Dân tộc Việt Nam vốn có truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, “Kính lão đắc thọ”... Truyền thống tốt đẹp ấy đã được Đảng, Nhà nước và nhân dân ta phát huy mạnh mẽ trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, phấn đấu vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Đặc biệt trong công tác an sinh xã hội, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người cao tuổi.

Người Việt Nam rất tự hào về truyền thống đạo lý, về bản sắc văn hóa dân tộc ta là kính trọng người già. Kính trọng người già được coi là biểu hiện của lễ nghĩa và nhân ái. Tuổi thọ là “Thiên tước” (tước - lộc của trời ban cho), là hạnh phúc lớn của con người. Vì vây, trong đời sống cộng đồng thì người cao tuổi được tôn trọng nhất. Xưa là vậy, nay càng như vậy. Kính già là quan hệ gắn bó với nhau trong phương châm xử thế, trong đạo làm người, biểu hiện của nếp sống thuần phong mỹ tục của Việt Nam.

Bác hồ chụp ảnh lưu niệm với cụ già
Bác Hồ chụp ảnh lưu niệm cùng người cao tuổi

                Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành sự quan tâm đến người cao tuổi. Năm 1941, Người về nước sau ba mươi năm bôn ba hải ngoại tìm đường cứu nước và trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Giữa muôn vàn khó khăn của cuộc chiến giành độc lập dân tộc và công cuộc xây dựng đất nước non trẻ nhưng Người vẫn dành sự quan tâm đặc biệt đến người cao tuổi. Riêng đối với người cao tuổi, Người luôn kính trọng và thể thiện sự kính trọng đó trong từng lời nói, hành động, trong từng áng văn thơ và cả trong việc hoạch định chính sách của nước nhà.

          Trong lời hiệu triệu đoàn kết tất cả các bậc phụ lão, Bác viết: “Trách nhiệm của các vị phụ lão chúng ta đối với nhiệm vụ đất nước thật là trọng đại. Đất nước hưng thịnh do phụ lão gây dựng. Đất nước tồn tại do phụ lão giúp sức. Nước bị mất phụ lão cứu. Nước suy sụp, phụ lão phù trì. Nước nhà hưng, suy, tồn, vong, phụ lão đều gánh trách nhiệm rất nặng nề... Nhà nước lo, các cụ cũng phải lo. Nhà nước vui, các cụ đều cùng được vui”.

           Những quan điểm nhất quán, có tính hệ thống của Chủ tịch Hồ Chí Minh về vị trí xã hội, vai trò, trách nhiệm của người cao tuổi đối với Tổ quốc cũng như những tình cảm mà Người dành cho người cao tuổi đã thể hiện rõ nét truyền thống, bản sắc văn hóa Việt Nam - văn hóa Hồ Chí Minh. Qua đó, chúng ta hiểu sâu hơn về lớp người có vai trò, vị trí quan trọng đối với gia đình và xã hội, lớp người đã có đóng góp quan trọng trong quá trình dựng nước và giữ nước, trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước hiện nay. Đây là lớp người cần được chăm sóc và phát huy vai trò trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.      

          Ngay những ngày đầu thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, cách mạng đang trong thời kỳ khó khăn, thù trong giặc ngoài đe dọa, Bác Hồ đã đánh giá cao vị trí, vai trò của người cao tuổi. Đồng thời, để khai thác tiềm năng và phát huy vai trò của người cao tuổi, theo Bác Hồ việc đầu tiên là phải đưa người cao tuổi vào sinh hoạt trong một tổ chức nhất định. Bác chỉ rõ: “Đối với người cao tuổi, tuy sức khỏe không bằng lúc còn trẻ nhưng có những mặt mạnh cơ bản, đó là: Có lòng yêu nước nồng nàn, sâu sắc; tuổi càng cao chí càng cao; tích lũy được vốn tri thức, kinh nghiệm, kỹ năng phong phú; có sự tín nhiệm cao”.

Mặc dù bận nhiều việc nhưng Hồ Chủ tịch vẫn luôn dành cho phụ lão những tình cảm đặc biệt. Cứ mỗi khi nhận được tin tức về chiến công hay những việc làm có ý nghĩa của các cụ phụ lão trong công cuộc kháng chiến, kiến quốc, Hồ Chủ tịch đều kịp thời có thư động viên, thăm hỏi.

          Trong những năm tháng hoạt động cách mạng, Bác thường nhắc đến: “Càng già càng anh hùng”, “Tuổi cao chí khí càng cao, chống Mỹ - cứu nước già nào kém ai”. Với nhiệm vụ xây dựng đất nước cũng vậy, Bác Hồ nói:

Tuổi già nhưng chí không già

Góp phần xây dựng nước nhà phồn vinh

Từ đánh giá đúng đắn tiềm năng và vai trò của người cao tuổi, Bác Hồ khẳng định: “Người cao tuổi là của quý vô giá của dân tộc, của Nhà nước”. Bác vô cùng quý mến, kính trọng người cao tuổi và nhắc nhở mọi người: “Với cụ già phải cung kính”. Trong Đảng, Bác cũng xác định: “Các đồng chí già là rất quý, các cụ là tấm gương bền bỉ đấu tranh, dìu dắt, bồi dưỡng, đào tạo thêm đồng chí trẻ”.

          Lòng kính trọng của Bác Hồ đối với người cao tuổi không chỉ thể hiện rõ trong nhiều bài viết, bài nói, mà đã tỏa sáng trong mọi việc làm, mọi cử chỉ của Bác. Năm 1948, được biết cụ Phùng Lục - Phụ lão cứu quốc ở huyện Ứng Hòa, tỉnh Hà Đông, thọ 80 tuổi, không tổ chức tế lễ linh đình, đã mang 500 đồng tiền mừng thọ giúp vào quỹ kháng chiến, Bác Hồ đã viết thư chúc mừng và cảm ơn. Trong thư, Bác kính trọng, khiêm tốn xưng cháu với cụ Lục: “Cháu xin thay mặt Chính phủ cảm ơn cụ”. Đây chỉ là một trong rất nhiều sự việc thể hiện sự kính trọng của Bác Hồ, vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc đối với người cao tuổi.

          Là người lạc quan, yêu đời, Người quên cả tuổi già và luôn lạc quan cách mạng. Năm 1950, khi tròn 60 tuổi, Bác lạc quan viết những vần thơ:

“Sáu mươi tuổi hãy còn xuân chán

So với ông Bành vẫn thiếu niên

Ăn khỏe ngủ ngon, làm việc khỏe

Trần mà như thế kém gì tiên!”

Năm 1964, khi đã ở tuổi “xưa nay hiếm”, thế nhưng trong bài phát biểu bế mạc kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa III, Người nói: “... Vì Tổ quốc, vì nhân dân, chúng tôi sẽ luôn cố gắng làm tròn trách nhiệm của mình, quyết không phụ lòng tin cậy của đồng bào và Quốc hội. Về phần tôi: Bảy mươi tư tuổi vẫn không già/Cố gắng làm tròn nhiệm vụ ta.... Ở tuổi 78, Nguời vẫn lạc quan:

“Bảy mươi tám tuổi, chưa già lắm

Vẫn giữ hai vai việc nước nhà.

Kháng chiến dân ta đang thắng lớn

Tiến bước! Ta cùng con em ta”.

      Có thể thấy, trong suốt quá trình đấu tranh giữ nước và dựng nước, vai trò người cao tuổi luôn được đề cao và trân trọng. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kết hợp sức mạnh của mọi tầng lớp, giai cấp trong xã hội với vai trò xung kích của tuổi trẻ, vị trí nòng cốt của “tuổi già” để tạo nên sức mạnh tổng hợp và sự đoàn kết cho khối đại đoàn kết toàn dân - Yếu tố quan trọng quyết định thắng lợi cho cách mạng Việt Nam./.

Ma Lệ Minh

Bài viết khác: