6. Về cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư

“TƯ CÁCH MỘT NGƯỜI CÁCH MỆNH

Tự mình phải:

Cần kiệm.

Hoà mà không tư.

Cả quyết sửa lỗi mình.

Cẩn thận mà không nhút nhát.

Hay hỏi.

Nhẫn nại (chịu khó).

Hay nghiên cứu, xem xét.

Vị công vong tư.

Không hiếu danh, không kiêu ngạo.

Nói thì phải làm.

Giữ chủ nghĩa cho vững.

Hy sinh.

Ít lòng tham muốn về vật chất.

Bí mật.

Đối người phải:

Với từng người thì khoan thứ.

Với đoàn thể thì nghiêm.

Có lòng bày vẽ cho người.

Trực mà không táo bạo.

Hay xem xét người”.

Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tập 2, tr. 260.

“THƯ GỬI ỦY BAN NHÂN DÂN CÁC KỲ, TỈNH, HUYỆN VÀ LÀNG

...

C. Tôi vẫn biết trong các bạn có nhiều người làm theo đúng chương trình của Chính phủ, và rất được lòng nhân dân. Song cũng có nhiều người phạm những lầm lỗi rất nặng nề. Những lầm lỗi chính là:

1. Trái phép - Những kẻ Việt gian phản quốc, chứng cớ rõ ràng thì phải trừng trị đã đành, không ai trách được.

Nhưng cũng có lúc vì tư thù tư oán mà bắt bớ và tịch thu làm cho dân oán thán.

2. Cậy thế - Cậy thế mình ở trong ban này ban nọ, rồi ngang tàng phóng túng, muốn sao được vậy, coi khinh dư luận, không nghĩ đến dân. Quên rằng dân bầu mình ra là để làm việc cho dân, chứ không phải để cậy thế với dân.

3. Hủ hoá - Ăn muốn cho ngon, mặc muốn cho đẹp, càng ngày càng xa xỉ, càng ngày càng lãng mạn, thử hỏi tiền bạc ấy ở đâu ra?

Thậm chí lấy của công dùng vào việc tư, quên cả thanh liêm, đạo đức. Ông uỷ viên đi xe hơi, rồi bà uỷ viên, cho đến các cô các cậu uỷ viên, cũng dùng xe hơi của công. Thử hỏi những hao phí đó ai phải chịu?

4. Tư túng - Kéo bè, kéo cánh, bà con bạn hữu mình, không tài năng gì cũng kéo vào chức này chức nọ. Người có tài có đức, nhưng không vừa lòng mình thì đẩy ra ngoài. Quên rằng việc là việc công, chứ không phải việc riêng gì dòng họ của ai.

5. Chia rẽ - Bênh vực lớp này, chống lại lớp khác, không biết làm cho các từng lớp nhân nhượng lẫn nhau, hoà thuận với nhau. Thậm chí có đôi nơi để đất ruộng bỏ hoang, nông gia ta thán. Quên rằng lúc này ta phải toàn dân đoàn kết, không chia già trẻ, giàu nghèo để giữ nền độc lập, chống kẻ thù chung.

6. Kiêu ngạo - Tưởng mình ở trong cơ quan Chính phủ là thần thánh rồi. Coi khinh dân gian, nói phô, cử chỉ lúc nào cũng vác mặt "quan cách mạng" lên. Không biết rằng, thái độ kiêu ngạo đó làm mất lòng tin cậy của dân, sẽ hại đến oai tín của Chính phủ.

D. Chúng ta không sợ sai lầm, nhưng đã nhận biết sai lầm thì phải ra sức sửa chữa. Vậy nên, ai không phạm những lầm lỗi trên này, thì nên chú ý tránh đi, và gắng sức cho thêm tiến bộ. Ai đã phạm những lầm lỗi trên này, thì phải hết sức sửa chữa; nếu không tự sửa chữa thì Chính phủ sẽ không khoan dung.

Vì hạnh phúc của dân tộc, vì lợi ích của nước nhà, mà tôi phải nói. Chúng ta phải ghi sâu những chữ "công bình, chính trực" vào lòng.

Mong các bạn tiến bộ”.

Hồ Chí Minh toàn tập, Sđd, tập 4, tr. 56-58.

