổi, lại kém văn hóa nên tìm việc có nghề nghiệp cũng khó.
Bác quay nhìn đồng chí Phó Bí thư Thành ủy và đồng chí Chủ tịch Ủy ban Hành chính thành phố Hà Nội. Bác lại hỏi:
- Mẹ con thím có bị đói không?
- Thưa Bác, hồi Tây còn ở đây thì dẫu có cả bố cháu cũng vẫn đói ạ! Bây giờ bố cháu mất rồi, nhưng đói thì không ngại, rét cũng không lo, song việc chi tiêu thì còn chắt chiu lắm ạ!
Nói tới đây chị lại rơm rớm nước mắt.
Bác chỉ vào cháu lớn nhất và hỏi:
- Cháu có đi học không?
- Dạ, cháu đang học lớp bốn ạ! Cháu nó vất vả lắm! Sáng đi học, chiều về phải trông các em và đi bán kem, hoặc bán lạc rang để đỡ đần cháu…Còn cháu thứ hai thì học lớp ba, cháu thứ ba học lớp hai. Dạ, khó khăn nhưng vợ chồng cháu trước đã dốt nát, nay cũng phải cố cho các cháu đi học.
Bác tỏ ý bằng lòng. Người ân cần dặn dò việc làm ăn và việc học tập cho các cháu. Nhân dân trong ngõ đã tới quây quần trước sân. Bác bước ra thăm hỏi và chúc Tết bà con. Mọi người cùng mẹ con chị Chín theo tiễn Bác ra xe. Khi chiếc xe từ từ lăn bánh, mấy mẹ con chị vẫy chào Bác, nhưng nét mặt chị Chín vẫn bàng hoàng như việc Bác vào thăm Tết nhà chị không rõ là thật hay hư.
Trên xe về Phủ Chủ tịch, vầng trán mênh mông của Người còn đượm những nét suy nghĩ.
Tôi khẽ trình bày với Bác:
- Thưa Bác, năm nay Thành ủy Hà Nội đã để ra mười vạn đồng trợ cấp cho các gia đình túng thiếu.
Bác quay lại nhìn tôi rồi bảo:
- Bác biết, nhưng muốn cho mọi người vui Tết, trước hết phải lo cho ai cũng có việc làm. Phải chú ý những người có khó khăn đặc biệt.
48. Các chú có báo không?
Ông cụ bắt tay chúng tôi và hỏi:
- Các chú là tự vệ thôn đây?
- Dạ.
Ông cụ liền chỉ tay vào các đồng chí cùng đi, nói:
- Các chú đây là Giải phóng quân.
Lâu nay ba tiếng Giải phóng quân có sức thu hút mãnh liệt đối với tôi. Hàng ngày cứ đứng trên đê, hướng về dãy núi Tam Đảo, tôi ao ước sao có cánh để bay tới chiến khu Tuyên - Thái mà sống cuộc sống chiến đấu và tự do trên ấy. Tôi đã nhiều lần đề nghị cấp trên cho thoát ly để tham gia Giải phóng quân, nhưng chưa được. Giờ đây trước mặt tôi là những con người ấy đang tươi cười bắt tay mình. Tôi không sao nén được cảm động trước những đồng chí mới gặp lần đầu này, đặc biệt là cụ già trong đoàn.
Sau phút chào hỏi, chúng tôi mời ông cụ về trụ sở tự vệ của chúng tôi trong thôn. Tới cổng thôn, ông cụ dừng lại xem các khẩu hiệu kẻ trên bức tường. Chợt nhìn thấy hàng dây cờ căng trước cổng thôn, ông cụ bỗng nhiên hỏi:
- Sao các chú làm cờ của ta nhỏ hơn cờ của các nước đồng minh?
Chúng tôi cùng nhìn lên, thì ra cờ của ta nhỏ hơn cờ của các nước đồng minh thật!
Một đồng chí trong chúng tôi thưa với cụ:
- Dạ, giấy đỏ và giấy vàng nhân dân ta mua làm cờ nhiều quá nên thiếu ạ. Vì muốn cho đủ, nên chúng cháu phải cắt bỏ đi một chút ạ.
- Không nên - ông cụ khẽ lắc đầu và bảo. Các chú phải hiểu là: Cách mạng đã thành công, nước ta đã giành được độc lập và ngang hàng với các nước khác, vì vậy cờ của ta phải bằng cờ của các nước. Có thế mới tỏ rõ chí tự cường, tự trọng của mình.
Chúng tôi đều vâng lời, một đồng chí tự vệ vội trèo lên lấy dây cờ xuống để sửa lại.
Về tới trụ sở của đội tự vệ (nói là trụ sở, thật ra chỉ là một ngôi miếu gần đình làng tôi, cả ngôi miếu bấy giờ chỉ có hai cái phản để chúng tôi nghỉ mỗi khi đi tuần tra, canh gác về; sở dĩ chúng tôi chọn nơi đây là cốt để yên tĩnh và chờ đến tối sẽ chuyển sang địa điểm khác), tôi vội đi lên trước, toan trải chiếu, nhưng ông cụ gạt đi và thản nhiên ngồi xuống phản. Hai đồng chí Giải phóng quân cùng anh em tự vệ chúng tôi gác phía ngoài. Số còn lại thì vào nghỉ ở chiếc phản kề bên.
Tôi mang bộ đồ trà tới. Quen như tiếp khách ở nhà, tôi toan rót nước ra chén. Ông cụ bảo:
- Cháu cứ để đấy, ai khát sẽ rót uống, không nên rót sẵn.
Tôi vâng lời. Ông cụ lại hỏi:
- Các chú có báo không?
- Dạ có ạ.
Tôi vội mang tới cho ông cụ tờ báo Cờ giải phóng chúng tôi vừa mua ban sáng. Ông cụ chỉ đầu bài rồi giao cho một đồng chí Giải phóng quân đọc, các đồng chí khác cùng ngồi quây quần lắng nghe. Ông cụ vừa nghe, vừa thỉnh thoảng ghi gì đó vào sổ tay. Có lúc ông cụ dừng lại, nêu câu hỏi để các đồng chí Giải phóng quân nêu ý kiến, rồi cụ giảng giải thêm, sau đó mới cho đọc tiếp.
49. Các chú nói có lý nhưng chưa hợp lý
... Các đồng chí Bộ Chính trị đều tham gia ý kiến rồi gửi lại cho Bác. Bác xem và bảo đồng chí Vũ Kỳ lấy bản của đồng chí Trường Chinh làm bản gốc, vì bản này có nhiều ý kiến thiết thực, sau đó bổ sung các ý từ những bản của các đồng chí khác. Sửa xong, Bác cho đi đánh máy lại và ngày 30-01 mời đồng chí phụ trách tuyên huấn sang cùng Bác soát lại lần cuối. Đồng chí tuyên huấn đọc xong, cười gượng, nói:
- Thưa Bác, so với bản bên Tuyên huấn gửi sang, Bác sửa lại hầu hết ạ.
Bác cười độ lượng:
- Bác có sửa nhưng các ý chính trong bài Bác có sửa đâu.
Đồng chí phụ trách tuyên huấn thưa:
- Thưa Bác, cán bộ Đảng ta nói chung là tốt. Chỉ có một số ít thoái hoá biến chất. Bác đặt đầu đề như vậy thì mạnh quá, xin Bác đưa về ''Nâng cao đạo đức cách mạng” lên trước, vế ''Quét sạch chủ nghĩa cá nhân'' xuống sau ạ!
Bác quay sang hỏi đồng chí Vũ Kỳ:
- Ý kiến chú thế nào?
Đồng chí Vũ Kỳ thưa với Bác là đồng ý với đề nghị của đồng chí tuyên huấn. Nghe xong Bác nói:
- Các chú có lý, nhưng chưa hợp lý. Bác muốn hỏi điều này. Gia đình các chú tiết kiệm mua được một bộ bàn ghế và giường tủ mới. Vậy trước khi bê vào phòng các chú có khênh đồ cũ ra quét sạch sẽ hay cứ để rác bẩn thỉu mà kê bàn ghế, giường tủ mới vào?
Ngừng một lát. Bác tiếp:
- Vì các chú là đa số. Bác đồng ý nhượng bộ, đổi lại đầu đề “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân”, nhưng trong bài dứt khoát giữ nguyên ý: “Quét sạch chủ nghĩa cá nhân, nâng cao đạo đức cách mạng”.
50. Chú nói đúng, nhưng chưa đủ
Nghiêm nghị nhìn chúng tôi một lượt, Bác lại hỏi:
- Hoà bình lập lại, nhiệm vụ của các chú là gì?
Đồng chí Tân, cán bộ đại hội, đáp:
- Thưa Bác, bộ đội chúng cháu phải tiếp tục cùng nhân dân trừ oan, tích cực sản xuất và tích cực học tập quân sự, chính trị, văn hoá. Riêng đoàn chúng cháu có nhiệm vụ bảo vệ Trung ương Đảng, Chính phủ tại Hà Nội ạ.
Bác gật đầu:
- Chú nói đúng, nhưng chưa đủ. Các chú còn phải cùng nhân dân đấu tranh thực hiện cải cách ruộng đất, tăng gia, chống đói, chống lụt. Phải xây dụng quân đội lớn mạnh bằng cách học tập chính trị, văn hoá, quân sự cho giỏi và sẵn sàng chiến đấu. Phải đề phòng mọi âm mưu, thủ đoạn của kẻ địch.
Sau khi đã giải thích cặn kẽ về Hiệp định Giơnevơ, Bác lại hỏi một lần nữa:
- Các chú còn gì thắc mắc nữa không?
Tâm Trang (tổng hợp)
Còn nữa