2. Về tính nhiệt tình cách mạng và khoa học
“NGƯỜI CÁCH MẠNG MẪU MỰC
… Cách mạng của các nòi giống có mục đích là giải phóng các dân tộc yếu, sau tiến lên làm cách mạng thế giới, sẽ giải phóng toàn nhân loại khỏi ách đế quốc chủ nghĩa và tư bản chủ nghĩa. Để hoàn thành vẻ vang vai trò này, người cách mạng kiểu mẫu phải:
1. Đêm ngày nghĩ đến sự nghiệp cách mạng và cứu độ nhân loại.
2. Hy sinh tiền bạc, thời gian và cả máu vì lợi ích các dân tộc bị áp bức; tóm lại, phải vị tha và không ích kỷ, phải tuân thủ theo phương châm "TỔ QUỐC TRÊN HẾT" ở mọi nơi và mọi lúc.
3. Làm việc không mệt mỏi tuỳ theo phương tiện và năng lực của mình, người giàu góp tiền, người trí thức góp tri thức và thợ thuyền góp sức, không gì ngăn trở được sự nghiệp cách mạng tiến lên.
4. Xem thường cái chết, bất chấp hiểm nguy, vì cách mạng là một cuộc chiến đấu trường kỳ và gian khổ do những người vô sản tiến hành chống lại bọn áp bức họ.
5. Thuận theo hoàn cảnh về thời gian, không gian, không bỏ qua điều gì. Có thể, hoặc gây bãi khóa, và bãi công, hoặc khích động nông dân không đóng thuế và đi phu khổ sai, hoặc giết chết những tên kẻ thù gian ác, hoặc chiếm đồn với nội ứng của lính bản xứ. Người cách mạng phải luôn luôn nói và hành động một cách có ý thức.
6. Suy nghĩ kỹ càng trước khi hành động, vì việc thực hiện một kế hoạch phụ thuộc và công tác chuẩn bị. Chẳng hạn: Có hai chiến sĩ, một người đã chín muồi kế hoạch hành động, còn người kia thì làm ẩu, do đó người thứ nhất sẽ thành công và có ích cho Đảng mình, còn người thứ hai sẽ thất bại và làm hại cho sự nghiệp cách mạng.
7. Lãnh đạo nhân dân vì sức mạnh của họ không thể thiếu được đối với sự thành công của sự nghiệp cách mạng. Dân chúng vốn ít học, ngây thơ, khó liều mạng, dễ bị lừa và bị mua chuộc. Vậy người cách mạng mẫu mực phải giáo dục họ, sửa chữa cho họ và chiếm được sự tin cậy của dân chúng để có thể sử dụng sức mạnh của họ đúng lúc.
8. Thành lập thật nhiều những tổ chức hùng mạnh thúc đẩy mau đến thắng lợi của cách mạng.
9. Xem thường danh vị, ngôi thứ và tiền bạc, vì chúng là cội nguồn sinh ra đố kỵ và hận thù và là nguyên nhân của những hành động chỉ điểm, phản bội là tổn hại nghiêm trọng đến sự nghiệp cách mạng.
10. Không cục bộ, bởi vì cách mạng phải vì lợi ích của dân tộc chứ không phải của một cá nhân. Vì vậy, nếu một người cách mạng tìm cách cục bộ thì tham vọng của anh ta sẽ khiến anh ta hành động vì mình chứ không vì mọi người.
11. Không kiêu ngạo. Kẻ kiêu ngạo thì xa lánh nhân tâm quần chúng và tạo cho mình kẻ thù. Người cách mạng mẫu mực phải khiêm tốn, khoan hòa, lượng thứ, can đảm khi sa cơ, bình tĩnh khi thắng thế, không bao giờ được quên rằng cuộc đời mình và sự nghiệp của mình thuộc về toàn nhân loại chứ không thuộc về mình.
12. Kiên trì và nhẫn nại. Sự nghiệp cách mạng là lâu dài, khó khăn và nguy hiểm. Nếu người cách mạng thiếu kiên trì và nhẫn nại, thì những khó khăn sẽ làm cho anh ta thối chí và sẽ đào ngũ giữa trận tiền”.
Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tập 2, tr.449-450.
