Chỉ mục bài viết

 

Chủ tịch Hồ Chí Minh là Anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa kiệt xuất. Người đã để lại cho Đảng ta, dân tộc ta một di sản tư tưởng, đạo đức, phong cách vô cùng quý giá; là ngọn đuốc soi đường, chỉ lối cho cách mạng Việt Nam vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách trong quá trình đấu tranh giành độc lập dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, tiến hành công cuộc đổi mới đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, làm cho vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng cao.

Ngày 15/5/2016, Bộ Chính trị khóa XII đã ban hành Chỉ thị số 05-CT/TW về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Đây là một nội dung quan trọng của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức, xây dựng đội ngũ cán bộ, đủ năng lực, phẩm chất, ngang tầm nhiệm vụ; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ.

Việc thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW sẽ làm cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân nhận thức ngày càng sâu sắc hơn những nội dung cơ bản và giá trị to lớn của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Qua đó, làm cho tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người thật sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của đời sống xã hội, xây dựng văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là yêu cầu, trách nhiệm, nhưng đồng thời cũng là tình cảm, là nguyện vọng tha thiết của mỗi cán bộ, đảng viên và người dân Việt Nam yêu nước, để xây dựng một đất nước Việt Nam giàu đẹp, dân chủ; dân tộc Việt Nam độc lập, tự do; nhân dân Việt Nam ấm no, hạnh phúc.

Để góp phần đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, đặc biệt là giúp mọi người hiểu thêm về tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về phong cách làm việc, xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc một số bài viết, bài nói của Người về phong cách làm việc của cán bộ lãnh đạo, quản lý.

1. Về sự kết hợp tính nguyên tắc và tính linh hoạt, sáng tạo

“TINH THẦN TỰ ĐỘNG TRONG ỦY BAN NHÂN DÂN

Tự động là không phải tựa vào ai, là tự mình biết biến báo xoay xở, tự mình biết thực hành công tác theo nhiều hình thức mới mẻ, phong phú.

Nhiều Uỷ ban nhân dân, một khi nhận được mệnh lệnh gì của cấp trên là chỉ biết cắm đầu cắm cổ thi hành đúng như vậy, thi hành một cách máy móc. Họ không biết tùy hoàn cảnh địa phương, tùy tình thế từng lúc mà châm chước đi, không biết biến báo, làm khác đi ít nhiều cho được thích hợp. Ví dụ, nhận được chỉ thị phải tổ chức "Tuần lễ vàng", Uỷ ban nhân dân xã nọ đã biết chắc làng mình không ai có được một đồng cân vàng hay chỉ có rất ít, mà lại chủ trương chỉ lạc quyên độc một thứ vàng thôi, thì bảo đào ở đâu ra? Sao không biết quyên thóc, sắt, đồng, nếu làng ấy có nhiều các thứ ấy.

Khi có công tác thì đem thi hành một cách máy móc. Khi làm xong việc lại chỉ ngồi không, không chịu bới việc ra mà làm nữa, cứ ỳ ra như xe bò lên dốc, không có người đẩy là y như đứng lại.

Nhiều uỷ viên trong các Uỷ ban, đã được phân công rõ ràng, đã nhận phụ trách một việc nhất định, không biết xoay xở nghĩ cách thực hành công tác mình cho có hiệu quả, lại nhất nhất điều gì cũng chỉ đòi hỏi chủ tịch hay thượng cấp, không biết tự quyết, tự định cái gì, như vậy làm sao công tác phát triển được. Có mắt ta phải trông, có óc ta phải nghĩ, có tay ta phải làm chứ.

Nhưng tự động không phải là tự tiện. Nhiều bạn lại hiểu nghĩa tự động sai lạc hẳn đi, không coi kỷ luật chính trị vào đâu, muốn làm gì là cứ tự ý làm bừa đi, chẳng bàn hỏi thảo luận với ai, không theo pháp luật Chính phủ ban hành, không dựa vào ý nguyện dân chúng. Những ca bắt bớ, tịch thu tài sản bừa bãi thường xảy ra ở nhà quê.

Hành động như vậy, các Uỷ ban đó vô tình gây nên nhiều chuyện có hại đến uy tín của Chính phủ, làm cho dân chúng oán thán kêu ca.

Nói tóm lại, các nhân viên trong các Uỷ ban nhân dân phải rèn cho có một tinh thần tự động mạnh mẽ, nhưng phải bỏ tính cái gì cũng tự tiện...”.

Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tập 4, tr.44-45.

phan 1 b
Bác Hồ thăm khu Nhà máy Cao su, Xà phòng, Thuốc lá (Hà Nội) 2/1959.
Bác xem cả từng phần thức ăn của công nhân.  Ảnh tư liệu

“THƯ GỬI CÁC ĐỒNG CHÍ BẮC BỘ

…f) Làm việc lối bàn giấy

Thích làm việc bằng giấy tờ thật nhiều. Ngồi một nơi chỉ tay năm ngón không chịu xuống địa phương kiểm tra công tác và để chỉ vạch những kế hoạch thi hành chỉ thị, nghị quyết của đoàn thể cho chu đáo. Những chỉ thị, nghị quyết cấp trên gửi xuống các địa phương có thực hiện được hay không, các đồng chí cũng không biết đến. Cái lối làm việc như vậy rất có hại. Nó làm cho chúng ta không đi sát phong trào, không hiểu rõ được tình hình bên dưới, cho nên phần nhiều chủ trương của chúng ta không thi hành được đến nơi đến chốn.

g) Vô kỷ luật, kỷ luật không nghiêm.

Trong những vùng chiến tranh lan đến, một số đồng chí đã tự tiện bỏ địa phương mình chạy sang vùng khác làm việc mà không hề có sự quyết định của đoàn thể, của cấp trên. Như vậy các đồng chí không những đã biểu lộ tinh thần kém cỏi, việc nào dễ hay ưa thích thì làm, việc nào khó khăn không ưa thích thì bỏ, mà các đồng chí lại còn tỏ ra khinh thường kỷ luật của đoàn thể làm rối loạn hàng ngũ của đoàn thể.

Nhiều nơi các đồng chí phạm lỗi, nhưng không bị trừng phạt xứng đáng, có đồng chí bị hạ tầng công tác nơi này, đi nơi khác lại ở nguyên cấp cũ hay chỉ bị hạ tầng công tác theo hình thức, nhưng vẫn ở cấp bộ cũ làm việc.

Có đồng chí đáng phải trừng phạt, nhưng vì cảm tình nể nang chỉ phê bình, cảnh cáo qua loa cho xong chuyện. Thậm chí còn có nơi che đậy cho nhau, tha thứ lẫn nhau, lừa dối cấp trên, giấu giếm đoàn thể. Thi hành kỷ luật như vậy làm cho các đồng chí không những không biết sửa lỗi mình mà còn khinh thường kỷ luật. Tai hại hơn nữa nếu kỷ luật của đoàn thể lỏng lẻo, những phần tử phản động sẽ có cơ hội chui vào hàng ngũ ta để phá hoại đoàn thể ta”.

Hồ Chí Minh toàn tập, Sđd, tập 5, tr.89-90.

 “CÁCH LÃNH ĐẠO

… So đi sánh lại, phân tích rõ ràng là cách làm việc có khoa học. Mỗi công việc, chúng ta đều phải làm như thế. Làm như thế mới tránh khỏi cái độc đoán, mới tránh khỏi sai lầm.

Nghĩa là: Nói chuyện và bàn bạc với cán bộ như thế cũng chưa đủ, còn phải nói chuyện và bàn bạc với những phần tử hăng hái trong quần chúng. Nói chuyện và bàn bạc với những phần tử hăng hái trong quần chúng cũng chưa đủ, còn phải nói chuyện và bàn bạc với nhân dân. Đó là một vấn đề rất trọng yếu cho cách làm việc của Đảng.

Từ trước đến nay, nhiều nơi công việc không chạy, chính vì cán bộ không thực hành theo nguyên tắc đó. Nếu không làm theo nguyên tắc đó, thì dù chính sách hay trăm phần trăm, cũng hoá ra vô dụng.

