5. Về tác phong quần chúng sao cho được lòng dân?
“SAO CHO ĐƯỢC LÒNG DÂN
… Muốn cho dân yêu, muốn được lòng dân, việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh. Phải chú ý giải quyết hết các vấn đề dầu khó đến đâu mặc lòng, những vấn đề quan hệ tới đời sống của dân. Phải chấp đơn, phải xử kiện cho dân mỗi khi người ta đem tới. Phải chăm lo việc cứu tế nạn nhân cho chu đáo, phải chú ý trừ nạn mù chữ cho dân. Nói tóm lại, hết thảy những việc có thể nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của dân phải được ta đặc biệt chú ý.
Ngoài ra, đối với tất cả mọi người trong các tầng lớp dân chúng, ta phải có một thái độ mềm dẻo khôn khéo, biết nhân nhượng, biết trọng nhân cách người ta. Phải tỏ cho mọi người biết rằng công việc là công việc chung, thiếu người ra gánh vác thì mình ra, nếu có người thay, mình sẽ nghỉ để làm việc khác, sẵn sàng nhường lại cho ai muốn làm và làm được.
Nói tóm lại, muốn được dân yêu, muốn được lòng dân, trước hết phải yêu dân, phải đặt quyền lợi của dân trên hết thảy, phải có một tinh thần chí công vô tư”.
Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tập 4, tr. 51-52.
Bác Hồ dạy: “Muốn cho dân yêu, muốn được lòng dân, việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh”. Ảnh: Internet
“MẤY ĐIỀU KINH NGHIỆM
“… Chúng ta phải ghi tạc vào đầu cái chân lý này: Dân rất tốt. Lúc họ đã hiểu thì việc gì khó khăn mấy họ cũng làm được, hy sinh mấy họ cũng không sợ. Nhưng trước hết cần phải chịu khó tìm đủ cách giải thích cho họ hiểu rằng: Những việc đó là vì ích lợi của họ mà phải làm.
Có khi vì cán bộ không hiểu lẽ đó, vì muốn làm cho được việc, rồi dùng cách hạ mệnh lệnh, cách áp bức, phạm vào thói quan liêu, quân phiệt, đến nỗi Chính phủ hoặc Đảng phải trừng phạt. Đối với những bọn vu vơ, đầu cơ, thì phạt rất đáng. Nhưng với những cán bộ trung thành mà bị phạt, thì Chính phủ và Đảng cũng khổ tâm, mà người bị phạt cũng khổ tâm!
Chẳng những lúc thi hành các mệnh lệnh, cán bộ ta có cái thái độ xa quần chúng như thế, mà đối với cách làm việc, cách tổ chức, cũng có thái độ sai lầm đó.
Bao nhiêu cách tổ chức và cách làm việc, đều vì lợi ích của quần chúng, vì cần cho quần chúng. Vì vậy, cách tổ chức và cách làm việc nào không hợp với quần chúng thì ta phải có gan đề nghị lên cấp trên để bỏ đi hoặc sửa lại. Cách nào hợp với quần chúng, quần chúng cần, thì dù chưa có sẵn, ta phải đề nghị lên cấp trên mà đặt ra. Nếu cần làm thì cứ đặt ra, rồi báo cáo sau, miễn là được việc.
Đằng này cán bộ ta chỉ biết khư khư giữ nếp cũ. Cái không hợp cũng không dám sửa bỏ, cái cần thiết cũng không dám đặt mới.
Đó là vì thói không phụ trách "quá hữu", gặp sao hay vậy.
Song lại có thái độ xa quần chúng, thói không phụ trách "quá tả" là không suy nghĩ chín chắn, so sánh kỹ càng, hôm nay đặt ra cái này, hôm sau sửa lại cái khác, làm cho quần chúng hoang mang. Như tỉnh nọ, bắt đầu kháng chiến, thì bỏ hết Việt Minh các huyện, các xã. Thật là một hành động khờ dại”.
Hồ Chí Minh toàn tập, Sđd, tập 5, tr. 286-287.
“CÁCH LÃNH ĐẠO
… Sự lãnh đạo trong mọi công tác thiết thực của Đảng, ắt phải từ trong quần chúng ra, trở lại nơi quần chúng.
Nghĩa là gom góp mọi ý kiến rời rạc, lẻ tẻ của quần chúng, rồi phân tích nó, nghiên cứu nó, sắp đặt nó thành những ý kiến có hệ thống. Rồi đem nó tuyên truyền, giải thích cho quần chúng, và làm cho nó thành ý kiến của quần chúng, và làm cho quần chúng giữ vững và thực hành ý kiến đó. Đồng thời nhân lúc quần chúng thực hành, ta xem xét lại, coi ý kiến đó đúng hay không. Rồi lại tập trung ý kiến của quần chúng, phát triển những ưu điểm, sửa chữa những khuyết điểm, tuyên truyền, giải thích, làm cho quần chúng giữ vững và thực hành.
Cứ như thế mãi thì lần sau chắc đúng mực hơn, hoạt bát hơn, đầy đủ hơn lần trước.
Đó là cách lãnh đạo cực kỳ tốt.
Vì không biết đoàn kết những phần tử hăng hái, tổ chức họ thành nhóm trung kiên lãnh đạo, hoặc vì không biết làm cho trung kiên đó mật thiết liên hợp với quần chúng, cho nên sự lãnh đạo xa rời quần chúng mà sinh ra bệnh quan liêu.
Vì không biết gom góp ý kiến của quần chúng, kinh nghiệm của quần chúng, cho nên ý kiến của những người lãnh đạo thành ra lý luận suông, không hợp với thực tế.
Vì không biết liên hợp chính sách chung với sự thiết thực chỉ đạo riêng (như mục 2 đã nói), cho nên chính sách không có kết quả, mà sự lãnh đạo cũng hoá ra quan liêu.
Vì vậy, trong công việc chỉnh đốn Đảng, cũng như trong mọi công việc khác, quyết phải thực hành cách liên hợp sự lãnh đạo với quần chúng và liên hợp chính sách chung với chỉ đạo riêng.
Phải dùng cách "từ trong quần chúng ra, trở lại nơi quần chúng".
Gom góp ý kiến và kinh nghiệm trong sự chỉ đạo từng bộ phận, đem làm ý kiến chung. Rồi lại đem ý kiến chung đó để thí nghiệm trong các bộ phận. Rồi lại đem kinh nghiệm chung và mới, đúc thành chỉ thị mới. Cứ như thế mãi.
Biết làm như vậy mới thật là biết lãnh đạo”.
Hồ Chí Minh toàn tập, Sđd, tập 5, tr.330-331.
“CẦN TẨY SẠCH BỆNH QUAN LIÊU MỆNH LỆNH
Ai cũng biết bệnh quan liêu mệnh lệnh là nguy hiểm. Nhưng trong công tác thực tế, như trong việc tạm vay thóc chiêm vừa rồi, nhiều cán bộ ta còn mắc bệnh ấy. Miệng thì nói dân chủ, nhưng làm việc thì họ theo lối "quan" chủ. Miệng thì nói "phụng sự quần chúng", nhưng họ làm trái ngược với lợi ích của quần chúng, trái ngược với phương châm và chính sách của Đảng và Chính phủ.
Bệnh quan liêu mệnh lệnh tự đâu mà ra ?
Nguyên nhân bệnh ấy là:
Xa nhân dân: Do đó, không hiểu tâm lý, nguyện vọng của nhân dân.
Khinh nhân dân: Cho là "dân ngu khu đen", bảo sao làm vậy, không hiểu được chính trị, lý luận cao xa như mình.
Sợ nhân dân: Khi có sai lầm, khuyết điểm thì sợ nhân dân phê bình, sợ mất thể diện, sợ phải sửa chữa.
Không tin cậy nhân dân: Họ quên rằng không có lực lượng nhân dân, thì việc nhỏ mấy, dễ mấy, làm cũng không xong, có lực lượng nhân dân, thì việc khó mấy, to mấy, làm cũng được.
Không hiểu biết nhân dân: Họ quên rằng nhân dân cần trông thấy lợi ích thiết thực (lợi ích gần và lợi ích xa, lợi ích riêng và lợi ích chung, lợi ích bộ phận và lợi ích toàn cuộc). Đối với nhân dân, không thể lý luận suông, chính trị suông.
Không yêu thương nhân dân: Do đó họ chỉ biết đòi hỏi nhân dân, không thiết thực giúp đỡ nhân dân. Thí dụ: Họ yêu cầu nhân dân đóng góp, nhưng không biết giúp đỡ nhân dân tăng gia sản xuất, cải thiện sinh hoạt, để bồi dưỡng sức của, sức người của nhân dân.
Có nơi, bệnh quan liêu mệnh lệnh trầm trọng đến nỗi cán bộ lừa phỉnh dân, doạ nạt dân!
Bệnh quan liêu mệnh lệnh chỉ đưa đến một kết quả là: Hỏng việc. Vì vậy, chúng ta phải mau mau chữa bệnh nguy hiểm ấy.
Cách chữa bệnh ấy gồm có một nguyên tắc là: Theo đúng đường lối nhân dân và 6 điều là:
Đặt lợi ích nhân dân lên trên hết;
Liên hệ chặt chẽ với nhân dân;
Việc gì cũng bàn với nhân dân, giải thích cho nhân dân hiểu rõ;
Có khuyết điểm thì thật thà tự phê bình trước nhân dân, và hoan nghênh nhân dân phê bình mình;
Sẵn sàng học hỏi nhân dân;
Tự mình phải làm gương mẫu cần kiệm liêm chính, để nhân dân noi theo.
Cán bộ Đảng và chính quyền ta đều sẵn lòng cầu tiến bộ, sẵn chí phụng sự nhân dân. Mong rằng anh chị em đều cố gắng thi đua dùng đơn thuốc này, (thuốc đắng dã tật), chữa hết bệnh quan liêu mệnh lệnh, để trở nên người cán bộ tốt, và làm cho công việc thu thuế nông nghiệp sắp tới đạt được kết quả mỹ mãn”.
Hồ Chí Minh toàn tập, Sđd, tập 7, tr. 176-177.
“BÀI NÓI TẠI LỚP BỒI DƯỠNG CÁN BỘ LÃNH ĐẠO CẤP HUYỆN
4. Phải dựa vào quần chúng mà phát động mọi phong trào sản xuất, chiến đấu. Phải làm cho quần chúng luôn luôn phấn khởi, tin tưởng.
Làm việc gì cũng phải có quần chúng. Không có quần chúng thì không thể làm được. Vừa rồi trên báo Nhân Dân có đăng câu chuyện về phòng không. Có mấy đồng chí cán bộ xã ngồi bàn với nhau. Phòng không phải là đào hầm, xây hầm tốn mấy vạn viên gạch, mấy nghìn cây tre và mấy trăm đồng nữa. Chi phí lớn quá và khó thực hiện. Nhưng có một cô kỹ sư có ý kiến là cần đưa ra quần chúng bàn bạc tham gia. Sau đó mời quần chúng lại, nói rõ âm mưu của địch là hiện nay nó bắn lung tung như thế, ta phải đào hầm để ẩn nấp. Vậy ta nên đào như thế nào? Thế là quần chúng giơ tay hưởng ứng, người thì xin góp mấy tấm ván, người thì xin góp mấy chục viên gạch, người thì xin góp mấy cây tre... Chỉ trong hai ngày là họ làm xong tất cả các hầm trú ẩn. Ở Quảng Bình, Vĩnh Linh, do đi theo đường lối quần chúng mà nhân dân đào được hàng nghìn cây số hào, hàng chục vạn hầm. Cho nên việc gì có quần chúng tham gia bàn bạc, khó mấy cũng trở nên dễ dàng và làm được tốt. Các đồng chí ở Quảng Bình nói rất đúng:
Dễ mười lần không dân cũng chịu,
Khó trăm lần dân liệu cũng xong.
Ở Thái Bình, Quảng Bình và một số nơi khác đang tiến hành việc "bình công", "báo công". Qua bình công, báo công, ai làm được gì tốt, ai không làm hoặc làm xấu, mọi người đều biết. Đó mới thực sự dân chủ, đó là cách phê bình, tự phê bình rất tốt. Làm như vậy, quần chúng tự giáo dục cho nhau và giáo dục cho cả cán bộ nữa. Vì trong cán bộ, có những đồng chí tốt, miệng nói tay làm, nhưng cũng có một số đồng chí "chỉ tay năm ngón", không chịu làm. Bình công, báo công cũng là cách rất tốt để lựa chọn những người tốt mà tuyên truyền giáo dục, đưa họ vào Đảng, bồi dưỡng họ thành cán bộ. Như vậy là không bao giờ thiếu cán bộ. Đó là cách làm công tác xây dựng Đảng rất tốt.
Các cô, các chú thấy làm như thế có tốt không?
Có làm được không?
Nhưng có đồng chí lại không làm được như thế. Từ trước tới giờ, có nơi dân chưa nói, hoặc không dám nói, vì sợ cán bộ "trù", cán bộ "chụp mũ". Những cán bộ có khuyết điểm thường sợ dân nói. Nhưng nếu thành thật với dân, biết mình có lỗi, xin lỗi dân thì dân cũng rất vui lòng và sẽ tha thứ cho. Dân ta rất tốt, rất yêu thương Đảng, yêu thương cán bộ. Khi ta có khuyết điểm mà nói trước dân, chẳng những dân không ghét, không khinh, mà còn thương yêu, quý trọng, tín nhiệm ta hơn nữa”.
Hồ Chí Minh toàn tập, Sđd, tập 15, tr. 279-280.
Thu Hiền (tổng hợp)
Còn tiếp