“MUỐN THÀNH CÁN BỘ TỐT PHẢI CÓ TINH THẦN TỰ CHỈ TRÍCH
Cónhiều đồng chí hoặc tự cho mình có trình độ nhận thức cao, có kinh nghiệm đầy đủ về công tác - hoặc vì không có tinh thần tiến thủ, chỉ biết tới đâu hay đó, nên không chịu học tập, không biết tự chỉ trích để sửa đổi những lầm lỗi và bồi bổ những thiếu sót. Phải biết rằng tình hình khách quan thay đổi hàng giờ hàng phút, một chủ trương của ta hôm nay đúng, hôm sau đã không hợp thời, nếu ta không tỉnh táo kiểm điểm những tư tưởng hành vi của ta để bỏ đi những cái quá thời, sai hỏng, nhất định ta sẽ không theo kịp tình thế, ta sẽ bị bỏ rơi, bị các bạn tỉnh táo nhanh nhẹn hơn vượt đi trước. Muốn được thích hợp với tình thế, muốn cùng tiến hay vượt các bạn khác ta cần phải nhận thức và tự giáo dục không ngừng, cần phải có sự thành thực tự vạch ra những khuyết điểm sai lầm để bồi bổ và sửa đổi đi. Sau khi làm xong một công tác gì, hay sau mỗi ngày làm việc, cần phải tự mình kiểm điểm xem có chỗ nào nhầm lẫn, chỗ nào chưa đầy đủ, có được ưu điểm gì nên nhớ, được kinh nghiệm gì quý đáng ghi. Phải bỏ hẳn thái độ “xong việc thì thôi”. Không chịu tự phê bình, tự chỉ trích thì không bao giờ tấn tới được”.
Hồ Chí Minh toàn tập, Sđd, tập 4, tr.26.
“THIẾU ÓC TỔ CHỨC - MỘT KHUYẾT ĐIỂM LỚN TRONG CÁC ỦY BAN NHÂN DÂN
Chính quyền nhân dân thành lập đã được hơn một tháng. Nhưng nhiều nơi cách làm việc vẫn chưa đâu vào đâu cả. Ta có thể nói: Một khuyết điểm lớn, chung cho phần đông các Uỷ ban nhân dân là bệnh lộn xộn, thiếu tổ chức. Về cán bộ hành chính, ta phải thú nhận là thiếu rất nhiều. Người đi tuyên truyền, người chiến đấu thì có. Người ngồi bàn giấy làm việc cai trị rất hiếm. Vào trụ sở một Uỷ ban nhân dân, người ta nhận ngay thấy sự lộn xộn trong việc xếp đặt bàn giấy: Đố ai biết chỗ ông chủ tịch, ông thư ký, ông tài chính ngồi đâu. Nhiều ông Chủ tịch Uỷ ban thường không nhận định những công việc chính của mình phải đem hết tâm lực vào đó, mà thường chỉ dùng thì giờ để xử những vụ kiện vớ vẩn, tiếp những ông khách vu vơ, hay cặm cụi viết thư, viết báo cáo - việc có thể giao cho người khác làm được. Trong một Uỷ ban, nhiều khi có người rất rỗi rãi, cả ngày chỉ chạy ra chạy vào cho có chuyện, có người lại bù đầu rối óc vì một mình phải kiêm đến mấy việc: Nào ngoại giao, nào tư pháp, nào tài chính.
Chia công việc không khéo thành ra bao biện: Nhiều việc quá thì sao làm được đến nơi đến chốn, vì thì giờ và sức lực người ta chỉ có chừng.
Có kế hoạch làm việc nhưng sắp đặt công việc không khéo, phân công không sáng suốt thì việc cũng đến hỏng. Người nói giỏi lại cho vào việc chỉ cần khéo chân tay, người viết giỏi lại cho làm việc về lao động thì nhất định không thể nào thành công được.
Việc dùng nhân tài, ta không nên cǎn cứ vào những điều kiện quá khắt khe. Miễn là không phản lại quyền lợi dân chúng, không là Việt gian, thân Pháp, thân Nhật, có lòng trung thành với Tổ quốc là có thể dùng được. Tài to ta dùng làm việc to, tài nhỏ ta cắt làm việc nhỏ, ai có nǎng lực về việc gì, ta đặt ngay vào việc ấy.
Biết dùng người như vậy, ta sẽ không lo gì thiếu cán bộ.
Một điều thiếu sót nữa là trong khi làm công tác, kế hoạch đã sơ sài, phân công đã không sáng suốt, rồi sau khi làm lại không chịu kiểm điểm lại.
Ta thường có tính tới đâu hay đó, xong việc thì thôi không biết ưu điểm hay khuyết điểm của mình, làm như thế mong tiến sao được.
Cán bộ chǎm chỉ làm việc chưa đủ, cần phải biết làm việc cho có phương pháp. Phải cần mà phải cẩn nữa”.
Hồ Chí Minh toàn tập, Sđd, tập 4, tr.38-39.
Bác Hồ nói chuyện với hơn 400 đại biểu, các tầng lớp nhân dân tỉnh Thanh Hóa, ngày 13/6/1957.
Ảnh: http://baotang.thanhhoa.gov.vn
“BÀI NÓI CHUYỆN VỚI CÁN BỘ TỈNH THANH HÓA
…Đối với công việc phải thế nào? Trước hết, phải nghĩ cho kỹ, có việc làm trước mắt thành công nhưng thất bại về sau. Có việc địa phương này làm có lợi nhưng hại cho địa phương khác. Những cái như thế phải tránh. Thí dụ: Đối với tù binh Pháp nếu mình giết đi thì thấy dân chúng hoan nghênh, nhưng thế giới sẽ cho mình dã man, bất lợi ngoại giao. Phải có kế hoạch bước đầu làm thế nào? Bước thứ hai làm thế nào? Bước thứ ba làm thế nào? Thành công thì thế nào? Nếu thất bại thì thế nào? Mỗi ngày lúc sáng dậy, tự hỏi mình ngày hôm nay phải làm gì? Tối đi ngủ phải tự hỏi mình ngày hôm nay đã làm gì? Phải cẩn thận, cẩn thận không phải là nhút nhát do dự.”
Hồ Chí Minh toàn tập, Sđd, tập 5, tr.54-56
“BÀI NÓI TẠI LỚP BỒI DƯỠNG CÁN BỘ LÃNH ĐẠO CẤP HUYỆN
…Bây giờ lớp học sắp bế mạc, Bác cǎn dặn các cô, các chú mấy điều:
1. Cần nắm vững đường lối, chính sách của Đảng, chịu khó đi sâu, đi sát cơ sở, hợp tác xã để hiểu rõ tình hình sản xuất, đời sống của nhân dân, tình hình các chi bộ và các đoàn thể quần chúng. Do đó mà có chủ trương, biện pháp cho đúng, cho kịp thời.
Điểm này có lẽ các đồng chí nắm vững rồi. Bác chỉ nhắc các cô, các chú phải đi sâu, đi sát cơ sở, nằm ở cơ sở để chỉ đạo phong trào, không nên xuống cơ sở theo lối chuồn chuồn đạp nước. Vấn đề này nghe thì dễ, nhưng thực hiện chưa tốt lắm. Hiện nay, có một số đồng chí Huyện ủy chưa thật sự lǎn lộn ở cơ sở, còn ngại khó, ngại khổ cho nên chưa nắm được tình hình cụ thể của địa phương mình phụ trách.
Hiện nay, mỗi Huyện uỷ có từ 15 đến 20 đồng chí. Phải chia nhau mà nắm tình hình. Mỗi đồng chí Huyện uỷ nắm một hai xã. Phải đi sâu, đi sát nắm vững tình hình, không những phải nắm vững tình hình hợp tác xã, mà còn phải nắm vững tình hình ǎn, ở, học tập, sức khoẻ… của các gia đình. Nếu không đi sâu, đi sát cơ sở, nắm vững tình hình sản xuất và đời sống của nhân dân thì các đồng chí làm thế nào có thể vận dụng đúng đắn đường lối, chính sách của Đảng, chủ trương của tỉnh vào huyện mình?”.
Hồ Chí Minh toàn tập, Sđd, tập 12, tr.210.
Thu Hiền (tổng hợp)
Còn tiếp