Môi trường được hiểu là hệ thống các yếu tố vật chất tự nhiên và nhân tạo có tác động đối với sự tồn tại và phát triển của con người và sinh vật. Các yếu tố vật chất tạo thành môi trường gồm đất, nước, không khí, âm thanh, ánh sáng, sinh vật và các hình thái vật chất khác. Môi trường có vai trò đặc biệt quan trọng đối với đời sống con người vì môi trường cung cấp cho con người thức ăn, nước uống, khí thở, nơi ở và các tài nguyên thiên nhiên để con người sử dụng trong đời sống, sản xuất. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng vấn đề bảo vệ môi trường. Người luôn xác định bảo vệ môi trường chính là bảo vệ sức khỏe, bảo vệ cuộc sống bền vững của con người.
1. Quan điểm Hồ Chí Minh về bảo vệ môi trường
Thứ nhất, cốt yếu trong bảo vệ môi trường là xây dựng môi trường sống trong sạch, lành mạnh, ăn ở hợp vệ sinh, giữ gìn sức khỏe
Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, nguyên nhân của một số bệnh thường gặp chính là người dân chưa biết bảo vệ môi trường, giữ gìn môi trường sống trong sạch, lành mạnh. Người khẳng định “…Mình dù nghèo, ai cấm mình ăn ở sạch sẽ? Sạch sẽ là một phần của đời sống mới. Sạch sẽ thì ít đau ốm” (4). Trong bài nói chuyện với nhân dân, bộ đội, cán bộ tại Yên Châu (Sơn La), Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “…Ở đây đồng bào còn nhiều người sốt rét, các cháu bé thường thường đau mắt hột, bụng to. Vì sao? Vì không biết giữ vệ sinh. Đồng bào có muốn có sức khỏe để sản xuất không? Có muốn con cháu mình không đau mắt hột, không bụng to thế này không? Muốn thế phải giữ gìn vệ sinh, ăn uống sạch sẽ, nhà cửa sạch sẽ, vườn cũng sạch sẽ”(5). Người căn dặn: “Về vệ sinh, đường xá phải sạch sẽ. Ao tắm giặt, giếng nước uống phải phân biệt và săn sóc cẩn thận. Những ao hồ không cần thì lấp đi, cho đỡ muỗi. Phải có cầu xia chung, hoặc cầu xia riêng từng nhà. Đã khỏi hôi thối, ruồi nhặng, lại có phân tốt” (6).
Để tuyên truyền và vận động nhân dân hiểu biết về vai trò quan trọng của bảo vệ môi trường và có ý thức bảo vệ môi trường, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa công tác vệ sinh phòng bệnh vào phong trào thi đua yêu nước. Năm 1958, Người đã phát động phong trào “Vệ sinh yêu nước (phong trào diệt ruồi, muỗi)”. Người nhấn mạnh: “Ruồi muỗi là bạn đồng minh của giai cấp bóc lột. Nó gây ra nhiều tật bệnh, làm cho nhân dân ta ốm đau. Người ốm đau thì sức lao động bị giảm sút, công cuộc phát triển kinh tế và văn hóa bị hạn chế. Vì vậy, chúng ta phải ra sức tiêu diệt những kẻ địch độc ác là ruồi muỗi, để tiêu diệt dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe của nhân dân”(7). Phong trào “Vệ sinh yêu nước” do Chủ tịch Hồ Chí Minh khởi xướng đã được nhân dân cả nước nhiệt tình hưởng ứng tạo thành một phong trào thi đua sôi nổi, rộng khắp. Người căn dặn nhân dân phải chú ý tới việc giữ gìn vệ sinh nơi đông người, tập thể vì nơi đó nếu không được đảm bảo vệ sinh sẽ rất dễ phát sinh dịch bệnh.
Trong Di chúc để lại cho toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta, Người căn dặn: “Sau khi tôi qua đời…Tôi yêu cầu thi hài tôi được đốt đi, nói chữ là “hỏa táng”. Tôi mong rằng cách “hỏa táng” dần dần sẽ được phổ biến. Vì như thế đối với người sống đã tốt về mặt vệ sinh, lại không tốn đất. Bao giờ ta có nhiều điện, thì “điện táng” càng tốt hơn” (8). Người chính là một tấm gương sáng về giữ gìn môi trường sống trong sạch, lành mạnh. Những lời căn dặn ở trên khiến chúng ta càng thêm cảm phục và kính yêu Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Thứ hai, trồng nhiều cây xanh là góp phần bảo vệ môi trường, làm trong lành không gian sống
Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi: “Người người trồng cây, nhà nhà trồng cây” để bảo vệ môi trường sinh thái cho chính cuộc sống của con người. Ngày 28/11/2959, trên Báo Nhân Dân số 2082, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bài “Tết trồng cây” và đề nghị tổ chức một ngày Tết trồng cây để thiết thực kỷ niệm ngày thành lập Đảng. Trong bài viết, Người khẳng định đây là phong trào “tốn kém ít mà lợi ích rất nhiều”. Đồng thời, Người cũng đưa ra một lộ trình cụ thể: “…Mỗi Tết trồng được độ 15 triệu cây. Từ năm 1960 đến 1965 (là năm cuối cùng của kế hoạch 5 năm lần thứ nhất), chúng ta sẽ có 90 triệu cây, vừa cây ăn quả, cây có hoa, vừa cây làm cột nhà. Và trong mười năm, nước ta phong cảnh sẽ ngày càng tươi đẹp, khí hậu điều hòa hơn,..”(9). Sáng ngày 11/01/1960, trong không khí Tết trồng cây đầu tiên mừng Đảng, mừng Xuân, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng đồng bào Thủ đô đã trồng cây ở Công viên Hồ Bảy Mẫu. Người đã tự tay cầm xẻng, xúc đất vun cho một cây đa nhỏ. Trồng cây xong, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện thân mật với mọi người về lợi ích của việc trồng cây. Người nói đại ý rằng, mấy năm trước nơi đây còn là bãi rác, nhờ có lao động của mọi người mà nay cây đã lên xanh tốt. Ngày nghỉ, các cô, các chú dẫn con cái ra đây hóng mát, xem hoa, ngắm cây vui chơi. Đây chính là vườn hoa của các cô, các chú. Vậy chúng ta phải lao động cho thật tốt, ta làm cho ta và cho con cháu đời sau.Phong trào Tết trồng cây từ đó lan rộng trong nhân dân, trở thành một nếp sống mới, một phong tục, tập quán tốt đẹp trong nhân dân, một kế hoạch dài lâu cho Đảng và Nhà nước.
Trong những lần đi thăm các địa phương, cơ sở, trường học, Chủ tịch Hồ Chí Minh đều chú ý nhắc nhở về công tác bảo vệ môi trường và tuyên truyền, vận động mọi người tích cực trồng cây. Ngày 09/5/1961, nói chuyện với nhân dân đảo Cô Tô (Hải Ninh), nay thuộc tỉnh Quảng Ninh, Người nhấn mạnh: “Cần trồng nhiều cây ăn quả, cây lấy gỗ, cây ngăn gió. Trồng cây sẽ đưa lại cho nhân dân một nguồn lợi to, lại làm cho xứ sở ta thêm tươi đẹp” (10). Ngày 21/10/1964, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, trong bài nói chuyện cùng các thầy, cô giáo, học sinh và sinh viên của Nhà trường, Người thẳng thắn phê bình: “Lần trước đến thăm trường, Bác có nói hai điểm: Một là vệ sinh, hai là trồng cây. Vệ sinh ở đây còn kém! Về trồng cây, Bác bảo nên trồng nhiều cây. Nhưng hiện nay cây sống ít. Do là vì các cô, các chú tham trồng nhiều cây, nhưng không chăm bón cho tốt”. Cũng trong buổi nói chuyện này, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Trồng cây nào thì phải chăm bón cho tốt cây đó. Như thế, hơn là tham trồng nhiều mà kết quả ít… Đã hứa với Bác thì phải làm, làm thì phải có tổ chức. Vệ sinh cũng như trồng cây, có tổ chức thì nhất định làm được tốt” (11).
Bác Hồ trồng cây đa tại xã Vật Lại, Ba Vì, Hà Tây (nay là Hà Nội) ngày 16/02/1969. Ảnh: Internet
Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ nêu rõ giá trị của việc trồng cây, gây rừng mà Người còn chỉ rõ những hậu quả và thiệt hại khi chặt phá rừng bừa bãi, khai thác không hợp lý. Người đã thẳng thắn phê bình, nhắc nhở: “Bác đi qua nhiều nơi thấy rừng bị phá rất nhiều. Những cây gỗ to, cao chặt để đốt hay để cho nó mục nát, không khác gì đồng bào tự mình đem tiền bạc của mình bỏ xuống sông. Có đúng không? Sau này đường xá tốt, bến sông làm tốt, đưa gỗ ấy về xuôi bán, hay bán ra nước ngoài, đó là của đồng bào đấy….Phải giữ gìn rừng cho tốt. 5 năm, 10 năm nữa, rừng là vàng là bạc, là máy móc cả”(12). Trong bức thư đề ngày 11/4/1964 gửi Đại hội Hợp tác xã và Đội sản xuất nông nghiệp tiên tiến miền núi và trung du, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Hợp tác xã nào cũng phải có kế hoạch trồng rừng và tích cực bảo vệ rừng. Nếu rừng kiệt thì không còn gỗ và mất nguồn nước thì ruộng nương mất màu, gây ra lụt lội và hạn hán. Vì vậy đồng bào miền núi và trung du cũng như đồng bào miền xuôi lên tham gia phát triển kinh tế ở đây phải bảo vệ rừng như bảo vệ nhà cửa của mình”(13).
Ngay cả đến giờ phút sắp đi xa, trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng không quên nhắc nhở nhân dân ta phải tiếp tục công việc trồng cây gây rừng: “Nên có kế hoạch trồng cây trên đồi. Ai đến thăm thì trồng một cây làm kỷ niệm. Trồng cây nào phải tốt cây ấy. Lâu ngày, cây nhiều thành rừng, sẽ tốt cho phong cảnh và lợi cho nông nghiệp”(14).
Thứ ba, Chủ tịch Hồ Chí Minh lên án mạnh mẽ cuộc chiến tranh xâm lược thuộc địa của các nước đế quốc không chỉ gây đau thương, mất mát mà còn vơ vét tài nguyên thiên nhiên, tàn phá và hủy hoại môi trường ở các nước thuộc địa
Trong bài “Chế độ thực dân” đăng trên báo L’Humanité ngày 05/02/1923, Người viết: “Người ta không bao giờ muốn nói xâm chiếm thuộc địa là việc đốt nhà, tàn sát hay cướp bóc; và cũng không muốn nói đó là việc làm cho kiệt quệ một đất nước chỉ mong muốn được phát triển. Mà đó là triệt hạ sự sống của một vùng khi đặt nó vào tay một vài ông lớn chứ không phải để cho dân chúng canh tác trên mảnh đất đó” (1). Đây được coi như là “đòn” tố cáo sâu sắc, mạnh mẽ tội ác của Đế quốc Pháp, họ khai thác kiệt quệ tài nguyên thiên nhiên, triệt hạ sự sống ở thuộc địa. Đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Tài nguyên thiên nhiên của các nước thuộc địa đủ để họ thế chấp các khoản vay nợ; các thuộc địa có thể giúp nước Pháp, nhưng thực tế họ lại là nạn nhân…” (2).
Đối với đế quốc Mỹ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đưa ra những bằng chứng đanh thép về tội ác của họ gây ra đối với con người và thiên nhiên ở Việt Nam. Trong thư gửiTổng thống Mỹ Giônxơn, đăng trên Báo Nhân dân, số 4730 ngày 22/3/1967, Người viết: “Ở miền Nam Việt Nam, nửa triệu quân Mỹ và quân chư hầu dùng những vũ khí tàn ác nhất và những thủ đoạn chiến tranh dã man nhất, kể cả bom napan, chất độc hóa học và hơi độc, để giết hại hàng loạt đồng bào chúng tôi, phá hoại mùa màng, triệt hạ làng mạc…” (3). Hậu quả mà đế quốc Mỹ gây ra khiến nhiều thế hệ người Việt Nam phải gánh chịu cho đến ngày nay và nhiều năm về sau.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi xa nhưng quan điểm của Người về bảo vệ môi trường vẫn còn nguyên giá trị. Học tập, làm theo tư tưởng Hồ Chí Minh về bảo vệ môi trường chính là bảo vệ sự phát triển bền vững của chúng ta.
2. Trách nhiệm của mỗi cá nhân trong bảo vệ môi trường
Ở Việt Nam hiện nay, dưới tác động mạnh mẽ của các hoạt động sản xuất và sinh hoạt của con người, tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng trầm trọng, đe dọa trực tiếp đến cuộc sống của con người và các loài sinh vật. Hiện tượng lũ lụt, hạn hán ngày càng gia tăng, hay mới đây nhất là hiện tượng cá chết hàng loạt ở các tỉnh ven biển miền Trung, ở sông Bưởi (Thanh Hóa),… là những minh chứng cụ thể về vấn nạn ô nhiễm môi trường. Bảo vệ môi trường là vấn đề cấp bách hơn bao giờ hết. Đó là trách nhiệm của tất cả các ngành, các cấp, của toàn thể nhân dân, nhưng cơ bản nhất là trách nhiệm của mỗi cá nhân trong xã hội:
Thứ nhất, mỗi cá nhân phải nhận thức được vai trò đặc biệt quan trọng của môi trường, coi môi trường là sự sống còn của chính mỗi người, của đất nước, của các thế hệ con cháu tương lai.
Mọi người cùng chung tay bảo vệ môi trường. Ảnh: Internet
Thứ hai, đổi mới tư duy về trách nhiệm bảo vệ môi trường, phải thực sự coi bảo vệ môi trường là trách nhiệm của từng cá nhân cụ thể được đặt trong trách nhiệm chung của cả cộng đồng.
Thứ ba, bảo vệ môi trường thông qua những hành động nhỏ nhất như:
- Trồng nhiều cây xanh xung quanh nơi ở, nơi làm việc và nơi sinh hoạt cộng đồng; có ý thức chăm sóc, giữ gìn và bảo vệ cây xanh;
- Xây dựng môi trường sống trong sạch, lành mạnh, ăn ở hợp vệ sinh như: Để rác đúng nơi quy định, thường xuyên vệ sinh sạch sẽ nơi ở, nơi làm việc, nơi sinh hoạt đông người…;
- Tích cực sử dụng các vật dụng thân thiện với môi trường, dễ phân hủy, hạn chế sử dụng các đồ dùng bằng kim loại, nhựa, túi nilon;
- Sử dụng hợp lý, tiết kiệm các nguồn năng lượng và tài nguyên: Trong gia đình, hay công sở, chỉ sử dụng các thiết bị điện thật cần thiết, không quên tắt các thiết bị điện không cần sử dụng khi ra khỏi nhà và phòng làm việc; tắt máy phương tiện tham gia giao thông khi chờ đèn đỏ,…
Cuối cùng, mỗi cá nhân cần tích cực tuyên truyền về vai trò đặc biệt quan trọng của môi trường; vận động người thân, gia đình, bạn bè, đồng nghiệp cùng tham gia bảo vệ môi trường./.
ThS. Hoàng Thị Thu Hiền, ThS. Hà Công Hải