Họa sĩ Dương Đức Điện (75 tuổi) là một trong các tác giả thành công về mảng đề tài về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong suốt cuộc đời sáng tác, ông đã vẽ hàng trăm tranh cổ động phục vụ nhiệm vụ tuyên truyền chính trị, trong đó nổi bật hơn cả là các bức tranh về chân dung Bác Hồ trên nhiều chất liệu như: Bột màu trên pa-nô khổ lớn, bột màu trên giấy, sơn dầu trên toan, khắc tổng hợp, ghép gốm màu...
Họa sĩ Dương Đức Điện và tác phẩm “Bác Hồ thăm Nhà máy Dệt”.
Gặp họa sĩ Dương Đức Điện tại nhà riêng của ông ở đường Nguyễn Trãi (thành phố Nam Định) chúng tôi bất ngờ khi ông vẫn say sưa vẽ tranh mặc dù vừa trải qua cơn tai biến lần thứ 7 trong đời. Nhiều năm nay, do di chứng của tai biến nên ông phải chuyển vẽ tranh từ tay phải sang tay trái. Gần đây sức khỏe đã yếu hơn nhưng ông vẫn say mê sáng tác bởi với ông “vẽ là lẽ sống đời mình”. Trong căn phòng nhỏ của ông, ngoài vị trí tủ thuốc gia đình ở góc tường còn lại bốn bề đều treo các tác phẩm hội họa mà ông tâm đắc, trong đó những bức tranh vẽ Bác Hồ được treo trang trọng ở vị trí cao nhất. Trong câu chuyện của ông, ký ức về những tháng ngày vẽ tranh Bác cách đây mấy chục năm vẫn còn xúc động như vừa mới hôm qua. Bức chân dung đầu tiên mà họa sĩ Dương Đức Điện vẽ là khi ông học lớp 4 trường Tiểu học Bến Ngự (TP Nam Định) năm 1954. Thời điểm đó, Hiệp định Giơ-ne-vơ vừa được ký kết, người dân Thành Nam nô nức xuống đường hô vang khẩu hiệu, biểu ngữ, băng rôn rợp phố. Hòa trong dòng người mít tinh, cậu bé Điện ấn tượng mãi với hình ảnh chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh được mọi người rước đi khắp các đường phố. Trong giờ ra chơi ở lớp, Dương Đức Điện đã tranh thủ vẽ lại hình Bác bằng bút chì trên giấy. Bạn bè trong lớp đều bất ngờ với tài năng của Điện và ai cũng muốn có một bức cất trong cặp sách. Cũng từ đây, niềm say mê vẽ tranh được hình thành và ấp ủ trong tâm hồn Dương Đức Điện. Năm 1960, ông đã thi vào lớp Họa (khóa II) Trường Sư phạm Nhạc - Họa Trung ương. Sau khi tốt nghiệp, ông về công tác ở Phòng Văn hóa - Thông tin thành phố Nam Định. Những năm 1970, 1980, nhu cầu có hình Bác treo trong các cơ quan, trường học, xí nghiệp; hình Bác khổ lớn rước trong các buổi mít-tinh, treo trên các kỳ đài trong những ngày lễ lớn và họa sĩ Dương Đức Điện được giao nhiệm vụ vẽ tranh Bác Hồ. Tích lũy những kiến thức cơ bản ở nhà trường, khi vẽ tranh Bác Hồ, ông không sa đà vào “tô màu” hoặc cố chép “thật giống” mà thả hồn vào tranh để lột tả sắc màu phù hợp với tâm tình Bác trong từng hoàn cảnh.
Bởi vậy, hàng chục bức vẽ về Bác Hồ của ông người xem không bị nhàm chán. Do không được gặp trực tiếp Bác Hồ nên trong quá trình thực hiện vẽ, ông mất nhiều thời gian tìm đọc tài liệu về cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác, xem nhiều ảnh chân dung Bác trên báo để có cảm xúc thể hiện chân dung vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc. Họa sĩ Dương Đức Điện cho biết thêm: Thời đó chưa có máy in khổ lớn, không có kỹ thuật in trên toan, trên bạt như bây giờ, việc phóng lớn các bức ảnh hoàn toàn phải làm bằng tay. Trên những tấm toan lớn, có bức cao đến 7 mét, diện tích lên tới hàng chục mét vuông, việc phóng hình Bác phải bảo đảm vừa đúng tỷ lệ, vừa phải thể hiện được thần thái, tình cảm của Người...
Trong số hàng chục bức vẽ về Bác Hồ, họa sĩ Dương Đức Điện tâm đắc với những tác phẩm: “Bác Hồ vẫn bên chúng ta” (1967), tranh chân dung khổ lớn về Bác Hồ (1975), “Bác Hồ thăm Nhà máy Dệt” (1984), tranh gốm màu Bác Hồ (2000), “Bác Hồ thăm nhà trẻ Nhà máy Dệt” (2003) và chân dung Bác Hồ (2004)... “Bác Hồ vẫn bên chúng ta” là một trong những bức tranh làm nên tên tuổi của họa sĩ Dương Đức Điện. Tác phẩm vẽ năm 1967 được dựng ở Ngã tư Cửa Đông (thành phố Nam Định). Đây là thời điểm thành phố Nam Định liên tục bị máy bay Mỹ oanh tạc, nhân dân phải sơ tán ra các vùng ngoại ô. Khi quay trở về, nhiều người đều ngỡ ngàng và trong tâm hồn như cảm thấy có Bác Hồ với niềm tin vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Cùng với khẩu hiệu “Bác Hồ vẫn bên chúng ta”, bức tranh đã cổ vũ mạnh mẽ tinh thần chiến đấu, sản xuất của nhân dân thành phố Nam Định. Ngày 30-4-1975, cả nước hân hoan chào đón ngày giải phóng miền Nam, đất nước thống nhất, người dân có mặt ở Quảng trường Hòa Bình (thành phố Nam Định) trong ngày hội đó còn ấn tượng mãi về bức tranh cổ động cỡ lớn 5mx3m với chân dung Bác Hồ của họa sĩ Dương Đức Điện. Bức tranh “Bác Hồ thăm Nhà máy Dệt” được ông vẽ năm 1984. Với phong cách hội họa mạnh về sự phô diễn chất bề mặt, sự tách bạch con người, chú trọng các tiểu tiết về khuôn mặt nhưng vẫn tạo tính toàn thể, ông đã khắc họa hình ảnh Bác Hồ ân cần động viên anh chị em công nhân, nét mặt những người công nhân được gặp Bác đều ánh lên niềm tự hào quyết tâm thực hiện lời Bác căn dặn... Năm 2000, ông dồn tâm huyết để hoàn thành bức tranh gốm màu chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sau khi phác thảo tranh mẫu, họa sĩ Dương Đức Điện đã ghép hàng nghìn mảnh gốm để hoàn thiện bức tranh gốm chân dung Bác Hồ. Bức tranh Bác Hồ khổ lớn (3mx5m) ông vẽ gần đây nhất vào năm 2004. Mặc dù khi đó ông bị tai biến mạch máu não nhưng ông vẫn gắng sức hoàn thành tác phẩm để kịp dựng trên lễ đài trong Lễ kỷ niệm 50 năm giải phóng thành phố Nam Định (01-7-1954 - 01-7-2004).
Là một trong những hội viên đầu tiên của Hội Văn hóa nghệ thuật tỉnh và là hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam, ở họa sĩ Dương Đức Điện, chữ “tâm” và nhân cách luôn song hành. Mỗi tác phẩm về đề tài Bác Hồ của họa sĩ Dương Đức Điện là kết quả của lòng yêu nghề, của sự tìm tòi, nghiên cứu lịch sử dân tộc, sự ngưỡng vọng Bác Hồ kính yêu. Với những đóng góp cho kháng chiến và lĩnh vực nghệ thuật, ông đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Ba, Huy chương Vì sự nghiệp Văn hóa - Thông tin; Huy chương Vì sự nghiệp Văn hóa nghệ thuật Việt Nam; Huy chương Vì sự nghiệp Mỹ thuật Việt Nam; Huy chương Chiến sĩ Văn hóa; Giải thưởng Văn hóa nghệ thuật Nguyễn Khuyến, Lương Thế Vinh./.
Bài và ảnh:Viết Dư
Theo http://baonamdinh.vn
Huyền Trang (st)