Chúng ta phải kiên quyết bỏ sạch lối quan liêu, lối chật hẹp, lối mệnh lệnh. Chúng ta phải kiên quyết thực hành theo nguyên tắc sau đây:

1. Việc gì cũng phải học hỏi và bàn bạc với dân chúng, giải thích cho dân chúng.

2. Tin vào dân chúng. Đưa mọi vấn đề cho dân chúng thảo luận và tìm cách giải quyết. Chúng ta có khuyết điểm, thì thật thà thừa nhận trước mặt dân chúng. Nghị quyết gì mà dân chúng cho là không hợp thì để họ đề nghị sửa chữa. Dựa vào ý kiến của dân chúng mà sửa chữa cán bộ và tổ chức của ta.

3. Chớ khư khư giữ theo "sáo cũ". Luôn luôn phải theo tình hình thiết thực của dân chúng nơi đó và lúc đó, theo trình độ giác ngộ của dân chúng, theo sự tình nguyện của dân chúng mà tổ chức họ, tuỳ hoàn cảnh thiết thực trong nơi đó, và lúc đó, đưa ra tranh đấu.

4. Chúng ta tuyệt đối không nên theo đuôi quần chúng. Nhưng phải khéo tập trung ý kiến của quần chúng, hóa nó thành cái đường lối để lãnh đạo quần chúng. Phải đem cách nhân dân so sánh, xem xét, giải quyết các vấn đề, mà hoá nó thành cách chỉ đạo nhân dân.

5. "Phải đưa chính trị vào giữa dân gian". Trước kia, việc gì cũng từ "trên dội xuống". Từ nay việc gì cũng phải từ "dưới nhoi lên".

Làm như thế, chính sách, cán bộ và nhân dân sẽ nhất trí, mà Đảng ta sẽ phát triển rất mau chóng và vững vàng”.

Hồ Chí Minh toàn tập, Sđd, tập 5, tr.337-338.

“BỆNH MÁY MÓC

Một nhóm thợ đóng một cỗ xe ngựa rất khéo. Nhưng đóng rồi thì không dùng được. Vì cỗ xe to quá, đưa ra cửa phòng không lọt.

Nghe câu chuyện đó, ai không cười những người thợ kia là ngốc.

Song sự thật thì một số cán bộ ta vẫn thường "khoá cửa đóng xe" như những người thợ kia. Đó là họ mắc bệnh máy móc.

Vài thí dụ:

- Một đoàn thể kia báo cáo rằng: 85 phần trăm hội viên đã được huấn luyện. Tài thật! Nhưng khi xét lại, thì chương trình huấn luyện vẫn là "ba giai đoạn, bốn mâu thuẫn", và 85 phần trăm hội viên được huấn luyện kia vẫn không hiểu rõ công việc thiết thực của mình là gì.

- Một xã kia có đến 25 chương trình thi đua. Mỗi đoàn thể, mỗi ngành trong xã đều có một chương trình riêng, và không chương trình nào ăn khớp nhau hết. Kết quả là thi đua không có... kết quả.

- Tỉnh A báo cáo rằng: Phụ nữ toàn tỉnh góp quỹ Tham gia kháng chiến, và tỉnh có mấy vạn nữ du kích.

Xét ra thì thấy rằng: Tỉnh ấy đã ra lệnh bắt phụ nữ góp, và bắt phụ nữ có 3,4 con mọn cũng phải đi tập "một, hai".

Kết quả là không bằng tỉnh B đã biết dùng cách tuyên truyền giải thích cho nên phụ nữ đã xung phong góp quỹ nhiều hơn, và nữ du kích thì mạnh mẽ hơn.

- Khu nọ, trong một mùa đã có đến 450 cuộc đại hội. Đại hội chứ không phải hội nghị tầm thường đâu nhé! Kết quả là các cán bộ chỉ lo đi khai hội mà hết cả thời giờ, đến nỗi mọi công việc bị chậm trễ.

Bệnh máy móc ấy do đâu mà ra?

- Nó do bệnh chủ quan mà ra. Nó sẽ có hại gì?

- Nó sẽ làm hỏng công việc. Muốn chữa khỏi bệnh máy móc thì phải dùng cách gì?

- Đây là đơn thuốc chữa bệnh máy móc: Bất kỳ việc to việc nhỏ:

Phải xem xét kỹ lưỡng,

Phải bàn bạc kỹ lưỡng,

Phải hỏi dân kỹ lưỡng,

Phải giải thích kỹ lưỡng cho dân,

Phải luôn luôn gần gụi dân.

Mong rằng các cán bộ ta cố gắng chữa hết bệnh máy móc, thì mọi việc sẽ đều thành công mau chóng”.

Hồ Chí Minh toàn tập, Sđd, tập 6, tr.307-308.

“CHỐNG NẠN GIẤY TỜ

Bộ Canh nông: Là một bộ có quan hệ nhiều nhất với nông dân, cho nên chúng tôi có nhiều thí dụ hơn:

- Giấy tờ quá nhiều, quá dài: Bộ đã gửi công văn (về việc mở trường chuyên nghiệp) cho 38 cơ quan, trong đó nhiều cơ quan không cần nhận công văn ấy. Một biên bản (tổng kết vụ chiêm 1953) kèm thêm tài liệu phụ lục dài 120 trang. Một cơ quan canh nông địa phương đòi hỏi ở xã cung cấp một thống kê dài 153 cột.

- Quá chậm trễ: Chỉ thị của Bộ về việc giữ gìn cho trâu bò khỏi rét: Mùa rét đã lâu rồi, chỉ thị mới đến. Bộ viết giấy xin giống nấm, Thứ trưởng ký rồi, sau một tháng giấy vẫn còn nằm ở Văn phòng của Bộ.

- Không đúng nguyên tắc: Có những công văn gửi lên Ban Kinh tế Trung ương, mà Bí thư ký tên; công văn gửi cho ủy ban các liên khu, mà Giám đốc ký tên. Những công văn ấy phải do Bộ trưởng hoặc Thứ trưởng ký tên mới đúng.

- Cách làm luộm thuộm: Như chương trình sản xuất, đánh máy luộm thuộm, đến nỗi Quốc hội xem không được, phải gửi trả lại.

- Kém giữ bí mật: Bộ dùng điện thoại đánh điện, phải kinh qua nhiều trạm chuyển, mà nói cả những điều cần giữ bí mật.

Nguyên nhân: Vì không sát thực tế, không gần gũi quần chúng. Cán bộ chỉ lo viết cho nhiều chỉ thị, thông tư... Nhưng không lo việc làm phải ăn khớp với lời nói, chỉ thị phải có thể thực hành. Cán bộ nhầm tưởng rằng cứ gửi nhiều thông tư, chỉ thị, là xong việc; mà không theo dõi, đôn đốc giúp đỡ địa phương, không kiểm tra công việc thực tế.

Cách chống nạn: Mỗi cán bộ cần phải thiết thực phụ trách công tác thực tế, mọi việc phải làm cho có kết quả thiết thực. Phải gần gũi quần chúng, học tập quần chúng, để hướng dẫn và giúp đỡ quần chúng, phải rút bớt thời giờ viết công văn, thêm nhiều thời giờ công tác thực tế. Phải mở rộng dân chủ, thực hiện thật thà tự phê bình và phê bình từ trên xuống, từ dưới lên, nhất là từ dưới lên.

Kết luận: Nạn giấy tờ đã làm tốn của hao công của nhân dân, nó cũng làm hỏng tư tưởng và tác phong của cán bộ. Nó là di tích của đế quốc và phong kiến, là hiện tượng tai hại của nạn quan liêu. Mà nạn quan liêu là mẹ đẻ ra nạn tham ô, lãng phí.

Nhân dân rất mong các bộ thi đua tiễu trừ triệt để bệnh giấy tờ và đôn đốc cấp dưới cũng thi đua như vậy. Đó là một cách để thực hiện cần, kiệm, liêm, chính”.

Hồ Chí Minh toàn tập, Sđd, tập 8, tr.424-425.

Thu Hiền (tổng hợp)

Còn tiếp


 

2. Về tính nhiệt tình cách mạng và khoa học

“NGƯỜI CÁCH MẠNG MẪU MỰC

… Cách mạng của các nòi giống có mục đích là giải phóng các dân tộc yếu, sau tiến lên làm cách mạng thế giới, sẽ giải phóng toàn nhân loại khỏi ách đế quốc chủ nghĩa và tư bản chủ nghĩa. Để hoàn thành vẻ vang vai trò này, người cách mạng kiểu mẫu phải:

1. Đêm ngày nghĩ đến sự nghiệp cách mạng và cứu độ nhân loại.

