Chủ tịch Hồ Chí Minh là lãnh tụ vĩ đại của cách mạng Việt Nam - Người Anh hùng giải phóng dân tộc - Danh nhân văn hoá kiệt xuất. Trải qua 69 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, mỗi chiến công của Quân đội nhân dân Việt Nam đều gắn liền với sự lãnh đạo, chỉ đạo, giáo dục, rèn luyện và tình thương yêu của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập Quân đội nhân dân Việt Nam
Vận dụng và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin vào xác định đường lối lãnh đạo cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam từ những ngày đầu thành lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ mối quan hệ biện chứng giữa sự ra đời của quân đội với sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Tại Hội nghị thành lập Đảng từ ngày 3/2 đến 7/2/1930 đã thông qua Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng do Chủ tịch Hồ Chí Minh khởi thảo, khẳng định phải “tổ chức quân đội công nông”, làm lực lượng nòng cốt cùng với toàn dân đổ thực dân Pháp và bọn phong kiến, giành độc lập hoàn toàn cho dân tộc.
22/12/1944, Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân thành lập
Đến Hội nghị lần thứ Tám Ban Chấp hành Trung ương họp từ ngày 10/5 đến 19/5/1941 tại Pắc Bó, Cao Bằng do Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì đã ra Nghị quyết tiếp tục khẳng định: "Ta phải luôn luôn chuẩn bị một lực lượng sẵn sàng, nhằm vào cơ hội thuận tiện hơn cả mà đánh lại quân thù, nghĩa là nay mai đây cuộc chiến tranh Thái Bình Dương và cuộc kháng chiến của nhân dân Tàu xoay ra hoàn toàn cho cuộc cách mạng Đông Dương thắng lợi, thì lúc đó với lực lượng sẵn có, ta có thể lãnh đạo một cuộc khởi nghĩa từng phần trong từng địa phương cũng có thể giành sự thắng lợi mà mở đường cho một cuộc tổng khởi nghĩa to lớn”.
Thực hiện Chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 22/12/1944, Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân đã được thành lập, với ý nghĩa “chính trị trọng hơn quân sự. Nó là đội tuyên truyền. Vì muốn có kết quả thì về quân sự, nguyên tắc chính là tập trung lực lượng,…Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân là đội quân đàn anh, mong cho chóng có những đội đàn em khác….Tuy lúc đầu quy mô của nó còn nhỏ, nhưng tiền đồ của nó rất vẻ vang. Nó là khởi điểm của Giải phóng quân, nó có thể đi suốt từ Bắc chí Nam, khắp đất nước Việt Nam”.
Trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định phải thành lập lực lượng quân sự: “Dân tộc Việt Nam nhất định phải được giải phóng. Muốn giải phóng thì phải đánh phát xít Nhật và Pháp. Muốn đánh chúng thì phải có lực lượng quân sự. Muốn có lực lượng thì phải có tổ chức. Muốn tổ chức thành công thì phải có kế hoạch, có quyết tâm”(1). Những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước ác liệt, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm xây dựng quân đội: “Phải xây dựng quân đội ngày càng hùng mạnh và sẵn sàng chiến đấu để giữ gìn hoà bình, bảo vệ đất nước, bảo vệ công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc làm hậu thuẫn cho cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà”.
Được sự quan tâm lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Quân đội nhân dân Việt Nam không ngừng lớn mạnh, xây dựng chính quy, tinh nhuệ và từng bước hiện đại, là lực lượng nòng cốt cùng với toàn dân vùng lên đấu tranh chống phát xít Nhật, giành thắng lợi trong cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám 1945, lập nên Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Năm 1954, quân đội ta đánh bại thực dân Pháp, làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ, lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu. Năm 1975, đánh đổ chủ nghĩa thực dân mới bằng Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Ngày nay quân đội tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Chủ tịch Hồ Chí Minh giáo dục Quân đội phải “Trung với nước, hiếu với dân
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh rằng: Quân đội mạnh là nhờ giáo dục khéo, nhờ chính sách đúng và kỷ luật nghiêm” và “quân đội ta có sức mạnh vô địch vì nó là một quân đội nhân dân do Đảng ta xây dựng, Đảng ta lãnh đạo và giáo dục”(2). Khi kháng chiến bùng nổ, đáp “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến kháng chiến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Hỡi anh em binh sĩ, tự vệ, dân quân!. Giờ cứu nước đã đến. Ta phải hy sinh đến giọt máu cuối cùng, để giữ gìn đất nước. Dù phải gian lao kháng chiến, nhưng với một lòng kiên quyết hy sinh, thắng lợi nhất định về dân tộc ta!”, rất nhiều cán bộ, chiến sỹ của quân đội đã “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” bảo vệ Thủ đô, bảo vệ Trung ương Đảng, để ngăn chặn âm mưu đánh nhanh, thắng nhanh, tiêu diệt cơ quan đầu não của thực dân Pháp.
Kháng chiến thắng lợi, khi Đại đoàn quân tiên phong (Đại đoàn 308) trên đường trở về tiếp quản Thủ đô trong niềm vui chiến thắng, ngày 19/9/1954 tại Đền Hùng Người đã căn dặn: “Ngày xưa, các vua Hùng đã có công dựng nước, ngày nay Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước” và giao nhiệm vụ cho đơn vị về tiếp quản Hà Nội phải thực hiện tốt nhiệm vụ trước mắt và lâu dài, giữ vững phẩm chất, khí tiết của người quân nhân cách mạng.
Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với Đại đoàn quân Tiên phong tại Đền Hùng
Quân đội nhân dân là do Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt tên với ý nghĩa “từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu, vì nhân dân phục vụ”. Người luôn căn dặn đoàn kết “quân với dân như cá với nước”. Đó là bản chất của quân đội cách mạng, là nhân tố quan trọng góp phần làm nên sức mạnh tổng hợp của Quân đội ta trước mọi kẻ thù, trong mọi hoàn cảnh. Là quân đội của nhân dân, “Bộ đội Cụ Hồ” phải sẵn sàng giúp đỡ nhân dân, nhưng quyết “không động đến cái kim, sợi chỉ của nhân dân”, để “làm cho dân mến, khi sắp tới dân mong, khi đi dân tiếc”. Những chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam không chỉ đánh giặc giỏi mà còn là những người làm công tác dân vận giỏi, thực hiện tốt chức năng đội quân chiến đấu, đội quân lao động sản xuất và đội quân công tác.
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm đơn vị quân đội
Để tạo nên sức mạnh chiến đấu của quân đội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng việc xây dựng tình thương yêu cán bộ, chiến sỹ như ruột thịt. Người căn dặn: “Cán bộ không có đội viên, lãnh tụ không có quần chúng thì không làm gì được. Bởi vậy cần phải thương yêu đội viên”; “các cấp chỉ huy cần phải: biết rõ bộ đội, chăm nom bộ đội,... Mỗi người chỉ huy về quân sự cũng như về chính trị, phải làm kiểu mẫu, phải giữ đúng đạo đức của quân nhân cách mạng”(3); “Đối với bộ đội, …Chính trị viên phải thân thiết như một người chị, công bình như một người anh, hiểu biết như một người bạn”(4).
Tại Hội nghị Tổng kết Chiến dịch Biên giới, năm 1950, trong bài nói chuyện Chủ tịch Hồ Chí Minh đã yêu cầu: “Người đội trưởng, người chính trị viên phải là người anh, người chị, người bạn của đội viên”. Khi Huấn thị tại Hội nghị kiểm thảo chiến dịch đường 18, tháng 5-1951, Người nhắc nhở cán bộ quân đội phải gương mẫu, thương yêu binh sĩ như ruột thịt: “Từ Tiểu đội trưởng trở lên, từ Tổng Tư lệnh trở xuống phải săn sóc đời sống vật chất và tinh thần của đội viên”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành tình cảm đặc biệt cho cán bộ, chiến sỹ
Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người thường xuyên dành thời gian đi thăm các đơn vị bộ đội, quan tâm động viên chăm lo, săn sóc cán bộ, chiến sỹ rất ân tình, chu đáo.
Mùa đông, thương bộ đội rét mướt ở rừng núi hay bưng biền, Chủ tịch Hồ Chí Minh đem tấm áo lụa của mình được đồng bào tặng, bán đấu giá để lấy tiền mua áo ấm gửi cho các chiến sĩ. Chủ tịch Hồ Chí Minh thường nói: “Chiến sĩ còn đói khổ, tôi ăn ngon sao được!”; “Chiến sĩ còn rách rưới, mình mặc thế này cũng là đầy đủ lắm rồi!”.
Mùa hè năm 1967, trời Hà Nội rất nóng, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói với đồng chí Vũ Kỳ: “Nắng nóng thế này, các chú bộ đội trực phòng không trên nóc Hội trường Ba Đình thì chịu sao được ? Các chú ấy có đủ nước uống không? Chú thử lên tìm hiểu xem thế nào, về cho Bác biết”. Rồi Người đã dành phần quà và cả sổ tiết kiệm của mình tặng cho những chiến sĩ Phòng không mua nước uống cho đỡ khát trong những ngày hè nóng nực năm ấy.
Bác Hồ viếng Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ tại Quảng trường Ba Đình – Hà Nội
(năm 1955)
Đối với thương binh, liệt sĩ, những người đã cống hiến xương máu của mình cho nền độc lập dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn kính trọng: “...Tôi xin kính cẩn cúi chào vong linh các anh chị em đã bỏ thân vì nước và các đồng bào đã hy sinh trong cuộc đấu tranh cho nước nhà...”. Ngày 7/11/1946, Người đã đến dự Lễ "Mùa đông binh sĩ" do Hội Liên hiệp quốc dân Việt Nam tổ chức tại Nhà hát Lớn thành phố Hà Nội, vận động đồng bào ở hậu phương đóng góp tiền của để may áo trấn thủ cho chiến sĩ, thương binh, bệnh binh.
Tháng 6 năm 1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đề nghị Chính phủ chọn một ngày trong năm làm “Ngày Thương binh” để đồng bào ta có dịp tỏ lòng hiếu nghĩa, yêu mến thương binh. Hưởng ứng và đáp lại tấm lòng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung ương đã tổ chức Hội nghị tại xã Phú Minh, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên nhất trí lấy ngày 27 tháng 7 hàng năm là ngày Thương binh (từ năm 1955 trở thành Ngày Thương binh - Liệt sỹ).
Ngày 27 tháng 7 năm 1947, tại xã Hùng Sơn, huyện Đại Từ tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức mít tinh, kỷ niệm Ngày Thương binh toàn quốc đầu tiên. Trong buổi kỷ niệm Ngày Thương binh đầu tiên ấy, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đã gửi tặng một chiếc áo lụa, một tháng lương, một bữa ăn của nhân viên trong Phủ Chủ tịch và Thư của Người: “...Thương binh là những người đã hy sinh xương máu để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ đồng bào, vì lợi ích của Tổ quốc, của đồng bào mà các đồng chí đó bị ốm yếu....Vì vậy, Tổ quốc và đồng bào phải biết ơn, phải giúp đỡ những người con anh dũng ấy...”.
Mỗi khi nghe tin các đơn vị quân đội thắng trận, lập công, bắn rơi máy bay Mỹ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đều gửi Thư khen ngợi, gửi Lẵng hoa chúc mừng và thưởng Huy hiệu của Người. Cuối tháng 8 năm 1969, đang nằm trên giường bệnh, Chủ tịch Hồ Chí Minh nghe tin bộ đội Phòng không Hà Nội bắn rơi máy bay trinh sát của địch, đã gửi lẵng hoa để chúc mừng, động viên chiến công của đơn vị. Đây cũng là lẵng hoa cuối cùng của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi tặng trước lúc Người mãi mãi đi xa. Và tình cảm đặc biệt của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với bộ đội còn được thể hiện trong Di chúc của Người : “...Cuối cùng, tôi để lại muôn vàn tình thân yêu cho toàn dân, toàn Đảng, cho toàn thể bộ đội, cho các cháu thanh niên và nhi đồng...”.
Kỷ niệm 69 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 – 22/12/2013) là dịp để mỗi cán bộ, chiến sỹ tưởng nhớ công ơn trời biển của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã suốt đời phụng sự cách mạng, phục vụ nhân dân và chăm lo xây dựng quân đội trưởng thành; đồng thời ôn lại truyền thống “quyết chiến, quyết thắng” của Quân đội nhân dân việt Nam anh hùng, nguyện giữ vững và phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” trong thời kỳ mới, quyết tâm thực hiện tốt nhất những lời căn dặn Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”./.
Nguyễn Hữu Mạnh
(1) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2010. t5, tr. 279.
(2) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2010. t11, tr. 350.
(3) Hồ Chí Minh với Các lực lượng vũ trang nhân dân, Nxb.QĐND. H, 1975, tr. 157; tr. 41; tr. 90-91
(4) Thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Hội nghị chính trị viên (chính trị ủy viên khu và chính trị viên trung đoàn) toàn quốc lần thứ hai họp ngày 6/3/1948.