Chỉ còn vài ngày nữa là đất nước đón Xuân sang. Khắp nơi nơi trên dải đất hình chữ S thân yêu, đi đến đâu cũng có thể nhận thấy rõ không khí tất bật, rộn ràng chuẩn bị chào đón Xuân… Hòa trong tâm trạng náo nức đón Tết là nỗi niềm bồi hồi nhớ về Bác Hồ kính yêu. Bởi với dân tộc ta, mùa Xuân không chỉ thể hiện cho sự giao mùa, sự kết thúc của một năm cũ bước sang năm mới mà mùa Xuân còn gắn với nhiều sự kiện lịch sử quan trọng của dân tộc, với Đảng và đặc biệt là với Bác Hồ.

Sinh thời, vào mỗi dịp Tết đến Xuân về, dù công việc vô cùng bận rộn song Người luôn tranh thủ sắp xếp thời gian để đến thăm hỏi, chúc Tết đồng bào, đồng chí. Bác đến với mọi người trong ngày Tết bằng tất cả trái tim yêu thương, bằng tình cảm và sự quan tâm, chia sẻ, động viên chân thành nhất, không phân biệt giai cấp, không phân biệt sang hèn. Ngày Tết, Bác đến với các gia đình công nhân ở Nhà máy điện Yên Phụ (Hà Nội), ở mỏ than Quảng Ninh; chia sẻ niềm vui năm mới với các cán bộ công đoàn, các đồng chí bảo vệ, các chiến sỹ; hay thăm hỏi, động viên các gia đình trí thức, những gia đình có hoàn cảnh khó khăn…

Cảm động nhất là cuộc gặp giữa Bác với chị Nguyễn Thị Tín, một người gánh nước thuê sống trong một hẻm phố nhỏ ở Hà Nội, vào đêm 30 mưa phùn, giá lạnh của Tết Nhâm Dần năm 1962. Chồng mất sớm, một mình chị Tín gánh nước thuê lấy tiền nuôi 4 con còn nhỏ và đêm 30 này chị vẫn chưa được nghỉ. Với đôi thùng trên vai, chị vừa ra đến ngõ thì gặp Bác.

Quá bất ngờ trước sự xuất hiện của Bác, chị buông rơi đôi thùng gánh nước, ôm chầm lấy Bác, nước mắt tràn ra không nói nên lời. Tay chị run run nắm lấy bàn tay Người mà nghẹn ngào:

-  Cháu không ngờ lại được Bác đến thăm.

Bác an ủi chị:

-  Bác không đến thăm những gia đình như gia đình cháu thì còn thăm ai…

Mùa Xuân ấy đối với căn nhà rách nát nghèo nàn của chị Tín là niềm hạnh phúc không gì có thể so sánh được, thật là “một mùa Xuân cả thế gian, phải đâu lãng phí cỗ bàn mới Xuân” như lời Bác dạy(1).

Chính sự giản dị, gần gũi, thấu hiểu và đồng cảm với nhân dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa Người đi sâu vào trái tim đồng bào cả nước, được cả dân tộc yêu mến và tôn kính.

Thủ tướng Phạm Văn Đồng có lần đã viết “Hồ Chủ tịch là người Việt Nam, Việt Nam hơn người nào hết. Ngót ba mươi năm bôn ba bốn phương trời, Người vẫn giữ thuần tuý phong độ, ngôn ngữ, tính tình của một người Việt Nam. Ngay sau khi về nước, gặp Tết, Người không quên mừng tuổi đồng bào hàng xóm và quà bánh cho trẻ em. Chỉ có mấy đồng xu, nhưng cũng bọc giấy hồng đơn cẩn thận, tươm tất…”.

bac chuc tet
Chủ tịch Hồ Chí Minh chúc Tết gia đình đồng chí Nguyễn Phú Lộc, cán bộ công đoàn
Nhà máy cơ khí Hà Nội (Ngày 14/2/1961). Ảnh Internet

Không chỉ có thế, mỗi dịp Tết đến, Người luôn có một món quà mừng tuổi ý nghĩa để gửi tới tất cả đồng bào của mình đó là những bài thơ chúc mừng năm mới. Lần đầu tiên Bác đọc thơ chúc Tết là vào Tết Đinh Hợi năm 1947. Năm ấy, qua Đài phát thanh, đồng bào cả nước đã được nghe những lời thơ thật hào sảng - món quà tinh thần ý nghĩa nhất vào dịp đầu năm mới:

Cờ đỏ sao vàng tung bay trước gió,

Tiếng kèn kháng chiến vang dậy núi sông.

Toàn dân kháng chiến, toàn diện kháng chiến,

Chí ta đã quyết, lòng ta đã đồng.

Tiến lên chiến sĩ! Tiến lên đồng bào!

Sức ta đã mạnh, người ta đã đông.

Trường kỳ kháng chiến, nhất định thắng lợi!

Thống nhất độc lập, nhất định thành công!(2)

Cũng kể từ đó, một phong tục mới đậm chất Việt Nam và mang dấu ấn Hồ Chí Minh đã ra đời: Nghe Bác Hồ đọc thơ chúc Tết vào đêm giao thừa qua đài phát thanh. Gần 30 năm trời (1942 - 1969), cứ mỗi khi Tết đến Xuân về là đồng bào cả nước lại mong chờ những vần thơ chúc Tết của Bác như một món quà ý nghĩa. Lấy thơ làm quà “mừng Xuân”, Người cũng mượn thơ để “kêu gọi”, khích lệ đồng bào và khẳng định niềm tin vào một tương lai rạng ngời của dân tộc. Những câu thơ ngắn gọn, dễ thuộc của Bác như có phép màu truyền cảm đến tất thảy đồng bào trên cả nước, động viên người ở hậu phương, tiếp thêm sức mạnh chiến đấu cho người ở tiền tuyến, tất cả cùng đoàn kết một lòng vững bước tiến lên để xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước...

Nhân dân ta không có mùa Xuân nào không nhớ đến lời dạy “Tết trồng cây” của Bác Hồ. Bác là người đã khởi xướng phong trào Tết trồng cây để động viên nhân dân tích cực trồng cây, làm cho đất nước ngày càng tươi đẹp, khí hậu điều hoà hơn, cây gỗ đầy đủ hơn: “Mùa Xuân là Tết trồng cây/ Làm cho đất nước càng ngày càng Xuân”(3). Bác cho rằng trồng cây là việc “tốn kém ít mà lợi ích rất nhiều”(4).

Lúc còn sống, hầu như năm nào Bác cũng đều có bài viết về Tết trồng cây để duy trì và động viên phong trào “Tết trồng cây” của cả nước như bài “Tết trồng cây” đăng trên báo Nhân Dân số 2082 ngày 28-11-1959; “Tết trồng cây” đã thắng lợi bước đầu” đăng trên báo Nhân Dân số 2133 ngày 19-1-1960; “Năm mới, hãy nhiệt liệt tổ chức Tết trồng cây” đăng trên báo Nhân Dân số 3928 ngày 1-1-1965… Và chính Bác là người tiên phong gương mẫu trong phong trào này. Người thường xuyên theo dõi phong trào trồng cây, biểu dương những địa phương, đơn vị, cá nhân trồng tốt, đồng thời cũng nhắc nhở những địa phương, những hợp tác xã chưa quan tâm đến việc tổ chức “Tết trồng cây”.

mua-xuan-bh-bqllang.gov.vn
Ngày 16/2/1969 (mồng 1 Tết), Bác Hồ trồng cây ở xã Vật Lại, huyện Ba Vì, tỉnh Hà Tây
 (nay là Hà Nội) nhân Tết Kỷ Dậu. Ảnh Internet

Vâng lời Bác dạy, nhân dân ta từ miền ngược tới miền xuôi đều tích cực trồng cây gây rừng. Đã hơn nửa thế kỷ trôi qua, lời kêu gọi của Bác phát động “Tết trồng cây” vẫn còn nguyên giá trị và đã đi vào nếp sống thường nhật của nhân dân. Giờ đây, trồng cây đã trở thành một phong tục độc đáo, một nét văn hoá tốt đẹp trong ngày Tết cổ truyền của dân tộc ta. Cứ mỗi độ Xuân sang, đồng bào cả nước lại cùng nhau trồng cây theo lời Bác kính yêu đã dạy, để “làm cho đất nước càng ngày càng Xuân”.

Xuân Giáp Ngọ 2014 - lại thêm một mùa Xuân nữa đồng bào cả nước không còn được nghe Bác Hồ kính yêu đọc thơ chúc Tết vào thời khắc giao mùa giữa năm cũ và năm mới nữa. Song bóng hình Người cùng tình yêu thương bao la của Bác vẫn còn mãi với non sông đất nước, vẫn mãi trường tồn trong lòng dân tộc, trong trái tim những người con đất Việt thân yêu. Đón Xuân mới về, càng nhớ Bác kính yêu, ta lại càng có thêm động lực để phấn đấu, quyết tâm xây dựng và bảo vệ nước nhà ngày càng đàng hoàng hơn, tươi đẹp hơn như Bác hằng mong muốn./.

ThS. Hoàng Thị Thu Hiền

 

1. Ban Tư tưởng - Văn hoá Trung ương, Một số lời dạy và mẩu chuyện về tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2007, tr.157.

2. Hồ Chí Minh toàn tập (2011), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, Tập 5, tr.20.

3. Hồ Chí Minh toàn tập (2011), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, Tập 14, tr.445.

4. Hồ Chí Minh toàn tập (2011), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, Tập 12, tr.337.

Bài viết khác: