Ngày 15/5/2017, Trưởng ban Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra Chỉ thị về việc cấm hút thuốc trong cơ quan, đơn vị thuộc Ban Quản lý Lăng, thực hiện môi trường không khói thuốc lá. Đây chính là việc làm thiết thực, thể hiện việc quán triệt học tập làm theo tư tưởng, đạo đức, tư tưởng, phong cách của Bác kính yêu.
Hình ảnh về Bác luôn rất gần gũi, ấm áp trong trái tim mỗi người Việt Nam
Sinh thời, Bác Hồ có thói quen hút thuốc lá. Bác đã tự nhận đây là thói quen xấu, cần phải thay đổi. Đồng chí Vũ Kỳ, nguyên Thư ký riêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nguyên Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh đã được Bác Hồ tâm sự: Việc hút thuốc lá liên quan tới hoạt động cách mạng của Người trong những năm 20 của thế kỷ XX khi Người mang tên Nguyễn Ái Quốc. Những năm ở Pháp, Người là một thanh niên kháng Pháp nên luôn bị mật thám Pháp theo dõi ở khắp mọi nơi. Người biết bị theo dõi mà không dám quay đầu lại để nhìn. Để có thể quan sát được sự theo dõi, Người nghĩ ra cách hút thuốc. Mỗi lần như vậy, đi qua thùng đựng rác ven đường cách khoảng ba bước chân, Người dừng lại châm thuốc hút, rồi quay lại thùng rác để vứt que diêm, như vậy là Người có dịp quan sát xung quanh, liệu cách đối phó với kẻ theo dõi. Do giả vờ hút thuốc mãi mà đã trở thành thói quen của Người.
Người từng bảo: Việc tập một thói quen, rồi bỏ một thói quen không dễ chút nào. Phải có một nghị lực phi thường mới làm được. Việc bỏ thuốc lá của Hồ Chủ tịch không phải nói là chấm dứt ngay được mà phải trải qua một quá trình như khi làm bất cứ một việc gì. Đó là phải đặt ra kế hoạch, có quyết tâm và biện pháp thực hiện. Người nói: "Quyết tâm một, kế hoạch mười, thì biện pháp phải hai mươi, có như vậy mới thực hiện được và bỏ hút thuốc cũng vậy".
Trong thời gian làm việc ở Phủ Chủ tịch, Người ở ba nơi: Nhà sàn, nhà 54, nhà 67. Để quyết tâm bỏ thuốc lá, Người bảo đồng chí Vũ Kỳ để ba lọ penixilin ở ba nơi làm việc.
Tuần thứ nhất, mỗi lần Người hút 2/3 điếu (một ngày nhiều nhất là 10 điếu), mỗi lần hút xong cho vào lọ penixilin thì tắt luôn để nhìn thấy đúng 2/3 thì dừng lại không được hút nữa.
Tuần thứ hai, Người hút 1/2 điếu rồi bỏ vào lọ.
Tuần thứ ba, Người hút 1/3 điếu rồi bỏ vào lọ.
Đến tuần thứ tư, Người hút mấy hơi rồi bỏ vào lọ.
Theo lời kể của bác sĩ Lê Văn Mẫn (bác sĩ chăm sóc sức khoẻ Chủ tịch Hồ Chí Minh từ năm 1967 đến năm 1969), hút thuốc lá là thú vui duy nhất của Chủ tịch Hồ Chí Minh như Người thường nói. Nhưng từ khi bị bệnh, theo lời khuyên của hội đồng thầy thuốc, Người có kế hoạch quyết tâm bỏ dần, giúp Bác bỏ tật xấu này. Khi thèm hút thuốc Người làm một việc gì đó để thu hút sự chú ý, tập trung. Với cách làm đó Người đã giảm từ cả bao xuống ba, bốn điếu một ngày. Cứ như vậy Người hút thưa dần.
Đầu tháng 3/1968, nhân khi bị cảm ho nhẹ, Bác tự quyết định bỏ hẳn. Mấy ngày sau, trong một tuần lễ anh em vẫn để gói thuốc trên bàn làm việc của Bác, nhưng Bác không dùng.
Một tháng sau, khi tiếp đồng chí Vũ Quang, lúc ấy là Bí thư Trung ương Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam, Bác nói: Bác bỏ thuốc lá rồi, chú về vận động thanh niên đừng hút thuốc lá. Sau này Bác có bài thơ Vô đề:
“Thuốc kiêng rượu cữ đã ba năm,
Không bệnh là tiên sướng tuyệt trần.
Mừng thấy miền Nam luôn thắng lớn,
Một năm là cả bốn mùa Xuân”.
Lời khuyên đó của Bác đến nay vẫn còn vẹn nguyên giá trị đối với mọi thế hệ. Đặc biệt, trong lớp trẻ ngày hôm nay, nhiều nam thanh niên đôi khi muốn chứng tỏ mình bằng những thói quen xấu mà không ý thức được mặt tiêu cực của nó, đặc biệt là hút thuốc. Vì thế, câu chuyện của Bác Hồ lại càng là bài học quý báu cho lớp trẻ noi theo.
Đối với riêng cán bộ, công nhân viên, chiến sỹ của Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, việc thực hiện cấm hút thuốc lá ở cơ quan, đơn vị tiến tới không hút thuốc lá ở mọi lúc, mọi nơi thể hiện quyết tâm mạnh mẽ của toàn cơ quan, hướng đến xây dựng một môi trường làm việc sạch, đẹp. Học tập sự quyết tâm của Bác, mỗi cá nhân hãy tự chiến thắng bản thân mình, từ bỏ những thói quen không tốt. Bởi bỏ hút thuốc lá là bảo vệ chính bản thân, bảo vệ người thân, mọi người xung quanh, tạo một môi trường phát triển bền vững cho đất nước, xứng đáng hơn nữa với mong mỏi khi sinh thời của Bác kính yêu./.
Thanh Huyền (Tổng hợp)