“THƯ GỬI CÁC ĐỒNG CHÍ BẮC BỘ

Cùng các đồng chí Bắc Bộ,

Tôi không có thì giờ gặp các đồng chí để phê bình, kiểm thảo và bàn bạc công việc chung. Tiếc vì hoàn cảnh không tiện. Vậy tôi có mấy lời dặn các đồng chí như sau, mong các đồng chí chú ý:

Có những đồng chí còn giữ óc địa vị, cố tranh cho được uỷ viên này chủ tịch kia. Có những đồng chí lo ăn ngon mặc đẹp, lo chiếm của công làm của tư, lợi dụng địa vị và công tác của mình mà buôn bán phát tài, lo việc riêng hơn việc công. Đạo đức cách mạng thế nào, dư luận chê bai thế nào cũng mặc.

Có những đồng chí hay có tính kiêu ngạo, tự mãn, cho mình là cựu chính trị phạm, là người của Mặt trận thì giỏi hơn ai hết, ai cũng không bằng mình. Vẫn biết nhà pha đế quốc là nơi huấn luyện, vẫn biết Việt Minh là một đoàn thể gồm những người yêu nước, chăm lo việc cứu nước. Nhưng hẳn rằng ngoài Việt Minh còn biết bao nhiêu người hay, người giỏi mà Việt Minh chưa tổ chức được. Vả lại nếu chính trị phạm, nếu người của Mặt trận là giỏi hơn ai hết thì những người không có hân hạnh ở tù, những người chưa vào Mặt trận đó là vô tài vô dụng cả sao?

Mỗi một đồng chí ta phải có thái độ khiêm tốn, càng cựu, càng giỏi, càng phải khiêm tốn, phải có lòng cầu tiến bộ, phải nhớ câu nói của ông thầy chúng ta: "Phải học, học thêm, học mãi" . Tự mãn, tự túc là co mình lại, không cho mình tiến bộ thêm.

Có những đồng chí còn giữ thói "một người làm quan cả họ được nhờ", đem bà con, bạn hữu đặt vào chức này việc kia, làm được hay không, mặc kệ. Hỏng việc, đoàn thể chịu, cốt cho bà con, bạn hữu có địa vị là được”.

Hồ Chí Minh toàn tập, Sđd, tập 5, tr. 71-75.                   

phan 6
Bác Hồ - Người lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam. Ảnh: Internet

“CÁN BỘ VÀ ĐỜI SỐNG MỚI

Cán bộ muốn cho xứng đáng, phải làm được việc.

Muốn làm được việc, thì phải được dân tin, dân phục, dân yêu.

Muốn được dân tin, dân phục, dân yêu, cán bộ phải tự mình làm đúng đời sống mới. Nghĩa là phải siêng năng, tiết kiệm, trong sạch, chính đáng.

Nếu không thực hành bốn điều đó, mà muốn được lòng dân, thì cũng như bắc giây leo trời.

Nhất là trong lúc kháng chiến cứu nước này, mỗi phút đều là quý báu. Một đồng tiền, một hột gạo, đều là quý báu.

Mỗi một người cần phải cố gắng làm công việc của hai người. Công việc thường làm trong hai ngày, nay phải cố gắng làm xong xuôi chu đáo trong một ngày.

Người xưa có câu: Một phút đáng giá ngàn vàng, thật là đúng. Thí dụ: Ðược tin địch kéo qua nơi nọ, ta biết sớm mấy phút, chuẩn bị sẵn sàng mà tập kích, thì ta thắng lợi. Nếu biết chậm mấy phút, thì sẽ thất bại.

Vì vậy, từ người cán bộ cấp trên cho đến cán bộ giao thông, đều phải siêng năng, đều phải tiết kiệm thì giờ, cần và kiệm, hai điều đó đi đôi với nhau.

Về vật chất cũng thế.

Lúc này, đồng bào làm đổ mồ hôi nước mắt, lo tăng gia sản xuất, để giúp Chính phủ, giúp chiến sĩ, một người làm để nuôi mấy người. Lại có những đồng bào tản cư, thiếu thốn mọi mặt. Vì vậy, một hột gạo, một đồng tiền, tức là một số mồ hôi nước mắt của đồng bào. Vì vậy, ta phải ra sức tiết kiệm. Hoang phí là một tội ác.

Có tiết kiệm, không hoang phí xa xỉ, thì mới giữ được liêm khiết, trong sạch.

Nếu hoang phí xa xỉ, thì ắt phải tìm cách xoay tiền. Do đó mà sinh ra hủ bại, nhũng lạm, giả dối. Thậm chí làm chợ đen chợ đỏ, thụt két, buôn lậu.

Có cần mới kiệm. Có cần, kiệm mới liêm. Có cần, kiệm, liêm mới chính”.

Hồ Chí Minh toàn tập, Sđd, tập 7, tr. 176-177./

Thu Hiền (tổng hợp)

Còn tiếp

Bài viết khác: