Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Mùa Xuân năm 1946, lần đầu tiên dân tộc ta chính thức được tự do, độc lập, cả dân tộc ta được nghe lời chúc Tết trong an bình và tự do. Nghe lời Bác căn dặn trong thời khắc linh thiêng chuyển giao của đất trời. Đó là một mốc son chói lọi trong lịch sử dân tộc ta và cũng là thời khắc báo hiệu vận mệnh của đất nước, chính thức thoát khỏi kiếp lầm than, ách đô hộ thực dân và phong kiến.
Tết Độc lập đầu tiên, sau hàng trăm năm nô lệ, áp bức, bóc lột và đói nghèo. Mùa Xuân năm Bính Tuất 1946 - mùa Xuân đánh dấu một bước ngoặt của dân tộc ta, lần đầu tiên nhân dân được hưởng một mùa Xuân dân chủ độc lập trọn vẹn. Lần đầu tiên, Bác nói: “Hỡi đồng bào toàn quốc, Hôm nay là ngày mồng một Tết, ngày Tết đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, tôi thay mặt Chính phủ chúc đồng bào năm mới muôn sự tốt lành...”. Bác đọc thơ chúc Tết:
“Tết này mới thực Tết dân ta
Mấy chữ chào mừng báo Quốc gia
Độc lập đầy vơi ba chén rượu
Tự do vàng đỏ một rừng hoa
Mọi nhà vui đón Xuân Dân chủ
Cả nước hoan nghênh phúc Cộng hòa”
Trong bài thơ chúc Tết năm Đinh Hợi 1947, đó là thời khắc cả nước ta mới giành được độc lập, tự do. Bác động viên và khích lệ toàn Đảng toàn dân đứng lên kháng chiến:
“…Tiến lên chiến sĩ! Tiến lên đồng bào!
Sức ta đã mạnh, người ta đã đông
Trường kỳ kháng chiến, nhất định thắng lợi!
Thống nhất độc lập, nhất định thành công!”
Năm Giáp Thìn 1964, trong Thơ chúc mừng năm mới. Bác nhắc nhở và giao nhiệm vụ cho toàn Đảng, toàn dân đoàn kết một lòng, kháng chiến kiến quốc:
“Nam Bắc như cội với cành,
Anh em ruột thịt đấu tranh một lòng”
“...Rồi đây thống nhất thành công,
Bắc Nam ta lại vui chung một nhà...”
Bác Hồ chúc Tết năm 1965. (Ảnh tư liệu)
Giao thừa năm Kỷ Dậu 1969, vẫn như thường lệ, đồng bào và chiến sĩ cả nước lắng nghe bài thơ chúc Tết như một lời tiên tri cho vận mệnh đất nước, đó cũng là câu thơ chúc Tết cuối cùng mà Người đã chút hết tình cảm và niềm tin vào bài thơ. Bác nói:
“Năm qua thắng lợi vẻ vang,
Năm nay, tiền tuyến chắc càng thắng to.
Vì độc lập, vì tự do.
Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào.
Tiến lên! Chiến sĩ, đồng bào.
Bắc - Nam sum họp, Xuân nào vui hơn!”
Trong mỗi vần thơ chúc Tết của Bác, chúng ta thấy toát lên như một lời tiên tri, báo trước vận mệnh của đất nước. Lời tiên tri “Bắc Nam sum họp” như đã được dự báo. Sau 6 năm, kể từ bài thơ “Chúc Tết năm 1969”, đến ngày 30/4/1975, những lời tiên đoán của Bác về một mùa Xuân đại thắng của dân tộc ta đã trở thành hiện thực như một định mệnh. Thành quả cuối cùng của sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước đã không nằm ngoài sự tiên đoán trong bài thơ chúc Tết cuối cùng của Người: “Bắc Nam sum họp Xuân nào vui hơn”
Bác Hồ đã đi qua 79 mùa Xuân, hơn 24 mùa Xuân ở cương vị Chủ tịch nước, Bác đã viết hơn 20 bài thơ chúc Tết đồng bào và đã có hàng trăm bài nói chuyện với quân, dân trong dịp thăm và chúc Tết nhân dân. Thành thông lệ, mỗi khi Tết đến Xuân về, vào đêm giao thừa, thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, mọi nhà, mọi người đều náo nức đón nghe lời chúc Tết và thơ chúc Tết của Bác. Hơn 1/3 cuộc đời giữ cương vị đứng đầu cả nước, ngoài việc lo cho sứ mệnh của đất nước, Bác đã luôn chăm lo đến từng số phận người dân nước Việt. Bác dành tình thương yêu cho từng cụ già đến tới em nhỏ thiếu nhi, từ chị em phụ nữ đến thương bệnh binh...
Ngẫm lời Bác dạy, tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác Hồ kính yêu, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã, đang và luôn ra sức thực hiện sứ mệnh tiếp nối thành quả của Người. Bác căn dặn: “Suốt năm chúng ta thi đua lao động, sản xuất, những ngày Tết Nguyên đán, chúng ta vui chơi một hôm để chào Xuân. Việc đó cũng đúng thôi. Nên chúng ta mừng Xuân một cách vui vẻ và lành mạnh. Nếu có bao nhiêu tiền bỏ ra mua sắm hết để đánh chén lu bù, thế là mừng Xuân một cách lạc hậu, thế là lãng phí, thế là không Xuân”.
Tình cảm của Bác dành cho mọi người, không phân biệt giàu nghèo, lớn bé hay dân tộc, màu da…Bác Hồ đến thăm và chúc Tết công trường Việt Trì, trước cán bộ, công nhân và chuyên gia, Bác nói: “Cán bộ phải chú ý chăm lo sinh hoạt của anh em trong ngày Tết. Đối với các đồng chí công nhân, cán bộ bạn bè giúp ta mà các đồng chí ấy xa nhà trong dịp Tết Nguyên đán này, ta càng chú ý săn sóc. Các anh em công nhân người Âu, Phi lâu nay sống đã quen với phong vị Tết Việt Nam, nên làm sao cái Tết của xây dựng vui vẻ hơn kháng chiến, song phải tránh những lãng phí không cần thiết”.
Đầu năm 1958, Bác về tham gia chống hạn ở xã Mễ Trì, Từ Liêm, Hà Nội. Khi ấy còn hơn 1 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Mậu Tuất 1958, tại buổi nói chuyện với nhân dân trong xã, Bác nói: “Năm ngoái bà con ăn Tết mổ lợn, mổ bò… rồi thiếu trâu bò cày. Đấy là chưa kể rước sách linh đình, đồng bóng bói toán thật là lãng phí, ảnh hưởng không tốt đến thuần phong mỹ tục. Năm nay nhất định sửa. Tết năm nay phải là Tết vui vẻ, lành mạnh, tiết kiệm”. Bác ân cần căn dặn: “Các chú tổ chức cho nhân dân ăn Tết phấn khởi đấy, nhưng phải nhớ tiết kiệm. Vì đất nước còn nghèo, lại vừa trải qua chiến tranh, còn phải làm nhiều việc lớn hơn”.
Bác cũng thường căn dặn là phải hết sức tiết kiệm trong những ngày đón Xuân. Trong bài “Mừng Xuân vĩ đại” Bác nhắc nhở: “Chúng ta mừng Xuân một cách vui vẻ, tưng bừng, nhưng tuyệt đối không lãng phí”. Bác khuyên trong những ngày Tết: “Không nên chơi bời quá độ mà phải có chừng độ. Chơi quá độ, bừa bãi không nên. Nếu chơi nhiều thì không tăng gia sản xuất, học tập được. Ta có câu “Lạc bất khả cực, lạc cực sinh ai”. Nghĩa là vui không nên quá mức, vui quá mức đi đến cái buồn”.
Bác căn dặn: “Hãy mừng Xuân rộng rãi từ gia đình đến cả nước, Hãy mừng Xuân vui vẻ tưng bừng nhưng tuyệt đối không lãng phí” và hãy nhớ câu tục ngữ: “Suốt năm kế hoạch, định từ mùa Xuân”. Mùa Xuân là biểu tượng hòa bình, sinh sôi, nảy nở bao điều tốt đẹp và nó phải đến với tất cả mọi người, là quy luật của tạo hóa. Mùa Xuân không phải của riêng ai. Bác nói: “Xưa kia người ta chỉ mừng Xuân hẹp hòi trong khuôn khổ gia đình với những câu chúc tụng nhau”, “Ngũ phúc lâm môn, tam dương khai thái”. Ngày nay chúng ta mừng Xuân rộn rã, từ gia đình đến cả nước, đến khắp thế gian”. Bác nói:
”Mừng Xuân mừng cả thế gian
Phải đâu lãng phí cỗ bàn mới Xuân”.
Bác Hồ nói chuyện với các cháu thiếu nhi trong dịp Người về thăm chúc Tết đồng bào Hà Tĩnh - Xuân Đinh Mùi, 1967. ( Ảnh tư liệu)
Theo phong tục cổ truyền ngày tết, Bác Hồ cũng thường hay dành những phần quà để tặng cho những người nghèo, người có công, người già cô đơn và trẻ em nhỏ. Những phần quà của Bác tuy nhỏ bé nhưng đầy ý nghĩa, như: “Sữa để em thơ, lụa tặng già”; dành cho người già neo đơn, trẻ em mồ côi, bất hạnh, người nghèo vùng sâu, vùng xa, chiến sĩ hải đảo và biên giới.... Mỗi việc làm của Bác đều rất thiết thực. Giá trị nhân nghĩa và đạo lý truyền thống của dân tộc kết hợp cùng với giá trị đạo đức tốt đẹp của nhân loại. Chúng ta cần phải học tập ở Bác, không chỉ là thực hiện hành động nhân nghĩa, mà phải ra sức học tấm gương “cần kiệm, liêm chính, chí công, vô tư” của Người.
Bác Hồ không chỉ khuyên nhủ nhân dân ăn Tết tiết kiệm, mà chính Người là một tấm gương sáng điển hình trong việc thực hiện tiết kiệm trong những ngày lễ Tết. Có lẽ Bác là vị lãnh tụ của một đất nước duy nhất trên thế giới thường xuyên ân cần chỉ bảo nhân dân từ những cái nhỏ nhất. Lời căn dặn của Bác thể hiện qua những lời dạy, câu hò vè, câu thơ, câu văn xuôi rất sâu sắc và đầy ý nghĩa vào mỗi dịp Tết đến Xuân về của dân tộc ta. Đó là một trong hàng nghìn những hành động nhân văn của Người đối với dân tộc ta. Bác đã trở thành “Vị Thánh” trong lòng mỗi người dân nước Việt. Những lời dạy của Bác đã trở thành chân lý không thể phai mời trong mỗi tâm trí người dân. Ngày nay, những lời dạy của Bác vẫn còn nguyên giá trị.
Ngày 16/2/1969 (mồng 1 Tết), Bác Hồ về thăm và trồng cây ở xã Vật Lại, huyện Ba Vì, tỉnh Hà Tây (nay là Hà Nội) nhân Tết Kỷ Dậu ( Ảnh tư liệu)
Tuy nhiên ảnh hưởng của nền kinh tế thị trường, cùng với quá trình hội nhập. Tết truyền thông nước ta có phần thay đổi thích ứng với xu hướng và thị hiếu xã hội hiện nay, nào thì xe hơi, nhà lầu, rượu ngoại và cao lương mỹ vị…Hiện nay, những quà biếu biến tướng như: Vàng, đô la, nhà lầu, xe hơi… thực chất là cuộc “mua bán” danh lợi chức quyền, nói cách khác là sự “hoán vị” chen chân giành ghế, ăn chơi xa đọa và lãng phí....Đành rằng kinh tế xã hội nước ta đang trong những năm đổi mới và phát triển, đời sống nhân dân được nâng lên một bước, nhưng không vì thế mà chúng ta xa hoa, phung phí, làm những điều mà đạo đức xã hội chưa cho phép.
Cuộc sống hối hả cấp tập ngày hôm nay đã làm cho mỗi con người chúng ta phải chạy theo thị hiếu để thích ứng với từng điều kiện, từng hoàn cảnh cụ thể. Cứ mỗi khi Tết đến Xuân về đó là thời khắc mà toàn Đảng toàn dân ta, mỗi người vui trong nỗi lo ngày Tết. Có đến hàng nghìn hoạt động ngày Tết bị biến tướng như: biếu quà Tết, lễ hội đình đám, hủ tục mê tín, cá cược, đánh bạc, mua bán thần thánh, lộc lá, cơ hội chạy chức, chạy quyền… một trong những nỗi lo lắng hiện nay là việc “Quà biếu Tết” đang được xã hội lên án. Tặng quà là một nét đẹp trong đời sống hiện nay, họ thường tặng quà cho nhau vào dịp lễ, Tết... Nhưng gần đây, chuyện tặng quà trong dịp Tết thường bị lạm dụng, khiến nó biến tướng thành méo mó trở thành “động cơ hối lộ chạy chức chạy quyền, dẫn đến tham ô, tham nhũng…“Vui buồn cái chuyện quà Tết”. Sự kiện ngày Tết cổ truyền hiện nay đã trở thành một vấn nạn quốc gia.
Theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khoá XI. Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư đã phải ban hành Chỉ thị số 21- CT/TW của Ban Bí thư vào dịp trước Tết Nguyên đán về việc đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Nghiêm cấm mọi hình thức tặng quà Tết, không được sử dụng tiền, phương tiện, tài sản vào các hoạt động trong dịp lễ, Tết. Và thực hiện tốt Chỉ thị số 265/CT-BVHTTDL ngày 18/12/2012 của Bộ trưởng Bộ VHTTDL về việc tăng cường công tác quản lý, tổ chức và thực hiện nếp sống văn minh trong hoạt động lễ hội, trọng tâm của công tác quản lý lễ hội trong năm 2013.
Để có ngày hôm nay, dân tộc ta đã phải đấu tranh qua hàng ngàn năm đô hộ, hàng trăm năm kháng chiến chống thực dân, phong kiến, đế quốc để giành độc lập, tự do. Những thế hệ trước đã phải đổ bao xương máu, để ngày hôm này chúng ta sống trong độc lập tự do, hạnh phúc và hòa bình. Ngày nay, thế hệ Hồ Chí Minh, chúng ta đã, đang phải đối mặt với nhiều vấn nạn, đánh mất đi nhiều những gì tốt đẹp vốn truyền thống của dân tộc ta bao đời nay.
Chúng ta phải đứng lên, đẩy lùi những hủ tục lại hậu, những thói hư tât xấu… để xã hội ta ngày một trong sạch hơn và văn minh hơn, đúng như lời dạy của Bác và cũng đúng với đường lối của Đảng ta đã để ra mục tiêu xây dựng một xã hội XHCN ở Việt Nam: “Dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh”. Cũng đúng với lời chúc Tết năm 2013 của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang “Đón chào năm mới Quý Tỵ 2013 chính là thời điểm để thêm một lần nữa, mỗi gia đình, mỗi người Việt Nam chúng ta khắc sâu công ơn dựng nước và giữ nước của các bậc tiền nhân. Biết bao mồ hôi, xương máu của các thế hệ người Việt Nam nối tiếp nhau kiên cường chiến đấu, hy sinh, lao động sáng tạo, hiến dâng cho Tổ quốc cuộc đời mình để đất nước được như ngày hôm nay. Trách nhiệm của chúng ta là kế thừa xứng đáng sự nghiệp rạng rỡ của cha ông, phải xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước ta ngày càng thêm giàu đẹp, vững bền”../.
ThS. Hoàng Anh Tuấn