2. Hy sinh tiền bạc, thời gian và cả máu vì lợi ích các dân tộc bị áp bức; tóm lại, phải vị tha và không ích kỷ, phải tuân thủ theo phương châm "TỔ QUỐC TRÊN HẾT" ở mọi nơi và mọi lúc.

3. Làm việc không mệt mỏi tuỳ theo phương tiện và năng lực của mình, người giàu góp tiền, người trí thức góp tri thức và thợ thuyền góp sức, không gì ngăn trở được sự nghiệp cách mạng tiến lên.

4. Xem thường cái chết, bất chấp hiểm nguy, vì cách mạng là một cuộc chiến đấu trường kỳ và gian khổ do những người vô sản tiến hành chống lại bọn áp bức họ.

5. Thuận theo hoàn cảnh về thời gian, không gian, không bỏ qua điều gì. Có thể, hoặc gây bãi khóa, và bãi công, hoặc khích động nông dân không đóng thuế và đi phu khổ sai, hoặc giết chết những tên kẻ thù gian ác, hoặc chiếm đồn với nội ứng của lính bản xứ. Người cách mạng phải luôn luôn nói và hành động một cách có ý thức.

6. Suy nghĩ kỹ càng trước khi hành động, vì việc thực hiện một kế hoạch phụ thuộc và công tác chuẩn bị. Chẳng hạn: Có hai chiến sĩ, một người đã chín muồi kế hoạch hành động, còn người kia thì làm ẩu, do đó người thứ nhất sẽ thành công và có ích cho Đảng mình, còn người thứ hai sẽ thất bại và làm hại cho sự nghiệp cách mạng.

7. Lãnh đạo nhân dân vì sức mạnh của họ không thể thiếu được đối với sự thành công của sự nghiệp cách mạng. Dân chúng vốn ít học, ngây thơ, khó liều mạng, dễ bị lừa và bị mua chuộc. Vậy người cách mạng mẫu mực phải giáo dục họ, sửa chữa cho họ và chiếm được sự tin cậy của dân chúng để có thể sử dụng sức mạnh của họ đúng lúc.

8. Thành lập thật nhiều những tổ chức hùng mạnh thúc đẩy mau đến thắng lợi của cách mạng.

9. Xem thường danh vị, ngôi thứ và tiền bạc, vì chúng là cội nguồn sinh ra đố kỵ và hận thù và là nguyên nhân của những hành động chỉ điểm, phản bội là tổn hại nghiêm trọng đến sự nghiệp cách mạng.

10. Không cục bộ, bởi vì cách mạng phải vì lợi ích của dân tộc chứ không phải của một cá nhân. Vì vậy, nếu một người cách mạng tìm cách cục bộ thì tham vọng của anh ta sẽ khiến anh ta hành động vì mình chứ không vì mọi người.

11. Không kiêu ngạo. Kẻ kiêu ngạo thì xa lánh nhân tâm quần chúng và tạo cho mình kẻ thù. Người cách mạng mẫu mực phải khiêm tốn, khoan hòa, lượng thứ, can đảm khi sa cơ, bình tĩnh khi thắng thế, không bao giờ được quên rằng cuộc đời mình và sự nghiệp của mình thuộc về toàn nhân loại chứ không thuộc về mình.

12. Kiên trì và nhẫn nại. Sự nghiệp cách mạng là lâu dài, khó khăn và nguy hiểm. Nếu người cách mạng thiếu kiên trì và nhẫn nại, thì những khó khăn sẽ làm cho anh ta thối chí và sẽ đào ngũ giữa trận tiền”.

Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tập 2, tr.449-450.

“MUỐN THÀNH CÁN BỘ TỐT PHẢI CÓ TINH THẦN TỰ CHỈ TRÍCH

nhiều đồng chí hoặc tự cho mình có trình độ nhận thức cao, có kinh nghiệm đầy đủ về công tác - hoặc vì không có tinh thần tiến thủ, chỉ biết tới đâu hay đó, nên không chịu học tập, không biết tự chỉ trích để sửa đổi những lầm lỗi và bồi bổ những thiếu sót. Phải biết rằng tình hình khách quan thay đổi hàng giờ hàng phút, một chủ trương của ta hôm nay đúng, hôm sau đã không hợp thời, nếu ta không tỉnh táo kiểm điểm những tư tưởng hành vi của ta để bỏ đi những cái quá thời, sai hỏng, nhất định ta sẽ không theo kịp tình thế, ta sẽ bị bỏ rơi, bị các bạn tỉnh táo nhanh nhẹn hơn vượt đi trước. Muốn được thích hợp với tình thế, muốn cùng tiến hay vượt các bạn khác ta cần phải nhận thức và tự giáo dục không ngừng, cần phải có sự thành thực tự vạch ra những khuyết điểm sai lầm để bồi bổ và sửa đổi đi. Sau khi làm xong một công tác gì, hay sau mỗi ngày làm việc, cần phải tự mình kiểm điểm xem có chỗ nào nhầm lẫn, chỗ nào chưa đầy đủ, có được ưu điểm gì nên nhớ, được kinh nghiệm gì quý đáng ghi. Phải bỏ hẳn thái độ “xong việc thì thôi”. Không chịu tự phê bình, tự chỉ trích thì không bao giờ tấn tới được”.

Hồ Chí Minh toàn tập, Sđd, tập 4, tr.26.

“THIẾU ÓC TỔ CHỨC - MỘT KHUYẾT ĐIỂM LỚN TRONG CÁC ỦY BAN NHÂN DÂN

Chính quyền nhân dân thành lập đã được hơn một tháng. Nhưng nhiều nơi cách làm việc vẫn chưa đâu vào đâu cả. Ta có thể nói: Một khuyết điểm lớn, chung cho phần đông các Uỷ ban nhân dân là bệnh lộn xộn, thiếu tổ chức. Về cán bộ hành chính, ta phải thú nhận là thiếu rất nhiều. Người đi tuyên truyền, người chiến đấu thì có. Người ngồi bàn giấy làm việc cai trị rất hiếm. Vào trụ sở một Uỷ ban nhân dân, người ta nhận ngay thấy sự lộn xộn trong việc xếp đặt bàn giấy: Đố ai biết chỗ ông chủ tịch, ông thư ký, ông tài chính ngồi đâu. Nhiều ông Chủ tịch Uỷ ban thường không nhận định những công việc chính của mình phải đem hết tâm lực vào đó, mà thường chỉ dùng thì giờ để xử những vụ kiện vớ vẩn, tiếp những ông khách vu vơ, hay cặm cụi viết thư, viết báo cáo - việc có thể giao cho người khác làm được. Trong một Uỷ ban, nhiều khi có người rất rỗi rãi, cả ngày chỉ chạy ra chạy vào cho có chuyện, có người lại bù đầu rối óc vì một mình phải kiêm đến mấy việc: Nào ngoại giao, nào tư pháp, nào tài chính.

Chia công việc không khéo thành ra bao biện: Nhiều việc quá thì sao làm được đến nơi đến chốn, vì thì giờ và sức lực người ta chỉ có chừng.

Có kế hoạch làm việc nhưng sắp đặt công việc không khéo, phân công không sáng suốt thì việc cũng đến hỏng. Người nói giỏi lại cho vào việc chỉ cần khéo chân tay, người viết giỏi lại cho làm việc về lao động thì nhất định không thể nào thành công được.

Việc dùng nhân tài, ta không nên cǎn cứ vào những điều kiện quá khắt khe. Miễn là không phản lại quyền lợi dân chúng, không là Việt gian, thân Pháp, thân Nhật, có lòng trung thành với Tổ quốc là có thể dùng được. Tài to ta dùng làm việc to, tài nhỏ ta cắt làm việc nhỏ, ai có nǎng lực về việc gì, ta đặt ngay vào việc ấy.

Biết dùng người như vậy, ta sẽ không lo gì thiếu cán bộ.

Một điều thiếu sót nữa là trong khi làm công tác, kế hoạch đã sơ sài, phân công đã không sáng suốt, rồi sau khi làm lại không chịu kiểm điểm lại.

Ta thường có tính tới đâu hay đó, xong việc thì thôi không biết ưu điểm hay khuyết điểm của mình, làm như thế mong tiến sao được.

Cán bộ chǎm chỉ làm việc chưa đủ, cần phải biết làm việc cho có phương pháp. Phải cần mà phải cẩn nữa”.

Hồ Chí Minh toàn tập, Sđd, tập 4, tr.38-39.

bai noi phong cach P2
Bác Hồ nói chuyện với hơn 400 đại biểu, các tầng lớp nhân dân tỉnh Thanh Hóa, ngày 13/6/1957.
Ảnh:
http://baotang.thanhhoa.gov.vn

“BÀI NÓI CHUYỆN VỚI CÁN BỘ TỈNH THANH HÓA

Đối với công việc phải thế nào? Trước hết, phải nghĩ cho kỹ, có việc làm trước mắt thành công nhưng thất bại về sau. Có việc địa phương này làm có lợi nhưng hại cho địa phương khác. Những cái như thế phải tránh. Thí dụ: Đối với tù binh Pháp nếu mình giết đi thì thấy dân chúng hoan nghênh, nhưng thế giới sẽ cho mình dã man, bất lợi ngoại giao. Phải có kế hoạch bước đầu làm thế nào? Bước thứ hai làm thế nào? Bước thứ ba làm thế nào? Thành công thì thế nào? Nếu thất bại thì thế nào? Mỗi ngày lúc sáng dậy, tự hỏi mình ngày hôm nay phải làm gì? Tối đi ngủ phải tự hỏi mình ngày hôm nay đã làm gì? Phải cẩn thận, cẩn thận không phải là nhút nhát do dự.”

Hồ Chí Minh toàn tập, Sđd, tập 5, tr.54-56

“BÀI NÓI TẠI LỚP BỒI DƯỠNG CÁN BỘ LÃNH ĐẠO CẤP HUYỆN

…Bây giờ lớp học sắp bế mạc, Bác cǎn dặn các cô, các chú mấy điều:

1. Cần nắm vững đường lối, chính sách của Đảng, chịu khó đi sâu, đi sát cơ sở, hợp tác xã để hiểu rõ tình hình sản xuất, đời sống của nhân dân, tình hình các chi bộ và các đoàn thể quần chúng. Do đó mà có chủ trương, biện pháp cho đúng, cho kịp thời.

Điểm này có lẽ các đồng chí nắm vững rồi. Bác chỉ nhắc các cô, các chú phải đi sâu, đi sát cơ sở, nằm ở cơ sở để chỉ đạo phong trào, không nên xuống cơ sở theo lối chuồn chuồn đạp nước. Vấn đề này nghe thì dễ, nhưng thực hiện chưa tốt lắm. Hiện nay, có một số đồng chí Huyện ủy chưa thật sự lǎn lộn ở cơ sở, còn ngại khó, ngại khổ cho nên chưa nắm được tình hình cụ thể của địa phương mình phụ trách.

Hiện nay, mỗi Huyện uỷ có từ 15 đến 20 đồng chí. Phải chia nhau mà nắm tình hình. Mỗi đồng chí Huyện uỷ nắm một hai xã. Phải đi sâu, đi sát nắm vững tình hình, không những phải nắm vững tình hình hợp tác xã, mà còn phải nắm vững tình hình ǎn, ở, học tập, sức khoẻ… của các gia đình. Nếu không đi sâu, đi sát cơ sở, nắm vững tình hình sản xuất và đời sống của nhân dân thì các đồng chí làm thế nào có thể vận dụng đúng đắn đường lối, chính sách của Đảng, chủ trương của tỉnh vào huyện mình?”.

Hồ Chí Minh toàn tập, Sđd, tập 12, tr.210.

Thu Hiền (tổng hợp)

Còn tiếp


 

3. Về sự kết hợp tính dân chủ, tập thể với tính quyết đoán cá nhân

“MẤY ĐIỀU KINH NGHIỆM

… Nhưng đến nay, cán bộ và đảng viên vẫn ít sáng kiến, ít hăng hái. Đó là vì lẽ gì?

Vì nhiều lẽ. Mà trước hết là vì: Cách lãnh đạo của ta không được dân chủ, cách công tác của ta không được tích cực.

Nếu ai nói chúng ta không dân chủ, thì chúng ta khó chịu. Nhưng nếu chúng ta tự xét cho kỹ, thì thật có như thế.

Đối với cơ quan lãnh đạo, đối với những người lãnh đạo các đảng viên và các cán bộ dù có ý kiến cũng không dám nói, dù muốn phê bình cũng sợ, không dám phê bình.

Thành thử cấp trên với cấp dưới cách biệt nhau. Quần chúng với Đảng rời xa nhau. Trên thì tưởng cái gì cũng tốt đẹp. Dưới thì có gì không dám nói ra.

Họ không nói, không phải vì họ không có ý kiến, nhưng vì họ nghĩ nói ra cấp trên cũng không nghe, không xét, có khi lại bị "trù" là khác.

Họ không dám nói ra thì họ có để trong lòng, rồi sinh ra uất ức, chán nản. Rồi sinh ra thói “không nói trước mặt, chỉ nói sau lưng", “trong Đảng im tiếng, ngoài Đảng nhiều mồm", sinh ra thói "thậm thà thậm thụt" và những thói xấu khác.

Kinh nghiệm là: Cơ quan nào mà trong lúc khai hội, cấp trên để cho mọi người có gì nói hết, cái đúng thì nghe, cái không đúng thì giải thích, sửa chữa, ở những cơ quan đó mọi người đều hoạt bát mà bệnh "thì thầm thì thào" cũng hết.

Một người mà trong óc đã có uất ức, bất mãn, thì lời hay lẽ phải khó lọt vào bộ óc đó. Để cho họ tháo cái uất ức bất mãn đó ra, thì lời hay lẽ phải dễ lọt vào óc họ. Đó là một lẽ rất giản đơn. Cấp trên cũng nên thỉnh thoảng trưng cầu ý kiến phê bình của cấp dưới. Có như thế thì cũng khác nào như một người có vết nhọ trên mặt, được người ta đem gương cho soi, mình tự thấy vết nhọ. Lúc đó không còn ai khuyên bảo, cũng tự vội vàng đi rửa mặt.

Ta phải biết cách phê bình sáng suốt, khôn khéo, như chiếu tấm gương cho mọi người soi thấu những khuyết điểm của mình, để tự mình sửa chữa.

Dân chủ, sáng kiến, hăng hái, ba điều đó rất quan hệ với nhau. Có dân chủ mới làm cho cán bộ và quần chúng đề ra sáng kiến. Những sáng kiến đó được khen ngợi, thì những người đó càng thêm hăng hái, và người khác cũng học theo. Và trong khi tăng thêm sáng kiến và hăng hái làm việc, thì những khuyết điểm lặt vặt, cũng tự sửa chữa được nhiều.

Chúng ta cần phải nâng cao mở rộng dân chủ ra, khuyên gắng cán bộ và đảng viên, bày cho họ suy nghĩ, bày cho họ học hỏi quần chúng, cổ động họ tìm tòi, đề nghị, làm những việc ích lợi cho quần chúng”.

Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tập 5, tr.283-285.


Chủ tịch Hồ Chí Minh thử máy cấy và giao cho Đoàn Thanh niên phổ biến
 cách dùng máy cấy (1960). Ảnh:
http://cstc.cand.com.vn

“CÁCH LÃNH ĐẠO

Bất kỳ việc gì (thí dụ việc chỉnh đốn Đảng) người lãnh đạo phải có một số người hăng hái làm trung kiên cho sự lãnh đạo. Nhóm trung kiên này phải mật thiết liên hợp với quần chúng, công việc mới thành.

Nếu chỉ có sự hăng hái của nhóm trung kiên, mà không liên hợp với sự hăng hái của quần chúng, nhóm trung kiên sẽ phải chạy suốt ngày mà không kết quả mấy.

Nếu chỉ có sự hăng hái của quần chúng mà không có sự hăng hái của nhóm trung kiên để tổ chức và dìu dắt, thì sự hăng hái của quần chúng sẽ không bền và không thể tiến tới.

Bất kỳ nơi nào có quần chúng, thì nhất định có ba hạng người: Hạng hăng hái, hạng vừa vừa, và hạng kém. Mà trong ba hạng đó, hạng vừa vừa, hạng ở giữa, nhiều hơn hết, hạng hăng hái và hạng kém đều ít hơn.

Vì vậy người lãnh đạo phải dùng hạng hăng hái làm trung kiên cho sự lãnh đạo, do trung kiên đó mà nâng cao hạng vừa vừa và kéo hạng kém tiến lên.

Nhóm trung kiên đó phải do công tác và tranh đấu trong đám quần chúng mà nảy nở ra, chứ không phải tự ngoài quần chúng, xa cách quần chúng mà có được.

Mỗi cuộc tranh đấu thường có ba giai đoạn, ba bước: Bước đầu, bước giữa và bước cuối cùng. Nhóm trung kiên lãnh đạo trong mỗi cuộc tranh đấu, không có thể mà cũng không nên luôn luôn y nguyên như cũ. Trong mỗi giai đoạn, cần phải luôn luôn cất nhắc những người hăng hái trong giai đoạn đó, để thay thế cho những người cũ bị đào thải hoặc vì tài không xứng chức, hoặc hủ hóa.

Những nơi công việc không chạy đều vì không có nhóm lãnh đạo mật thiết liên hợp với quần chúng. Thí dụ: Trong một trường học, nếu không có một nhóm thầy giáo, chức viên và học sinh hăng hái nhất trong trường, từ mười người đến vài mươi người, đoàn kết thành nhóm trung kiên lãnh đạo, thì công việc của trường đó nhất định uể oải”.

Hồ Chí Minh toàn tập, Sđd, tập 5, tr.329-330.

4. Học hỏi quần chúng nhưng không theo đuôi quần chúng

Việc gì cũng bàn bạc với nhân dân, giải thích cho nhân dân. Thế là phụ trách trước nhân dân.

Trái lại việc gì cũng dùng cách quan liêu, cũng chỉ ra mệnh lệnh, thế là không phụ trách trước nhân dân. Thế là đem hai chữ "mệnh lệnh" làm thành một bức tường để tách rời Đảng và Chính phủ với nhân dân, tách rời lợi ích của nhân dân với chính sách của Đảng và Chính phủ.

Có nhiều cán bộ không bàn bạc, không giải thích với dân chúng, không để cho dân chúng phát biểu ý kiến, giải quyết các vấn đề, chỉ bắt buộc dân chúng làm theo mệnh lệnh. Thậm chỉ khi dân chúng đề ra ý kiến và nêu rõ vấn đề, họ cũng tìm cách dìm đi. Họ chỉ làm theo ý kiến của họ. Kết quả làm cho dân chúng nghi ngờ, uất ức, bất mãn.

Làm cách đó, thì dù việc đó có lợi cho dân chúng, nhưng một là vì không có ý kiến và lực lượng của dân chúng giúp đỡ nên làm không đến nơi đến chốn. Hai là vì dân chúng bị miễn cưỡng, nên không vui lòng. Ba là vì dân chúng không hiểu rõ, nên việc đó không được lâu dài, bền vững.

Vì vậy, việc gì cũng phải hỏi ý kiến dân chúng, cùng dân chúng bàn bạc, và giải thích cho dân chúng.

Có người coi thường cho dân là dốt không biết gì, mình là thông thái tài giỏi. Vì vậy, họ không thèm học hỏi dân chúng, không thèm bàn bạc với dân chúng.

Đó là một sự sai lầm nguy hiểm lắm. Ai có sai lầm đó, phải mau mau sửa đổi. Nếu không sẽ luôn luôn thất bại.

Chúng ta phải biết rằng: Lực lượng của dân chúng nhiều vô cùng.

Kinh nghiệm trong nước và các nước tỏ cho chúng ta biết: Có lực lượng dân chúng việc to tát mấy, khó khăn mấy làm cũng được. Không có thì việc gì làm cũng không xong. Dân chúng biết giải quyết nhiều vấn đề một cách giản đơn, mau chóng, đầy đủ, mà những người tài giỏi, những đoàn thể to lớn, nghĩ mãi không ra.

Kinh nghiệm các địa phương cho biết: Nơi nào công việc kém, là vì cán bộ cách xa dân chúng, không cùng dân chúng bàn bạc, không giải thích. Nơi kha khá, là vì cán bộ biết giải thích, biết cùng dân chúng bàn bạc, nhưng chưa hoàn toàn. Nơi nào khá lắm là vì việc gì to nhỏ, cán bộ cũng biết giải thích, biết cùng dân chúng bàn bạc đến nơi đến chốn, dựa vào dân chúng.

Muốn dân chúng thành thật bày tỏ ý kiến, cán bộ phải thành tâm, phải chịu khó, phải khéo khơi cho họ nói. Do ý kiến và đề nghị lẻ tẻ của dân chúng, ta phải khéo gom góp lại, sắp đặt lại cho có ngăn nắp, thứ tự rồi cùng dân chúng ra sức thi hành. Như vậy, vừa nâng cao trình độ của dân chúng, mà cũng nâng cao kinh nghiệm của mình”.

Hồ Chí Minh toàn tập, Sđd, tập 5, tr.334-335.

“NÓI CHUYỆN VỚI ĐOÀN CÁN BỘ TỈNH ỦY THANH HÓA

… Cán bộ phải đi sát sản xuất, đi sát quần chúng và phải dân chủ với dân.

Cán bộ đi về hợp tác xã không phải chỉ vào nhà chủ nhiệm để có chỗ ở sạch sẽ và có cơm nước đàng hoàng mà phải đi vào nhân dân.

Không biết bây giờ nhân dân có chào chủ tịch, chào cán bộ bằng "cụ" nữa không? Như thế vẫn là còn thói "quan trên về làng". Phải làm sao cho cán bộ mỗi khi về làng, nhân dân niềm nở vỗ vai, mời "anh" uống nước mới tốt. Nếu cán bộ về mà dân trải chiếu hoa, bắt gà làm cơm là không được. Bao giờ dân coi cán bộ là người của dân, đối với cán bộ không còn "lạy cụ ạ" thì dân mới dám nói, mới dám phê bình.

Để phát triển ưu điểm, điều quan trọng nhất là để cho dân nói. Dân biết nhiều việc mà các cấp lãnh đạo không biết. Việc gì cũng bàn với dân; dân sẽ có ý kiến hay. Phải làm tốt công tác báo công, bình công ngoài nhân dân. Rõ ràng nơi nào đã làm tốt công tác này thì nhân dân làm ăn vui vẻ, phong trào tiến bộ.

Từ trước tới nay, cán bộ vì quan liêu mà sinh ra mệnh lệnh. Ta đã cầm quyền trên 23 năm, mà bây giờ Thanh Hoá mới bắt đầu sửa chữa bệnh quan liêu, mệnh lệnh là chậm. Sắp tới phải tích cực hơn trong việc này để phát huy mạnh mẽ quyền làm chủ tập thể của nhân dân”.

Hồ Chí Minh toàn tập, Sđd, tập 15, tr.526.

Thu Hiền (tổng hợp)

Còn tiếp


 

4. Về sự thống nhất giữa lý luận với thực tiễn, nói đi đôi với làm

 “PHÊ BÌNH VÀ SỬA CHỮA

… Hiện nay, phong trào cách mạng rất cao. Nhưng thử hỏi cán bộ và đảng viên ta đã mấy người biết rõ lý luận và biết áp dụng vào chính trị, quân sự, kinh tế, và văn hoá? Đã mấy người hiểu "biện chứng" là cái gì?

Vì kém lý luận, cho nên gặp mọi việc không biết xem xét cho rõ, cân nhắc cho đúng, xử trí cho khéo. Không biết nhận rõ điều kiện hoàn cảnh khách quan, ý mình nghĩ thế nào làm thế ấy. Kết quả thường thất bại.

Đó là chứng kém lý luận trong bệnh chủ quan.

Có những cán bộ, những đảng viên cũ, làm được việc, có kinh nghiệm. Cố nhiên, những anh em đó rất quý báu cho Đảng. Nhưng họ lại mắc phải cái bệnh khinh lý luận. Họ quên rằng: Nếu họ đã có kinh nghiệm mà lại biết thêm lý luận thì công việc tốt hơn nhiều. Họ quên rằng: Kinh nghiệm của họ tuy tốt, nhưng cũng chẳng qua là từng bộ phận mà thôi, chỉ thiên về một mặt mà thôi.

Có kinh nghiệm mà không có lý luận, cũng như một mắt sáng, một mắt mờ.

Những anh em đó, cần phải nghiên cứu thêm lý luận, mới thành người cán bộ hoàn toàn.

Có những người xem được sách, xem nhiều sách. Siêng xem sách và xem nhiều sách là một việc đáng quý. Nhưng thế không phải đã là biết lý luận.

Lý luận cốt để áp dụng vào công việc thực tế. Lý luận mà không áp dụng vào thực tế là lý luận suông. Dù xem được hàng ngàn hàng vạn quyển lý luận, nếu không biết đem ra thực hành, thì khác nào một cái hòm đựng sách.

Xem nhiều sách để mà loè, để làm ra ta đây, thế không phải là biết lý luận.

Những anh em đó cần phải ra sức thực hành mới thành người biết lý luận.

Nói tóm lại, mỗi cán bộ, mỗi đảng viên phải học lý luận, phải đem lý luận áp dụng vào công việc thực tế. Phải chữa cái bệnh kém lý luận, khinh lý luận và lý luận suông”.

Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tập 5, tr.274-275.

“MẤY ĐIỀU KINH NGHIỆM

... Cán bộ khu về tỉnh, cán bộ tỉnh về huyện, cán bộ huyện về làng, thì khệnh khạng như "ông quan". Lúc khai hội thì trăm ngàn lần như một: "Tình hình thế giới, tình hình Đông Dương, thảo luận, phê bình, giải tán".

"Ông cán" làm cho một "tua" hai, ba giờ đồng hồ. Nói gì đâu đâu. Còn công việc thiết thực trong khu, trong tỉnh, trong huyện, trong xã đó, thì không động đến. Lúc "ông cán" nói, người ngáp, kẻ ngủ gục, mọi người mong ông thôi đi, để về nhà cho mau. Có ai hiểu gì đâu mà thảo luận!

Vì vậy, mà quần chúng sợ khai hội. Mỗi lần họ đi khai hội, chẳng khác gì "đi phu". Đó cũng vì bệnh xa quần chúng, bệnh hình thức, khai hội lấy lệ, khai hội để mà khai hội, chớ nào phải vì lợi ích của quần chúng mà khai hội!

Về việc đặt khẩu hiệu, đặt chương trình làm việc, chương trình tranh đấu, tuyên truyền, làm báo tường, viết báo, cũng như thế. Không chịu khó hỏi quần chúng cần cái gì, muốn nghe muốn biết cái gì, ham chuộng cái gì. Chỉ mấy cán bộ đóng cửa lại mà làm, ngồi ỳ trong phòng giấy mà viết, cứ tưởng những cái mình làm là đúng, mình viết là hay. Nào có biết, cách làm chủ quan đó, kết quả là "đem râu ông nọ, chắp cằm bà kia", không ăn thua, không thấm thía, không ích lợi gì cả.

Một việc nữa cần nhắc đến là các ban huấn luyện. Huấn luyện là một việc rất cần. Tục ngữ có câu: "Không thầy đố mày làm nên", và câu: "Học ăn, học nói, học gói, học mở".

Những việc rất dễ dàng còn phải học. Huống chi công việc cách mạng, công việc kháng chiến, không có huấn luyện, thì làm sao xuôi? Song những tài liệu huấn luyện phải nhằm vào sự cần dùng, cần thiết của quần chúng. Phải hỏi: Người đến chịu huấn luyện rồi, có áp dụng được ngay không? Có thực hành được ngay không?

Nếu không thiết thực như thế, thì huấn luyện mấy năm cũng vô ích.

Tiếc thay, nhiều cán bộ huấn luyện của ta chưa hiểu cái lẽ giản đơn đó. Vì vậy mà có cán bộ đem "kinh tế học" huấn luyện cho chị em phụ nữ thôn quê ở thượng du!”.

Hồ Chí Minh toàn tập, Sđd, tập 5, tr.287-288.

“CHỐNG THÓI BA HOA

… Mở lớp huấn luyện là một việc rất tốt, rất cần. Nhưng phải hiểu rằng: Học cốt để mà làm. Học mà không làm được, học mấy cũng vô ích.

Vì vậy huấn luyện phải thiết thực, sao cho những người đến học, học rồi, về địa phương họ có thể thực hành ngay. Nhiều đồng chí ta không hiểu cái lẽ rất giản đơn đó. Cho nên họ đã đưa "thặng dư giá trị" nhồi sọ cho thanh niên và phụ nữ nông dân. Họ đã đưa "tân dân chủ chủ nghĩa" nhồi sọ các em nhi đồng. Họ đã đưa "biện chứng pháp" nhồi sọ công nhân đang học quốc ngữ.

Chỉ trong một cuộc khai hội ở địa phương, chúng ta đã có thể thấy rất nhiều khuyết điểm.

1. Kém chuẩn bị - Đảng viên đến chỗ khai hội rồi, mà cũng chưa biết vì việc gì mà khai hội. Đến khi chủ tịch mời mọi người phát biểu ý kiến thì quần chúng ai có sẵn ý kiến mà phát biểu ?

2. Nói mênh mông - Thường thường đại biểu cấp trên đến khai hội với cấp dưới, trong lúc khai hội, chỉ một mình "ông" đại biểu, hay "bà" đại biểu nói, nói hàng hai, ba giờ đồng hồ. Nói mênh mông trời đất. Nói gì cũng có. Nhưng chỉ chừa một điều không nói đến là những việc thiết thực cho địa phương đó, những việc mà dân chúng ở đó cần biết, cần hiểu, cần làm, thì không nói đến!

3. Không đúng giờ - Hẹn khai hội tám giờ thì chín, mười giờ mới đến. Làm mất thời giờ của những người khác. Họ không hiểu rằng: Giữ đúng thời giờ là một tính tốt của người cách mạng, nhất là trong lúc kháng chiến này.

4. Giữ nếp cũ - Bất kỳ bao giờ, bất kỳ ở đâu, cũng khư khư giữ theo nếp cũ:

1. Tình hình thế giới.

2. Tình hình Đông Dương.

3. Báo cáo công tác.

4. Thảo luận.

5. Phê bình.

6. Giải tán.

Hiểu biết tình hình thế giới và trong nước, cố nhiên là việc hay, việc cần. Nhưng khổ thay! Nếu có đại biểu cấp cao đến, thì ông ấy kéo hàng giờ nào kế hoạch Mácsan, nào xứ Paragoay, nào gì gì, mà bà con không hiểu chi hết! Nếu chỉ cán bộ cấp xã, thì biết đâu tình hình thế giới mà nói. Thế mà điểm thứ nhất cứ phải là "tình hình thế giới".

Kết quả là việc thiết thực, việc đáng làm thì không bàn đến.

g) Nói không ai hiểu - Đảng thường kêu gọi khoa học hoá, dân tộc hoá, đại chúng hoá. Khẩu hiệu đó rất đúng. Tiếc vì nhiều cán bộ và đảng viên, có "hoá" gì đâu! Vẫn cứ chứng cũ, nếp cũ đó. Thậm chí, miệng càng hô "đại chúng hoá", mà trong lúc thực hành thì lại "tiểu chúng hoá". Vì những lời các ông ấy nói, những bài các ông ấy viết, đại chúng không xem được, không hiểu được. Vì họ không học quần chúng, không hiểu quần chúng.

Nhiều tờ truyền đơn, nhiều bản nghị quyết, nhiều khẩu hiệu của Đảng, mục đích và ý nghĩa rất đúng. Nhưng viết một cách cao xa, mầu mè, đến nỗi chẳng những quần chúng không hiểu, mà cả cán bộ cũng không hiểu.

Thí dụ: Vừa rồi đây, đi đến đâu cũng thấy dán những khẩu hiệu:

"Chống cô độc",

"Chống chủ quan",

"Chống địa phương".

Nhưng khi hỏi kỹ, thì hơn chín phần mười cán bộ cấp dưới không hiểu gì hết. Họ nói: Cấp trên bảo dán cứ phải dán, chứ thật ra chúng tôi không hiểu. Thậm chí có người luôn miệng đọc là "chống quan địa phương".

Than ôi! Khẩu hiệu cách mạng của Đảng mà hoá ra lá bùa của thầy cúng. Lỗi đó tự ai? Thế mà bảo "đại chúng hoá", "dân tộc hoá" thì hoá cái gì?

Mỗi khẩu hiệu của Đảng phải là cái ý nguyện và mục đích của hàng ức đảng viên và của hàng triệu dân chúng. Mà muốn như thế, phải làm cho dân chúng đều hiểu, phải học cách nói của dân chúng. Nếu không hàng vạn khẩu hiệu cũng vô ích”.

Hồ Chí Minh toàn tập, Sđd, tập 5, tr.343-345.

“ĐẠO ĐỨC CÁCH MẠNG

… Phong trào cách mạng lôi cuốn hàng ức hàng triệu người. Công việc cách mạng là nghìn điều muôn loại phức tạp, khó khăn. Để cân nhắc mọi hoàn cảnh phức tạp, nhìn rõ các mâu thuẫn, để giải quyết đúng các vấn đề, thì chúng ta phải cố gắng học tập lý luận Mác - Lê-nin.

Có học tập lý luận Mác - Lê-nin mới củng cố được đạo đức cách mạng, giữ vững lập trường, nâng cao sự hiểu biết và trình độ chính trị, mới làm được tốt công tác Đảng giao phó cho mình.

Học tập chủ nghĩa Mác - Lê-nin là học tập cái tinh thần xử trí mọi việc, đối với mọi người và đối với bản thân mình; là học tập những chân lý phổ biến của chủ nghĩa Mác - Lê-nin để áp dụng một cách sáng tạo vào hoàn cảnh thực tế của nước ta. Học để mà làm. Lý luận đi đôi với thực tiễn.

Nhưng có đồng chí học thuộc lòng một số sách vở về chủ nghĩa Mác - Lê-nin. Họ tự cho mình là hiểu biết chủ nghĩa Mác - Lê-nin hơn ai hết. Song khi gặp việc thực tế, thì họ hoặc là máy móc, hoặc là lúng túng. Lời nói và việc làm của họ không nhất trí. Họ học sách vở Mác - Lê-nin, nhưng không học tinh thần Mác - Lê-nin. Học để trang sức, chứ không phải để vận dụng vào công việc cách mạng. Đó cũng là chủ nghĩa cá nhân”.

Hồ Chí Minh toàn tập, Sđd, tập 11, tr.610-611.

Thu Hiền (tổng hợp)

Còn tiếp


 

5. Về tác phong quần chúng sao cho được lòng dân?

“SAO CHO ĐƯỢC LÒNG DÂN

Muốn cho dân yêu, muốn được lòng dân, việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh. Phải chú ý giải quyết hết các vấn đề dầu khó đến đâu mặc lòng, những vấn đề quan hệ tới đời sống của dân. Phải chấp đơn, phải xử kiện cho dân mỗi khi người ta đem tới. Phải chăm lo việc cứu tế nạn nhân cho chu đáo, phải chú ý trừ nạn mù chữ cho dân. Nói tóm lại, hết thảy những việc có thể nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của dân phải được ta đặc biệt chú ý.

Ngoài ra, đối với tất cả mọi người trong các tầng lớp dân chúng, ta phải có một thái độ mềm dẻo khôn khéo, biết nhân nhượng, biết trọng nhân cách người ta. Phải tỏ cho mọi người biết rằng công việc là công việc chung, thiếu người ra gánh vác thì mình ra, nếu có người thay, mình sẽ nghỉ để làm việc khác, sẵn sàng nhường lại cho ai muốn làm và làm được.

Nói tóm lại, muốn được dân yêu, muốn được lòng dân, trước hết phải yêu dân, phải đặt quyền lợi của dân trên hết thảy, phải có một tinh thần chí công vô tư”.

Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tập 4, tr. 51-52.

Bác Hồ dạy: “Muốn cho dân yêu, muốn được lòng dân, việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh”. Ảnh: Internet

“MẤY ĐIỀU KINH NGHIỆM

“… Chúng ta phải ghi tạc vào đầu cái chân lý này: Dân rất tốt. Lúc họ đã hiểu thì việc gì khó khăn mấy họ cũng làm được, hy sinh mấy họ cũng không sợ. Nhưng trước hết cần phải chịu khó tìm đủ cách giải thích cho họ hiểu rằng: Những việc đó là vì ích lợi của họ mà phải làm.

Có khi vì cán bộ không hiểu lẽ đó, vì muốn làm cho được việc, rồi dùng cách hạ mệnh lệnh, cách áp bức, phạm vào thói quan liêu, quân phiệt, đến nỗi Chính phủ hoặc Đảng phải trừng phạt. Đối với những bọn vu vơ, đầu cơ, thì phạt rất đáng. Nhưng với những cán bộ trung thành mà bị phạt, thì Chính phủ và Đảng cũng khổ tâm, mà người bị phạt cũng khổ tâm!

Chẳng những lúc thi hành các mệnh lệnh, cán bộ ta có cái thái độ xa quần chúng như thế, mà đối với cách làm việc, cách tổ chức, cũng có thái độ sai lầm đó.

Bao nhiêu cách tổ chức và cách làm việc, đều vì lợi ích của quần chúng, vì cần cho quần chúng. Vì vậy, cách tổ chức và cách làm việc nào không hợp với quần chúng thì ta phải có gan đề nghị lên cấp trên để bỏ đi hoặc sửa lại. Cách nào hợp với quần chúng, quần chúng cần, thì dù chưa có sẵn, ta phải đề nghị lên cấp trên mà đặt ra. Nếu cần làm thì cứ đặt ra, rồi báo cáo sau, miễn là được việc.

Đằng này cán bộ ta chỉ biết khư khư giữ nếp cũ. Cái không hợp cũng không dám sửa bỏ, cái cần thiết cũng không dám đặt mới.

Đó là vì thói không phụ trách "quá hữu", gặp sao hay vậy.

Song lại có thái độ xa quần chúng, thói không phụ trách "quá tả" là không suy nghĩ chín chắn, so sánh kỹ càng, hôm nay đặt ra cái này, hôm sau sửa lại cái khác, làm cho quần chúng hoang mang. Như tỉnh nọ, bắt đầu kháng chiến, thì bỏ hết Việt Minh các huyện, các xã. Thật là một hành động khờ dại”.

Hồ Chí Minh toàn tập, Sđd, tập 5, tr. 286-287.

“CÁCH LÃNH ĐẠO

… Sự lãnh đạo trong mọi công tác thiết thực của Đảng, ắt phải từ trong quần chúng ra, trở lại nơi quần chúng.

Nghĩa là gom góp mọi ý kiến rời rạc, lẻ tẻ của quần chúng, rồi phân tích nó, nghiên cứu nó, sắp đặt nó thành những ý kiến có hệ thống. Rồi đem nó tuyên truyền, giải thích cho quần chúng, và làm cho nó thành ý kiến của quần chúng, và làm cho quần chúng giữ vững và thực hành ý kiến đó. Đồng thời nhân lúc quần chúng thực hành, ta xem xét lại, coi ý kiến đó đúng hay không. Rồi lại tập trung ý kiến của quần chúng, phát triển những ưu điểm, sửa chữa những khuyết điểm, tuyên truyền, giải thích, làm cho quần chúng giữ vững và thực hành.

Cứ như thế mãi thì lần sau chắc đúng mực hơn, hoạt bát hơn, đầy đủ hơn lần trước.

Đó là cách lãnh đạo cực kỳ tốt.

Vì không biết đoàn kết những phần tử hăng hái, tổ chức họ thành nhóm trung kiên lãnh đạo, hoặc vì không biết làm cho trung kiên đó mật thiết liên hợp với quần chúng, cho nên sự lãnh đạo xa rời quần chúng mà sinh ra bệnh quan liêu.

Vì không biết gom góp ý kiến của quần chúng, kinh nghiệm của quần chúng, cho nên ý kiến của những người lãnh đạo thành ra lý luận suông, không hợp với thực tế.

Vì không biết liên hợp chính sách chung với sự thiết thực chỉ đạo riêng (như mục 2 đã nói), cho nên chính sách không có kết quả, mà sự lãnh đạo cũng hoá ra quan liêu.

Vì vậy, trong công việc chỉnh đốn Đảng, cũng như trong mọi công việc khác, quyết phải thực hành cách liên hợp sự lãnh đạo với quần chúng và liên hợp chính sách chung với chỉ đạo riêng.

Phải dùng cách "từ trong quần chúng ra, trở lại nơi quần chúng".

Gom góp ý kiến và kinh nghiệm trong sự chỉ đạo từng bộ phận, đem làm ý kiến chung. Rồi lại đem ý kiến chung đó để thí nghiệm trong các bộ phận. Rồi lại đem kinh nghiệm chung và mới, đúc thành chỉ thị mới. Cứ như thế mãi.

Biết làm như vậy mới thật là biết lãnh đạo”.

Hồ Chí Minh toàn tập, Sđd, tập 5, tr.330-331.

“CẦN TẨY SẠCH BỆNH QUAN LIÊU MỆNH LỆNH

Ai cũng biết bệnh quan liêu mệnh lệnh là nguy hiểm. Nhưng trong công tác thực tế, như trong việc tạm vay thóc chiêm vừa rồi, nhiều cán bộ ta còn mắc bệnh ấy. Miệng thì nói dân chủ, nhưng làm việc thì họ theo lối "quan" chủ. Miệng thì nói "phụng sự quần chúng", nhưng họ làm trái ngược với lợi ích của quần chúng, trái ngược với phương châm và chính sách của Đảng và Chính phủ.

Bệnh quan liêu mệnh lệnh tự đâu mà ra ?

Nguyên nhân bệnh ấy là:

Xa nhân dân: Do đó, không hiểu tâm lý, nguyện vọng của nhân dân.

Khinh nhân dân: Cho là "dân ngu khu đen", bảo sao làm vậy, không hiểu được chính trị, lý luận cao xa như mình.

Sợ nhân dân: Khi có sai lầm, khuyết điểm thì sợ nhân dân phê bình, sợ mất thể diện, sợ phải sửa chữa.

Không tin cậy nhân dân: Họ quên rằng không có lực lượng nhân dân, thì việc nhỏ mấy, dễ mấy, làm cũng không xong, có lực lượng nhân dân, thì việc khó mấy, to mấy, làm cũng được.

Không hiểu biết nhân dân: Họ quên rằng nhân dân cần trông thấy lợi ích thiết thực (lợi ích gần và lợi ích xa, lợi ích riêng và lợi ích chung, lợi ích bộ phận và lợi ích toàn cuộc). Đối với nhân dân, không thể lý luận suông, chính trị suông.

Không yêu thương nhân dân: Do đó họ chỉ biết đòi hỏi nhân dân, không thiết thực giúp đỡ nhân dân. Thí dụ: Họ yêu cầu nhân dân đóng góp, nhưng không biết giúp đỡ nhân dân tăng gia sản xuất, cải thiện sinh hoạt, để bồi dưỡng sức của, sức người của nhân dân.

Có nơi, bệnh quan liêu mệnh lệnh trầm trọng đến nỗi cán bộ lừa phỉnh dân, doạ nạt dân!

Bệnh quan liêu mệnh lệnh chỉ đưa đến một kết quả là: Hỏng việc. Vì vậy, chúng ta phải mau mau chữa bệnh nguy hiểm ấy.

Cách chữa bệnh ấy gồm có một nguyên tắc là: Theo đúng đường lối nhân dân và 6 điều là:

Đặt lợi ích nhân dân lên trên hết;

Liên hệ chặt chẽ với nhân dân;

Việc gì cũng bàn với nhân dân, giải thích cho nhân dân hiểu rõ;

Có khuyết điểm thì thật thà tự phê bình trước nhân dân, và hoan nghênh nhân dân phê bình mình;

Sẵn sàng học hỏi nhân dân;

Tự mình phải làm gương mẫu cần kiệm liêm chính, để nhân dân noi theo.

Cán bộ Đảng và chính quyền ta đều sẵn lòng cầu tiến bộ, sẵn chí phụng sự nhân dân. Mong rằng anh chị em đều cố gắng thi đua dùng đơn thuốc này, (thuốc đắng dã tật), chữa hết bệnh quan liêu mệnh lệnh, để trở nên người cán bộ tốt, và làm cho công việc thu thuế nông nghiệp sắp tới đạt được kết quả mỹ mãn”.

Hồ Chí Minh toàn tập, Sđd, tập 7, tr. 176-177.

“BÀI NÓI TẠI  LỚP BỒI DƯỠNG CÁN BỘ LÃNH ĐẠO CẤP HUYỆN

4. Phải dựa vào quần chúng mà phát động mọi phong trào sản xuất, chiến đấu. Phải làm cho quần chúng luôn luôn phấn khởi, tin tưởng.

Làm việc gì cũng phải có quần chúng. Không có quần chúng thì không thể làm được. Vừa rồi trên báo Nhân Dân có đăng câu chuyện về phòng không. Có mấy đồng chí cán bộ xã ngồi bàn với nhau. Phòng không phải là đào hầm, xây hầm tốn mấy vạn viên gạch, mấy nghìn cây tre và mấy trăm đồng nữa. Chi phí lớn quá và khó thực hiện. Nhưng có một cô kỹ sư có ý kiến là cần đưa ra quần chúng bàn bạc tham gia. Sau đó mời quần chúng lại, nói rõ âm mưu của địch là hiện nay nó bắn lung tung như thế, ta phải đào hầm để ẩn nấp. Vậy ta nên đào như thế nào? Thế là quần chúng giơ tay hưởng ứng, người thì xin góp mấy tấm ván, người thì xin góp mấy chục viên gạch, người thì xin góp mấy cây tre... Chỉ trong hai ngày là họ làm xong tất cả các hầm trú ẩn. Ở Quảng Bình, Vĩnh Linh, do đi theo đường lối quần chúng mà nhân dân đào được hàng nghìn cây số hào, hàng chục vạn hầm. Cho nên việc gì có quần chúng tham gia bàn bạc, khó mấy cũng trở nên dễ dàng và làm được tốt. Các đồng chí ở Quảng Bình nói rất đúng:

Dễ mười lần không dân cũng chịu,

Khó trăm lần dân liệu cũng xong.

Ở Thái Bình, Quảng Bình và một số nơi khác đang tiến hành việc "bình công", "báo công". Qua bình công, báo công, ai làm được gì tốt, ai không làm hoặc làm xấu, mọi người đều biết. Đó mới thực sự dân chủ, đó là cách phê bình, tự phê bình rất tốt. Làm như vậy, quần chúng tự giáo dục cho nhau và giáo dục cho cả cán bộ nữa. Vì trong cán bộ, có những đồng chí tốt, miệng nói tay làm, nhưng cũng có một số đồng chí "chỉ tay năm ngón", không chịu làm. Bình công, báo công cũng là cách rất tốt để lựa chọn những người tốt mà tuyên truyền giáo dục, đưa họ vào Đảng, bồi dưỡng họ thành cán bộ. Như vậy là không bao giờ thiếu cán bộ. Đó là cách làm công tác xây dựng Đảng rất tốt.

Các cô, các chú thấy làm như thế có tốt không?

Có làm được không?

Nhưng có đồng chí lại không làm được như thế. Từ trước tới giờ, có nơi dân chưa nói, hoặc không dám nói, vì sợ cán bộ "trù", cán bộ "chụp mũ". Những cán bộ có khuyết điểm thường sợ dân nói. Nhưng nếu thành thật với dân, biết mình có lỗi, xin lỗi dân thì dân cũng rất vui lòng và sẽ tha thứ cho. Dân ta rất tốt, rất yêu thương Đảng, yêu thương cán bộ. Khi ta có khuyết điểm mà nói trước dân, chẳng những dân không ghét, không khinh, mà còn thương yêu, quý trọng, tín nhiệm ta hơn nữa”.

Hồ Chí Minh toàn tập, Sđd, tập 15, tr. 279-280.

Thu Hiền (tổng hợp)

Còn tiếp

Bài viết khác: